GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hơn 250 thông điệp gửi đến Đại lễ Vesak LHQ 2019

Thông tin từ Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2019 tại Việt Nam, đã có hơn 250 thông điệp của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước, lãnh đạo các Giáo hội, chư vị Tăng thống, Tăng vương, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tổ chức Phật giáo và cá nhân tiêu biểu khắp các châu lục đã gửi về cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

 

60065120_1053840921468568_8298002679888609280_o.jpg
Biểu tượng Đại lễ Vesak LHQ 2019 trên đường phố thủ đô Hà Nội - Ảnh: Hoàng Độ

 

Trong thông điệp phát đi từ Hà Nội hôm 23-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp này đã trân trọng gửi đến các vị chức sắc, Tăng Ni, Phật tử và các vị khách quý những lời chúc mừng tốt đẹp trong tình thân ái và hữu nghị. Đồng thời ông cũng khẳng định, nhân dân Việt Nam vốn coi trọng đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và có truyền thống khoan dung giữa các tôn giáo. Ông bày tỏ rất vui mừng đón chào Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam.

 

“Đại lễ Vesak LHQ không chỉ là một sự kiện quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú ở Việt Nam, mà còn là niềm tự hào của Phật tử và người dân Việt Nam khi được tổ chức một ngày lễ quan trọng của Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ”.

Đề cập đến chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay - “Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chia sẻ vì một xã hội bền vững” - ông Phó Thủ tướng cho rằng rất có ý nghĩa, thể hiện mong muốn về tầm vóc của đạo Phật ngày nay, phát huy những giá trị cốt lõi của đạo Phật nhằm góp phần giải quyết những thách thức lớn thế giới đang phải đối mặt - từ xung đột, bất bình đẳng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đến biến đổi khí hậu.

“Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Đại lễ sẽ đạt nhiều kết quả, thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và các nền văn hóa và cùng đưa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật vào cuộc sống. Tôi cũng mong muốn các Phật tử và người dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa của đạo Phật, làm giàu cho văn hóa truyền thống của Việt Nam và đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, phát triển bền vững”, thông điệp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng.

Từ Sri Lanka, Tổng thống Maithripala Sirisena đã gửi thông điệp cho sự kiện này. Thủ tướng Ranil Wickremesighe của quốc gia đã đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2017 cũng gửi thông điệp, bày tỏ niềm hoan hỷ: “Đại lễ Vesak LHQ 2019 là một cơ hội tuyệt vời cho Phật tử trên khắp thế giới nhận ra uy thế cao thượng về giáo lý của Đức Phật và để thực hành những chân lý cao thượng đó cho chính bản thân của quý Phật tử”.

Đất nước Sri Lanka vừa trải qua nạn khủng bố với nhiều vụ đánh bom của các lực lượng cực đoan ngày 21-4 ở thủ đô Colombo và vùng lân cận đã khiến hàng trăm người thương vong, hơn ai hết, người đứng đầu Chính phủ của Sri Lanka cũng đã sâu sắc nhận ra những giá trị của lời Phật dạy được xem là giải pháp kiến tạo hòa bình thực sự.

“Cái ác có thể chuyển hóa bởi đức hạnh. Sự bất công bị đẩy lùi bởi công lý, sự oán hận bị xua tan đi bởi lòng yêu thương, độ lượng và sự dối trá thay thế bởi sự chân thành. Chinh phục xã hội và hòa giải sẽ được phát triển thông qua sự trưởng thành về mặt tinh thần tâm linh bị chinh phục từ một cá nhân.

Meththa (Từ), nói về tình yêu thương vô điều kiện; Karuna (Bi); lòng thương xót chúng sinh; Muditha (Hỷ), hoan hỷ, vui sướng; Upekha (Xả), tính bình đẳng. Đây là bốn trạng thái tâm thức vô lượng nên được thực hành để đạt một cuộc sống cao thượng. Đó là lối thoát giải quyết các xung đột và sự tàn phá đang phổ biến trên thế giới”, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesighe đã viết trong thông điệp gởi đến Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 tổ chức tại Hà Nam, Việt Nam trong niềm tin về giải pháp được soi rọi từ ánh sáng Phật pháp.

Nhị vị Đại Tăng thống từ Vương quốc Campuchia, quốc gia láng giềng với Việt Nam, Trưởng lão HT.Tep Vong và ngài Bour Kry cũng có thông điệp nhân dịp này. Trong thông điệp của Tăng thống Bour Kry, ngài bày tỏ: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ chủ đề mà Đại lễ Vesak LHQ 2019 chọn là “Cách tiếp cận của Phật giáo đối với lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm cho xã hội bền vững” và các chủ đề phụ. Đây là dịp tốt lành để chúng ta tạo dựng liên kết gần gũi hơn để hỗ trợ Phật giáo của chúng ta và làm sống lại những điều Đức Phật đã dạy.

Thông qua chương trình nghị sự, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều này sẽ bồi dưỡng, nâng cao sự hợp tác giữa các cộng đồng Phật giáo, các tổ chức Phật giáo và để tìm kiếm, triển khai những giải pháp của Phật giáo cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Ngài Dalai Lama thứ 14, vị lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng rất lớn, thường nằm trong nhóm đầu của danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng đối với thế giới hiện tại, ngày 19-4 vừa rồi, cũng đã gửi thông điệp đến cho Đại lễ.

Theo đó, ngài viết: “Mọi người thường hỏi tôi rằng liệu giáo lý của Đức Phật có còn phù hợp trong thời đại ngày nay hay không. Nếu mục đích cuối cùng của Phật giáo là để phục vụ và mang lại lợi ích cho nhân loại thì tôi tin đạo Phật vẫn còn phù hợp. Điều quan trọng là làm thế nào chúng ta, những người con Phật có thể đóng góp cho xã hội theo ý tưởng của mỗi cá nhân. Chìa khóa chính là sự an lạc trong nội tâm. Nếu có được điều đó, chúng ta có thể đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra bằng sự điềm tĩnh và lý trí, sự an tĩnh của chúng ta không bị xáo trộn. Lời dạy về tình yêu, lòng từ và sự khoan dung, cách cư xử hòa nhã, và đặc biệt giáo lý nhà Phật nói rằng vạn vật đều có tính tương đối, đó chính là nguồn gốc của sự an lạc nội tâm. 

Lời Phật dạy về cơ bản mang tính thực tế. Đạo Phật không chỉ dành cho một nhóm người hoặc một quốc gia mà còn cho tất cả chúng sinh. Mọi người có thể đi theo con đường này tùy theo khả năng và thiên hướng của họ. Ví dụ như tôi bắt đầu học giáo lý đạo Phật từ khi còn nhỏ và mặc dù bây giờ đã hơn 80, tôi vẫn còn học. Do đó, bất cứ lúc nào có thể, tôi khuyến tấn các hàng Phật tử, tôi gặp những người đệ tử Phật ở thế kỷ XXI để tìm ra lời dạy nào có ý nghĩa thực sự và phát huy hiệu quả. Điều này có nghĩa là sự lắng nghe và hiểu biết, suy ngẫm về những gì bạn đã đọc hoặc nghe và làm cho chính bạn hoàn toàn hiểu rõ về nó. 

Những thành tựu trong thời hiện đại của chúng ta là rất lớn. Nhưng bản thân công nghệ và sự phát triển vật chất không thể mang đến sự thỏa mãn lâu dài. Bị tác động bởi sức mạnh kinh tế và chính trị, hành động của chúng ta đã đánh mất tầm ảnh hưởng đối với người khác. Đôi khi, sự hẹp hòi và ích kỷ của chúng ta gây ra hậu quả đó là nỗi khổ tràn lan và sự hủy hoại đối với môi trường. Chúng ta cần đánh giá lại động lực và cách cư xử của chúng ta qua phương diện về ý thức trách nhiệm hơn đối với thế giới.

Tôi rất ủng hộ khi biết rằng năm nay, cuộc hội thảo sẽ tập trung vào việc làm thế nào Phật giáo có thể đóng góp cho hòa bình bền vững, sự giáo dục trong gia đình hài hòa về đạo đức, chịu trách nhiệm trong tiêu dùng và phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lễ Phật đản hay Vesak là dịp chúng ta tưởng niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, Thành đạo và nhập Niết-bàn, và được coi là ngày thiêng liêng nhất trong lịch sử Phật giáo. Tôi kính gởi lời chào mừng đến tất cả mọi người tham gia Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại Việt Nam và cầu chúc cho Đại lễ thành công tốt đẹp”. 

Diệu Nghiêm tổng hợp

Nguồn: giacngo.vn

 
Lên đầu trang