GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hội nghị phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

Ngày 14.09.2018, tại hội trường nhà khách Thanh Bình, 06 Lý Thường Kiệt, Tp. Quy Nhơn, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo... trên địa bàn tỉnh Bình Định.

 

Tham dự hội nghị có ông Ngô Văn Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định; ông Phạm Văn Nam, P.Trưởng Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh Bình Định.

 

Phật giáo Bình Định tham dự Hội nghị có trên 50 vị gồm chư Tôn Giáo phẩm, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni và Phật tử - Chức sắc, chức việc thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được bà Nguyễn Thị Định, P.Vụ Trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua ngày 18/11/2016 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI.

 

Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm có 9 chương với 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chưc, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, khắc phục những bất cập và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm có 6 chương với 25 điều, được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 31.12.2017. So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật tín ngưỡng, tôn giáo có những điểm mới cơ bản: Mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” (Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004) thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

 

Bổ sung 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật cũng như thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chuyển một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương và Bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở đào tạo Tôn giáo.

Trong hội nghị, một số đại biểu hỏi về các quy định, thủ tục, thời gian để thành lập hay đăng ký trở thành cơ sở tôn giáo và được trả lời chưa có quy định cụ thể nào được ghi trong luật này.

 

 

 

 

 

 

 

Tin: Thiện Hải, ảnh: Thị Ngộ

 

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang