GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Làm thế nào để đối trị cơn giận?

1- Đạo Phật khuyên chúng ta không nên giận dữ. Nhưng cơn giận lại được xem như một phần sẵn có trong con người. Vậy thì có thể chấp nhận nó không nếu thỉnh thoảng nó nổi lên? 
 
Đối với một người còn quay cuồng trong vòng luân hồi, bị trói buộc trong sanh tử và bị nghiệp lực, khổ đau chi phối thì giận là một điều tự nhiên. Nhưng vấn đề đặt ra là cơn giận có hữu ích gì hay không? 
 
Cho dù nó tự nhiên, thì không có nghĩa là nó hữu ích. Nếu xét kỹ hơn, trước hết chúng ta thấy rằng giận dữ xuất phát từ sự phóng đại cái xấu của người khác, hay áp đặt những điểm không tốt lên một người nào đó mà điều đó người khác hoàn toàn không có. Hơn nữa, giận dữ không mang đến lợi ích gì, vì nó gây ra nhiều khó khăn trong đời này và tạo nghiệp bất thiện để rồi kéo theo kết quả khổ đau trong những kiếp sau. Giận cũng làm tâm trí mù mờ, lú lẫn, khiến chúng ta không thể nhận thức một cách thấu đáo các pháp ngay trong thực tại, vì vậy mà không thể đạt được giải thoát và giác ngộ.
 
2- Tại sao có những người rất dễ nổi nóng trong khi những người khác lại không? Phải chăng vì nghiệp quá khứ của họ quyết định như vậy và chúng ta không thể can thiệp gì? Khi nghiệp trổ quả, người ta có khuynh hướng làm lại những việc giống như những gì mình đã gieo. Kết quả này của nghiệp có thể hiện hành khi con người nghiêng về những suy nghĩ bất thiện hay bộc lộ cơn giận thông qua việc làm tổn thương người khác bằng hành động hay lời nói. 
 
Tuy nhiên, cơn giận có mặt là do hạt giống sân hận tồn tại trong dòng tâm thức. Sở dĩ hạt giống ấy mạnh mẽ là do thói quen lặp đi lặp lại cơn giận trong những đời trước, vì vậy, hiện tại chúng ta có thể dễ dàng nổi giận như một thói quen. Những người khác vì đã thực tập kiên nhẫn và từ bi trong những đời trước nên hiện tại họ ít nổi nóng hơn. Họ đã tạo cho mình những thói quen tốt nên những ý niệm tích cực ấy hiện hành thường xuyên ngay trong đời sống này. Tuy nhiên, tuy nói rằng có những nhân tố của nghiệp lực và thói quen can dự vào nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể chuyển hóa được. Chúng ta có thể quen với việc nổi nóng vì đó là quy luật của nhân quả, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu hay làm dịu cơn nóng giận (quả) bằng cách thực hành các phương pháp đối trị cơn giận (nhân). 
 
Đức Phật đã dạy các phương pháp để chuyển hóa cơn giận và tịnh hóa những nghiệp xấu ác do cơn giận gây ra. Vì vậy, không có lý do gì để nói rằng bạn sinh ra đã như thế và chẳng thể thay đổi gì được. Đừng bao giờ nghĩ rằng “tôi vốn là một người cáu gắt, không gì có thể thay đổi được điều đó và vì vậy, dù có thế nào đi nữa, mọi người phải cam lòng sống với tôi và yêu thương tôi hết mực”. Đó thật là một suy nghĩ ngớ ngẩn! 
 
3- Đôi khi chúng ta nổi cáu với con cái để chúng hành xử đúng đắn hơn. Ta làm như vậy có phải vì tình thương? Đạo Phật có chấp nhận điều này không? Khi trẻ cư xử không đúng, ta có thể la rầy chúng, điều đó không sai. Nhưng cũng không cần thiết phải la rầy kèm theo sự giận dữ. Khi chúng ta nổi giận, tâm ta sẽ cáu bẳn, lời nói không rõ ràng, khả năng tương tác sẽ giảm. Vì vậy khi bị la rầy, trẻ thậm chí không hiểu chúng đã làm sai điều gì và điều gì bạn muốn ở chúng. 
 
Thay vì tức giận, hãy tập cho tâm bình tĩnh, và suy nghĩ rằng chúng chỉ là những đứa trẻ, còn bồng bột, chưa trưởng thành hoàn toàn, và chúng cần bạn giúp đỡ để trở nên tốt hơn. Hãy sửa chữa những sai trái của trẻ bằng trái tim cảm thông. Bạn có thể buộc phải la rầy để cho chúng hiểu những điều mà bạn mong muốn. Ví dụ, khi những đứa trẻ đang chơi ở giữa đường, nếu bạn không la rầy thì chúng sẽ không hiểu đó là điều không nên, bởi vì tự thân chúng không thể nhận thức được sự nguy hiểm của việc đó mang đến là như thế nào. Ngược lại, nếu bạn cứng rắn với chúng, chúng sẽ hiểu “mình không nên làm như vậy”. Bạn có thể nghiêm khắc với chúng mà không cần nổi cáu. 
 
4- Một số nhà tâm lý học cho rằng cần phải loại bỏ những cảm xúc tiêu cực như sân giận, không nên ấp ủ trong lòng vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Đạo Phật nói gì về điều này? Tôi thấy các nhà tâm lý học đưa ra hai cách để thực hiện khi giận. Một là trút giận, thứ hai là kiềm chế. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo, cả hai phương án đều không thích hợp. Nếu bạn kiềm nén cơn giận thì nó vẫn còn đó, ở yên đó và tất nhiên không tốt cho sức khỏe của bạn chút nào. Nếu cơn giận bộc phát ra ngoài thì cũng chẳng tốt hơn, vì bạn sẽ làm tổn thương những người xung quanh, vô tình tạo ra nghiệp bất thiện. 
 
Chính vì vậy, đạo Phật dạy chúng ta cách đối diện với hoàn cảnh từ một góc nhìn khác và lý giải những sự việc theo một cách thức khác. Nếu chúng ta thực hành theo cách này, thì cơn giận sẽ không có lý do gì để sanh khởi, mà cũng chẳng có cơn giận nào để đè nén hay bộc lộ. Ví dụ, có ai đó bảo rằng bạn làm sai thứ gì đó, đầu tiên chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng người này đang nói xấu và tìm cách hại bạn. Nhưng hãy nhìn nhận vấn đề theo cách khác, hãy nghĩ rằng họ đang cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích. Có lẽ họ đang cố gắng giúp bạn đấy. Với cách nhìn tích cực như vậy chúng ta sẽ không còn cau có nữa. Nói cách khác, giận dữ không xuất phát từ những gì người khác làm mà là cách chúng ta chọn để nhìn nhận những việc đó như thế nào. Nếu ta lý giải tình huống theo một cách khác thì cơn giận sẽ không xuất hiện. 
 
Một ví dụ khác, cứ cho là ai đó nói dối và lừa gạt bạn. Hãy nghĩ rằng “đây là hậu quả của những nghiệp xấu mà tôi đã gây ra đời trước, lúc đó vì sự chi phối của ngã chấp mà tôi đã phản bội và lừa gạt người khác, bây giờ, tôi phải lãnh lấy hậu quả đó”. Bằng cách này, thay vì đổ lỗi cho người, chúng ta nhận thức rằng nguyên nhân của việc bị lừa dối và bị phản bội suy cho cùng là do tự ngã và không có lý do gì mà ta lại bực bội người khác. Chúng ta nhận ra bản ngã là kẻ thù thật sự. Vậy là chúng ta sẽ quyết tâm mạnh mẽ để không hành động như vậy nữa bởi biết rằng chấp ngã đem đến khổ đau. Nếu muốn hạnh phúc, chúng ta phải loại bỏ chấp ngã để không làm những điều tổn hại cho mình và người nữa. 
 
5- Phương pháp nào có thể khiến cơn giận không khởi lên? Là Phật tử, chúng ta áp dụng chúng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Dù là một Phật tử tại gia hay xuất gia thì việc áp dụng các phương pháp để chuyển hóa cảm xúc đều rất quan trọng. Chúng ta phải thực tập các phương pháp mà Đức Phật đã dạy một cách nhuần nhuyễn. Chỉ nghe một pháp thoại hoặc hành thiền một lần thì không thể thay đổi cách nhìn sai lầm về hoàn cảnh và chuyển hóa các cảm xúc. Ở đây, không có cơ hội để đi sâu về các phương pháp, vì vậy tôi sẽ gợi ý cho bạn một số quyển sách hữu ích như: Healing anger của Dailai Lama, Guide to a Bodhisattva’s way of life (chương 6) của ngài Shangtideva (Tịch Thiên), và quyển sách của tôi: Working with anger. 
 
Trong việc rèn luyện tâm nhẫn nhục, tôi thấy thật sự hiệu quả khi cố nhớ lại một tình huống làm tôi cau có, nản chí hay chán ghét một người nào đó trong quá khứ. Sau đó tôi chọn một trong các phương pháp để đối trị cơn giận và thực tập nhìn nhận tình huống ấy theo kiểu như lý tác ý. Bằng cách như vậy, tôi bắt đầu chữa lành những cảm xúc tiêu cực từ những việc trong quá khứ, ngoài ra cũng tích lũy được kinh nghiệm trong việc thực hành các phương pháp và nhìn nhận sự việc từ khía cạnh khác. 
 
Tôi đã thực tập cách này thường xuyên vì bản thân tôi mang nguồn năng lượng sân hận rất lớn. Bây giờ, khi gặp những tình huống tương tự, tôi không còn nổi cáu như trước nữa bởi vì tôi đã thông thuộc các phương pháp và dễ dàng áp dụng chúng vào các tình huống thực tiễn. Trong một số trường hợp, bởi vì thông thuộc và áp dụng triệt để các phương pháp nên tôi thậm chí không để sân hận khởi lên. Nhưng nếu cơn giận bắt đầu khởi lên, tôi sẽ niệm vài câu khẩu hiệu quen thuộc. Một là “Chúng sinh làm điều chúng sinh làm”. Nghĩa là chúng sinh chịu sự chi phối của vô minh, khổ đau và nghiệp lực. Bất cứ ai bị những sự mê muội ấy trói buộc thì sẽ làm những hành động bất thiện, và rõ ràng chẳng có ai nằm ngoài quy luật ấy cả. Vì vậy, mong muốn người ta toàn thiện là điều phi thực tế. 
 
Khi chấp nhận được điều đó, tôi thấu hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy và thông cảm hơn với những gì họ làm. Họ cũng bị giam giữ trong tù ngục khủng khiếp của vòng luân hồi. Tôi không muốn bất kỳ ai phải khổ sở và dĩ nhiên tôi cũng không mong muốn cơn giận của mình tạo ra nhiều nỗi thống khổ hơn nữa cho họ. Hãy nhìn cảnh người ta bị trói buộc, chôn vùi trong vòng luân hồi để thương yêu họ hơn thay vì cau có với những lầm lỗi mà họ mắc phải. 
 
6- Làm sao chúng ta học cách chấp nhận lời chỉ trích mà không cau có? Nếu ai đó chỉ trích bạn, đừng chú ý đến giọng điệu, ngôn từ hay âm lượng của giọng nói, hãy chỉ để tâm đến nội dung của lời chỉ trích đó. Nếu lời đó đúng, thì nghĩa là bạn đã làm sai vì vậy bạn chẳng có lý do gì để giận. Ví dụ, ai đó nói rằng “trên mặt của bạn có cái mũi.” Bạn đâu cần nổi giận vì chuyện đó hiển nhiên đúng. Bạn cũng không cần phải giả vờ là bạn không có mũi cũng như giả vờ không phạm sai lầm, bởi vì tất cả mọi người kể cả bạn đều biết là bạn đã sai. 
 
Là một Phật tử, chúng ta phải luôn luôn ý thức để cải thiện tự thân. Vì vậy, chúng ta nên đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và thật lòng biết ơn tất cả. Trái lại, nếu ai đó nói rằng “có một cái sừng trên mặt của bạn”, thì cũng chẳng có lý do gì để nổi giận vì họ đã nhầm. Chúng ta có thể giải thích điều này cho người ấy khi họ đã sẵn sàng lắng nghe chúng ta. 
 
7- Chúng ta có thể thiền quán về cơn giận khi nó nổi lên hay không? Bằng cách nào? Khi cảm thấy những cảm xúc tiêu cực đang nổi lên, chúng ta đang tham dự vào câu chuyện mà chúng ta tự kể cho chính chúng ta nghe về những gì đang xảy ra, “Nó đã làm như thế này, sau đó nó lại kể thế nọ. Nó ăn gan trời à? Nó tưởng nó là ai mà nói với tôi bằng cái giọng đó chứ? Sao nó dám chứ?” Ngay lúc đó, chúng ta không thể thấy được bất kỳ điều gì mới mẻ hơn nữa. Khi tâm trí của tôi như vậy, tôi sẽ tìm cách lý giải cho hoàn cảnh, cố gắng không nói gì hay làm gì tổn thương đến người khác để rồi sau này phải hối hận. Tôi theo dõi hơi thở và bình tĩnh trở lại. Những lúc như thế, tốt hơn hết là hãy ngồi xuống và tập trung vào cơn giận đang lan tỏa trong thân và tâm. 
 
Chỉ việc nhìn, theo dõi các cảm thọ của sân giận và kéo tâm ra khỏi những suy nghĩ về câu chuyện ở trên, khi đã bĩnh tĩnh hơn và có thể thực tập các phương pháp đối trị, tôi trở về nhìn nhận, quán sát tình huống ở một phương diện khác cho đến khi cơn giận hoàn toàn biến mất. 
 
8- Nhẫn nhục thì trái ngược với phẫn nộ và là một đức tính rất được đề cao trong đạo Phật. Nhưng thỉnh thoảng, chúng ta bị những người khác lợi dụng khi đang thực tập nhẫn nhục. Trong trường hợp đó, chúng ta phải làm thế nào? Một vài người e ngại rằng khi họ tử tế hay nhẫn nhục thì người khác sẽ lợi dụng họ. Tôi nghĩ họ đã hiểu nhầm về nghĩa của hai từ nhẫn nhục và cảm thông. 
 
Nhẫn nhục và cảm thông không có nghĩa là bạn để cho người khác lợi dụng bạn, càng không có nghĩa là bạn cho phép người khác làm tổn thương và hạ gục bạn. Đó là nhu nhược chứ không phải cảm thông. Nhẫn nhục có nghĩa là bình tĩnh khi đối mặt với khổ đau và tổn thương, chứ chẳng phải giống như người nhu nhược. Bạn có thể tử tế nhưng đồng thời cứng rắn, nghiêm nghị, tôn trọng nhân cách và giá trị của bản thân. Ngoài ra bạn biết điều gì nên và không nên là trong tình huống này. Nếu bạn nhìn nhận một cách sáng suốt như thế, người ta sẽ không thể lợi dụng bạn được. 
 
Ngược lại, nếu bạn sợ hãi, người khác sẽ nhận ra và lợi dụng nó. Nếu bạn cố gắng làm hài lòng người khác và thực hiện theo những gì họ muốn để được họ thích, thì bạn sẽ bị lợi dụng ngay. Vì bạn không có chính kiến rõ ràng, thông suốt, và bị trói buộc bởi ý muốn nhận được sự ủng hộ từ người khác. Nhưng khi thật sự nhẫn nhục và minh mẫn, bạn sẽ có một năng lượng khác biệt. người khác sẽ không còn lợi dụng bạn nữa, và thậm chí nếu có, bạn sẽ ngăn họ lại và nói “Không, điều đó chẳng thích hợp”. 
 
9- Sân giận và thù hằn có khác nhau không? Sân là khi chúng ta đột ngột bực tức ai đó. Thù hằn là khi chúng ta nung nấu những cảm thọ phẫn uất trong một khoảng thời gian rất dài, dồn dập nhiều điều nản chí, chờ đợi ngày trả đũa, sỉ nhục và báo thù người khác. 
 
Thù hằn là cơn giận được ấp ủ trong thời gian dài. Thù hằn làm tổn hại cho tự thân và tha nhân. Hơn nữa, tạo ra rất nhiều nghiệp bất thiện, trói buộc chúng ta trong đau khổ, gây ra thiệt hại cho người khác. Không ai có thể hạnh phúc khi tâm chứa đầy thù hằn và oán hận. 
 
Hơn thế nữa, khi cha mẹ hằn học nghĩa là họ đang dạy cho con cái tâm thù hằn bởi con cái học cách biểu lộ cảm xúc và cách cư xử hàng ngày thông qua việc quan sát bố mẹ chúng. Vì vậy, nếu bạn thương yêu con cái, thì hãy cố gắng hết sức loại bỏ thù hằn, mở lòng bao dung tất cả. 
 
10- Theo đạo Phật, sân là một trong ba căn bản phiền não, hai thứ còn lại là tham và si. Vậy, trong quá trình rèn luyện tâm thức, chúng ta sẽ ưu tiên loại bỏ cái nào trước? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân. Bậc Đạo sư đã dạy nên quay lại nhìn vào bên trong tự thân mỗi người, xem thử cái nào là mạnh nhất, cái nào quấy rầy tâm thức nhiều nhất, sau đó tập trung để chuyển hóa và loại bỏ dần dần. 
 
Ví dụ, nếu cảm thấy rối rắm, mê mờ và thiếu sự quả quyết là vấn đề lớn nhất đối với bạn, thì hãy tập trung phát triển trí tuệ. Nếu dục vọng, ham muốn, khao khát là mãnh liệt nhất, thì việc ưu tiên là loại bỏ chúng trước. Nếu sân hận gây bất lợi cho cuộc sống của bạn nhiều nhất thì hãy hành thiền nhiều hơn để trau dồi kiên nhẫn, tình thương và lòng cảm thông. Đặc biệt, khi quan tâm việc chuyển hóa phiền não này, thì cũng đừng lơ đãng việc áp dụng các phương pháp để đối trị hai cái còn lại khi cần thiết. 
 
Ni sư Thubten Chodron 
Nhuận Ngọc dịch
(Nguồn: thubtenchodron.org)
 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang