GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Giữ giới và phước đức

Hỏi: 

Người phạm hay khuyết giới làm việc thiện và người giữ giới làm việc thiện thì phước đức khác nhau thế nào?

(HUỆ TRÍ, lehuynh...@gmail.com)

Đáp:

Bạn Huệ Trí thân mến!

Làm việc thiện dĩ nhiên là có phước đức. Giữ giới cũng là phương cách bảo tồn và tạo ra phước đức. Tổng quan thì người giữ giới mà làm được việc thiện thì tuyệt vời, phước đức nhiều hơn. Và người khuyết hay phạm giới làm việc thiện thì vẫn hơn người tương tự mà chẳng làm được việc thiện nào cả.

Còn về chi tiết, hiện chúng tôi chưa tìm được đoạn kinh nào nói cụ thể. Có một bản kinh trong Tăng chi bộ có thể giúp chúng ta liên hệ, so sánh: “Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua cùng năm trăm thiếu nữ hộ tống, đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai vị ấy được sanh lên cõi trời hoặc sanh lại cõi người thì giữa hai vị ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

- Có sự sai biệt, này Sumanà!

- Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí về năm phương diện này” (Kinh Tăng chi bộ, chư?ng 5, ph?m Suman?, ph?n Con g?i ơng 5, phẩm Sumanà, phần Con gái vua).

Đoạn kinh này nói về hai người đều có giới, người có bố thí thì phước báo đầy đủ hơn. Từ đây ta có thể suy luận hai người đều bố thí thì người có giới phước đức sẽ thù thắng hơn.

Mặt khác, chính sự giữ giới là phước đức. Đây là điều mà một số người chưa nhận ra, chỉ nghĩ rằng giữ giới tạo ra nhân cách đạo đức tốt đẹp và làm nền tảng an tịnh cho thiền định. Giữ giới còn giúp bảo tồn nguồn phước, phước đức không bị tổn giảm mà còn tăng thêm.

Người khuyết giới hay phạm giới làm việc thiện cần phải xem xét cụ thể mức độ tương quan giữa phạm giới và làm thiện để biết phước đức của họ. Nếu phạm giới ít (khuyết giới) mà làm thiện nhiều thì phước đức vẫn còn vài phần. Ngược lại nếu phạm giới nhiều mà làm thiện ít thì phước đức không còn, thậm chí bị âm.

Quan sát thực tiễn cuộc sống chúng ta dễ dàng nhận ra một số người hay làm việc thiện nhưng sau một thời gian thì sụp đổ hoàn toàn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chắc chắn là phước đức của họ bị suy giảm nên mới dẫn đến sụp đổ. Làm thiện thì có phước nhưng không quan tâm đến phương diện tổn phước do khuyết và phạm giới nên phước tạo ra không bù được phần phước mất đi dẫn đến thất bại trong cuộc sống.

Vì thế ai làm thiện thì tán thán, noi gương nhưng làm thiện cần song hành với giữ giới thì phước đức mới viên mãn. Ngược lại, ai làm thiện mà khuyết hay phạm giới thì cần tu tỉnh, không nên chủ quan về việc thiện đã làm. Nhân quả luôn rõ ràng, phước đức phải nhiều hơn lầm lỗi mới mong bình an, thịnh vượng lâu dài.

Đức Phật có dạy, người giữ giới được năm điều lợi ích: “1-Do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn. 2-Tiếng tốt lành được đồn xa. 3-Đi đến các hội chúng không e dè, sợ hãi. 4-Khi chết không có si ám. 5-Khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này” (Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết). Phước đức nâng đỡ bản thân, gia đình và cả thế gian. Căn bản của phước đức là giữ giới và làm thiện. Giữ giới để bảo tồn phước cũ, làm thiện để tăng trưởng phước mới. Hai phương diện này phải song hành. Khi chưa đủ duyên làm nhiều việc thiện thì hãy cố gắng giữ giới.

 

Chúc bạn tinh tấn!

Lên đầu trang