Hôm nay ngày 30.11.2017, tại Hội trường Khách sạn Thanh Bình, 06 Lý Thường Kiệt, Tp. Quy Nhơn. Ủy Ban MTTQVN tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy Ban MTTQVN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng với các tổ chức Tôn giáo thực hiện Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2015 – 2020) trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì Hội nghị: Bà Nguyễn Thị Đàng, P.Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN tỉnh và Ông Huỳnh Quang Vinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cùng tham dự có Ông Hồ Quang Thơm, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh.
Phật giáo Bình Định tham dự Hội nghị có HT.Thích Hạnh Bảo, Trưởng BTS PG huyện Hoài Nhơn, ĐĐ.Thích Đồng Thành, Uv. HĐTS. GHPGVN, P.Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, TT.Thích Đồng Quả, TT.Thích Quảng Độ, TT.Thích Chúc Thọ, Ni Trưởng TN. Hạnh Quang, đồng P.Trưởng BTS. GHPGVN tỉnh và chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh.
Cùng tham dự có các Tôn giáo: Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Minh Sư v.v...
Hội nghị nghe Ông Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo – UBMTTQVN tỉnh báo cáo đánh giá kết quả 02 năm triển khai chương trình Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2015 – 2020) trên địa bàn tỉnh. Theo đó công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tôn giáo vận động đồng bào có đạo thực hiện việc Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư và cảnh quan nơi thờ tự. Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sơ kết những thành quả đạt được qua chương trình phối hợp của các tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Cao đài và Hòa hảo.... Nhìn chung việc Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu rất phù hợp với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo và xem đây là nhiệm vụ chung của toàn dân nên đa số các tôn giáo đều nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phổ biến và hướng dẫn một số vấn đề về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian đến.
Thay mặt Ban Thường trực Ban Trị sự, ĐĐ.Thích Đồng Thành phát biểu tham luận “Vai trò của Phật giáo trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”: Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng trên khắp toàn cầu, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, làm băng tan và nước biển dâng cao; Là các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan như mưa đá trái quy luật; Hạn hán và giá rét kéo dài; Bão lũ, động đất, sóng thần…đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, gây ra cảnh hoang tàn đỗ nát, dịch bệnh và đói nghèo. Tất cả là do những hành động phá hủy môi trường thiên nhiên, mà tác nhân chính đó là con người.
Đối với trí tuệ của bậc giác ngộ thì việc bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của con người trên hành tinh nên cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã chỉ ra chân lý của sự sống rằng: Mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khắn khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại, sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Chân lý của Đức Phật hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh tồn tự nhiên. Trong chuỗi tự nhiên đó, loài này là nguồn sống của loài kia và vì vậy, nếu một mắt xích trong chuỗi đó bị cắt đứt sẽ làm đảo lộn, thay đổi và dẫn đến diệt vong. Đức Phật chế ra giới cấm sát sanh để giáo hóa hàng đệ tử của mình thực thi giáo lý từ bi nhưng cũng là trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can thiệp vào tự nhiên để thỏa mãn mục đích của mình, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính con người.
Là thành viên của MTTQ, trong hai năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đình Định đã triển khai nhiều hoạt động tích cực và thiết thực nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như:
1. Triển khai quyết nghị của Hội đồng Trị sự GHPGVN kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực hưởng ứng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh, văn hóa giao thông, tham gia các chương trình từ thiện và an ninh xã hội.
2. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức Tôn giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020.
3. Thực hiện chương trình phối hợp đã ký kết, nhân Đại Lễ Phật Đản PL. 2561 - Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Đạo Phật và Môi trường” gồm các nội dung truyền đạt như: Con người có mối liên hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên; Thực hành nếp sống đạo đức, tôn trọng sự sống và thực thi hạnh Từ Bi Hỷ Xả; Thực tập nếp sống ít muốn và biết đủ, giảm thiểu việc khai thát nguồn tài nguyên, năng lượng của thiên nhiên; Phát tâm ăn chay và sống hài hòa, yêu thương, trân quí môi trường thiên nhiên.
4. Kết hợp với Ủy Ban MTTQVN tỉnh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đồng tổ chức Lễ Phát động hưởng ứng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhân ngày môi trường thế giới. Tại buổi lễ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã có Thông điệp gởi Tăng Ni và Tín đồ Phật tử về những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và gìn giữ môi trường trong sạch, đem lại vẻ đẹp tự nhiện của mẹ trái đất, bảo vệ hành tinh thân yêu của chúng ta và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với tâm nguyện và trách nhiệm của những người con được mẹ trái đất yêu thương che chỡ, Ban Trị sự tỉnh kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực và cam kết bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhất là gìn giữ môi trường xung quanh chúng ta luôn xanh, sạch và đẹp, đó cũng chính là bảo vệ sự sống của chính mình.
5. Động viên mọi người cùng ăn chay để thực hiện tinh thần từ bi của Đạo Phật, tôn trọng sự sống đối với muôn loài. Giảm bớt sát sanh, bảo tồn các động vật là sự duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên vốn có của quy luật tồn tại và vận hành, để bảo đảm các hệ sinh thái. Và đó cũng là hình thức bảo vệ cả trái đất.
6. Kêu gọi các Tự viện bảo vệ và trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên, đối với các Tự viện miền núi đẩy mạnh việc trồng rừng để hình thành “lá phổi của trái đất” nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai gây ra.
7. Tổ chức chương trình nhặt rác bãi biển, đây là hoạt động cụ thể, thiết thực và mang nhiều ý nghĩa nên đã nhận được sự đồng thuận ở mọi lứa tuổi khác nhau nhằm thể hiện trách nhiệm của con người đối với môi trường.
8. Thuyết giảng các đề tài như: Ăn chay để bảo vệ môi trường, bài trừ nạn đốt vàng mã… giúp cho Phật tử nhận thức đúng đắn về ý thức bảo vệ môi trường và những tác động xấu của việc hủy hoại môi trường.
9. Ban Hoằng Pháp thuyết giảng về đề tài “ Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm giúp cho các bạn trẻ Sinh viên và Học sinh nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội chung tay bảo vệ môi trường.
10. Kêu gọi các Tự viện thực hiện mô hình trồng rừng, trồng cây lấy gỗ và bảo vệ môi trường. Theo đó chùa Thiên Bửu, huyện Phù Cát đã trồng hơn 15.000 cây Bạch đàn. Với mục đích giảm thiểu sạt lỡ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Phần kiến nghị Đại đức nêu 03 vấn đề được Hội nghị tán thành và ghi nhận gồm:
1. Tỉnh nhà nên xây dựng lò thiêu để đảm bảo vệ sinh môi trường và giải quyết nhu cầu an táng của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
2. Việc giăng lưới chắn để chăn nuôi vịt trên sông làm ô nhiểm trầm trọng nguồn nước ngọt của sông và gây tác hại rất lớn cho người dân sinh sống ven sông ở vùng trung lưu và hạ lưu.
3. Nên xem lại các hồ chứa nước thủy điện và hệ thống đê, vì hằng năm gây ra lũ lụt làm ô nhiểm môi trường và thiệt hại rất lớn đến tính mạng con người và tài sản.
Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp vào lúc 10g30 cùng ngày.
Thiện Hải