16/08/2018 07:AM
Trong kinh Phật có nói rằng: "Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên", dù tu đạo nào, dù có học hay không học, hiếu là gốc, hiếu là trên trước, hiếu là tất cả. Là con người thì phải trọn đạo hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Trong tất cả các ân nghĩa, có thể nói lớn lao nhất là ân nghĩa cha mẹ.
Người phật tử phải có tâm chân thành, đời sống ngay thẳng, mọi sinh hoạt đều sáng suốt, nói làm như nhau. Thực hiện đạo hiếu cũng phải bằng tâm chân thành.
Thế nào là tâm thành? Thí dụ như mỗi ngày ta có món ngon vật lạ gì để dâng cho cha mẹ, nếu là lòng thành thì một chén cơm, một bát nước hay một vật dụng gì thường thôi, ta cũng làm cho cha mẹ vui lòng. Ðó là điều cần thiết. Người con Phật chúng ta luôn sống và làm những điều chân thật. Từ đó việc giáo dục con cái của chúng ta dễ dàng, không khó khăn. Nếu làm điều gì mà trong đó có sự uẩn khuất, tăm tối, hay do bức bách thì e rằng việc làm đó không đưa tới kết quả tốt đẹp. Cho nên chúng ta luôn sống với tinh thần của đạo Phật là phải sáng suốt và chân thành.
Người phật tử luôn khép mình trong nếp đạo đức và phẩm hạnh cao quý, vì vậy có được nhiều hạnh phúc. Bởi vì chúng ta có duyên với đạo Phật, áp dụng được đạo Phật, nên chúng ta là những thành viên trong giáo đoàn của Phật. Mà đây là một đoàn thể có cuộc sống cao thượng, thanh khiết, tập thể của những người sống có hạnh phúc, với tinh thần sáng suốt, chân thật và tốt đẹp.
Phật tử chúng ta phải tâm niệm rằng: Nếu đời sống sinh hoạt của chúng ta trái với sự chân thật, trái với hiếu đạo, trái với những gì tốt đẹp mà các bậc hiền thánh đã chỉ dạy thì thà mất mạng chứ không đánh mất những đức hạnh đó. Bởi vì đó là niềm hạnh phúc cao quý nhất của người phật tử chúng ta. Tại vì nếu không gặp chánh pháp của Phật, không áp dụng được chánh pháp trong đời sống, thì chúng ta không thể tìm được hạnh phúc chân thật.
Tinh thần nhà thiền cũng nhấn mạnh là đừng bao giờ chạy tìm cái bên ngoài, bởi vì tất cả những cái ấy là giả tạm, không phải thật, không phải của mình. Những gì của mình mới chân thật sáng suốt. Trí tuệ, tình thương, hiếu đạo... là những cái chân thật. Mọi người ai ai cũng có sẵn hết. Vì vậy chúng ta khỏi phải chạy tìm ở đâu xa mà hãy ngay đây ta nghiệm lấy. Nhận và sống được như thế thì đời sống của chúng ta là đời sống hạnh phúc. Ðây là nguồn hạnh phúc chân chính, tốt nhất, cao thượng nhất mà không thứ hạnh phúc nào có thể bì được.
Có câu chuyện như thế này: Một vị thiên tử đến thưa với Phật: Những vị tu sĩ ở nơi thâm sơn cùng cốc, ngày ăn một lần, tu hành khắc khổ nhưng tại sao nét mặt những vị ấy luôn tươi tỉnh sáng suốt, thật hạnh phúc?
Phật đáp: "Người nào không than van, sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nảy khao khát những chuyện chưa đến mà chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại và thực hành tinh thần hiếu đạo, áp dụng được những phương thuốc sáng suốt, thì có đời sống chân thật, nói và làm hợp nhau".
Ðiều đức Phật chỉ cho vị thiên tử này chính là điều giúp cho chúng ta tăng trưởng hạnh phúc. Bởi vì có khi chúng ta suy nghĩ, toan tính việc nọ, việc kia mà bỏ quên việc hiện tại. Trách nhiệm, bổn phận hiện tại thì quên đi hoặc xem thường, cứ ngồi đó toan tính việc trước việc sau. Nếu cứ toan tính ngược xuôi như vậy thì bản thân chúng ta mất đi hạnh phúc và sẽ không thực hiện được những gì cần thiết trong đời sống của mình, bởi vì đánh mất hiện tại là đánh mất hạnh phúc hiện tiền.
Những phúc duyên tốt ngay bây giờ chúng ta có thể hưởng được thì lại đánh mất đi. Bởi mất đi nên cứ kêu hạnh phúc mà không bao giờ có hạnh phúc. Phải thấy được hạnh phúc là đây, bây giờ. Bình tĩnh xét lại những việc gì đáng làm ngay hôm nay thì làm. Cha mẹ già cần phụng dưỡng thì ta phụng dưỡng. Người thân cần giúp đỡ thì ta giúp đỡ. Cố gắng thực hiện cho được trọn vẹn như vậy mới là người thiết thực.
Có thể làm việc gì trong khả năng của mình thì cứ làm. Ðốt dâng Phật một nén hương, dâng cha mẹ một chén cơm, giúp người nghèo khó một đồng bạc, một bát nước v.v... thì nên làm liền, đừng đợi, đừng hứa hẹn gì cả. Ðó là tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật.
Câu chuyện đức Phật sinh ra ở thành Ca Tỳ La Vệ, phụ vương là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da. Sau khi sinh Thái tử được 7 ngày thì bà quá vãng. Nhờ công đức lành bà được sinh lên thiên giới. Như chúng ta biết, sau khi thành đạo rồi, đức Phật liền nghĩ đến những người cùng tu, đã giúp đỡ mình trong lúc gian khó, Ngài tìm đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp độ 5 anh em ông Kiều Trần Như. Thời gian không lâu, Ngài trở về thành Ca Tỳ La Vệ thăm vua cha. Trong lần thăm đầu tiên, Ngài khuyến hoá được rất nhiều vương tôn công tử trong dòng họ phát tâm tu hành. Ngài còn tìm cách giúp đỡ cho dân chúng trong thành Ca tỳ La Vệ kính tin Tam bảo, tin sâu nhân quả. Ðó là việc đầu tiên của Ngài đối với thân tộc.
Khi vua Tịnh Phạn bệnh yếu, Ngài lại về thăm và an ủi vua cha, thuyết pháp cho vua nghe. Sau thời pháp ấy, nhà vua chứng quả A Na Hàm rồi băng hà. Lúc ấy, đích thân Ngài sắp đặt việc tang lễ tống táng vua cha.
Như vậy để thấy vị giáo chủ của chúng ta cũng có nghĩa tình thâm trọng như bao con người. Ngài có cha có mẹ, có quê hương thân tộc và Ngài đã làm tròn bổn phận. Tu hành thành đạo, đem giáo lý khuyến hoá dẫn dắt những người thân của mình hướng theo con đường tốt đẹp.
Vào một mùa hạ, Ngài lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho vị thiên tử tiền thân là hoàng hậu Ma Da, giúp cho bà thành tựu được thánh đạo. Lịch sử kể lại qua ba tháng an cư trên thiên giới, đức Phật đã thuyết pháp không những độ mẹ mà còn giúp cho hầu hết những vị có liên hệ với Ngài ở trên thiên giới nghe pháp và thành tựu thánh đạo.
Ðức Phật đã là tấm gương để chúng ta noi theo. Là người con Phật, nhất định chúng ta phải làm tròn hiếu đạo. Không vì hoàn cảnh hay lý do gì chi phối khiến cho chúng ta không làm tròn đạo hiếu, thực hiện được nhiệm vụ của chúng ta.
Trong kinh kể lại: Một hôm trên đường đi thuyết pháp, đức Phật gặp hai vợ chồng Bà la môn nọ, vừa thấy Phật, hai vị chạy tới ôm chân Phật, khóc lóc kêu than: "Con ơi! Sao con bỏ cha mẹ đi đâu lâu quá, cha mẹ nhớ thương con, tới nay mới được gặp". Hàng đệ tử xung quanh thấy lạ, đức Thế Tôn là một vị Phật mà bỗng nhiên hai ông bà này tới ôm, than khóc và gọi là con, quả là điều phi lý. Chúng tăng định kéo hai vị Bà la môn này ra nhưng Phật không cho, Ngài bảo: "Hãy để cho họ tự nhiên" và nhân đó Phật kể: Trong những kiếp xa xưa, hai vị này từng là cha mẹ của ta, ta từng là con của hai vị. Nên hôm nay duyên xưa hiện lại, các ông cứ để họ tự nhiên kể lể nỗi niềm, cho dòng nước mắt của họ chảy tuôn để vơi đi những cảm xúc.
Rõ ràng trong nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta có quan hệ tình thân với nhau. Do đó đôi khi vừa gặp nhau mình liền có cảm tình, cảm tình ấy là gì? Tức là những dây mơ rễ má trong nhiều đời, bắt nguồn trong tình thương, trong huyết thống, từ thuở quá khứ. Chỉ có khác là thay hình đổi dạng, rồi vì không biết nên ta quên đi.
Ðức Phật đã từng nói: Trong đại địa này, lấy một mũi kim cắm xuống đất, không có chỗ nào mà không đụng tới thân của Ngài. Ðể thấy chúng ta bị luân hồi sinh tử không biết bao nhiêu đời. Sinh nơi này, mất nơi kia, nếu nhìn bằng con mắt tuệ, chúng ta sẽ thấy sự liên hệ huyết thống giữa người với con người, vay trả nợ nần, ngược xuôi lên xuống... Nay gặp nhau là do nhân duyên chằng chịt nhiều kiếp.
Vì vậy, theo tinh thần của đạo Phật, chúng ta phải xem tất cả mọi người xung quanh mình, lớn hơn ta là cha mẹ ta, ngang bằng ta là anh em ta, nhỏ hơn ta là con cháu ta, có nghĩa ai cũng là người thân của ta hết, mà đã là người thân thì không có quyền thương người này, bỏ người kia, nghĩ xấu hay đối xử không tốt với người thân của mình, vì như vậy là bất hiếu, bất nghĩa với cha mẹ, quyến thuộc rồi.
Người phật tử phải là người giữ đạo hiếu chứ không phải người bất hiếu. Nếu là người bất hiếu thì không xứng đáng là người phật tử. Người giữ đạo hiếu thì đối với tất cả chúng sinh đều thương yêu bình đẳng, không phân biệt thân sơ. Như vậy là áp dụng đúng tinh thần đạo Phật trong đời sống của mình.
Thích Nhật Quang - Thiền viện Thường Chiếu