- Giám Luật kiêm Giáo Thọ trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định.
- Đệ Nhị Trú Trì Tu Viện Nguyên Thiều.
A. THÂN THẾ.
Hoà thượng họ Nguyễn, huý Bá Cừu, Pháp danh Quảng Bửu, tự Trí Biện, hiệu Minh Trí. Hoà thượng sinh năm Giáp Thân (1944) trong một gia đình thâm tín Phật giáo ở thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Tú pháp danh Thị Ngọc, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Dung, pháp danh Thị Tánh. Hoà thượng là con trưởng trong một gia đình có 11 anh em. Gia đình Hòa thượng đều là Phật tử thuần thành tại chùa Thiên Trúc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tinh Bình Định.
B. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO.
Vốn có túc duyên với Phật pháp, từ nhỏ Hòa thượng đã xin cha mẹ xuất gia nhưng bị thân mẫu khước từ vì Hòa thượng là trưởng Nam trong gia đình. Sau một thời gian học chương trình Tú tài tại trường Cường Để, Quy Nhơn, với tâm nguyện thoát tục mạnh mẽ, vào năm 21 tuổi (1965) Hòa thượng đã được song thân cho phép được xuất gia tu học với Cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện tại Tu Viện Nguyên Thiều.
Trước khi xuất gia, Hòa thượng đã được Cố Hòa thượng Thích Giác Ngộ tại chùa Thiên Trúc làm lễ quy y với pháp danh là Quảng Bửu. Khi được xuất gia tại Tu Viện Nguyên Thiều, Hòa thượng theo lời dạy của Bổn sư là Cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện là vẫn giữ pháp danh như cũ và được Hòa thượng Bổn sư đặt pháp tự và pháp hiệu.
Kể từ khi được Bổn Sư thế độ, Hòa thượng ngày đêm tinh cần công phu chấp tác, trau dồi kinh luật, thực hành nếp sống thanh bần, sớm hôm canh tác ruộng vườn không biết mỏi mệt.
Năm 1968, Hòa thượng được Bổn Sư cho phép thọ giới Sa di tại Đại giới đàn Phước Huệ được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu.
Năm 1973, Hòa thượng được thọ giới cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang cũng do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu.
Sau khi xuất gia và nhất là kể từ khi thọ giới, với hạnh nguyện “Thờ Thầy, Phụng Phật, Giúp Chúng” Hòa thượng luôn gần gũi, tôn thờ và nhất nhất vâng theo và thực hành những sự chỉ dạy và yêu cầu của Bổn sư. Vì phải sớm hôm hầu Thầy Bổn sư và lo việc trồng trọt kiến thiết Tu viện Nguyên Thiều, nên Hòa thượng không có nhiều nhân duyên tham học tại các Phật học viện. Những kiến thức Phật học uyên thâm về Luật học, Kinh Tạng và các bộ luận Đại thừa mà Hòa thượng giảng dạy sau này cho Tăng Ni sinh và chúng đệ tử là kết quả của việc Hòa thượng tự tìm tòi, học hỏi và về sau tham vấn học kinh luận với cố Hòa thượng Thích Bình Chánh tại Tổ đình Sơn Long, thành phố Quy Nhơn.
C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
I. NGHIÊM TRÌ GIỚI LUẬT, HOẰNG TRUYỀN CHÁNH PHÁP:
Với kiến thức vốn có trước đây, sau khi xuất gia, Hòa thượng được mời tham gia giảng dạy tại Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều, ở Diêu Trì, Tuy Phước, Phật học viện Nguyên Thiều. Với tinh thần trau dồi đạo phong qua việc nghiêm trì giới luật, ngoại trừ khi thân bệnh trầm trọng, Hòa thượng không bao giờ vắng mặt bất kỳ thời khóa công phu, bái sám, Bố tát và thù ân nào.
Các kỳ an cư kiết hạ, Hòa thượng luôn nhiệt tâm tham dự đầy đủ. Đặc biệt, liên tục từ năm 1991 đến năm 2015, Hòa thượng không hề vắng mặt trong bất kỳ mùa an cư nào tại Tu viện Nguyên Thiều. Trong suốt 25 mùa an cư, Hòa thượng đã đích thân hướng dẫn đại chúng công phu bái sám miên mật, ngày đêm sáu thời tinh tấn hành trì giữa thời tiết khắc nghiệt của miền trung và không gian chánh điện chật hẹp của trú xứ, làm cho năng lượng tu tập thiền môn ngày càng hưng vượng. Tuy bận rộn với thời khóa tu tập cao độ của mùa An cư, Hòa thượng vẫn luôn danh thời gian để giảng dạy kinh luật cho đại chúng trong trường hạ cũng như tại trường TCPH Bình Định.
Năm 1992, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định thành lập Trường Cơ bản Phật học, nay là trường Trung Cấp Phật học Bình Định, Hòa thượng được Ban Giám hiệu mời làm giáo thọ kiêm Giám luật của trường. Hòa thượng là bậc Giáo thọ giảng dạy lâu nhất của trường từ năm 1992 đến năm 2015. Đức hạnh, lòng từ bi và kiến thức nội điển uyên thâm của Hòa thượng đã khiến cho Tăng Ni sinh từ khóa I đến khóa VII vô cùng kính ngưỡng và thán phục. Hòa thượng rất nghiêm túc và luôn có tránh nhiệm trong các môn học mình phụ trách. Không bao giờ vì bất kỳ lý do gì mà Hòa thượng để cho môn học mình phụ trách bị thiếu tiết và gián đoạn. Vì vừa là bậc tinh nghiêm giới luật, vừa là nhà giáo dục mô phạm nên bao thế hệ Tăng Ni luôn xem Ngài là điểm tựa tâm linh, là biểu tượng cao cả, mô phạm cho sự nghiệp tu học của mình.
Năm 2001, Hòa thượng Bổn Sư viên tịch, Ngài tiếp nối Phật sự của Bổn Sư để lại và trở thành đệ nhị trú trì Tu Viện Nguyên Thiều. Với đức hạnh kiêm ưu và kinh nghiệm tinh thông về giới luật, từ năm 1994 đến năm 2013, Hòa thượng được Chư sơn trong tỉnh cung thỉnh trong hàng thập sư và giáo thọ A-xà-lê cho nhiều Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Thành phố Quy Nhơn:
Năm 1994, Hòa thượng được cung thỉnh Đệ Ngũ Tôn Chứng tại Đại Giới Đàn Phước Huệ.
Năm 2000, Hòa thượng làm đệ tứ tôn chứng tại Đại giới đàn Chánh Nhơn.
Năm 2004, Hòa thượng làm đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Huệ Chiếu
Năm 2009, Hòa thượng làm làm đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Giác Tánh
Năm 2013 Hòa thượng làm Giáo Thọ A-xà-lê tại Đại Giới Đàn Kế Châu.
II. DỊCH THUẬT:
Với khả năng Hán ngữ uyên thâm và sự tinh thông nội điển, Hoà thượng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phiên dịch và in ấn Kinh, Luật, Luận để Tăng Ni, Phật tử học hỏi và tu trì. Những tác phẩm dịch thuật gồm:
Luận Khởi Tín
Luận Đại Thừa Chỉ Quán
Luận Phật Thừa Tông Yếu
Nghi thức Truyền Giới
Nghi thức Bố tát Tỳ Kheo
Hai Thời Công Phu
III. NHIẾP HOÁ ĐỒ CHÚNG:
Vì là người thao thức với tiền đồ chánh pháp, Hòa thượng luôn tự thân nghiêm trì và khuyến hóa các Tăng Ni trẻ phải biết trân quý và hành trì luật nghi.
Ngài rất ít nói, chuyên lấy thân giáo để nhiếp hóa và uốn nắn đạo hạnh của đại chúng. Vì lý do đó, rất nhiều Tăng Ni và Phật tử tìm về Nguyên Thiều để xin xuất gia làm đệ tử, hoặc y chỉ, hoặc quy y. Hòa thượng đã truyền thọ Ngũ giới, Thập thiện giới và Bồ-tát giới tại gia cho rất nhiều Phật tử khắp nơi. Ngài đã độ hơn 15 vị đệ tử xuất gia và hướng dẫn tu học cho rất nhiều Tăng chúng tại bổn viện.
IV. KIẾN THIẾT TRÙNG TU:
Vì Tăng chúng tu học tại Nguyên Thiều ngày càng đông, các khóa an cư, kỵ giỗ tại Tu viện ngày một có nhiều Chư tôn đức và Phật tử người về tham dự, hộ trì, nhưng cơ sở sinh hoạt của Tu viện còn quá khiêm tốn và thiếu thốn, Hòa thượng đã khai khẩn đất đai, mở rộng khuôn viên tu viện, xây dựng mới Tây đường, phòng khách và khu Tăng đường phía sau tổ đường. Trước khi lâm trọng bệnh, Hòa thượng đã kiến thiết xây dựng khu trai đường phục vụ cho việc an cư hằng năm của Tu viện. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn xây dựng nhiều hạng mục khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cua Tăng chúng nội trú.
Năm 2010 Hòa thượng đảm nhận Phật sự tại chùa Long Tường, Tuy Phước và đã đứng ra xây dựng mới toàn bộ ngôi chùa này, khiến nơi đây trở thành ngôi phạm vũ tôn nghiêm.
D. THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Vào những năm cuối đời, sức khỏe của Hòa thượng ngày một suy yếu, thân tuy bệnh nhưng tinh thần vẫn luôn tự tại, tràn đầy nhiệt huyết, nhất là đối với việc giảng dạy tại Trường TCPH Bình Định. Ba tháng trước khi viên tịch, dù thân lâm trọng bệnh, nhưng Hòa thượng vẫn cho đệ tử photo Luận Đại Thừa Chỉ Quán để giảng dạy cho Tăng Ni sinh khóa VII.
Vào cuối mùa an cư năm Ất Mùi, PL 2559, bệnh cũ tái phát và trở nên trầm trọng. Mặc dù đã được hàng đệ tử thân cận tận tình chăm sóc và được các bác sĩ, y sĩ tận tình chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hoà thượng đã an tường xả báo thân lúc 0 giờ 55 phút ngày 01 tháng 05 năm 2016 (nhằm ngày 25 tháng 03 năm Bính Thân). Hưởng thọ 73 tuổi đời, 44 tuổi đạo.
Thế là hoá duyên đã mãn, công hạnh nghiêm trì luật nghi và đào tạo Tăng tài đã thành tựu trọn vẹn. Dù rằng Hoà thượng đã trở về thế giới chơn như thanh tịnh, vô tung bất diệt, nhưng gương sáng của trí tuệ và phạm hạnh của Ngài vẫn còn mãi với Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài tỉnh. Quả thật là:
Giới luật tôn nghiêm, đạo hạnh soi đường cho hậu thế,
Làu thông giáo điển, lòng từ tỏa khắp cõi nhân gian.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ Thập Ngũ Thế, Tu Viện Nguyên Thiều Đệ Nhị Trụ Trì, Húy thượng Quảng hạ Bửu, Hiệu Minh Trí, Tự Trí Biện Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.
( Đại đứcThích Đồng Thành - Hiệu trưởng trường TCPH Bình Định cùng Môn đồ Pháp quyến đồng cung soạn )