Về đạo đức cán bộ, phục vụ nhân dân và đất nước, nên học tập tinh thần của ngài “xem ngai vàng như dép rách”, hay thực hiện tư tưởng “cán bộ là công bộc của dân” (Hồ Chí Minh), xem chức quyền là cơ duyên để phục vụ đất nước và nhân dân, là nhân duyên để mình thực hiện tinh thần đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Noi gương ngài lấy đức trị để “trị quốc an dân”. Với tinh thần từ bi, vô ngã vị tha của đạo Phật, làm được những điều như vậy là báo đáp thâm ơn với Phật hoàng Trần Nhân Tông và chúng ta đã “tu nhân tích phúc”.
I. Con người vĩ đại
Vĩ đại ở đây không chỉ có nghĩa là to lớn, vĩ mô mà nó vượt tầm thời đại, có giá trị cho đến thời đại ngày nay và mai sau. Về mặt lịch sử, ngài đã lãnh đạo dân tộc nhỏ bé chiến thắng một cách oanh liệt đội quân hùng mạnh, thiện chiến đã “bách chiến bách thắng” từ Á sang Âu, với số lượng đông gấp 10 lần quân dân của ta, không phải một lần mà 2 lần, đã làm chấn động khắp năm châu thời bấy giờ. Bài học lịch sử đoàn kết dân tộc, ý chí kiên quyết chiến đấu chống kẻ thù xâm lăng đến nay vẫn còn nguyên giá trị để cho chúng ta chiêm nghiệm học hỏi. Một lần nữa, dân tộc đã tạo nên chiến thắng thần kỳ (lần đầu Lý Thường Kiệt thắng quân Nhà Tống).
“Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”.
(Ca dao)
(Ca dao)
Vĩ đại về tư tưởng vượt tầm thời đại. Ở thời điểm phong kiến, vua là thiên tử, ý vua là ý trời, “quân xử thần tử”, thế mà Ngài biết vận dụng tư tưởng “dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng đã minh chứng cho tinh thần trị nước, an dân, đoàn kết chống ngoại xâm của ngài.
Trước sức mạnh như vũ bão của ngoại xâm, ngài đã triệu tập hội nghị Bình Than, để biết tinh thần chiến đấu của tướng sĩ và Hội nghị Diên Hồng để lắng nghe nguyện vọng của nhân dân qua các bậc kỳ lão, xem “ý dân là ý trời”, thể hiện tinh thần “Tự do dân chủ” ở thời kỳ phong kiến.
Hội nghị Diên Hồng được xem là Quốc hội đầu tiên của nước Đại Việt ở thế kỷ 13, đi tiên phong các nước dân chủ sau này. Nay chúng ta là con cháu của ngài, thừa hưởng tư tưởng vượt tầm thời đại, chúng ta đã kế thừa phát huy tư tưởng này như thế nào, ở thời kỳ “khoa học kỹ thuật viễn thông toàn cầu”. Tư tưởng tự do dân chủ đi tiên phong của ngài là niềm tự hào của dân tộc, là bài học sáng giá cho muôn đời con cháu mai sau suy ngẫm và học tập.
II. Một con người siêu phàm
Siêu phàm ở đây không có nghĩa là làm nên những việc phi thường, đặc biệt, mà trái lại trong cuộc sống đời thường, trước mọi sự việc bình thường, ai cũng biết về đạo đức tác phong và để tu sửa chính mình, nhưng không có mấy người làm được, vượt qua được, vì thế mà nó trở nên phi thường.
1/ Không tham danh lợi chức quyền
Lịch sử ghi: “Năm 16 tuổi ngài được lập làm hoàng thái tử, nhưng ngài đã 2 lần từ chối, cố xin nhường lại cho em là Đức Diệp, nhưng vua cha không cho vì thấy ngài có khả năng lãnh đạo đất nước, giữ gìn giang sơn, gánh vác việc lớn”...Khi vua cha không chấp thuận, một hôm nửa đêm ngài trèo tường trốn, định đi vào núi Yên Tử để tu hành, Thánh Tông hay tin cho người đi tìm bắt về làm vua.
Ngài phải miễn cưỡng lên làm vua. Trong khi đó lịch sử nhân loại đã ghi lại, cũng vì ngai vàng mà biết bao người tranh giành chém giết lẫn nhau, huynh đệ tương tàn, anh giết em để tránh hậu loạn về sau, thậm chí con giết cả cha để soán ngôi vua (ở Ấn Độ và Miến Điện). Nhưng Trần Nhân Tông “đã xem ngai vàng như đôi dép rách” chẳng chút bận tâm.
Hành động thật phi thường thứ 2: Ngài đang ở trên đỉnh cao quyền lực mà từ bỏ để đi tu, lịch sử có mấy người được như vậy. Ở Ấn độ có Thái tử Sĩ Đạt Ta là “con một”, đang chuẩn bị lên ngôi, vua cha và thần dân đang mong đợi ngài lên ngôi, thế mà nửa đêm vượt thành xuất gia tìm phương cứu khổ cho nhân loại, đã chỉ cho nhân loại con đường giải thoát khổ đau, giải thoát sinh tử...Thật là phi thường, vì là con người ai cũng mơ ước được làm vua để trị vì thiên hạ, để hưởng thụ ngũ dục thế gian, nhưng Hoàng đế Trần Nhân Tông sau khi nếm được mùi pháp lạc của sự giải thoát, ngài từ bỏ vương vị xuất gia tu hành hạnh đầu đà.
Theo chúng tôi, Thái tử đi tu dễ hơn hoàng đế xuất gia. Vì lẽ, Thái tử chưa nắm quyền vương vị, chưa hưởng ngũ dục nhiều như hoàng đế, nên dễ dứt trừ, gia duyên ít ràng buộc hơn nên dễ xuất gia hơn. Như chúng ta biết, khi đã nắm quyền lực rồi thì ít ai chịu buông, ai cũng muốn làm vua muôn năm, để hưởng thú vui ngũ dục, đi ra thì có ngựa xe, “tiền hô hậu ủng”, hưởng yến tiệc linh đình, ăn cao lương mỹ vị, đờn ca xướng hát, vui với tam cung lục viện,...đó là những lạc thú mà con người khi đã hưởng thụ rồi thì khó dứt trừ.
Trái lại, ngài không bị nhiễm ô vì đã nếm mùi giải thoát khi còn là thái tử. Sử liệu đã ghi khi còn là thái tử, ngài thường ăn chay lạt, nên thân thể ốm gầy, một hôm Thánh Tông thấy vậy gạn hỏi nguyên do, ngài trình thật với vua cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ Tiên”. Ngài nghe vậy cũng rơi nước mắt. Ngài là một người con chí hiếu, tuy ham tu nhưng không dám trái ý cha; vâng lời phụ hoàng mà lên làm vua để cứu dân cứu nước, chứ không vì địa vị cao sang.
Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, ngài củng cố lại triều đình phủ dụ toàn dân đoàn kết, để xây dựng và phát triển đất nước sau thời hậu chiến. Đại Việt Sử Ký toàn thư tập II trang 96 ghi: “Trước khi quân Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua (58a) bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết để yên lòng những kẻ phản trắc”. Như chúng ta đã biết, vào thời phong kiến, một người phản quốc, chống lại vua thì bị xử “tru di tam tộc” thế mà ngài ân xá. Đây là việc làm vĩ đại, siêu phàm đối với thời bấy giờ và là bài học lớn cho nhân loại ngày nay để hướng đến sống chung hòa bình.
Khi đất nước thái bình thạnh trị, năm 35 tuổi (1293), ở cái tuổi thanh niên trai tráng sung sức, ham công danh sự nghiệp, ham hưởng thụ ngũ dục, thế mà ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để chuẩn bị cho con đường xuất gia tu hành của mình. Đây là việc làm phi phàm, lịch sử nhân loại khó tìm thấy con người từ bỏ chức quyền, sự hưởng thụ như vậy.
Sáu năm sau (1299), khi vua Anh Tông đã thạo việc trị nước, ngài quyết tâm xuất gia, lên núi Yên Tử tu hành, đây là việc làm siêu việt đối với thường tình. Ngài đã buông bỏ tất cả, chức quyền vương vị, tình cảm thế nhân, để lại sau lưng những nỗi nhớ thương, mến tiếc, bao nỗi khổ đau, tiếng khóc của hoàng thân quốc thích và nhất là của các bà phi.
Có nỗi khổ nào bằng “sinh ly, tử biệt”. Ngài đoạn tuyệt tình yêu ở tuổi thanh xuân “khi hương lửa đang nồng thắm”, trước nỗi đau tột cùng “xé nát tâm can” của các hoàng phi, đến độ đưa đến cái chết (trầm mình ở suối Giải Oan), thế mà ngài vẫn không chuyển tâm chùng bước. Người có tâm từ bi, mà không có trí tuệ, không kiên quyết, thì sẽ chùng bước, não lòng thối tâm trước cảnh người ta chết vì yêu thương mình, trước cảnh một số ái phi cất am thất tu hành, mượn tiếng kệ câu kinh để vơi niềm thương nỗi khổ...
Ngài cũng không theo thường tình ích kỷ hẹp hòi, ép buộc các bà phi phải ở vậy tôn thờ mình, như các vị vua chết còn chôn thê thiếp đem theo, mà trái lại ngài đã cho phép các bà phi tái giá và ban cho ruộng đất để sinh cơ lập nghiệp.
Ngày nay vẫn còn “làng Nàng, làng Mụ” ở phía Tây Yên Tử (Ngài đi tu theo con đường này chứ không phải ở phía Đông Yên Tử - Quảng Ninh qua ngỏ đền Trình như hiện nay)…Từ đó có nhiều người thắc mắc, tại sao ở miền rừng núi (phía Tây Yên Tử) này lại có các cô gái đẹp, đi thi đậu Á hậu?
Những ai học Phật pháp thì sẽ giải đáp được câu hỏi này. Đó là sự luân hồi, tái sinh của các bà phi, nói theo khoa học thì do “gen di truyền” từ các bà phi. Cũng vậy, ở Tuyên Quang do “gen di truyền” và sự tái sinh của các bà phi thời nhà Mạc, mà cũng có các cô gái đẹp nổi danh “chè Thái (Nguyên), gái Tuyên Quang”.
Sự tu hành của ngài cũng thật phi thường. Thông thường các vua chúa, hay vương tôn công tử, người giàu sang quyền quý đi tu vẫn còn hưởng thụ tiện nghi do nếp sống đã quen, và tu hành “tà tà”, tu “nhàn hạ”, tu để an dưỡng tuổi già,...Trái lại với Phật hoàng Trần Nhân Tông một lần ra đi là một lần phủi sạch, đời ra đời, đạo ra đạo, kiên quyết tu hành cho đến sáng đạo, giải thoát sinh tử mới thôi. Tinh thần này được thể hiện qua pháp hiệu của Ngài khi xuất gia “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Ngài đã ví mình như đám mây thơm giải thoát không còn vướng bận việc đời, sẵn sàng đem mưa pháp đến cho muôn dân.
Đại Đầu Đà là lối tu khổ hạnh. Trong 12 hạnh Đầu Đà, theo thiển nghĩ của chúng tôi cái khó khăn nhất trong giai đoạn đầu xuất gia của Sơ Tổ Trúc Lâm và phải tinh tấn vượt qua đó là: ăn mỗi ngày một bữa, đầu trần chân đất. Khi làm vua thì mang “hài”, mang giày, đi ra thì có kiệu, có ngựa, có cáng, nay đi tu thì “đầu trần chân đất”, với da chân mỏng dính của bậc đế vương, tiếp xúc với đá, sẽ đau nhức buốt tim. Nếu không có ý chí kiên cường, quyết tâm tu hành thì khó mà vượt qua, nhất là khi phải đi chân đất leo núi, dẫm lên gai góc, trèo đèo lội suối, đi bộ hàng trăm cây số như vậy...Sơ Tổ đã vượt qua tất cả, ngài vẫn ung dung tự tại, an lạc giải thoát. Thật siêu phàm.
Chúng ta biết được điều này qua câu chuyện một học tăng hỏi ngài:
- Gia phong của Hòa thượng thế nào?
Ngài đáp:
“Áo rách che mây, sáng ăn cháo,
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà”.
Nói đến gia phong là nói đến nếp sống của ngài. Thật đơn giản, đẹp, bình dị và giải thoát làm sao, mặc áo rách che nắng che mưa, sáng ăn cháo, chiều tưới kiểng, tưới hoa, tối uống trà. Ngài đã sống với tâm “bình thường tâm thị đạo” thật bình an, giản dị, hồn nhiên và giải thoát. Nếu ngài không tu, không an bần lạc đạo, sẽ không ứng cơ được như thế. Với tâm không tu, an trú trong hiện tại, Ngài sẽ hồi tưởng về quá khứ, hồi nào làm vua mặc áo gấm thêu hoa, thêu rồng phụng, bây giờ mặc áo rách che nắng che mưa thì sẽ buồn tủi thân. (Thế mà ngài vẫn thấy vui thấy đẹp).
Nhớ ngày nào ăn toàn cao lương mỹ vị, có người hầu người hạ, nay ăn cháo không biết là cháo rau, cháo tương hay cháo muối. Khổ không? (thế mà tâm ngài vẫn an lạc, hồn nhiên tự tại). Hồi nào làm vua thì ra lệnh cho người làm việc, thì nay phải xách bình đi tưới cây kiểng, tưới hoa, có mệt và khổ không? Ngài không thấy mệt, thấy khổ, mà trái lại tâm luôn an lạc, thư thái như làm việc với tâm trạng sảng khoái dưới trăng. Ngài đã thực sự giải thoát, không tìm về quá khứ, không nghĩ tưởng đến tương lai, an nhiên với hiện tại nên tối đến ung dung uống trà (thiền trà) với tâm an lạc giải thoát. Thật siêu phàm, khoáng đạt.
Vì ngài dụng tâm tu hành như vậy nên chỉ 4-5 năm, ngài đã thành tựu đạo quả, được mọi người tôn xưng là Phật hoàng Trần Nhân Tông, điều mà ít có vị tổ sư nào tu mau ngộ đạo như ngài. Như Tổ Quy Sơn (Trung Hoa) người đã nổi tiếng với bộ Quy Sơn Cảnh Sách mà người mới xuất gia đều phải học thuộc lòng...Sau khi kiến tánh, ngài về ở núi Quy tu 30 năm “con trâu trắng mới sờ sờ” (mới thành tựu đạo quả). Quốc sư Huệ Trung (Trung Hoa) cũng phải ẩn tu hơn 20 năm mới đi hành đạo.
Còn Sơ Tổ Trúc Lâm chỉ tu có 4-5 năm, là ngài đã đi giáo hóa, sử ghi “Ngài đi khắp nơi trong nước truyền ngũ giới cho phật tử, dạy dân tu Thập thiện và dẹp bỏ các dâm từ” (những nơi thờ tự không đúng chính pháp, nhờ vậy mà chúng ta ngày nay ít có nơi thờ Linga và Yoni của Ấn Độ giáo, tuy nhiên vẫn còn một vài nơi như ở miếu Bà Chúa Sứ (Châu Đốc), miếu Bà ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ngoại trừ một số “Tháp Chàm” của người Champa ở miền Trung.
Những điều cần suy cứu xét lại. Lời nói của Ngô Thì Nhiệm (một sĩ phu, thông Hán học, nổi tiếng dưới thời vua Quang Trung). Ông cho rằng: “Vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu là để quan sát, nắm bắt tình hình an ninh ở biên giới phía Đông Bắc...”. Từ đó có một số vị học giả “vin” vào câu nói này mà có cái nhìn sai lệch về tâm giác ngộ xuất gia, tu hành giải thoát của vua Trần Nhân Tông. Theo chúng tôi đây là câu nói, tư duy, của những nhà làm chính trị “suy bụng ta ra bụng người”. Ở góc độ làm chính trị, với tâm đời thường chưa từng trải nghiệm sự tu hành nên phát ngôn như thế.
Nói như vậy, người ta cứ ngỡ là hay, là đề cao một đấng minh quân, đi tu mà vẫn nghĩ đến dân, vẫn quan tâm đến chính sự, đến sự “an nguy của quốc gia”. Theo chúng tôi, câu nói trên, hay, đúng và có giá trị, đối với người làm chính trị, nhận thức ở góc độ chính trị. Nhưng ở góc độ tu hành của sơ Tổ, nhận thức như vậy là một điều sai lầm lớn, đã xúc phạm chí nguyện xuất trần của Tổ, và có thể xem đây là một điều sỉ nhục đối với một bậc giác ngộ, một bậc chân tu, đã thành tựu đạo quả và được toàn dân suy tôn là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chúng ta cần suy xét lại câu nói của Ngô Thì Nhiệm có đúng với tâm xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay không?
Sa môn
Thích Kiến Nguyệt
|
1/ Như chúng ta biết Yên Tử cách xa biên giới Việt Trung (Móng Cái) hơn 100km thì làm sau quan sát, hơn nữa ở thời ngài (TK 13) núi rừng Yên Tử chưa bị tàn phá, cây cối rậm rạp cao khỏi đầu người, che khuất tầm nhìn, nằm dưới tán các cây cổ thụ to lớn cao chót vót thì làm sao đứng nhìn mà quan sát tận biên giới được. Ngài không biết việc này hay sao mà lên Yên Tử tu để quan sát, nắm bắt tình hình?
2/ Nếu ngài lên Yên Tử để quan sát, nắm bắt tình hình, thu thập tin tức, nghe ngóng tình hình an ninh ở biên giới Đông Bắc, thì ở Yên Tử phải có một cơ sở tình báo, phải có tình báo viên thu thập tin tức, nói theo ngày xưa thì có “cơ mật viện”. Nếu ngài đi tu còn nghe tin tức, báo cáo, chỉ đạo cơ mật viện thì làm sao ngài yên tâm tu hành. Hơn nữa ngai vàng, làm vua ngài mà còn buông bỏ, nay lại đi làm cái việc của “cơ mật viện” hay sao? Trí tuệ ngài ở đâu mà ngài suy nghĩ và làm như vậy?
3/ Ngô Thì Nhiệm là một nhà chính trị “lỡ thời”nên nhận xét sơ Tổ ở góc độ chính trị. Ông tưởng rằng nhận xét như vây là tôn vinh, khen tặng lòng yêu nước của Phật hoàng, mà không biết rằng nhận thức đó, đã lăng nhục Phật hoàng, khiến bậc chân tu sinh tâm bất kính với sơ Tổ. Vì sơ Tổ đi tu còn dính mắc việc đời, việc chính trị, trong khi đó ngài đã phủi sạch từ tình cảm đối với thê thiếp, hoàng tộc cho đến việc triều chính.
Ngài biết rõ mục đích và công việc của người tu cần phải làm, phải hành trì để đi đến đạo quả. Trên bình diện tu hành, người tu hành muốn đi đến chỗ chân thật thì trong tâm phải sạch phàm tình, không còn dính một chút phàm tình nào dù cho nó nhỏ nhiệm như sợi lông, sợi tơ cũng không có. Để minh chứng, chúng tôi xin trích dẫn câu chuyện Thiền “Kẻ dưới thềm” in trong Ngũ Đăng Hội Nguyên bài 41.
“Ngày khác, Lục Đại phu thưa với sư:
- Đệ tử cũng hiểu chút ít Phật pháp, (đây là câu nói khiêm tốn của một người học đạo thưa trình với vị thầy)
Sư bèn hỏi:
- Trong mười hai giờ, đại phu làm việc gì?
- Tấc tơ chẳng dính.
- Vẫn là kẻ dưới thềm.
Sư lại bảo:
- Ông chẳng nghe người ta nói: “Bậc quân vương có đạo chẳng nhận quần thần có trí”.
Nhận xét: Tại sao trong 12 giờ tấc tơ chẳng dính trong tâm, lại là kẻ “vẫn ở dưới thềm”? Thưa! Đối với người tu, công phu đến chỗ suốt ngày thấy tâm mình, rỗng lặng, thanh tịnh, không dính mắc duyên trần, thì đã tiến một bước khá dài trên đường tu và được người đời xưng tụng, cho là quá giỏi rồi phải không? Tại sao sư lại nói Lục Đại vẫn là kẻ dưới thềm? Thưa đến chỗ đó chưa phải là cứu kính, chưa thể làm Phật làm Tổ được nên vẫn là “kẻ dưới thềm”.
Vì tâm Lục Đại Phu còn “năng sở”, chưa sạch nhân ngã, còn kẹt trong “Tứ chúng” (ngã – nhân - chúng sinh - thọ giả). Ai thấy mình thanh tịnh? Ai thấy tâm mình không dính mắc? Có phải là còn NGÃ không? Nên vẫn là kẻ dưới thềm. Do vậy, nếu sơ Tổ đi tu còn lo tình hình an ninh biên giới phía Bắc, thì tâm ngài có dính mắc không? Tâm đã dính mắc thì làm sao tu đến chỗ an định, rồi tiến đến “bặt năng sở”, an nhiên tự tại. Nếu không đến đó thì làm sao thành Phật thành Tổ được. Nên nói theo Ngô Thì Nhiệm là một sự sai lầm lớn, vô tình phỉ báng Tổ tu hành chẳng ra gì, tu chẳng đến đâu? Nếu Phật hoàng còn phàm tâm như thế thì có đáng tôn xưng không?
Chúng tôi mong rằng những ai “vin” vào câu nói của Ngô Thì Nhiệm nên suy cứu lại. Vì Phật hoàng Trần Nhân tông, là một con người dứt khoát, đời ra đời, đạo ra đạo, khi làm vua thì hết lòng lo cho dân cho nước. Nhiệm vụ đối với dân với nước đã xong, những việc cần làm, cần chỉ dạy thì ngài đã trao truyền cho Trần Anh Tông trong sáu năm là Thái thượng hoàng rồi. Ngài chủ trương làm việc nào chỉ biết việc đó, thì có lý nào đi tu còn quan tâm đến tình báo? Qua thi ca để lại cho thấy, khi đi tu ngài cắt đứt muôn duyên, mọi gia duyên trói buộc, sống trọn vẹn với tâm an lạc giải thoát.
4/ Cũng có một số học giả đọc văn thư của Ngô Thì Nhiệm tự xem mình là đệ Tứ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm rồi cũng ngộ nhận chỗ này. Chúng tôi xin thưa, ngài chỉ là học giả, chưa phải là hành giả xuất gia, chưa công phu tu tập chuyển hóa nội tâm, nên tâm vẫn còn là phàm phu, nên gọi ông là Tổ, là “lộng ngôn”. Hơn nữa ông không xuất gia, không tiếp chúng độ tăng thì làm Tổ với ai? Vì vậy chúng ta cần cứu xét lại vấn đề này đối với một chính khách văn hay chữ giỏi lỡ thời, học Phật để giải tỏa nội tâm.
Qua hành trạng của sơ Tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy ngài là một con người vĩ đại, siêu phàm, một vị Tổ sáng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, xứng đáng để mọi người noi gương học tập về đạo đức, trí tuệ, nhân cách tu hành của ngài. Đường lối tu hành của ngài “soi rọi lại chính mình” (phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tòng tha đắc) đến nay vẫn xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho tăng ni trên con đường chuyển hóa nội tâm hướng đến giác ngộ giải thoát.
Đối với người xuất gia sơ Tổ là tấm gương sáng về tính kiên quyết, dứt khoát, sống đời đạm bạc, về tinh thần phục vụ đạo pháp và dân tộc.. Đối với những người lãnh đạo đất nước, cũng như các cơ quan ban ngành đoàn thể,...lấy gương hòa giải hòa hợp dân tộc để xây dựng đất nước, xây dựng tổ chức. Đây là bài học lớn cho xã hội ngày nay (từ đó mà Học viện Trần Nhân Tông ra đời ở trong và ngoài nước).
Ngọn đuốc tự do dân chủ, tôn trọng ý dân, đã được vua Trần Nhân Tông khơi nguồn thắp sáng từ TK 13, bằng Hội nghị Bình Than và Diên Hồng, đã đi tiên phong trước các nước dân chủ tự do hôm nay. Quý vị có trách nhiệm cần xem xét lại mình đã thực hiện tư tưởng vĩ đại của ông cha ta như thế nào?
Về đạo đức cán bộ, phục vụ nhân dân và đất nước, nên học tập tinh thần của ngài “xem ngai vàng như dép rách”, hay thực hiện tư tưởng “cán bộ là công bộc của dân” (Hồ Chí Minh), xem chức quyền là cơ duyên để phục vụ đất nước và nhân dân, là nhân duyên để mình thực hiện tinh thần đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Noi gương ngài lấy đức trị để “trị quốc an dân”. Với tinh thần từ bi, vô ngã vị tha của đạo Phật, làm được những điều như vậy là báo đáp thâm ơn với Phật hoàng Trần Nhân Tông và chúng ta đã “tu nhân tích phúc”.
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
( Theo phatgiao.org.vn )