GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

An Nhơn: Lễ Tưởng niệm lần thứ 05 cố Hòa thượng Giác Tần và  Khánh thành Bảo tháp Liên Hoa tại tịnh xá Ngọc Duyên

Sáng ngày 31/10/2023 (nhằm ngày 17 tháng 9 năm Quý Mão), để tưởng nhớ cố Hòa thượng Ân sư Thích Giác Tần - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Trị sự Trưởng Giáo đoàn III viên tịch. Nhân Lễ Tưởng niệm lần thứ 05 của Ngài,  môn đồ đệ tử đã trang nghiêm làm Lễ khánh tạ Bảo Tháp Liên Hoa hoàn thành tâm nguyện Ngài lúc sanh tiền.

 

 

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có: HT. Giác Phùng – GPHP, Trị sự phó Thường trực Giáo đoàn III; HT. Giác Trong – GPHP, Trị sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III; HT. Giác Trí – Chứng minh BTS GHPGVN huyện Tuy Phước, GPHP, Trị sự phó kiêm Trưởng ban GDTN Giáo đoàn III; HT. Giác Minh – GPHP, Trị sự phó kiêm Trưởng ban Nghi lễ, Phó ban Tăng sự Giáo đoàn III; HT. Giác Tiến - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh ĐắkLắk, GPHP, Trị sự phó kiêm Trưởng ban Kiểm soát Giáo đoàn III; HT. Giác Mạnh – Chứng minh BTS GHPGVN thị xã Hoài Nhơn, Giáo phẩm Giáo đoàn II; TT. Giác Duyên - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Tôn giáo thuộc viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Phân ban Phật tử Dân tộc thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Giảng viên HVPGVN tại TPHCM, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia lai, Phó Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Gia Lai, Chánh Thư ký Giáo đoàn III; TT. Giác Hạnh – Trưởng ban TTXH Giáo đoàn III; TT. Giác Hiền – Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Gia Lai, Phó ban KTTC Giáo đoàn III; TT. Giác Viễn - Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. Phan Thiết, Giáo phẩm Giáo đoàn III; TT. Giác Trực – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, GPHP, Tri sự phó Giáo đoàn II; TT. Giác Tài – Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Phó Ban Trị sự GHPGVN huyện Cam Lâm; TT. Giác Nhường – Phó ban TTTT Trung ương, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắc Nông, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Gia Nghĩa, Giảng viên HVPGVN TP. HCM, Phó Thư ký Giáo đoàn III; TT. Giác Tri - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Phó Ban trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn, Giáo thọ Trường TCPH tỉnh Bình Định; NT. Hiệp Liên – Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III; NT. Cảnh Liên – Phó ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III; NT. Liên Liên – Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định.

 

 

Về phía chính quyền có: Ông Hồ Quang Thơm – Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Bình Định; Ông Nguyễn Dũng – Trưởng phòng PA02 công an tỉnh; Ông Mai Xuân Tiến – Phó Chủ tịch UBND thị xã; Ông Trịnh Quang Huy – Phó Trưởng phòng Phòng Nôi vụ thị xã; Ông Trần Đình Sang - Phó đội trưởng An ninh Công an thị xã; Ông Huỳnh Huy Phùng - Đội An ninh Công an thị xã; Ông Phan Thanh Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường; Ông Đoàn Ngọc Bình – Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường; Ông Cao Minh Tuấn – Chủ tịch UBMTTQVN phường; gần 500 thiện nam tín nữ Phật tử xa gần đồng về tham dự.

 

 

Mở đầu buổi lễ, Thượng tọa Giác Viễn thay mặt Ban tổ chức tuyên đọc Diễn văn Khai mạc lễ tưởng niệm cố Hoà thượng Thích Giác Tần 05 năm viên tịch và Lễ lạc thành Bảo Tháp Liên Hoa. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, tri ân báo ân đã được đức Thế Tôn dạy từ ngàn xưa, cho đến hôm nay tinh thần cao quý ấy trở thành nếp sống thuần tuý, gắn liền với người con Phật nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Như trong kinh Tăng Chi, Phật dạy cho nhóm 500 người thanh niên về lòng tri ân, báo ân là một trong năm sự kiện hy hữu khó tìm ở đời: “Này các thanh niên, sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khó tìm được ở đời. Hạng người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người biết ơn, và nhớ ơn khó tìm được ở đời.” Để tiếp nối hạnh nguyện cao quý của Cố Hoà thượng vì chúng sanh an lạc, Đại đức Giác Phước được giao trách nhiệm giữ gìn ngôi Tam bảo và hướng dẫn hàng Phật tử cận sự, cũng như người hữu duyên tìm hiểu, học hỏi Phật pháp nhằm ứng dụng vào đời sống được hạnh phúc, an lạc lâu dài. Chính vì sự hưng thịnh của ngôi Tam bảo, vì nhu cầu sinh hoạt, phục vụ nhân sinh nên Đại đức đã kiến tạo Bảo tháp Liên Hoa tôn trí xá lợi đức Phật cho mọi người chiêm bái, đảnh lễ phát khởi thêm lòng tin sâu sắc về đức Thế Tôn, về giáo pháp mà Ngài giảng dạy. 

 

 

Tiếp đến, Hòa thượng Giác Trong cung tuyên Tiểu sử cố Hòa thượng Giác Tần. Theo tiểu sử, Cố Hoà thượng Giác Tần, thế danh Trần Văn Dần, sinh mùng 3 tháng 5 năm Canh Dần (1950), tại thôn Xuân Hoà, xã Hoà Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình hai trai, hai gái. Thân phụ của Ngài là cụ ông Trần Quyễn, và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dĩ. Xuất thân trong gia đình đạo đức hiền lành nên từ nhỏ Ngài hiếu thảo, ngoan ngoãn, lễ phép, đặc biệt là lòng từ ái thương người mến vật vốn có sẵn nơi Ngài tự bao giờ. Năm lên năm tuổi, cha mất sớm, thân mẫu vất vả một nắng hai sương nuôi dạy anh em Ngài khôn lớn. Năm lên bảy tuổi, mẹ đưa Ngài đến trường học chữ. Ngài siêng năng học tập và học hết chương trình Tiểu học thời bấy giờ, song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngài thôi học, ở nhà phụ giúp gia đình. Ngày 29 tháng 3 năm 1968, tại Tịnh xá Ngọc Tòng, Lương Sơn, Nha Trang, Khánh Hoà, Ngài được Đức Thầy Giác An xuống tóc chính thức bước vào nhà đạo, có pháp danh Huệ Học. Năm 1970, vào ngày Rằm tháng Bảy, trong Lễ Tự tứ – Vu lan bồn diễn ra ở Tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận), Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di và ban pháp danh Giác Tần. Rằm tháng 7 năm 1974, tại Tịnh xá Ngọc Hoà (Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định), Ngài được Hoà thượng Giác Dũng đỡ đầu và Trưởng lão Giác Phải truyền giới Cụ túc. Ngài nhận lãnh Y Bát và thực hiện sứ mệnh của một hành giả Khất sĩ thượng cầu hạ hoá từ đây. Quy luật đến đi, còn mất trong vũ trụ này muôn đời vẫn vậy. Kể từ ngày 17 tháng 11 năm Đinh Dậu (2017), bệnh tình trở nặng dần, vào lúc 20 giờ 10 phút ngày mùng 3 tháng Giêng năm Mậu Tuất (nhằm 18/2/2018), Ngài đã thâu thần thị tịch, trụ thế: 69 năm, hạ lạp: 44 năm.

Hoà thượng là tấm gương sáng về hạnh nguyện vị tha ly xả, khiêm cung tuỳ hỷ, nhẫn nhục tinh tấn, từ bi hiếu thảo. Tấm gương ấy luôn soi sáng trong tâm mỗi người, luôn nhắc nhở, khuyến tấn tất cả chúng sinh trong cõi tạm này hành theo, để chuyển hoá tự thân, tạo niềm an vui hạnh phúc cho chính mình và nhân quần xã hội trong hiện tại và mai sau.

Sau đó, đại diện môn đồ đệ tử, Đại đức Giác Phước dâng lời tưởng niệm lần thứ 05 Hòa thượng Ân sư và thành quả công trình xây dựng Bảo tháp Liên Hoa. Hòa thượng Ân sư đã vun trồng giống Thích tử hoằng truyền đạo Pháp, tiếp dẫn hậu lai, ban rãi ánh sáng từ quang của đạo nhiệm mầu đến khắp nơi nơi, theo như tinh thần đức Phật khuyến tấn chư đệ tử trong Kinh Đại Bổn - Trường Bộ Kinh: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” Ngày nay, đệ tử chúng con được trượng thừa công đức của Ân sư mà sách tấn tu hành và vững bước trên đường đạo gặp nhiều duyên lành thù thắng. Chúng con được nghe Tổ Quy Sơn đã dạy: Sinh ra ta tạo cho ta nên vóc hình ấy là công ơn của cha mẹ, còn sinh ra giới thân huệ mạng, biết đi theo lẽ phải đường ngay, tránh ác làm lành, tu hành giác ngộ, giải thoát đó là công đức của Ân sư, nên ơn tế độ một đời nên thân huệ mạng, rõ đạo màu trí huệ tâm khai. Công đức ấy sánh bằng non Thái và mãi mãi ngàn sau muôn kiếp khó đáp đền.

 

 

Thực hiện di huấn lúc sinh thời của Cố Hoà thượng, muốn tạo ngôi Bảo tháp trong khuôn viên tịnh xá. Cho nên cuối năm 2019, Đại đức Giác Phước – trụ trì tịnh xá Ngọc Duyên làm lễ đặt đá khởi công xây dựng Bảo tháp Liên Hoa với mô hình tứ giác, gồm có 7 tầng, diện tích xây dựng: 70,56 m2, cao 26 m là nơi tôn thờ Đức Phật Bổn sư, Đức Tổ sư, Đức Thầy, chư Tôn túc Trưởng Giáo đoàn và Hòa thượng Ân sư. Lễ đặt đá dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Ban Trị sự tỉnh, chư Tôn đức chứng minh lãnh đạo Hệ phái, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn III và nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các anh em kỷ sư xây dựng, cũng như sự phát tâm hỷ cúng của quý Phật tử gần xa từ tịnh tài, vật liệu xây dựng: Cát đá, xi măng, sắt thép, gạch, ngói, … nên Bảo Tháp sớm hoàn thành như tâm nguyện. Tổng kinh phí xây dựng 03 tỷ đồng

Trong buổi Lễ, Ban Tổ Chức đã nhận được rất nhiều phần quà, lẵng hoa chúc mừng của các tự viện, tịnh xá trong và ngoài tỉnh, đại diện các ban ngành và các nhà mạnh thường quân.

 

 

 

Hòa thượng Giác Trí, Trị sự phó Giáo đoàn III đã ban đạo từ tán thán công đức của Đại đức trụ trì cùng chư thiện nam tín nữ Phật tử tịnh xá đã bỏ nhiều công sức, tịnh tài, tịnh vật xây dựng Bảo tháp Liên Hoa, mặc dù mới đầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19 nhưng cố gắng chung tay đã hoàn thành tâm nguyện Thầy tổ, góp phần cho ngôi phạm vũ Ngọc Duyên được trang nghiêm, huy hoàng như hôm nay.

Tiếp đến cung thỉnh chư Tôn đức và Đại biểu Chính quyền quang lâm trước Bảo tháp, cắt băng khánh thành và thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm lần thứ 05 Hòa thượng Giác Tần viên tịch. Kết thúc phần hành chánh, thay mặt cho Ban Tổ chức lễ, Đại đức trụ trì dâng lời cảm tạ đến quý chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và cảm ơn chân thành đến cơ quan ban ngành các cấp và địa phương, quý quan khách, Phật tử.

Cuối cùng, thiện nam tín nữ Phật tử thiết lễ cúng dường trai Tăng, cầu quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thới, thế giới được hoà bình, nhân dân an lạc.

Một số hình ảnh buổi lễ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giác Phước/Ban TT-TT PG Bình Định

Lên đầu trang