Giữa đời người trí kẻ ngu

 

Kinh Phật nói cho chúng ta biết rằng người ngu do tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành các ác nghiệp nên hiện tướng là kẻ ngu và phải lãnh thọ những hậu quả đắng cay do ác nghiệp của mình. Người trí suy nghĩ điều lành, nói lời hiền lành, làm các việc lành nên có biểu hiện chân thực sáng suốt và có đời sống an lạc nhờ theo đuổi các thiện nghiệp về thân, về lời, về ý. Dưới đây là lời Phật phân biệt về người ngu và người trí (1):

“Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, lời nói ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: “Người này là người ngu, không phải là Chân nhân?”. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: “Người này là người ngu, không phải là Chân Nhân”. Người ngu ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu.

Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã ba, ngã tư đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này các Tỷ-kheo, sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu men, rượu nấu, thời ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau: “Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy”. Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ nhất, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên ăn trộm có phạm tội liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình , hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu nghĩ như sau: “Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên ăn trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân…họ lấy gươm chặt đầu. Những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa ấy sau khi bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn,… họ lấy gươm chặt đầu”. Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ, những ác nghiệp người ấy làm từ trước, như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp,treo đè lên người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các ác nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi”. Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba, ngay trong hiện tại, người ngu (phải) cảm thọ.

Này các Tỷ-kheo, kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng người ấy hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Địa ngục, phải nói rằng Địa ngục hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý.

Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng và đặc ấn này của người trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí tưduy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ và hành các thiện hành. Này các Tỷ-kheo, nếu người trí không tư duy thiện tư duy, không nói lời thiện ngữ, không hành các thiện hành, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: “Vị này là người trí là bậc Chân nhân”? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí biết người ấy: “Vị này là người có trí, là bậc Chân nhân”. Người trí ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ.

Này các Tỷ-kheo, nếu người trí ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã ba, ngã tư đường, tại đấy (nếu có) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy; nếu người trí, này các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dâm dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say rượu men rượu nấu, thời ở đây này các Tỷ-kheo, người trí ấy suy nghĩ như sau: “Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy”. Này các Tỷ-kheo, đấy là loại lạc hỷ thứ nhất, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người trí thấy các vua chúa, sau khi bắt tên trộm cướp phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn….họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, lièn áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy..họ lấy gươm chặt đầu, những pháp ấy thật không có nơi ta, và ta không có những pháp ấy”. Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ hai, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người trí leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ những thiện nghiệp người ấy làm từ trước, như thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo khi người trí ngồi trên ghế hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi các nghiệp quá khứ của người ấy tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành treo nằm, treo áp,treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, làm điều phước, làm điều thiện,, làm điều chống lại sư sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống lại sự sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi”. Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, không rên la và không rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ thứ ba, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.

Này các Tỷ-kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành, sau khi làm khẩu thiện hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về vị ấy phải nói rằng vị ấy hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Thiên giới phải nói rằng Thiên giới hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý”.

 Chú thích 1. Kinh Hiền Ngu, Trung Bộ

 

( tapchivanhoaphatgiao.com )

 

Tin cùng chuyên mục