GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Lễ tưởng niệm Tổ sư Như Từ Tâm Đạt tại tổ đình Thiên Bình

Sáng 29-12, chư tôn đức môn phong tổ đình Thiên Bình đã trang nghiêm cử hành Lễ tưởng niệm Tổ sư Như Từ hiệu Tâm Đạt, trụ trì đời thứ 7 tổ đình Sắc tứ Thiên Bình (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định; chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định; chư Tăng Ni trụ trì các tự viện và môn phong tổ đình Thiên Bình cùng đông đảo Phật tử gần xa.

Tại phương trượng tổ đình, Ban Tổ chức đã thành tâm cung thỉnh chư tôn Hòa thượng Chứng minh, nhị vị Hòa thượng sám chủ nghi thức cúng ngọ và cung tiến Giác linh tôn sư.

Nghi thức cúng ngọ do Hòa thượng Thích Đồng Trụ, trụ trì chùa Bạch Sa (TP.Quy Nhơn) đương vi sám chủ được trang nghiêm cử hành tại đại điện. Tiếp đó, tại tổ đường, Hòa thượng Thích Đồng Quả, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh đã chủ trì khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Như Từ Tâm Đạt theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Bình Định.

 

Trang nghiêm khóa lễ cúng ngọ
Trang nghiêm khóa lễ cúng ngọ
 

Tổ sư thế danh Nguyễn Giốc, sinh năm Đinh Mùi (1907) tại làng Trung Lý, xã Nhơn Phong, H.Nhơn An, tỉnh Bình Định. Năm 14 tuổi, ngài xuất gia với Tổ Chơn Dụng Quang Phước tại chùa Thiên Bình, được bổn sư ban pháp danh Như Từ, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.

Năm Quý Hợi (1923), sau khi bổn sư viên tịch, ngài về chùa Nhạn Sơn y chỉ Hòa thượng Chơn Huệ Chí Mẫn để tu học. Năm Đinh Mão (1927), khi tuổi vừa đôi mươi, ngài được thọ giới Cụ túc tại chùa Nhạn Sơn do Hòa thượng Chí Mẫn làm Đàn đầu và ban cho đạo hiệu Tâm Đạt. Đồng thời, ngài được cử về kế nghiệp bổn sư trú trì chùa Thiên Bình. Từ đây, cuộc đời ngài gắn liền với chốn tổ cho đến ngày viên tịch.

 

Khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư
Khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư

Năm Canh Ngọ (1930), ngài khởi công đại trùng tu chùa Thiên Bình và hai năm sau công việc mới hoàn tất. Từ đó, đạo phong của ngài tỏa rạng nên vào năm Canh Thìn (1940), chùa Thiên Bình được triều đình ban Sắc tứ.

Năm Đinh Hợi (1947), ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Bình và được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng. Năm Nhâm Thìn (1952), ngài tiếp tục mở giới đàn tại chùa Thiên Bình, cung thỉnh Hòa thượng Huệ Chiếu, trú trì chùa Thập Tháp làm Đàn đầu Hòa thượng; Hòa thượng Phước Hộ, chùa Từ Quang (Phú Yên) làm Yết-ma và ngài làm Giáo thọ kiêm Hóa chủ.

 

Dâng trà cúng dường Tổ sư
Dâng trà cúng dường Tổ sư

Năm Đinh Mùi (1967), khi tuổi vừa lục tuần, ngài trao quyền trú trì cho đệ tử là Thượng tọa Thích Liễu Không. Từ đó, ngài lui về sự tịnh tu để làm biểu chứng cho các đàn hậu học về sau.

Trong cuộc đời hoằng hóa, ngài đã khai sơn các chùa Thiên Ân, Thiên Xá ở H.Phù Cát; chùa Thiên Long tại Huỳnh Giảng, Tuy Phước...

Vào ngày 29-11-Kỷ Mùi (1979), Hòa thượng viên tịch, thọ thế 73 tuổi. Bảo tháp lưu giữ nhục thân ngài được môn đồ kiến lập trong khuôn viên tổ đình Thiên Bình.

Lên đầu trang