GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử phụng sự đạo pháp và dân tộc

Bài phát biểu của Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ đề: “Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam một chặng đường lịch sử phụng sự đạo pháp và dân tộc” tại Hội thảo khoa học chủ đề: “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” được tổ chức tại Tổ đình Hội Khánh, tỉnh Bình Dương ngày 16/6/2020.

 

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự
 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHỤNG SỰ ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức 
Kính thưa Quý Đại biểu!
       
Hôm nay trên mảnh đất Xứ Thủ – Bình Dương, một trong những cái nôi của Phật giáo Miền Đông Nam Bộ, với tinh thần đoàn kết, hòa hợp đạo vị trong ngôi nhà chung GHPGVN. Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, một trong 9 tổ chức thành lập GHPGVN long trọng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Lịch sử hình thành Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương, Tổ đình Hội Khánh, Tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trước hết và trên hết thay mặt Trung ương GHPGVN và cá nhân, xin tán thán công đức Ban tổ chức hội thảo đã làm một việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tìm về cội nguồn các Hệ phái tổ chức Giáo hội, thành viên sáng lập GHPGVN, nhằm tri ân và tôn vinh các bậc lãnh đạo các thế hệ Giáo hội, tiền bối hữu công, đối với Đạo pháp và Dân tộc, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981.

Xin kính chúc chư Tôn lãnh đạo Giáo hội, chư vị khách quý cùng toàn thể đại biểu thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường như ý. Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính thưa Quý Đại biểu!
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do hợp nhất hai tổ chức (Lục Hòa Tăng Việt Nam và Hội Lục Hòa Phật tử) được thành lập vào đầu năm 1969 Giáo hội có bản Hiến chương gồm 20 điều và XII chương do HT. Thích Huệ Thành làm Tăng thống, HT. Thích Minh Đức làm Viện Trưởng Viện Hoằng Đạo. Tổ chức này là hậu thân của tổ chức  Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập vào tháng 2/1952 mãi đến 1957 mới chánh thức được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ nội vụ ký ngày 01/10/1957 do HT. Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”, Hội có điều lệ gồm 9 chương 44 điều do HT. Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, HT. Thích Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám. HT. Thích Minh Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám.

Qua từng giai đoạn lịch sử với các tên gọi khác nhau, cũng như có mối quan hệ mật thiết hay nói đúng hơn các vị lãnh đạo, tham gia tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng, Phật giáo Cổ Truyền đều là những vị sáng lập, tham gia vào các tổ chức Phật giáo trước đây như: Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ năm 1947 do các bậc tôn túc, tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành Nam bộ tập hợp tại chùa Thiền Kim (tức chùa Ô Môi, xã Mỹ Quới, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) để thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ và Bầu Ban Chấp Hành do HT. Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng, HT. Thích Huệ Thành, ông Commis Hai làm Phó Hội Trưởng, ông Minh Không làm Tổng Thư ký và quý Hòa thượng Bửu Ý, Huệ Phương, Pháp Dõng, Pháp Long, Pháp Tràng, Minh Tịnh… làm Ủy viên. Tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã thành lập vào khoảng 1922 tại Trường Hương, Tổ đình Giác Lâm, Gia Định do HT. Từ Văn (chùa Hội Khánh – Thủ Dầu Một) làm Chánh Chủ Kỳ khởi xướng, Trường Hương này có HT. Quảng Chơn (chùa Long Thạnh – Bình Trị Đông, Chợ Lớn) là Phó Chủ Kỳ, HT. Từ Phong (chùa Giác Hải – Chợ Lớn) làm chứng minh, HT. Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên – Gia Định) làm truyền giới sư và nhiều bậc Tôn đức khác tham gia trong ban chức sự Trường Hương.  Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với tên gọi khác nhau thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là những tấm gương sáng ngời về ý chí bất khuất và tinh thần bền bỉ tích cực trong các phong trào đấu tranh của Phật giáo chống lại các thế lực ngoại xâm, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Sự nghiệp đấu tranh cứu nước của toàn dân tộc thời cận hiện đại có sự đóng góp quý báu của Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, lịch sử đã phản ảnh một cách trung thực và chứng minh điều đó qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ vệ quốc của dân tộc, chỉ tính từ sau ngày Cách mạng tháng 8, trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1975, Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam qua các thời kỳ đã có nhiều vị bị tra tấn tù đày như: HT. Thành Đạo,  HT. Minh Nguyệt bị chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ bắt đày ra Côn Đảo, HT. Thiện Nghị, HT. Pháp Dõng, Huệ Trí, Minh Giác,… HT. Thiện Hào, Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử bị bố ráp ráo riết phải vào vùng kháng chiến và tham gia vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; nhiều chùa chiền, am cốc, tự viện thuộc hệ phái bị thiêu hủy tàn phá rất nhiều, đặc biệt vào năm 1963 HT. Thiện Hào với tư cách đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng – Hội Trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử tuyên bố trên đài tiếng nói Bắc Kinh lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp dã man các phong trào yêu nước của Đồng bào Miền Nam và phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Miền Nam. Và từ đấy Tổ chức Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chánh quyền Ngô Đình Diệm, đây là những bằng chứng sinh động và thuyết phục nhất về sự đóng góp, hy sinh cống hiến của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của toàn dân tộc.

Hòa thượng Chủ tịch tặng bức khánh vàng

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, trước khi hoàn thành sứ mạng lịch sử cao cả của mình, các bậc Tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như quý HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Thiện Hào, HT. Thích Huệ Thành, HT. Thích Bửu Ý và nhiều vị Tôn túc thuộc Phật giáo Cổ truyền tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà bằng việc tham gia thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước các tỉnh, thành. Tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam do HT. Thích Trí Thủ – Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVN TN làm Trưởng Ban, đặc biệt trong 9 tổ chức hệ phái tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam có đến hai thành viên tích cực tham gia, đó là Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM do HT.  Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Thiện Hào đứng đầu và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do HT. Thích Bửu Ý, HT. Thích Trí Tấn đứng đầu, đồng thời tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1981, nhiều vị cao Tăng tiêu biểu của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đã được suy cử vào các chức vụ quan trọng của GHPGVN, như quý HT. Thích Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội cứu quốc Nam bộ, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TPHCM) được suy tôn làm Phó Pháp Chủ thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; HT. Thích Huệ Thành (Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; HT. Thích Bửu Ý (Viện Trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Thiện Hào (Tổng Thư ký Hội Lục Hòa Tăng- Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử) được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Trí Tấn (Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng) được suy tôn vào hàng Giáo phẩm của Hội đồng Chứng minh, Ủy viên HĐTS; HT. Thích Trí Tâm – Tổng Thư ký Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được suy cử làm Ủy viên HĐTS. Thời bấy giờ gần như hầu hết chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đều được suy cử vào các vị trí trọng yếu của GHPGVN và địa phương ngay từ những ngày đầu thành lập GHPGVN, điều này khẳng định vai trò và vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh cứu nước, trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo, xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN là rất đáng ghi nhận trân trọng.
       
Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng nhau làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc, mà ở đó mỗi sự kiện trọng đại của đất nước và của Phật giáo đều hiện hữu những bước chân gắn bó đồng hành dạt dào lòng yêu nước và tận tụy hy sinh gian khổ của các bậc tiền bối Tăng già, qua đó sẽ đóng góp vào kho tàng văn hóa và lịch sử Phật giáo nước nhà nguồn tư liệu giá trị về truyền thống yêu nước và tinh thần nhập thế độ sanh của Phật giáo Việt Nam, chính vì vậy tại Hội thảo lần này, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, phân tích để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp quý báu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cho sự nghiệp xương minh Phật pháp, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nêu cao tinh thần “Hộ Quốc An Dân, Tốt Đời Đẹp Đạo” nhất là trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước tiến đến thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 và phát triển liên tục đồng hành cùng dân tộc trong gần 40 năm qua, từ đó nêu bật lên vai trò và vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đối với đạo pháp và dân tộc trong một thời kỳ lịch sử thống nhất tổ quốc, thống nhất Phật giáo Việt Nam.

 

Quang cảnh Hội thảo

Lịch sử cội nguồn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cho chúng ta thấy, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam và các tổ chức tiền thân cũng như có mối quan hệ mật thiết đều là tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, quy tụ nhiều bậc cao Tăng thạc đức, tinh thông Phật pháp mà hành trạng dấn thân cứu nước cũng như quá trình tu chứng điển hình như Tổ Huệ Đăng, như Hòa thượng Thiền sư Minh Tịnh là những minh chứng thuyết phục chân lý “Nếu không liễu ngộ Phật pháp, không phát bồ đề tâm cứu khổ chúng sanh và đền ơn quốc chủ, thì sẽ không thể nào hoàn thành trọng trách thiêng liêng cao cả đối với đạo pháp và dân tộc”.

Ngày nay, có thể một bộ phận Tăng Ni trẻ chưa có được nhiều thông tin về một tổ chức Phật giáo có truyền thống yêu nước với bề dày cống hiến cho đạo pháp và dân tộc mang tên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, song có điều rất đáng vui mừng phấn khởi, đó là chư Tăng vốn xuất thân từ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong thời đại ngày nay đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần công sức đáng kể vào sự nghiệp xương minh Phật pháp, chung tay xây dựng ngôi nhà GHPGVN ngày càng phát triển vững mạnh, tôi thiết nghĩ có được kết quả khả quan này đó là nhờ hàng hậu học biết kế thừa và phát huy những truyền thống cao quý của các bậc tiền nhân; một trong những truyền thống tốt đẹp đó chính là tinh thần tri ân, báo ân, noi gương các bậc tiền nhân trên bước đường tu hành giác ngộ giải thoát và nhập thế độ sanh, qua Hội thảo lần này, hàng hậu bối của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã nói lên trọn vẹn tư tưởng nhân văn sâu sắc đó và sẽ được tiếp tục kế thừa và phát huy mãi mãi.

Một lần nữa tôi xin thay mặt GHPGVN bày tỏ tinh thần phấn khởi vui mừng được cùng chư Tôn đức trong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và quý vị đại biểu ôn lại một chặng đường lịch sử cam go gian khổ nhưng cũng rất tự hào vinh quang của dân tộc và của Phật giáo nước nhà, niềm tự hào và vinh quang đó chính là những cống hiến to lớn mang ý nghĩa lịch sử của chư Tôn đức trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, thành viên sáng lập GHPGVN
  
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin chân thành cảm ơn.

HT. Thích Thiện Nhơn

Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nguồn: phatsuonline.vn

 

 

Lên đầu trang