GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

An Nhơn: Lễ Tưởng niệm lần thứ 4 ngày Hoà thượng Giác Tần viên tịch.

Ngày 03/02/2022 nhằm mùng 03/tháng Giêng/ Nhâm Dần, môn đồ Pháp quyến thiết lễ Tưởng niệm lần thứ 4 ngày Hoà thượng Giác Tần, Giáo phẩm Hệ phái, chứng minh BTS GHPGVN thị xã An Nhơn, Trị sự  trưởng Giáo đoàn III Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Duyên viên tịch.

Quang lâm chứng minh và tham dự có: HT. Giác Trí, Trị sự phó kiêm Trưởng ban GDTN Giáo đoàn III; HT. Giác Minh, Tri sự phó Giáo đoàn II; TT. Giác Trực, Uỷ viên BTS GHPGVN tỉnh, Giáo phẩm Giáo đoàn II; ĐĐ. Giác Tri, Uỷ viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, Phó Trưởng BTS GHPGVN thành phố Quy Nhơn, Phó Thư ký Giáo đoàn III; NS. Thích nữ Thanh Liên, Uỷ viên BTS GHPGVN thành phố Quy Nhơn; chư Tôn đức Tăng, Ni trụ trì, trụ xứ các miền Tịnh xá trong tỉnh về tham dự.

Đối trước chư Tôn Giáo phẩm, môn đồ Pháp quyến tác pháp cung thỉnh quang lâm lễ đường chứng minh và cử hành lễ Tưởng niệm. ĐĐ. Giác Tri cung tuyên tiểu sử cố HT. Giác Tần. Theo đó, Cố Hoà thượng Thích Giác Tần, thế danh Trần Văn Dần, sinh mùng 3 tháng 5 năm Canh Dần (1950), tại thôn Xuân Hoà, xã Hoà Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình hai trai, hai gái. Thân phụ của Ngài là cụ ông Trần Quyển, và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dĩ.

Xuất thân trong gia đình đạo đức hiền lành nên từ nhỏ Ngài hiếu thảo, ngoan ngoãn, lễ phép, đặc biệt là lòng từ ái thương người mến vật vốn có sẵn nơi Ngài tự bao giờ. Năm lên năm tuổi, cha mất sớm, thân mẫu vất vả một nắng hai sương nuôi dạy anh em Ngài khôn lớn. Năm lên bảy tuổi, mẹ đưa Ngài đến trường học chữ. Ngài siêng năng học tập và học hết chương trình Tiểu học thời bấy giờ. Song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngài thôi học, ở nhà phụ giúp gia đình.

Ngày 29 tháng 3 năm 1968, tại Tịnh xá Ngọc Tòng, Lương Sơn, Nha Trang, Khánh Hoà, Ngài được Đức Thầy Giác An xuống tóc chính thức bước vào nhà đạo, có pháp danh Huệ Học.

Năm 1970, vào ngày Rằm tháng Bảy, trong Lễ Tự tứ - Vu lan bồn diễn ra ở Tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di và ban pháp danh Giác Tần. 

Thọ giới Sa-di mới được một năm, vào năm sau (1971) Lễ Tự tứ - Vu lan bồn năm 1971 ở Tịnh xá Ngọc Cát, Đức Thầy viên tịch để lại niềm kính tiếc khôn nguôi trong hàng tứ chúng và nhất là đối với chú đệ tử Sa-di sau cùng:

“… Rồi năm nay, năm Đức Thầy,

Về đây hoá đạo, quảy dép về Tây.

Giữa vòng tứ chúng bao vây,

Tiếng thương vọng chín tầng mây rơi sầu…”

Rằm tháng 7 năm 1974, tại Tịnh xá Ngọc Hoà (Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định), Ngài được Hoà thượng Giác Dũng đỡ đầu và Trưởng lão Giác Phải truyền giới Cụ túc. Ngài nhận lãnh Y Bát và thực hiện sứ mệnh của một hành giả Khất sĩ thượng cầu hạ hóa từ đây. 

Quy luật đến đi, còn mất trong vũ trụ này muôn đời vẫn vậy. Kể từ ngày 17 tháng 11 năm Đinh Dậu (2017), bệnh tình trở nặng dần, và lúc 20 giờ 10 phút ngày mùng 3 tháng Giêng năm Mậu Tuất (nhằm 18/2/2018), Ngài đã thâu thần thị tịch, trụ thế: 69 năm, hạ lạp: 44 năm.

Pháp danh của Ngài quả thật ứng hợp với câu:

“GIÁC NGỘ HUYỄN TRẦN, TÂM BI LỚN,  DANG TAY TẾ ĐỘ

TẦN VIÊN ĐẠI NGUYỆN, HỶ XẢ ĐẦY, ỨNG XỬ TỪ NGHIÊM”.

Sau đó, HT. Giác Trí chứng minh lễ Tưởng niệm, ban lời đạo từ chia sẻ Phật pháp ngang qua đề tài “Tưởng niệm và cầu nguyện”, thể hiện lòng tri ân và báo ân đến với Cố Hoà thượng cả một đời phụng sự đạo pháp và nhân sinh.

Hình ảnh ghi nhận:

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban TT-TT PG Bình Định

Lên đầu trang