Nếu ai đã từng đi xe đò, xe khách, dọc ngang trên những cung đường hoặc đi taxi, quan sát các xe tải nhỏ tới container... đều dễ dàng ghi dấu hình ảnh được nhà xe hoặc tài xế thiết trí trang nghiêm ngay cabin - buồng lái: tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương tự tại.
Hỏi thì sẽ nghe cánh tài xế chia sẻ rằng, dù chưa là Phật tử (chưa quy y Tam bảo) nhưng vẫn tin tưởng nơi Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, bậc có hạnh nguyện “cứu nạn, cứu khổ”, thường nghe, thấy những tai ương, họa hoạn, tiếng kêu đau xé của nhân sinh, của muôn loại và tùy duyên cứu độ.
Đối với những bác tài là Phật tử thì khỏi phải nói, việc thiết trí một chỗ trang nghiêm đặt tôn tượng Ngài, thường thắp nhang, cúng dường hoa quả trước khi xuất hành là việc đầu tiên trong tín niệm Quán Thế Âm. Sở dĩ các bác tài thường tôn trí tượng Quán Thế Âm Bồ-tát ở trong xe mình có lẽ vì đã được nghe truyền lại từ nhiều người về hạnh nguyện cứu khổ, ban vui của Ngài được Phật dạy ân cần trong phẩm Phổ môn thứ 25, bổn kinh Diệu pháp Liên hoa.
Tôi gọi Ngài là Bồ-tát luôn đồng hành với các bác tài, với những chuyến xe ngược xuôi vốn chứa nhiều hiểm nguy khó lường do đường sá không tốt, do chạy ẩu, phóng nhanh trên đường là hiện tượng thường xuyên, cũng như những bất trắc khác, chỉ cần đôi phút sơ sẩy, bất cẩn... Có hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm nơi buồng lái để yên tâm, vì nghĩ Ngài sẽ cùng “đồng hành” với bác tài và những hành khách trên suốt chặng đường bão táp, vượt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, đêm hôm chạy đường dài không nghỉ. Đó là niềm tin mang tên Quán Thế Âm Bồ-tát khiến cho người bình an ngay khi thấy hình tượng Ngài. Lẽ đó, nên Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng của một bậc “thí vô úy” - tặng sự bình an, không sợ hãi cho chúng sanh chỉ cần “thấy dạng nghe danh”.
Thêm vào đó, tôi nghĩ, tôn trí hình tượng Bồ-tát cũng là để mỗi khi lái xe, các bác tài có một điểm tựa tâm linh, nhắc mình lắng nghe được nỗi lo lắng của hành khách, lắng nghe được nỗi khổ đau có thể hiện diện ở rất nhiều gia đình và ở chính tổ ấm của mình mà cẩn thận, mà kỹ tay lái để không xảy ra bất kỳ sơ suất thuộc về chủ quan đáng tiếc nào. Thiết nghĩ, đây mới là điều mà các bác tài cần-nên quan tâm trong tín niệm về bậc Bồ-tát gần gũi với nhiều người, nhất là người dân Việt trong ý nghĩa Ngài luôn nghe và luôn cứu khổ, cứu nạn. Khi ấy, việc tôn thờ hay cúng kiếng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm mới mang đầy đủ sự tôn trọng, thành tâm hướng về.
Đối với hành khách trên mỗi chuyến xe gần xa cũng vậy, đương nhiên không chỉ mang mỗi niềm tin nhất định Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ “cứu nạn, cứu khổ” rồi không có một sự hướng về, thiết tha niệm niệm tôn danh Ngài thì cũng chưa phải là một sự tin, hiểu theo tinh thần Phật dạy.
Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thực ra cũng là nghĩ tới hạnh nguyện của Ngài để không phải chỉ nghĩ tới sự bình an trên chuyến xe đó thôi, mà còn là sự bình an trên hành trình sống và chết. Từ đó, có thể bình an trước mọi sự cố hoặc trước mọi nạn tai có thể xảy đến với mình, vì hiểu rõ nhân-quả sâu xa vốn là điều quy định cho những biểu hiện ở thực tại cuộc sống mình đang trải qua.
Khi ấy, có thể việc tai qua nạn khỏi còn chính là: dù có gặp nạn, lâm nguy, đến mức thân hoại mạng chung trên đường thì người ấy cũng không một mảy may sợ hãi, oán hờn, không cảm thấy oan ức... mà tự đọa vào đường xấu ác. Nghĩa là, có một sự bình an trong tâm, đủ vững chãi để đối mặt cũng như trải qua những bất trắc, dù là kinh khủng nhất như là cái chết.
Hiểu như thế thì chúng ta có thể có cơ hội thoát khổ, thoát nạn và liền lúc đó đã được Đức Quán Thế Âm ấn chứng sự vô úy cho mình và mình bước lên trên tầm cao giải thoát cũng từ chỗ đó. Đồng thời, khi ấy, ai hỏi mình rằng, nếu đi đường, trên những hành trình gần xa, nếu niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì sẽ tai qua nạn khỏi, sẽ thượng lộ bình an phải không - và mình có thể nhẹ nhàng mà nói, đương nhiên là sẽ bình an, bình an ngay cả khi xảy ra điều kinh khủng nhất, bởi tôi đã hiểu nhân-quả và sự biểu hiện của “nghiệp” cũng như “cộng nghiệp” mà mình phải trải qua khi được niệm danh Ngài.
Mong rằng, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ đồng hành với tất cả chúng ta trên từng lộ trình cuộc sống chứ không phải chỉ trên những chuyến xe. Đồng thời, mong rằng, việc tin tưởng Đức Quán Thế Âm Bồ-tát không phải là ta sẽ giao phó hết mọi tai ương cho Ngài cứu, bằng tâm thế dựa dẫm mà bằng một sự thực tập chuyển hóa nội tâm, từ chính sự điều chỉnh cách nghĩ và việc làm trong hiện tại để tránh tạo ra, chuốc lấy tai họa cho bản thân, cho người khác. Như là, khi lái xe, đừng vì giành giật khách, vì chạy đua năng suất, thời gian... mà các bác tài phóng nhanh, vượt ẩu thì việc tôn trí tôn tượng nơi buồng lái chỉ là một sự mong muốn thái quá của bản thân, sao có thể chiêu cảm được với Ngài được?
Chúc Thiệu/Báo Giác Ngộ