GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Khoá An cư tập trung 10 ngày và những thành tựu

Sau nhiều kỳ họp của Ban thường trực Ban Trị sự và các cuộc họp mở rộng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của chư tôn đức, Ban Trị sự đã đi đến quyết định tổ chức khoá An cư tập trung 10 ngày cho chư tôn đức thành viên các Ban Trị sự, các ban chuyên môn và chư tôn đức trụ trì các tự viện trong tỉnh. Trong thời gian đó, Ban Trị sự cũng kết hợp tổ chức Khoá bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh Giáo hội và trụ trì. Đây là lần đầu tiên khoá An cư tập trung 10 ngày được tổ chức tại Bình Định. Khoá An cư tuy ngắn nhưng kết quả đạt được rất tích cực và là nền tảng cho các khoá An cư tập trung ngắn hạn trong những năm tiếp theo. Bài viết đưa ra một số điểm đạt được qua khoá An cư này.

  1. Hành giả an cư đông

Khoá An cư tập trung là duyên lành để chư tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh vân tập về một trú xứ ‘cộng trú’ để sinh hoạt chung. Ngày nay, với Phật sự rất nhiều từ Phật tự của Giáo hội đến Phật sự nơi tự viện rất khó cho chư tôn đức rời bổn tự 3 tháng để tập trung an cư một trú xứ. Do đó có thể nói khó có dịp nào tốt hơn để chư tôn Hoà thượng với số lượng đông cùng về sinh hoạt chung với đại chúng như khoá An cư tập trung này. Hàng Thượng toạ và Đại đức cũng về tham gia khoá An cư tập trung 10 ngày khá đông. Từ đó, một đạo tràng an cư trang nghiêm được hình thành với tổng số hành giả chư Tăng là 69 vị. Đạo tràng của chư Ni vì điều kiện còn hạn chế nên số lượng là 32 vị. Đối với hệ phái khất sĩ, tuy số Tăng Ni còn ít nhưng số hành giả tham gia khoá An cư tập trung khá đông là 18 chư Tăng và 20 chư Ni.

Đối với hàng tôn đức, quý ngài là biểu tượng của giới đức biểu hiện qua oai nghi tế hạnh và là kho tàng kinh nghiệm quý báu để hàng hậu học nương tựa. Đây là phước duyên để hàng hậu học được dịp thân cận với chư tôn Hoà thượng qua các thời khoá thọ trì, sinh hoạt. Nhờ đó mỗi hành giả học tập được nhiều điều tốt đẹp từ quý ngài. Kế đến chư Tăng trẻ cũng có dịp học từ chư Thượng toạ và học hỏi lẫn nhau. Điều quý báu là từ môi trường tốt này mỗi vị đều được sách tấn nên tất cả đều tinh tấn tham dự đầy đủ các thời khoá tu học. Nguồn năng lượng an lành được đại chúng tạo ra giúp chư hành giả cảm nhận sự an lạc trong tâm dù ngoại cảnh thời tiết có nóng bức. 

  1. Toạ đàm về các ban chuyên môn

Có thể nói toạ đàm về các ban chuyên môn là cơ hội rất tốt để các ban hiểu rõ nhiệm vụ của mỗi ban và sự thực hiện trong thực tiễn. Về lý thuyết, các ban đều có nội quy áp dụng từ trung ương đến cấp huyện. Ban Tăng sự là ban quan trọng nên có nhiều chương, điều hướng dẫn cụ thể trong nội quy. Các vấn đề xuất gia, trụ trì, lập chùa mới, tấn phong...đều có nêu rõ trong bản nội quy. Trong đó, vấn đề lập chùa, đăng ký cơ sở tôn giáo vẫn là đề tài quan tâm của nhiều Tăng Ni. Các ban khác cũng lần lượt đưa ra những vấn đề thuộc về nhiệm vụ của mỗi ban để bàn thảo. Ban giáo dục Phật giáo đã đưa ra chủ trương mở trường Cao đẳng và lớp Sơ cấp khi có đủ điều kiện. Ban hướng dẫn Phật tử nêu ra những bất cập về sự hợp tác giữa Gia đình Phật tử và các tự viện. Ban Hoằng pháp nêu ra các phương hướng để truyền bá chánh pháp đến nhiều người. Ban Nghi lễ bàn về các nghi thức sử dụng trong thiền môn. Ban Văn hoá nêu lại những vấn đề của Ban Văn hoá trung ương đang thực hiện. Ban Kinh tế tài chánh nêu ra những khó khăn để tạo nguồn tài chánh cho Giáo hội. Ban Pháp chế nêu những khó khăn khi hoạt động vì quy định chưa cụ thể. Ban Kiểm soát bàn về cách giám sát các hoạt động của các ban. Ban Từ thiện nêu đề án thành lập trung tâm. Ban thông tin truyền thông nêu vấn đề kết nối giữa ban và các tự viện có nhiều hoạt động Phật sự. 

Qua toạ đàm, các ban lắng nghe góp ý để hiểu rõ nhiệm vụ và cách thức thực hiện. Từ đó, các ban rút ra những bài học để đưa ra những mục tiêu thực hiện cho thích hợp. Cũng từ toạ đàm, quý Tăng Ni hiểu được những khó khăn mà các ban đang gặp để cảm thông lý do tại sao nhiều hoạt động Phật sự vẫn kéo dài mà không hoàn tất như đăng ký cơ sở tự viện, con dấu…

Toạ đàm không còn lạ trong xã hội nhưng đối với Phật giáo tỉnh nhà thì toạ đàm vẫn còn mới lạ nhất là đối với các ban chuyên môn trực thuộc. Do đó, nội dung toạ đàm của nhiều ban còn hạn chế. Hơn nữa, thời gian để thảo luận còn ngắn nên nhiều buổi toạ đàm chưa phát huy hết hiệu quả. Dẫu sao, các buổi toạ đàm cũng đem lại những thành tựu bước đầu.

  1. Sự tiếp nối giữa các thế hệ

Như đã đề cập, đạo tràng An cư tập trung có sự tham gia của nhiều thế hệ tôn đức. Quý tôn đức Hoà thượng làm mô phạm và hướng dẫn các thế hệ đi sau. Hàng Thượng toạ, Đại đức có duyên lành để lãnh hội những kinh nghiệm từ chư tôn đức trưởng lão. Sự thân cận, sự hài hoà trong sinh hoạt cũng như sự quan tâm và tận tuỵ của quý tôn đức trưởng lão giúp cho hàng hậu học có cơ hội học hỏi nhiều về cách ứng xử, về kinh nghiệm sống...Như người cha dìu dắt những đứa con vào đời, quý Ngài đang dìu dắt hàng hậu học để họ sẽ là những người kế thừa sự nghiệp của thầy tổ, của Giáo hội nơi tỉnh nhà. Do đó, dip An cư tập trung trở nên rất ý nghĩa cho hàng Tăng Ni trẻ.

Khoá An cư tập trung 10 ngày tuy ngắn nhưng để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chư hành giả An cư. Những thành tựu vừa nêu chỉ là cảm nhận từ người viết. Tuy nhiên, có thể nói mỗi hành giả ắt có những bài học rút ra riêng cho bản thân, và có một điều ai cũng thừa nhận là năng lượng an lạc từ khoá An cư lan toả cho tất cả hành giả tham gia và ngay cả những thiện tín phụng sự công quả. Từ thành tựu của khoá An cư này, chắc chắn các khoá An cư tập trung tiếp theo sẽ đông hơn và chương trình sinh hoạt sẽ phong phú hơn.

Thị Hạnh

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang