22/12/2019 06:PM
Giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài luôn luôn là một trong những hoạt động Phật sự trọng yếu của GHPGVN. Phật sự đầu tiên sau khi thành lập GHPGVN năm 1981, Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận đã đề nghị Chính phủ về việc thành lập các trường đào tạo Phật giáo.
Ngay sau đó, trong năm 1981, Trường Cao cấp Phật học VN đã được thành lập tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Sau 35 năm, đến nay Giáo hội có 4 Học viện mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học VN: Học viện Phật giáo tại Hà Nội, tại Huế, tại TP.HCM và tại TP.Cần Thơ. Hệ cao đẳng Phật học có 8 cơ sở đào tạo lớp cao đẳng Phật học và cả nước hiện nay có 35 trường trung cấp Phật học. Hầu hết các tỉnh đều mở lớp sơ cấp Phật học.
TT.Thích Đức Thiện phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm Học viện Phật giáo VN - TP.HCM - Ảnh: V.Giang
Thành tựu nổi bật sau 38 năm của công tác đào tạo Tăng Ni là việc GHPGVN đã chủ động gửi các Tăng Ni sinh đi du học nước ngoài: Ấn Độ, Tích Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan… Đến nay đã có hàng trăm Tăng Ni tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ trong nhiều ban ngành Trung ương của GHPGVN. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Tăng Ni của Giáo hội.
Với đội ngũ giảng viên có trình độ ngang bằng các trường đại học trong nước và quốc tế, GHPGVN đã được Nhà nước cho phép đào tạo hệ cao học thạc sĩ, tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội và Học viện tại TP.HCM.
Mục tiêu trong thời gian tới của giáo dục Phật giáo là nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng Ni của GHPGVN.
Để thực hiện được mục tiêu đó, hệ thống các trường đào tạo, giáo dục Phật giáo trong cả nước cần tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản như sau:
Thứ nhất, thống nhất quản lý chương trình giáo dục đào tạo Phật giáo trong toàn hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội theo từng cấp học.
Mặc dù trong những nhiệm kỳ vừa qua, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, nay đổi tên thành Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã rất nỗ lực trong việc định hình khung chương trình thống nhất, biên soạn giáo trình, giáo án, tài liệu giảng dạy trong hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội từ sơ cấp Phật học, trung cấp Phật học, đến hệ đào tạo cử nhân Phật học tại các Học viện Phật giáo. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả cao và vẫn đang là nhiệm vụ cơ bản của Ban Giáo dục Phật giáo. Hoàn thành bộ sách giáo khoa chương trình thống nhất trong tất cả các trường hệ trung cấp Phật học trong cả nước. Đặt yêu cầu giáo trình, giáo án đối với các bộ môn tại các Học viện Phật giáo. Xây dựng khung chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Phật học chung cho các Học viện.
Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục Phật giáo. Đổi mới phương pháp giảng dạy, nhấn mạnh tính sư phạm, tính hệ thống, tính thống nhất trong giảng dạy các vấn đề Phật học. Quản lý chất lượng, chủ động nguồn nhân lực giảng sư ở các cấp học, đặc biệt các Học viện Phật giáo VN. Xây dựng thêm cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn quốc tế, tăng cường các trang thiết bị phục vụ việc giảng và dạy học, hệ thống ký túc xá cho Tăng Ni sinh, hệ thống thư viện Phật học đa ngôn ngữ, phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy Phật học có hiệu quả.
Thứ ba, đề cao quá trình tu tập trong quá trình đào tạo Phật học ở các cấp học. Các thầy giáo Phật học và Tăng, Ni sinh phải chú trọng sự thực tập đạo đức, thiền định, trí tuệ trong nội viện của các trường trung cấp, cao đẳng và các học viện Phật giáo VN trên toàn quốc. Cần coi trọng đạo hạnh, kỹ năng hoằng pháp, lý tưởng trụ trì trong việc phụng sự nhân sinh một cách hiệu quả là tiêu chuẩn chất lượng của việc đào tạo Phật học, chứ không dừng lại ở phương diện truyền trao và tiếp thu tri thức.
Cần chú trọng sự quản lý chất lượng đầu ra nhằm đào tạo những thế hệ Tăng Ni có đạo hạnh mô phạm, vừa uyên thâm về giáo lý Phật giáo, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa thâm nhập vào đời sống thực tiễn tu hành, và đủ khả năng để truyền tải Phật pháp ứng dụng giúp quảng đại quần chúng nhân dân và đồng bào Phật tử nhận thức đúng, hiểu sâu chân lý Phật, nhằm giải quyết các các vấn nạn thực tế đặt ra trong đời sống đương đại.
Với sự hoàn thành ba mục tiêu quan trọng nêu trên, tôi tin rằng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lãnh đạo sẽ tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa các thành quả đào tạo, học thuật, nghiên cứu, góp phần cung ứng nguồn nhân tài trọng yếu cho GHPGVN và các ban, ngành, viện Trung ương của Giáo hội.
Tôi tin tưởng rằng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM sớm trở thành trường đại học Phật giáo xứng tầm khu vực và trên thế giới như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng mong mỏi, khi ký chủ trương giao 23,8ha đất cho Học viện xây dựng cơ sở II tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh này.
TT.Thích Đức Thiện
(Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN)
(Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN)