Cung tiển Ân sư

Thích Minh Tuệ 

  CUNG TIỄN ÂN SƯ

Thành kính đảnh lễ Giác Linh Ân Sư,

Một lòng thương kính bậc Ân Sư

Con trở về đây để giã từ

Duyên trần vừa mãn, hoa sen nở

Thanh thản Người rời cuộc huyễn hư…

Thế là hết, hơi thở Người vừa lịm tắt, hồi chuông trống Bát Nhã vang lên để báo ai tin và vân tập chư Thiên, Hộ Pháp, tứ chúng lay chuyển vùng địa linh Tháp Chàm, rền vang khắp núi đồi Nguyên Thiều. Điều ưu tư trăn trở nhất của chúng con đã biến thành sự thật, cái gì đến rồi cũng phải đến : Người đã buông bỏ, Người đã rời trần gian cõi tạm để thể nhập vô sanh bất tử, niết bàn chơn như. Tiếng niệm Phật tiễn biệt Người đi vẫn từng hồi vang vọng không ngớt đưa bước chân con đến nhìn Tôn Dung Người bất động lần cuối và vào thăm liêu thất ngày xưa cũng như chân dung Người nơi bàn hương án. Thật tình giờ phút này đây con không định tâm để niệm Phật được mà dòng suy tưởng của con miên man chảy dài kể từ cuộc hội ngộ đầu tiên với Người cho đến ngày hôm nay. Con ghi lại đây để kỷ niệm, ôn học với những khúc nôi tâm thành quyện thành tâm hương cung tiễn bậc Ân Sư khả kính.

Cái ngày ấy cuộc đời con lang thang bất định, sau bao nhiêu dong ruổi và mệt mỏi với danh lợi dòng đời, con được giới thiệu về Tu Viện Nguyên Thiều nhàn thanh u tịch phù hợp với ý nguyện tu tâm dưỡng tánh xa lánh hồng trần của con. Sau khi chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên với trọn tâm thành khấn nguyện, con một thân một mình vào để gặp những vị có trách nhiệm Tu Viện thưa trình về tâm nguyện của mình. Đó là một buổi trưa và các thợ chạm điêu khắc bảo con chờ đợi chốc nữa họ sẽ chỉ con đến gặp Quý Thầy Tu Viện. Khi các thợ chỉ Thầy từ chùa dưới lên chùa trên, con có ấn tượng mạnh và cảm phục chân dung của một bậc tu hành hiền từ, thanh thoát, đơn giản diệu kỳ. Con chắp tay thưa hết với Thầy về tình hình trường hợp của con và tâm nguyện xuất gia. Thầy bảo :

“…Nay chú phát tâm xuất gia vậy là điều tốt đó, mấy năm gần đây Tu Viện vừa mở cửa trở lại đón nhận những hạng chí thiết xuất gia tu học. Việc này tôi sẽ dẫn chú đi gặp Thầy Trụ Trì quyết định, một người thành tâm xuất gia như chú thì chắc là được, Thầy Trụ Trì sẽ nhận thôi….”

Thế rồi Ngài Trụ Trì nhận con làm đệ tử xuất gia. Tuy vậy tình đối với Thầy không hề phai nhạt mà được nuôi dưỡng và lớn dần theo năm tháng. Thầy trực tiếp hướng dẫn chúng con lo công việc hàng ngày và dạy con với Sư Đệ Đồng Hòa đêm đêm. Những năm đầu thập niên 90 (1990s) hầu hết người xuất gia đều cầu tiến và siêng năng vượt bậc. Trong những lúc công quả : kéo đất đào giếng, kéo gạch, phụ hồ, tưới vườn, … con đều có sẵn những mảnh giấy nhỏ để học. Đêm về, Thầy với hai con chong đèn dầu bông sông để học Kinh Bát Đại Nhân Giác, Tứ Thập Nhị Chương, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Kinh Di Giáo,…

Con được Thầy giao làm chúng trưởng, coi ngó và nhắc nhở việc chấp tác và tu học của chúng. Ngoài ra Thầy còn giao con kèm các môn học phổ thông cho các chú đang học lớp 7.8. Con có duyên học hỏi nơi Thầy rất nhiều bởi vì Thầy cắt đặt, nhắc nhở và hướng dẫn công việc sau mỗi lần thọ thực.  con thường xuyên báo cáo tình hình chúng với Thầy. Thầy thật là một con người toàn bích : Thầy học xong Tú Tài và dạy các môn phổ thông cho các Trường Bồ Đề và nhiều Tu Sỹ khác, Thầy nắm chắc các công việc của chùa từ tổng quát đến chi tiết, từ việc xây dựng, chăm sóc kinh tế vườn, báo cáo tình hình tài chánh và sinh hoạt đến “Ông Ngài” (cố Đại Lão Hòa Thượng Thích thượng Huyền hạ Quang) cũng như đến Ngài Trụ Trì (cố HT. Thích thượng Đồng hạ Thiện) cho đến quán xuyến việc đi chợ, gạo nếp, hũ tương, và tự may đồ cho chúng mặc, thật là kim chỉ đáo để! Thầy là bậc tài đức vẹn toàn. Tài là Thầy có thể dạy kiến thức phổ thông, kiến thức thế gian, những việc gì trong chùa Thầy để biết, trực tiếp làm hoặc hướng dẫn chỉ đạo cụ thể, Thầy giảng giải về Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tư tưởng các bộ Kinh Đại Thừa cho Trường Hạ và các bộ Kinh Thập Thiện, Giới Luật cho Tăng Ni Sinh Trung Cấp Phật Học. Thầy thông hiểu chữ Hán và dịch nhiều Kinh do Cố HT. Thích Đổng Minh giao phó trong đó có : Phật Thừa Tông Yếu Luận, Luận Đại Thừa Chỉ Quán, Tứ Phần Luật và soạn dịch Các Thời Công Phu Tụng Niệm,…Đức là vì mỗi lời nói là khuôn vàng thước ngọc, mỗi cử chỉ là bài học cao sâu, mọi biểu hiện đều là phương tiện khai hóa. Thời cách xa Phật hơn 2500 năm này thật khó tìm được một người kính kính cẩn cẩn tôn trọng và hành trì giới luật nghiêm mật từ điều lớn đến điều nhỏ. Vì có thể là lời biện hộ cho chính mình với Khai Giá Trì Phạm và phương tiện tùy duyên nhiều người trong chúng ta đi quá giới hạn hàng rào giới luật. Riêng Thầy thì : 2 thời công phu cả đời không bỏ sót bữa nào chỉ trừ phi đau nặng, nhất cử nhất động đều uy nghi quỹ phạm. Mỗi khi thọ thực cũng là lúc nghe Kinh chứ không được tán tâm tạp thoại. Ai đối diện với Thầy vừa tiếp nhận được làn sóng từ bi nơi Thầy, vừa là tấm gương phản chiếu soi lại chính mình để không buông lung, dễ duôi bỡn cợt, nói năng hay hành động dư thừa hoặc thị phi nhân ngã bỉ thử,…Cuộc sống của Thầy cực kỳ đơn giản và tiết kiệm. Phòng riêng của Thầy không có tủ lạnh, máy điều hòa, nơi tiếp khách của Thầy chỉ là một bộ phản vài cái ghế nơi hành lang. Thầy tính toán bố trí từng cái đèn, từng cái vòi nước, từng cọng rau, chén tương, bát gạo,… sao cho tiết kiệm khỏi nhiều chi phí nhà chùa. Vì “giáo bất nghiêm sư chi đọa” nên Thầy rất nghiêm khắc với các tu sỹ trẻ phạm lầm lỗi như là : hút thuốc lá, vọng ngữ, trốn học, ra khỏi chùa ngoài thời hạn cho phép. Thầy có đủ Bi – Trí – Dũng, không thể để : “Một con sâu phá rầu nồi canh”, có những trường hợp Thầy phải đành lòng trục xuất ra khỏi trú xứ Nguyên Thiều.

Tuy rằng con không làm được như Thầy nhưng con cảm thấy rất “hợp tánh” với Thầy. Thời gian đầu ở chùa con có những cơn “xốc” Thầy dùng những biện pháp tâm lý hóa giải cho con khai thông. Thầy rất quan tâm và chia sẻ với con rất nhiều về các chặng đường tu học và tạo duyên cho cha con và mẹ con vào Tu Viện để nương nhờ tu học. Con cảm thấy mình có phước duyên lớn đến xuất gia tu học Nguyên Thiều hạnh ngộ thọ giáo các bậc Cao Tăng : Cố TLHT Thích  thượng Huyền hạ Quang như người Cha đầy sáng suốt bản lĩnh, lo cho chúng và Tu Viên Nguyên Thiều, Sư Phụ Cố HT Đệ Nhất Trụ Trì Thích thượng Đồng hạ Thiện như người Mẹ, hằng ngày dẫn chúng ra cuốc đất trồng rau, tưới phân nhổ cỏ gần gũi, thương yêu, trách nhiệm, ban thưởng cho các chú siêng năng dễ bảo. Còn Thầy giống như Anh Cả đầy đảm đang tháo vát, hi sinh chịu thương chịu khó. Có đủ ba  vị như vậy chúng con còn phải lo lắng chi nữa?

Chính nhờ uy đức như vậy, Thầy mới được Ban Giám Hiệu Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều khẩn khoản cung thỉnh Thầy tiếp tục dạy liền 7 khóa, bởi vì giáo dục Phật Giáo có thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, về kiến thức bộ môn thì có thể các Tăng Sỹ trẻ học từ các nơi xa về có thể dạy được thế nhưng uy đức của một bậc mô phạm tòng lâm thạch trụ thì dễ đâu tìm được? Thầy tận tâm tận sức đối với Đời đối với Đạo hễ có ai có việc gì cung thỉnh đến Thầy mà Thầy có thể hiện diện, chia sẻ được thì Thầy không ngại gian lao, không nề khó nhọc từ việc cầu an, cầu siêu cho đến việc trùng tu Già Lam, mọi Lễ Hội sinh hoạt của Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều : Tổng Kết, nhà giáo, Tất Niên, Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường, Đêm Hoa Đăng Lễ Phật Thành Đạo,…Thầy là một bậc Thầy tôn kính, là chỗ quy ngưỡng cho bao thế hệ học trò về đảnh lễ trong ngày gặp mặt truyền thống của Trường Phật Học Nguyên Thiều. Nhiều người y chỉ, tôn kính và học theo hạnh của Thầy suốt đời. Đức Hạnh cao dày như Thầy mới được cung thỉnh vào hàng chứng minh trong các Lễ Hội lớn Phật Giáo và nhất là hàng Tôn Chứng và Giáo Thọ A Xà Lê các giới đàn Phước Huệ năm 1994, giới đàn Chánh Nhơn năm 2000, giới đàn Huệ Chiếu năm 2004, Đại giới đàn Giác Tánh 2009  Giới Đàn Kế Châu – Bình Định 2013 tại Bình Định và Giới Đàn Cam Lộ Gia Lai 2010,….

Dùng văn tự để mô tả hành trạng của Người thật là một sự gượng gạo bất đắc dĩ, bút mực nào có thể mô tả trọn vẹn công hạnh uy đức cao cả của Thầy, chỉ có những ai có duyên sinh hoạt, tiếp xúc, sống, học với Thầy mới lặng lẽ cảm nhận và thẩm thấu cả đời. Dù thởi cuộc hoàn cảnh biến thiên, lối sống xã hội đổi thay, nhưng Người vẫn thế : vẫn một lòng thủy chung sắt son với Đạo, tiếp nối Tông Phong, trùng quang Tổ Ấn, gìn giữ giềng mối Đạo Pháp, kế thừa xứng đáng ý chỉ như TLHT Thích Huyền Quang và Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều ủy thác lạivô ngã, vị tha, khiêm cung, mô phạm, mẫu mực, đơn giản, miệt mài, từ bi trí tuệ sâu rộng của hàng long tượng Phật Pháp.

Nay Người đã ra đi, Giáo Hội mất đi một bậc Tăng Tài, Trường Trung Cấp Phật Học mất đi một bậc Giáo Thọ Sư, Vị  Giám Luật gương mẫu, tận tụy, Tu Viện Nguyên Thiều mất đi một vị Trụ Trì uy đức, hàng hậu học mất đi nơi nương tựa, quần chúng mất một vị Thầy thân kính. Người ra đi thật sự là một mất mát lớn lao không sao bù đắp được. Nhưng như đại thi hào Nguyễn Du có viết : “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, “Người đi dấu vết chưa nhòa”, ngàn năm nước sông Côn vẫn róc rách gọi tên Người, bóng Người phủ dài trên dốc Tháp, chòm lá còn bàng hoàng xao động, chuông mõ mãi còn nhắc đến tên ai. Ánh mắt từ bi, nụ cười hàm tiếu, dáng bước khoan thai, Tâm hạnh thoát tục, pháp nhũ cao sâu của Người vẫn còn lắng đọng sống mãi theo từng nhịp đập trái tim, từng bước đi và từng làn sóng tư duy tâm thức của những người từng có lần hạnh ngộ Người. Vậy thì sự chia ly này chỉ là giả tạm và như lời Thầy dạy về lẽ vô thường và bản chất các pháp hữu vi có hợp ắt phải có tan, có sinh ắt có diệt, …Thế nhưng ảnh hưởng, tinh thần và pháp nhũ của Thầy là bất diệt. Xưa kia  Ngài  Xá Lợi Phất gặp và học Ngài Mã Thắng chỉ một bài kệ mà mỗi buổi chiều còn quay theo hướng của Thầy ngày xưa đang ở đâu mà lễ lạy cả đời huống chi chúng con thọ ơn cảm hóa xiết bao công phu từ Thầy. Chúng con nguyện tu học và rèn luyện theo tấm gương của Thầy để trở thành một vị tu sỹ xứng đáng trong hàng Thiền môn Thích tử “kế vãng khai lai, báo Phật Tổ chi ân đức” khiến cho Nguyên Thiều phạm vũ ngày một huy hoàng, đèn Thiền ngày thêm tỏ rạng, Phật nhựt tăng huy, pháp luân thường chuyển ngộ tâm khai để khỏi cô phụ tình Thầy bao la cưu mang giáo dưỡng, để tiếp nối sứ mạng giáo dục Phật Giáo của Thầy và hoằng pháp độ sanh.

Nguyện Thầy chứng minh và gia hộ cho chúng con chân cứng đá mềm nối tiếp hành trình của Thầy cho trọn kiếp nhân sinh, vững chãi thảnh thơi vượt qua bao thác ghềnh thử thách như tấm gương lạc quan, tự tại an nhiên của Thầy cho dù đối diện với cơn đau bệnh, vẫn an nhiên thị tịch không bàng hoàng sảng sốt, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng như hóa thân Đại Sỹ vừa trở về sau một chuyến phiêu du.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ Thập Ngũ  Thế, Tu Viện Nguyên Thiều Đệ Nhị Trụ Trì, Húy thượng Quảng hạ Bửu, Hiệu Minh Trí, Tự Trí Biện Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thuỳ từ chứng giám.

Tin cùng chuyên mục