GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh nghiệm nội tâm ngôn ngữ

Tự chứng, tự ngộ có thể xảy ra được là nhờ vào sự hiện hữu của Như Lai tạng (Tathāgata-garbha) trong tâm mỗi chúng sinh. Tạng (garbha) theo nghĩa đen là “thai” hay “một cái gì đó chôn dấu bên trong”, nó có nghĩa là chủng tử (hạt giống) của Như Lai, từ đó sinh ra sự toàn giác. 

4.jpg
Ngôn ngữ luôn mang tính phân biệt, Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tạng này thường bị che lấp dưới những lớp vỏ của phân biệt vọng tưởng (parikalpa hay vikalpa) và chấp trước phi lý (abhiniveśa). Vọng tưởng phân biệt được sinh ra do bởi không thấy được chư pháp y như thực (yathābhūtam), nghĩa là, không chịu sự chi phối của nguyên lý sai biệt do tâm tác động lên các pháp ngoại tại. Còn chấp trước là hậu quả không tránh khỏi của vọng tưởng phân biệt, nó gây cho ta đủ thứ sầu bi khổ não. Do đó, Như Lai tạng (Tathāgata-garbha) bản lai thanh tịnh và vô nhiễm, phải được phục hồi trở về trạng thái tự nhiên vô chấp. Nó thường được ví như viên ngọc vô giá bị chôn vùi dưới lớp vải che uế trọc. Bỏ lớp vải che kia đi, viên ngọc rực rỡ kia sẽ chiếu tỏa ánh linh quang tuôn trào lên vạn hữu để vạn hữu hiển lộ y như thực. Sự chiếu diệu giải minh đạt được đó là trạng thái tự chứng và lúc ấy, ta thấy Như Lai tạng rõ ràng như thấy trái amalaka trong lòng bàn tay. Một khi Như Lai tạng được gột sạch hết mọi ô nhiễm thì nó vượt ngoài tầm tư nghì của hàng ngoại đạo và sở đắc của hàng Tiểu thừa. Tác giả kinh Thập địa (Daśabhūmka) cũng như kinh Lăng-già gọi nó là Vô phân biệt trí (avikalpa hay nirvikalpajñāna) hay Chân như trí (Tathatajñāna).

Cho dù cứu cánh có mang tính thực tiễn đi chăng nữa, song kinh Lăng-già vẫn đầy các danh từ trừu tượng, điều đó đã đẩy những người chưa quen thuộc với nền văn học Phật giáo xa khỏi công việc nghiên cứu kinh sâu hơn. Nhưng điều này không thể tránh khỏi, bởi vì cảnh giới mà kinh Lăng-già tuyên thuyết không nằm trong tầm thể hội của ý thức vốn thường bị ngột ngạt bởi các khái niệm đối nghịch mâu thuẫn lẫn nhau. Về điểm này, lập trường kinh rất rõ ràng minh bạch khi thuyết rằng kẻ nào còn bám víu, chấp trước vào ngôn từ thì sẽ không thể hội được chân lý[1] (tattvam) và “cảnh giới thù thắng vượt ngoài ngôn thuyết và phân tích”[2]

Quả thực trong kinh, Đức Phật nhắc nhở không mệt mỏi cho ta một điều rằng: ngôn ngữ quá nghèo nàn để mô tả đúng cảnh giới tự chứng. Ðiều này nằm trong chính bản chất của ngôn ngữ. Ngôn ngữ luôn mang tính phân biệt, khi ta đề cập đến vật này thì nó phải được phân biệt với các vật khác, như thế là đã giới hạn nó trong một dung độ hay trình hạn nào đó. Còn giây phút tự chứng tối thượng thì không bị ước thúc và biện biệt dưới bất kỳ hình tướng nào, có lẽ cách duy nhất để diễn tả nó là nói “Cái đó”, hoặc trừu tượng hơn, là “Như Như” (Tathatā), song làm như thế cũng vẫn là vọng chấp (prikalpa) và làm méo mó khái niệm đó đi. Chừng nào chúng ta vẫn còn y nhiên là chúng ta, còn bị trói buộc vào các đòi hỏi của cuộc sống vật chất, và các yêu cầu tự nhiên của suy tư luận lý thì ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi. Và cho dẫu chúng ta không dùng ngôn ngữ đi nữa thì vẫn phải, bằng cách này hay cách khác, nhờ đến các điệu bộ và chuyển động của vài bộ phận trên cơ thể[3]

Như kinh Lăng-già nhận xét, trên khắp thế gian, không thiết yếu phải sử dụng ngôn ngữ mới truyền đạt được tư tưởng và cảm xúc, bởi vì ở một vài cõi Phật, Đức Phật chỉ cần giáo hóa bằng cách nhìn, hoặc bằng cách chau mặt, nhướng mày, hoặc mỉm cười, hoặc tằng hắng hoặc bằng các cử động khác. Ngôn ngữ minh bạch không phải là điều thiết yếu tuyệt đối trong sự giao dịch giữa loài người. Kinh chép rằng trong non nước của Phổ Hiền Bồ-tát (Samantabhadra) chỉ cần nhìn suông là đủ để một người chứng được Vô sinh pháp nhẫn (Anutpattikadharmakshānti). 

Ngay trong thế giới này, kinh nói, công việc trong đời sống thường ngày vẫn được tiến hành có hiệu quả giữa loài kiến và loài ong, là những loài không dùng đến ngôn ngữ. Nếu thế thì ta cũng chẳng cần phải ngạc nhiên về việc các Thiền sư chỉ đưa một ngón tay hoặc hét một tiếng vô nghĩa để minh chứng cho cảnh giới thâm huyền nhất mà ý thức con người có thể đạt đến, khi mà trong tâm hồn ta không có gì để sẵn sàng đáp ứng hoặc không có gì được đánh thức dậy để nắm bắt những tia chớp lóe từ một tâm hồn khác, thì cho dù người đó có dùng ngôn ngữ diễn đạt tinh tế đến mức nào đi nữa, tâm hồn ta cũng vẫn hoàn toàn mù lòa trước chân lý. Mặt khác, nếu có một sự hòa thanh tương ứng giữa hai bên thì khi chạm vào bên này sẽ tạo nên sự cộng hưởng ở bên kia. Một năng lực như thế không có trong ngôn ngữ, dù ta không thể không cần đến nó bằng mọi cách.

Ở điểm này, kinh Lăng-già phân biệt rõ ràng giữa văn tự (ruta) và ý nghĩa (artha), và khuyên ta không nên chỉ dựa vào văn tự để hiểu ý nghĩa (y ngữ thủ nghĩa), vì điều đó sẽ phá hủy hoàn toàn Thực Tướng. Các từ chỉ là sự phối hợp giữa âm và tuân theo sự phân tích của tri thức cùng lý luận. Ngôn ngữ do ngôn từ hòa hợp với vọng tưởng mà thành (vāgakshana-samyoga-vikalpa). Khi ta đàm thoại, ngôn ngữ thoát ra từ khẩu cái giữa hai hàm răng, hàm, vòm họng, lưỡi và môi. Các biến thái, cách chia động từ, cùng các thêm thắt tu từ và ngữ pháp được phát sinh tùy theo vọng chấp phân biệt (vikalpa) và tập khí (vāsanā) [4] của người nói. Còn ý nghĩa (artha) là sức nội quán sở đắc trong tự chứng khi ta tạo ra được, trên đường đi đến Niết-bàn, sự chuyển y (parāvritta)[5] trong phần sâu thẳm nhất của ý thức được gọi là A-lại-da thức (Ālayajñāna). 

Ðể đạt được sức nội quán này, ta phải ẩn một nơi cô tịch và do kiên trì tu tập thiền quán, trí Bát-nhã (Prajña) hoặc Tự giác (svabudhi) sẽ bừng sáng lên từ dưới lớp tập khí (vāsanā) của tư tưởng, cảm xúc và hành động được tích lũy từ vô thủy. Ý nghĩa (artha), được liễu chứng như thế trong tận cùng ý thức, là một cái gì đó mà không một sự kết hợp nào của giác quan lại có thể diễn đạt tương xứng với kinh nghiệm này. Nhưng cũng như tìm một vật gì đó trong bóng tối thì ta phải nhờ đến ngọn đèn[6], cuối cũng ý nghĩa phải được lãnh hội bằng phương tiện ngôn ngữ, ít nhất nó phải có khuynh hướng như thế. Sự thấu triệt mối tương quan giữa văn tự (ruta) và ý nghĩa (artha) sẽ là điều cần thiết ngôn ngữ nếu ta muốn biết bản chất của thánh trí tự chứng (svapratyātmajñāna).

Sự tương quan giữa ngôn ngữ và ý nghĩa, hoặc giữa văn từ (akshara) và thực tướng (tattvam hoặc tathāvam), hoặc giữa ngôn thuyết (deśana) và chân lý (siddhānta), cũng giống như sự tương quan giữa ngón tay và mặt trăng. Cần phải có một ngón tay để chỉ mặt trăng nhưng không nên chấp ngón tay làm mặt trăng. Nếu ta chấp văn tự (aksara) hoặc ngôn ngữ (ruta) hoặc ngôn thuyết (deśana) làm chính tự thân của thực tại thì điều đó cũng gây nên các hậu quả tai hại tương tự. Những kẻ nào không thể rời mắt được khỏi đầu ngón tay sẽ không bao giờ liễu ngộ được đệ nhất nghĩa đế (paramārtha) của các pháp[7]. Lại cũng giống như nuôi một đứa bé bằng thức ăn không nấu, sẽ quá trễ để cứu sống nó khi nó đã gục chết trước sự nuôi dưỡng dại dột của bà mẹ kia. Những ai tu tập và hành trì giáo lý Phật giáo nên phân tích điểm này cho rõ ràng. Lẽ dĩ nhiên chúng ta sẽ không biết được nội dung của Phật pháp nếu như ta không có sự hội thông với ngữ ngôn văn tự. Văn tự rất cần thiết, nhưng khi không có sự tương ưng giữa văn và ý thì ngôn thuyết tự nó sẽ trở nên vô nghĩa. Suốt cuốn kinh Lăng-già luôn luôn nhắc nhở rằng Như Lai không thuyết các pháp đọa vào văn tự (đọa văn tự pháp 墮 文 字 法 aksarapatita), do đó Phật cùng các bậc pháp sư tuyên bố rằng: Như Lai chưa từng nói một lời nào dù để trả lời hay thuyết pháp trong suốt quãng đời từ khi chứng ngộ cho đến lúc nhập Niết-bàn[8]. Ý đó có nghĩa là “Ðừng chấp vào ngôn ngữ văn tự.” (Na deśanā-ruta- ‘bhiniveśatam). Bởi vì “dharmo naira ca śesito bhagavatā pratyātmavedyo yata[9].

Ta phải xem văn tự, trong mức độ tương quan với ý nghĩa, như ánh trăng trong nước. Ánh trăng vẫn có đấy, song chính vầng trăng không đi vào (apravishtam) trong nước, nhưng cũng không được xem như trăng không có chút tương quan (nirgatam) nào với nước, bởi vì cũng có một chút gì đó trong nước phản chiếu lại vầng trăng[10]. Chỉ cần chúng ta đừng để mình rơi vào thói quen bàn suông một cách hời hợt về thực nghĩa. Ðây là lời cảnh cáo của kinh Lăng-già: “Yathārutār-thābiniveśasanidhau na prapatata[11] 

Đại sư Suzuki 
Huỳnh Ngọc Chiến 
dịch 

Theo giacngo.vn

____________________________

* Bản dịch được thực hiện theo nguyên tác tiếng Anh Studies in Laṅkāvatāra Sutra, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., New Delhi, 1998, của Đại sư Suzuki, các trang  105-110.

(1) “Giống như những người ngu chấp ngón tay làm mặt trăng, cũng thế, những kẻ nào chấp vào văn tự sẽ không hiểu được pháp của ta”.

(2) “Chân lý chứng đắc là cảnh giới giác ngộ thù thắng vượt ngoài ngữ ngôn văn tự và phân biệt, nó đưa đến cảnh giới vô lậu; nó chính là căn cơ của sự chứng ngộ, nó không liên quan gì với trò huyền đàm hý luận của ngoại đạo cũng như của tà đạo, phá hủy luận điểm của ngoại đạo và tà đạo, thì sự chứng ngộ sẽ hiện rõ tự thân”.

(3) Có lẽ tác giả muốn đề cập đến cái mà hiện nay gọi là “ngôn ngữ thân xác” (body language) (N.D)

(4) Vikalpa nghĩa đen là “sai biệt”, “xác định”, “phân biệt”, tiếng Trung Quốc dịch là “phân biệt 分別”, là chức năng đặc biệt của suy tư; còn vasana (tập khí) là từ khó hiểu, bao hàm toàn bộ triết học và tâm lý học của Đại thừa. Trong Anh ngữ không có từ tương đương, nó được dịch là “ký ức: memory”, “năng lực của thói quen: habit energy”, “ấn tượng: impression”. 

(5) Theo bản dịch đời Đường: “Họ [các nhà Tiểu thừa] không hiểu rằng đại Niết-bàn chỉ đạt được thông qua nội chứng, trong đó xảy ra sự chuyển y trong A-lại-da thức, là thức làm điểm tựa cho thế giới ngoại trần.” Tác phẩm Triṁśikāvijñaptikārikā XXIX của Thế Thân cũng nói đến sự chuyển y này. 

(6) “Nhờ vào ánh sáng của ngôn ngữ và phân biệt, Bồ-tát Ma-ha-tát vượt ngoài ngôn ngữ và phân biệt, để đi vào con đường tự chứng”.

(7) “Phàm phu mê chấp vào ngón-tay-chỉ của ngôn ngữ nên đến chết cũng không đạt được pháp vô thượng”.

(8) Ý tương tự cũng được trình bày trong Như Lai bí mật kinh 如 來 秘 密 經 (Tathāgataguhya - Sūtra).

(9) Sūtra-lāmkāra, XII, 2, “Đức Phật không bao giờ thuyết giảng về Chân đế, bởi vì Ngài muốn mọi người phải tự chứng lấy”.

(10) Jalacandra hay Udakacandra: trăng trong nước. Điều này cũng được dùng để phô diễn năng lực của Như Lai tự thị hiện như các môn đồ hình dung, đồng thời cũng biểu tượng hóa bản tính của hiện hữu, xem như chỉ là giả tướng.

(11) "Đừng rơi vào sai lầm vi tế khi chấp vào ý nghĩa như nó được diễn tả trong ngôn ngữ". 

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang