Đạo Phật của người dân Thái Lan trong mắt lữ khách Việt

Đạo Phật từ lâu đã vượt qua ranh giới của một tôn giáo bởi nơi đây phần lớn người dân là Phật tử. Thực sự, nhà Phật như là cuộc đời, như hơi thở sự sống, như cơm ăn nước uống hàng ngày của người dân xứ sở Chùa Vàng.

 

Tượng Phật vàng nguyên khối tại chùa Phra Sukhothai Traimit – Thái Lan. Ảnh: Vương Lộc

 

Tôi vừa kết thúc chuyến hành trình trải nghiệm bên xứ sở Chùa Vàng, Thái Lan cách đây ít hôm. Được đắm chìm trong văn hoá bản địa, quốc gia có đến 95% người theo đạo Phật đã cho tôi những tri nhận, cảm xúc đáng quý, đáng trân trọng.

Trên hành trình chuyến xe lăn bánh đến những vùng đất xinh đẹp của Thái Lan, một du khách Việt như tôi lần đầu được ghé thăm, được mắt thấy tai nghe và cảm nhận không khí, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đất nước Thái Lan quả thực là một điều may mắn.

Phật là hơi thở, lẽ thường nhân sinh

Đạo Phật từ lâu đã vượt qua ranh giới của một tôn giáo bởi nơi đây phần lớn người dân là Phật tử. Thực sự, nhà Phật như là cuộc đời, như hơi thở sự sống, như cơm ăn nước uống hàng ngày của người dân xứ sở Chùa Vàng.

Ngay từ khi mới sinh ra, tên của đứa bé không phải do cha mẹ đặt mà được một nhà sư trong chùa đặt cho. Trong suốt cuộc đời, những sự kiện lớn từ một đứa trẻ đến lúc trưởng thành cho đến lúc già đi gắn liền với ngôi chùa, với lời giảng đạo của nhà sư, với những giá trị nhân văn được học tập, tiếp thu trong môi trường của đạo Phật.

Chúng ta còn được thấy bóng dáng Phật giáo trong cách chào hỏi của người Thái qua việc chắp hai tay, mặt hơi cúi xuống khi chào hỏi nhau. Phật giáo hiện hữu trong cuộc sống từ những điều thường nhật, ban sơ nhất.

Với người dân Thái Lan, họ luôn dành sự kính trọng, tôn thờ những nhà sư như người thân thiết trong gia đình của mình. Không những thế, ở Thái Lan ngay cả đến vua, những người trong Hoàng gia cũng phải kính nể và trân trọng những nhà sư. 

Tôi còn được nghe kể đối với người dân Thái nơi ở chỉ là chốn tránh trú tạm thời còn ngôi chùa mới là mái nhà thực sự của họ. Vì thế họ không ngần ngại cúng dường những món đồ giá trị nhất cho nhà chùa để mong chờ được sự bình an trong cuộc đời. Chính vì thế, khi tới thăm các ngôi chùa nổi tiếng ở nước Thái như Phra Sukhothai Traimit, The Golden Mount (chùa Núi Vàng), chùa Thuyền Wat Yannawa… chúng ta đều thấy bên trong có nhiều tượng Phật đẹp, thậm chí là những tượng Phật bằng vàng nguyên khối. Tất cả đều được người dân, Phật tử cho đến Hoàng gia cúng dường, xây dựng và tu bổ.

 

Người dân thỉnh Phật tại chùa Núi Vàng – Thái Lan. Ảnh: Vương Lộc

 

Phật giáo làm nên đất nước, con người Thái Lan hiền hoà, nhân hậu

Những ngày tươi đẹp ở Thái Lan được hoà mình với cuộc sống của con người nơi đây, gặp gỡ họ mỗi ngày và giao lưu qua từng cử chỉ, lời nói tôi thấy được sự hiền hoà, thân thiện và nhã nhặn của người dân xứ Chùa Vàng. Cũng có thể một phần tôi là một du khách nước ngoài nhưng một điều không nhỏ tạo nên tâm tính của người dân nơi đây là nguồn cội Phật giáo.

Đức Phật vốn dạy người ta nhân từ, nhẫn nại, từ bi hỷ xả, sống chan hoà với mọi người. Giáo lý nhà Phật được thể hiện qua hàng ngàn cuốn kinh nhưng con người sống và hành đạo không hề thô cứng mà tính Phật như ngấm vào trong con người Thái Lan như một lẽ thường của đất trời, của vạn vật, tự nhiên như gió như nắng chan hoà nơi đây…

Trong lịch sử đất nước Thái Lan, nước họ (khi đó gọi là Xiêm La) chỉ duy nhất đụng độ trong cuộc chiến với Miến Điện (nay là Myanmar) vào thế kỷ XVIII. Hoàng gia Thái chưa khi nào muốn xảy ra chiến tranh với bất kỳ quốc gia khác. Trong mọi trường hợp họ muốn đảm bảo người dân không phải tham gia vòng xoáy chiến tranh, gây thương đau thiệt hại nhân mạng, tài sản quốc gia. Hơn hết, chiến tranh là sinh tử. Một nước thuộc về Phật giáo không bao giờ muốn đụng đến gươm đao, súng đạn. Vì thế, chính sách ngoại giao của Thái Lan cực kỳ mềm dẻo và họ đã giữ được nền thái bình, tránh được hoạ chiến tranh trong suốt lịch sử dựng nước của mình. Từ đó, một lần nữa, triết lý Phật giáo với đức tính từ bi, cứu khổ cứu nạn chúng sinh lại được phát huy, thể hiện sức mạnh để bảo vệ dân tộc.

“Phật không chia Nam Bắc”

Với những ai quan tâm đến phim kiếm hiệp hẳn vẫn ấn tượng với những câu nói của các hoà thượng ở chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc). Câu nói thực sự đúng với đạo Phật ở nhân gian. Mặc dù Thái Lan cùng với Ấn Độ, Campuchia… được phân theo nhánh Nam Tông còn các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… đi theo hướng Bắc Tông nhưng những giá trị của nhà Phật không thay đổi, vẫn là hướng đến chúng sinh, tu luyện tâm tính, trở thành con người thiện, sống hướng thiện.

Giá trị của đạo Phật không nằm ở vị trí địa lý, không nằm ở trường phái, không nằm ở giới tính mà đã là những người hướng Phật, đi theo Phật pháp, tu luyện con người, làm việc thiện lành giúp đời, giúp người thì đó là Phật. Phật ở trong cách hành xử, cách sống và suy nghĩ của mỗi cá nhân. Thái Lan đi theo đạo Phật của riêng họ nhưng bản ngã thiện lương thì luôn là mẫu số chung với đạo Phật trên thế giới.

Tựu trung lại, một đất nước Phật giáo như Thái Lan luôn để lại trong lòng mỗi người nước ngoài một cảm nhận riêng. Đặc biệt với người Việt Nam như tôi, sinh sống ở một quốc gia cũng có rất nhiều Phật tử, Phật giáo được coi trọng, thì có những đối chiếu, liên tưởng thú vị giữa Phật giáo của hai quốc gia. Nhưng điều quan trọng tôi thấy ở đây là chân lý của Phật giáo, giá trị chung mà đạo phái này mang lại cho con người, xây dựng bản ngã của một con người hướng đến cái thiện, điều tốt đẹp. Đó cũng là lý tưởng cao cả nhất mà nhà Phật hay nhân loại hướng đến.

Vương Lộc/phatgiao.org.vn

 

 

Tin cùng chuyên mục