Ảnh hưởng của Phật giáo trong cách đón Tết của người Việt

Mỗi dân tộc, dù lớn hay nhỏ, đều có những phong tục tập quán khác nhau. Trong đó, Tết, tức là năm mới tùy theo lịch của mỗi dân tộc, có thể nói là lễ quan trọng nhất của bất cứ dân tộc nào. Đối với người Việt Nam nói chung, Tết cổ truyền, tức năm mới theo lịch âm, được xem là quan trọng nhất.
Tết ở Việt Nam được cung đón theo các hình thức lễ nghi rất đa dạng tùy theo phong tục địa phương và sức ảnh hưởng của tôn giáo. Với người Việt có niềm tin Phật giáo và đa thần nói chung và người phật tử nói riêng, hình thức đón Tết của họ thường phản ảnh nét văn hóa cả dân gian và Phật giáo. Bài viết sẽ tìm hiểu về ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo trong cách đón Tết của người phật tử Việt Nam. Bài viết sẽ thảo luận bốn ý chính như đề cập bên dưới.
 
Tết cổ truyền của người Việt
 
Tết cổ truyền của người Việt được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc vào khoảng năm 2852 đến 2205 TTL1. Tuy nhiên, vào thời Hùng Vương, khoảng năm 2879 đến 258 TTL2, ở Việt Nam cũng có Tết. Nó được biết qua truyền thuyết bánh chưng bánh dày, vật biểu trưng cho ngày Tết xưa nay ở Việt Nam. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi lại câu chuyện nói về nguồn gốc bánh chưng bánh dày và nói rằng: “Đến ngày Tết vua lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước…”3
 
Căn cứ vào thời gian vừa nêu thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều có Tết riêng. Nghĩa là, Tết của người Việt lúc đó không theo Tết của Trung Quốc. Lý do suy luận là Việt Nam lúc ấy là nước độc lập chứ không phải là thuộc địa của Trung Quốc (bị đô hộ) như sau này.
 
Tuy nhiên, các chi tiết nói về Tết ở Trung Quốc rõ hơn Tết ở Việt Nam. Trong khi Tết ở Trung Quốc được ghi chép tương đối rõ ràng về sự thay đổi của nó từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến đời Hán, thời điểm không còn thay đổi nữa,4 thì Tết ở Việt Nam chỉ được biết thông qua truyền thuyết bánh chưng, bánh dày.
 
Sau khi Việt Nam bị đô hộ mười thế kỷ, Tết của người Việt có lẽ đã bị ảnh hưởng nhiều bởi Tết của người Trung Quốc. Dù vậy, cách tính ngày Tết giữa người Việt và người Trung Quốc vẫn có lúc chênh nhau một ngày như năm 2007, do cách tính múi giờ khác nhau.
 
Cách đón Tết của người Việt
 
Như đã nói ở trên, Tết cổ truyền là lễ hội quan trọng nhất của người Việt vì Tết này được chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất, phổ biến rộng rãi nhất và thời gian dài nhất. Theo phong tục ở Việt Nam, khi thời gian bước qua tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) thì không khí chuẩn bị Tết đã bắt đầu. Sự chuẩn bị Tết được biểu hiện qua các gian hàng, chợ búa, nơi các hàng hóa chuẩn bị cho ngày Tết được bày biện để buôn bán. Các cơ quan, tổ chức xã hội bắt đầu lên lịch mua sắm quà Tết để biếu tặng cho nhau.Ở thôn quê, các gia đình cũng chuẩn bị may hay mua sắm quần áo mới cho con trẻ để chúng vui chơi trong dịp Tết. Các gia đình, tùy theo điều kiện và sở thích, trang trí lại làm cho nhà cửa mới mẻ và sáng đẹp để đón chào năm mới với mong mỏi có nhiều điều may mắn mới.
 
Không khí Tết biểu hiện càng lúc càng rõ khi thời gian năm cũ ngắn dần và các phong tục trước Tết được thực hiện. Trước hết là phong tục “chạp mả”. Phong tục này thường được thực hiện trong tháng Chạp và một số ít sau Tết. Thông qua phong tục “chạp mả”, con cháu được giáo dục, nhắc nhở về mồ mả ông bà tổ tiên, hay nói cách khác là giáo dục về nguồn cội của mình. Không khí Tết biểu hiện rõ ràng hơn là từ ngày 23 tháng Chạp, khi phong tục “đưa tiễn ông Táo, hay cúng “ông Táo” được thực hiện. Một số nơi còn giữ phong tục dựng “cây nêu” với niềm tin rằng việc làm này sẽ trừ quỷ dữ và điềm xấu trong khi ông Táo đi vắng và xa hơn là để giữ nét văn hóa. Từ thời điểm này, mọi hoạt động mua sắm, tiệc tất niên, chuẩn bị Tết…trở nên nhộn nhịp và làm cho mọi người bắt đầu sống trong không khí Tết.
 
Đối với những người đi làm xa quê hương, “về quê ăn Tết” là một cuộc hành hương về cội nguồn với nhiều tâm trạng vui buồn khác nhau. Những chuyến xe hay phương tiện vận chuyển dịp cận Tết luôn đông đảo, thậm chí quá tải chiều về làm cho hành khách về quê nhiều khi gặp khó khăn và không thoải mái. Tuy nhiên, với tâm lý được đoàn tụ gia đình sau một năm vất vả, nhiều người vẫn cố gắng vượt qua “ám ảnh” để thỏa mãn tâm nguyện của mình.
 
Vào ngày cuối năm và lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, một nghi lễ không thể thiếu đối với các gia đình người Việt là cúng “gia tiên” hay cúng “ông bà tổ tiên”. Mọi nhà, tùy theo khả năng và phong tục vùng miền, đều sắm hoa quả và phẩm vật để dâng cúng tổ tiên và mời họ về dự vui trong ba ngày Tết thông qua lễ cúng gọi là “cúng rước ông bà”.Khi cúng giao thừa, có gia đình chỉ cúng “gia tiên” nhưng cũng có gia đình cúng thêm “thiên địa” ở ngoài trời. Cúng bên ngoài có khi chỉ là thắp nhang van vái, có khi bao gồm lễ vật tùy theo niềm tin của mỗi gia đình.
 
Đón Tết của người Việt, theo phong tục, là ba ngày nhưng thực tế thì nhiều hơn. “Ba ngày Tết” được gắn liền với câu tục ngữ “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Câu tục ngữ có ý nghĩa nhắc đến ba nhân vật quan trọng mà một người phải kính trọng và biết ơn là cha, mẹ và thầy. Mục đích câu tục ngữ nhằm nhắc nhở mỗi người phải nhớ và thể hiện sự quan tâm đối với họ, nhất là dịp đầu năm. Thực tế, ít có gia đình nào thực hiện thăm viếng ba ngày theo trình tự đúng như câu tục ngữ mà thường tùy theo sự sắp xếp sao cho hợp lý và miễn sao đừng quên đạo hiếu nghĩa này. Sau ba ngày, lễ “cúng đưa ông bà” được thực hiện để kết thúc lễ Tết. Tuy nhiên, nhiều người tiếp tục đón Tết đến hết ngày mùng bảy theo tục “hạ nêu”5. Đối với công chức thì họ phải tuân theo quy định của nhà nước tùy mỗi năm. Còn với nhiều phật tử, đón Tết có khi đến qua rằm tháng Giêng sau khi họ cúng cầu an đầu năm xong.
 
Ngoài ra, còn có một số phong tục phổ biến trong dịp Tết như chúc Tết, mừng tuổi, lì xì (tức cho tiền mừng năm mới), xông đất, xuất hành, hái lộc, xin xăm…Tất cả tạo nên nét văn hóa “ăn Tết” của người Việt Nam.
 
Phật giáo trong cách đón Tết của người phật tử
 
Bên cạnh các phong tục vừa nêu trên, cách đón Tết của người phật tử nói riêng và những người có niềm tin đạo Phật nói chung thường phản ảnh nét văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo.
 
Trước hết, sau thời khắc giao thừa, các phật tử thường lựa chọn chùa làm nơi đầu tiên để đến cầu nguyện. Một số đi lễ Phật đầu năm để cầu phước báu và những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Họ nghĩ rằng Phật và các Bồ-tát là những bậc siêu phàm, luôn luôn từ bi thương xót chúng sanh và sẽ phù hộ họ khi họ cầu nguyện. Thiết thực hơn, người phật tử thấy rằng lễ chùa đầu năm là cơ hội quý báu để trải nghiệm tâm linh và hòa mình vào không khí thiêng liêng đầu năm nơi chốn thiền môn thanh tịnh. Sự trải nghiệm đó có thể làm cho tâm họ nhẹ nhàng và thư thái. Mặt khác, các phật tử cũng nhân dịp này đến các thầy trong chùa để mừng tuổi và chúc Tết đầu năm.
 
Từ chùa trở về nhà, các phật tử thường có tâm lý xin “lộc chùa” mang về gọi là lộc đầu năm may mắn. Tập tục “hái lộc”, trước đây, diễn ra ở đình và chùa nhưng hiện nay tục này hầu như chỉ ở chùa. Các chùa ngày xưa thường có nhiều cây lớn với nhiều cành lá sum suê nên việc hái lộc ít ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và ít ảnh hưởng đến mỹ quan cây cảnh. Ngày nay, các chùa, nhất là ở đô thị không gian nhỏ hẹp, thường trồng những cây cảnh nhỏ nên việc hái lộc sẽ ảnh hưởng đến cây cảnh và mỹ quan sân chùa. Ý thức được điều này, người phật tử đã thay đổi thói quen bằng cách hoan hỷ nhận những “lộc chùa” khác (được các chùa chuẩn bị) mang tính biểu tượng như cành hoa, tấm thiệp ghi câu Phật dạy, bao lì xì nhỏ tượng trưng…Dù hình thức đã thay đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn là bày tỏ niềm hy vọng có được phúc lộc và may mắn trong một năm mới.
 
Ảnh hưởng nổi bật nhất của tín ngưỡng Phật giáo trong cách đón Tết của người phật tử Việt Nam là sự cầu nguyện, hay cụ thể hơn là cầu an đầu năm và thậm chí còn cúng sao, giải hạn. Rất nhiều phật tử, bên cạnh việc lễ Phật đầu năm và tự cầu nguyện, còn ghi tên tuổi của các thành viên trong gia đình để gởi các chùa đọc tên cầu an. Có người còn tin vào “sự ảnh hưởng tốt - xấu” của các sao, hạn nên ghi đầy đủ tên các sao, hạn để thưa các thầy cúng gọi là cúng “nhương tinh giải hạn”. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quý phật tử, hầu như các chùa đều thực hiện nghi thức cầu an, dâng sớ đọc tên cho các phật tử dịp đầu năm. Một số chùa còn có các hình thức “cúng sao giải hạn” nhằm thu hút tín đồ. Phong tục này thường diễn ra từ mùng bốn đến rằm tháng Giêng nhưng đa số tập trung cúng vào ngày mùng tám và ngày rằm. Do đó, vào hai ngày này các chùa thường có đông đảo tín đồ phật tử.
 
Một phong tục khác được các phật tử hưởng ứng những năm gần đây là “hành hương thập tự”. Qua ngày mùng một Tết, một số chùa bắt đầu tổ chức cho các phật tử đi thăm viếng, lễ Phật và cúng dường các chùa. Mục đích là nhằm tạo cơ hội cho phật tử gieo duyên, làm phước đầu năm. Nếu mong muốn cầu an thì đây là cách cầu an đúng tinh thần nhân quả.
 
Ngoài ra, một số ít các chùa và các thiền viện, nhân dịp đầu xuân cũng mở các khóa tu đầu năm cho những ai tận dụng kỳ nghỉ để tu học Phật pháp. Tu tập đúng pháp cũng là cách cầu an hữu hiệu nhất.
 
Sự hài hòa trong cách đón Tết
 
Có thể nói cách đón Tết của người Việt phong phú và chịu ảnh hưởng văn hóa tôn giáo. Đối với người phật tử và những người có niềm tin vào đạo Phật, sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong cách đón Tết của họ rất rõ ràng như đã nêu trên. Điều khiến nhiều người phật tử thuần thành quan tâm là vẫn còn những phong tục không phải của đạo Phật nhưng được thực hiện nơi cửa Phật. Làm sao để có thể vừa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng phật tử, vừa hướng họ tin và thực hành theo Chánh pháp là một vấn đề rất khó từ bấy lâu nay.
 
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc là điều không thể phủ nhận. Phật giáo khi truyền vào Việt Nam đã tiếp biến văn hóa bản địa và dung hòa với các loại tín ngưỡng khác. Do đó, không lạ khi chúng ta nhìn thấy các chùa vẫn có thực hiện các loại tín ngưỡng không phải đạo Phật, nhất là vào dịp Tết, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Tuy nhiên, sự hài hòa trong chiều hướng đi về Chánh pháp vẫn là vấn đề cần phải thực hiện.
 
Hầu hết các chùa đều thực hiện nghi thức cầu an đầu năm để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các phật tử. Tuy nhiên, nhiều phật tử chưa đủ lòng tin vào Chánh pháp nên vẫn yêu cầu các chùa thực hiện nghi thức cầu an mang tính pha trộn. Bên cạnh nghi thức đọc tên cầu an mang tính phổ biến và có thể chấp nhận được, rất nhiều chùa chìu lòng phật tử nên còn đọc thêm tên các sao hạn vốn không có trong đạo Phật. Để các chùa thực hiện nghi thức thuần Phật giáo, ba điều kiện cần phải có. Một là nhu cầu của tín đồ thuần tín ngưỡng Phật giáo hơn. Hai là ý thức tự giác từ các vị trụ trì các chùa. Ba là có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền của Phật giáo. 
 
Thích Hạnh Chơn
----------------------
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki, truy cập ngày 5-10-2016.
(2) Giáo sư Mạnh Thát cho rằng đời Hùng Vương từ 2879 TTL đến 43 TL.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng, Bánh chưng, bánh tét, bánh dày, xôi và cốm, Văn Hóa Phật Giáo.
(4) Sự thay đổi về cách gọi tháng Giêng là tháng Dần hay Tý….https://vi.wikipedia.org/wiki, truy cập ngày 5-10-2016.
(5) Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp gọi là “thượng nêu” và hạ xuống vào ngày 7 tháng Giêng gọi là “hạ nêu”.

Tin cùng chuyên mục