GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Ban Thường trực BTS tỉnh họp thường kỳ.

Sáng ngày 05.09.2018 (26.7. Mậu Tuất) Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định họp thường kỳ nhằm báo cáo kết quả Hội thảo Khoa học  “Phật giáo và Văn học Bình Định: Thành tựu và Giá trị”; Thảo luận kế hoạch biên soạn lịch sử Phật giáo Bình Định và một số Phật sự quan trọng khác. Cuộc họp diễn ra tại Văn phòng Ban Trị sự, 114 Tăng Bạt Hổ, Tp. Quy Nhơn.

 

Chủ trì cuộc họp: HT.Thích Nguyên Phước, Uv.Thường trực HĐTS.GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định. Phát biểu khai mạc, Hòa thượng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong tình huynh đệ, tình thầy trò của Trường Trung cấp Phật học Bình Định và đặc biệt là sự cống hiến tâm lực trí lực cho công tác tổ chức Hội thảo từ trước, trong và đến khi kết thúc đều diễn ra hoàn chỉnh, trang nghiêm và thành công rực rỡ. Hôm nay, cuộc họp sẽ được nghe Đại đức Thích Đồng Thành báo cáo những thành quả của Hội thảo, sau đó chúng ta thảo luận kế hoạch biên soạn lịch sử Phât giáo Bình Định, đây là Phật sự quan trọng, là hoài bảo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định mong muốn được thực hiện từ nhiều năm qua. Hòa Thượng đề nghị chư Tôn đức nhất tâm yểm trợ và lên kế hoạch để triển khai việc biên soạn lịch sử Phật giáo Bình Định được hanh thông và thành tựu. 

 

Theo đó Đại đức Thích Đồng Thành báo cáo: Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo của chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cùng BGH. Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM và những đóng góp nhiệt tình của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, của những Phật tử hữu duyên, tất cả đã tạo nên những thành quả tốt đẹp của Hội thảo.

Về Kỷ yếu, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài viết có giá trị và chất lượng khoa học, đóng góp mới về Phật giáo và Văn học Bình Định, Ban Biên tập đã chon lọc và in hoàn thành 02 tập kỷ yếu trước ngày Khai mạc Hội thảo. Đây là cố gắng và là 1 trong những thành công rất lớn của Hội thảo. Về mặt đưa đón, lưu trú và phục vụ ẩm thực trong suốt 04 ngày diễn ra Hội thảo đã được quý Đại biểu đánh giá cao và rất hoan hỷ khen ngợi.

 

Hội thảo đã thiết trí 04 diễn đàn để thuyết trình các tham luận tiêu biểu gồm các chủ đề như: Phật giáo và danh Tăng Bình Định có 16 tham luận; Danh lam cổ tự và Di sản Hán Nôm Bình Định có 19 tham luận ; Văn học Phật giáo Bình Định có 20 tham luận; Văn học Bình Định có 14 tham luận. Đó là 04 nội dung chính của Hội thảo khoa học - Phật giáo và Văn học Bình Định kỳ này, đã được thể hiện trên 100 bài tham luận của chư Tôn Thiền đức Giáo thọ sư tại ba Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế và Tp. HCM; Trường TCPH Bình Định; Của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN như: Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Của các Thầy Cô giáo đang làm việc tại Trường ĐH. Khoa học Xã hội và Nhân văn và ĐH. Quốc gia Tp. HCM; Của các thầy cô Trường ĐH. Sư phạm Hà Nội, ĐH. Sư phạm Hà Nội 2, ĐH. Tân Trào, ĐH. Tây Bắc, ĐH. Khoa học Huế, Đà Nẵng, ĐH. Quy Nhơn, ĐH. Văn hóa Tp. HCM, ĐH. Sài Gòn, Trường Trung học Phổ thông... Nhìn chung các tham luận được thuyết trình và thảo luận tại 04 diễn đàn đều được đánh giá chất lượng nội dung và giá trị khoa học rất cao.

 

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ quan tâm tìm hiểu kỹ và sâu hơn, để chúng ta có một diện mạo đầy đủ về Phật giáo Bình Định. Vì trong một Hội thảo Khoa học thì không thể giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề, những nội dung mà BTC nêu ra. Bởi mục đích của HTKH lần này là tiền đề, là nền tảng để Trường Trung cấp Phật học Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Khoa Văn học của Trường Đại học KH-XH&NV TP.HCM sẽ tiến hành biên soạn công trình khoa học với quy mô lớn, đó là bộ Phật giáo Bình Định - Quá trình truyền thừa và phát triển.

 

Về kế hoạch soạn thảo lịch sử Phật giáo Bình Định đã được cuộc họp thảo luận và lên kế hoạch thỉnh mời Chủ biên, Ban Biên tập, các Nhà nghiên cứu lịch sử, bộ phận kiểm định nội dung và mời quý Ban Trị sự GHPGVN huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng tham gia biên tập để cung cấp tư liệu các Tự viện trong địa phương được đầy đủ. Cuộc họp cũng nhất trí việc bồi dưỡng nhuận bút để khích lệ tinh thần tác giả và các cộng tác viên. Dự kiến việc soạn thảo lịch sử Phật giáo Bình Định sẽ hoàn chỉnh vào cuối năm 2020.

 

Như thường lệ, văn phòng báo cáo các công văn đến và đi trong kỳ, đặc biệt là thông tư của HĐTS. TƯ về việc tham dự Khóa Sinh hoạt Hành chánh Giáo hội năm 2018, thời gian 03 ngày tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội. Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của Khóa Sinh hoạt HCGH kỳ này và đề nghị các vị có tên trong danh sách phải sắp xếp tham dự đông đủ và đúng thời gian quy định tại Thông tư.

 

Về chương trình từ thiện: Mổ mắt và điều trị sứt môi, hở hàm ếch cho bệnh nhân nghèo theo tinh thần thông báo của Ban TTXH tỉnh, TT.Thích Quảng Độ đề nghị quý Ban Trị sự GHPGVN huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh khẩn trương chốt danh sách gởi về văn phòng để Ban TTXH tổng hợp và tổ chức đưa bệnh nhân đi điều trị theo tinh thần của nhà tài trợ.

 

Cuộc họp kết thúc, HT.Thích Nguyên Phước tán thán công đức của Trường Trung cấp Phật học Bình Định, Ban Tổ chức Hội thảo cùng toàn thể Tăng, Ni sinh và Phật tử các tiểu ban đã nhiệt tình tham gia hỗ trợ cho Hội thảo được thành công tốt đẹp. Hòa thượng đúc kết các nội dung quan trọng và sau đó tuyên bố bế mạc cuộc họp vào lúc 10g00 cùng ngày.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiện Hải 

 

 

 

 

 

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang