Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Đồng Quả 1952 - 2025

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG QUẢ

(1952 - 2025)

 

 I. THÂN THẾ

 Hoà thượng thế danh là Trương Văn Thanh. Sinh năm Quý Tỵ, tại thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hoà thượng là người con thứ 5 trong gia đình Nho gia gồm 10 người con, thuần tín tam bảo. Thân phụ là cụ ông Trương Lộc, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Lưỡng.

 II. QUÁ TRÌNH XUẤT GIA TU HỌC

Năm 1958, khi vừa lên 6, Hòa thượng sớm được hai cụ thân sinh cho xuất gia tại chùa Long Sơn (thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) với Hoà thượng Thích Tâm Khải, được cho pháp danh là Nguyên Lương.

Năm 1964, trong bối cảnh chiến tranh xảy ra liên miên trên dải đất miền Trung, ngài bị thất lạc với Hoà thượng Bổn sư trong một lần “chạy tản cư”. Ngài được một gia đình Phật tử tốt bụng tại khu I (Quy Nhơn) dang tay đón nhận và giao cho việc giữ trẻ trong nhà như người thân trong gia đình. Sau đó, Hoà thượng Bổn sư hay tin nên dẫn ngài về gửi tại chùa Thanh Quang (thôn Phò An, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) để tiếp tục tu học. Trong thời gian này, ngài y chỉ với Hoà thượng Thích Thị Thông hiệu Minh Quang, được đặt pháp huý theo dòng kệ thiền phái Chúc Thánh. Từ đó về sau, Hoà thượng lấy huý là Đồng Quả. Trong khoảng thời gian này, thân mẫu của Hoà thượng cũng phát tâm về chùa công quả phụng sự tam bảo. Hoà thượng vừa hầu Thầy, vừa cùng thân mẫu sớm hôm chăm sóc ruộng vườn, đôi lần lấy củi đổi gạo.

Năm 1970, sau khi hoàn tất cấp tiểu học, ngài được Bổn sư gửi về chùa Long Khánh (Tp.Quy Nhơn), tiếp tục tu học. Trong thời gian này, ngài theo học lớp gia giáo và trường Bồ-đề dưới sự dạy dỗ của quý Hoà thượng Tâm Hoàn, Hoà thượng Tâm Hiện và Hoà thượng Giác Ngộ. Phước duyên lớn, ngài được chọn làm thị giả Trưởng lão Hoà thượng Thích Tâm Hoàn.

Ngày 19 tháng 3 năm 1975, nhân duyên hội đủ, ngài được Phật tử thỉnh nguyện về chùa Viên Quang (thôn An Ngãi, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) đảm nhận vai trò tự trưởng.

Tháng 01 năm 1976, ngài được Hoà thượng bổn sư cho thọ cụ túc giới tại tổ đình Hưng Long do Đại lão Hoà thượng Thích Tâm Đạt (tổ đình Thiên Bình) làm chứng minh giới sư, Hoà thượng Thích Từ Nhơn (chùa Thọ Sơn) làm đường đầu.

III. QUÁ TRÌNH SINH HOẠT PHẬT SỰ

Năm 1989, Giáo hội bổ nhiệm Hoà thượng về chùa Phước Hưng (thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn) đảm nhận trụ trì cho đến nay.

Năm 2008, Hoà thượng đảm trách công tác Giáo hội ở vị trí Phó Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn.

Năm 2013, Hoà thượng là Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

Năm 2018, Hoà thượng là Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định.

Tại Đại hội Đại biểu GHPGVN thành phố Quy Nhơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016-2021 và lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, Hoà thượng được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Quy Nhơn.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Định lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, Hoà thượng được suy cử làm Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Hoà thượng được suy cử làm Phó Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN.

Ngoài ra, Hoà thượng được cung thỉnh vào ngôi vị tôn chứng trong các đại giới đàn tổ chức tại bản tỉnh như:

  • Đệ tứ tôn chứng Đại giới đàn Kế Châu năm 2013
  • Đệ tam tôn chứng Đại giới đàn Trí Hải năm 2020
  • Đệ nhất tôn chứng Đại giới đàn Trí Độ năm 2023

Sanh thời, Hoà thượng là bậc có giới đức trang nghiêm, hiểu biết sâu rộng. Ngài không chỉ tinh thông kinh luật, có khiếu văn chương và đam mê nghiên cứu, mà còn luôn tận tâm truyền trao tri thức cho hàng hậu học hữu duyên. Trong suốt cuộc đời tu hành, Hoà thượng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy và bảo tồn nghi lễ Phật giáo, xem đó là phương tiện thiện xảo để kết nối đạo pháp với đời sống thực tiễn của quần chúng.

Ngài dành trọn tâm huyết cho công việc ứng phó đạo tràng, xem việc trợ duyên cho người mất cũng như kẻ còn là trách nhiệm thiêng liêng của người con Phật. Dù nắng hay mưa, dù chốn sang giàu hay nơi nghèo khó, ngài vẫn luôn hiện hữu đúng lúc, mang theo hơi ấm từ bi và âm vang của lời kinh tiếng kệ lay động lòng người.

IV. XÂY DỰNG ĐẠO TRÀNG

Kể từ ngày được cung thỉnh đảm nhận trọng trách trụ trì ngôi phạm vũ Phước Hưng, Hòa thượng đã đem hết tâm huyết của mình để chuyển hóa vùng “biển xanh cát trắng” nơi đầu sóng ngọn gió thành một miền đất thiêng, chan hòa ánh đạo. Những ngày đông mưa dầm hay những ngày hè nóng bức, bóng dáng ngài vẫn âm thầm hiện hữu như ngọn hải đăng giữa biển khơi, vững vàng soi đường cho dân làng vượt qua bao mùa bão giông của cuộc đời.

Mang nặng chí nguyện trùng hưng tam bảo, Hòa thượng đã nhiều lần khởi xướng việc trùng tu ngôi già lam Phước Hưng, cùng chư Tăng và Phật tử địa phương kiến tạo nơi đây thành chốn quy hướng tâm linh cho bao người con Phật. Tuy địa hình cách trở, kinh tế khó khăn, vật tư xây dựng phải vận chuyển bằng đò, nhưng ngài chưa từng nề hà, bởi trong tim luôn rực cháy một niềm tin bất diệt vào con đường hoằng pháp lợi sinh. Lần trùng tu đầu tiên vào năm 1990 (Canh Ngọ), xây dựng chánh điện, tổ đường. Lần trùng tu thứ hai vào năm 1995 (Ất Hợi), xây dựng chánh điện, tổ đường, đông đường, tây đường và hàng rào xung quanh chùa. Từ năm 2019 (Kỷ Hợi) đến năm 2021 (Tân Sửu), Hoà thượng tiếp tục đại trùng tu lần thứ ba. Khi ngôi phạm vũ Phước Hưng đã được trang nghiêm thành tựu như sở nguyện, vào dịp đại lễ Phật đản năm 2023, Hoà thượng đã chính thức trao truyền trọng trách trụ trì cho đệ tử là đại đức Thích Vạn Độ tiếp tục kế thừa.

Hòa thượng vừa là người thầy, vừa là người cha của ngư dân làng chài. Hiểu rõ đời sống cơ cực của bà con vùng biển, ngài đã khéo léo ứng dụng nhiều phương tiện thiện xảo để nâng đỡ đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Ngài đích thân chữa bệnh cho trẻ nhỏ và người già, mở các buổi giảng về đạo lý sống an lạc, cao đẹp, tổ chức các khóa tu gieo mầm tỉnh thức và khơi nguồn lý tưởng phụng sự nhân sinh.

 V. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Dù mang trong mình trái tim thiết tha với Đạo pháp và quê hương, muốn tiếp tục cống hiến và tận hiến nhiều hơn nữa nhưng thân tứ đại của Hoà thượng vẫn phải bị chi phối bởi định luật vô thường của sinh lão bệnh tử. Đến những giây phút trước lúc xả bỏ huyễn thân về cõi Tịnh, ngài đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà tham dự Đại lễ Vesak 2025 tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ngài trở về quê hương tiếp tục chỉ đạo tăng ni Phật tử thành phố Quy Nhơn trang nghiêm cử hành đại lễ Phật đản trên cương vị trưởng ban tổ chức. Đại lễ chu viên, ngài trở về bổn tự tịnh dưỡng. Như nhận thấy trước cơn gió vô thường sắp thoảng qua, ngài đã ân cần dạy bảo đệ tử lần cuối rồi an nhiên thị tịch vào lúc 21h45 ngày 14 tháng 04 năm Ất Tỵ (nhằm ngày 11 tháng 05 năm 2025) trong niềm tiếc thương vô hạn của tứ chúng đệ tử. Ngài trụ thế 73 năm, hạ lạp 49 tuổi.

Tuy huyễn thân đã không còn hiện hữu nơi trần thế, nhưng đạo phong thanh cao, chí nguyện sắt son làm tốt đời đẹp đạo, cùng sự hy sinh thầm lặng của Hoà thượng vẫn sẽ còn mãi. Như ánh trăng rọi khắp trời biển đêm, công hạnh ngài sẽ tiếp tục soi đường dẫn lối cho hàng tứ chúng trên lộ trình tu học, hành đạo và phụng sự nhân sinh.

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG

TỨ THẬP TAM THẾ, CHÚC THÁNH PHÁP PHÁI

THANH QUANG MÔN HẠ

PHƯỚC HƯNG ĐƯỜNG THƯỢNG,

HÚY THƯỢNG ĐỒNG HẠ QUẢ,

TỰ TRÍ THÀNH, HIỆU GIÁC HẠNH

HÒA THƯỢNG ÂN SƯ GIÁC LINH

THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

 

Ngày 15 tháng 04 năm Ất Tỵ

Môn đồ pháp quyến cung soạn

 

Tin cùng chuyên mục