Suzuki Daisetsu 鈴木大拙 (1870-1966)
Suzuki sinh sau Nitobe tám năm, quê ở Kanazaka (tỉnh Ishikawa), một thành phố văn hóa và du lịch nhìn ra biển Nhật Bản. Ông được biết như một học giả Phật giáo tinh thông nhiều ngoại ngữ (Hán, Anh, Sanskrit), một nhà dịch thuật và sư phạm tài ba, từng giảng dạy tại các đại học danh tiếng ở Nhật Bản (Ōtani) và Âu-Mỹ (Princeton, Columbia, London, Yale, Harvard...). Tiến sĩ triết học, viện sĩ Hàn Lâm, huân chương văn hóa nhà nước, ông còn được đề cử Giải Nobel Hòa Bình năm 1963.
Con người và thời đại
1867 (năm Keiō thứ 3): Mạc phủ Tokugawa trao trả chính quyền cho hoàng gia.
1868 (Meiji nguyên niên): Chính phủ đề cao phong trào “phế Phật hủy Thích”. Thần đạo được xem như quốc giáo.
1869: Các lãnh chúa trả lại lãnh địa cho chính quyền trung ương.
1870: Suzuki Teitarō, con trai thứ tư (con út) trong một gia đình thầy thuốc cho lãnh chúa ở Kanazawa. Teitarō 貞太郎 (Trinh thái lang). Ba anh là Gen (Nguyên), Kyō (Hanh) và Ri (Lợi), tất cả các tên đều là chữ Kinh Dịch. Cha mất sớm, ông và các anh chị được mẹ nuôi dạy trong cảnh bần bách.
1877: Chiến tranh Tây Nam để bình định cuộc nổi dậy của Saigō Takamori muốn duy trì giai cấp samurai.
1889: Hiến pháp (tôn quân) của nhà nước Minh Trị được ban hành.
1892: Suzuki Teitarō nhập học Dự bị Triết tại Đại học đế quốc Tokyo. Trong thời gian này, cũng đến tham học Thiền ở Engakuji 円覚寺 (Viên Giác Tự) ở Kamakura với các thầy Imakita Kyōsen 今北洪川 (Kim Bắc Hồng Xuyên)2 và sau đó, Shaku Sōen 釈宗演 (Thích Tông Diễn)3. Là bạn học của triết gia Nishida Kitarō 西田幾多郎 (Tây Điền, Kỷ Đa Lang)4 từ hồi trung học cho đến Đại học Tokyo.
1894: Nhận đạo hiệu cư sĩ là Daisetsu (Đại Chuyết, Kẻ khiêm cung, Kẻ vụng về) từ Sōen.
1897: Theo chân Sōen sang bang Illinois (Mỹ) rồi làm việc như nhân viên nhà xuất bản và ở lại đó 11 năm. Hợp tác với học giả Phật giáo và cũng là nhà hoạt động văn hóa người Mỹ Paul Carus. Lúc đầu ông đặt trọng tâm vào chuyện dịch tác phẩm của Sōen qua tiếng Anh và dịch Đạo Đức kinh từ chữ Hán cổ qua tiếng Anh.
1904: Chiến tranh Nhật - Nga (đến 1905).
1910: Vụ án về âm mưu ám sát Thiên hoàng Meiji.
1911: Kết hôn với bà Beatrice Erskine Lane, con gái một nhà ngoại giao Mỹ. Bà là một tín đồ Thông thiên học (Thần trí học, Theosophist), học giả Phật giáo tốt nghiệp Đại học Radcliffe. Bà đã là người phụ tá, giúp đỡ ông nhiều trong đời hoạt động để khôi phục khí thế của Phật giáo Nhật Bản và truyền bá Thiền sang Âu Mỹ.
1914: Thế chiến thứ nhất bùng nổ (kéo dài đến 1918).
1919: Hai vợ chồng về Nhật, sống và làm việc trong khuôn viên chùa Engakuji ở Kamakura.
1921: Dời xuống Kyoto và dạy ở Đại học Ōtani, một đại học Phật giáo danh tiếng. Quen biết rồi thường đến đàm đạo với học giả Hisamatsu Shinichi sống ở gần bên. Hai ông bà hợp tác để xây dựng Học hội Phật giáo Đông Phương (Eastern Buddhist Society (E.B.S.), một cơ sở truyền bá văn hóa Phật giáo. Họ xuất bản tạp chí Eastern Buddhist bằng tiếng Anh. Bà Lane (đạo hiệu Thanh Liên) cũng dịch Bồ-đề tâm luận sang tiếng Anh.
1923: Trận động đất lớn vùng Kantō (Tokyo và chung quanh).
1925: Luật phổ thông đầu phiếu được công bố.
1936: Giáo sư trao đổi ở Đại học London. Tham luận tại Đại hội Quốc tế về tôn giáo ở London.
1937: Chiến tranh Nhật - Trung (đến 1945, kết thúc cùng Thế chiến thứ Hai).
1939: Bà Beatrice Lane mất vì bệnh trên đất Nhật, trước ông hai mươi bảy năm.
1946: Hiến pháp hậu chiến ra đời.
1949: Sang Mỹ. Giảng dạy ở các Đại học Âu-Mỹ trong vòng mười năm. Tham gia đại hội các học giả Phật giáo tại Đại học Hawai, quen biết với Hồ Thích (lúc ấy sống ở Đài Loan), cùng nhau thảo luận về Phật học. Được thỉnh giảng ở Đại học Columbia từ 1952 đến 1957. Lấy New York làm cứ điểm, ông đã đi diễn giảng tại các Đại học Yale, Princeton, Hawai, Harvard. Sang Thụy Sĩ gặp gỡ Carl Jung, giao lưu với Martin Heidegger ở Đức. Nhận các vinh dự như huân chương văn hóa và tước Viện sĩ Hàn lâm của Nhật (1949). Theo dõi và trợ giúp hoạt động nghiên cứu của nhóm Alan Watts, Hasegawa Saburō và Judith Tyberg ở Hàn lâm viện nghiên cứu Á châu (California Academy of Asian Studies).
1951: Hòa hội San Francisco: Nhật - Mỹ thỏa thuận chấm dứt tình trạng đối địch phát sinh ra từ Thế Chiến thứ II.
1960: Nhật Mỹ ký kết Hiệp ước liên minh phòng thủ (Anpo).
1966: Qua đời ở tuổi 95 vì bệnh tắc đường ruột.
Với triết gia Martin Heidegger
Tác phẩm tiêu biểu
Cuộc đời của Suzuki Daisetsu kéo dài non thế kỷ và nằm bắc ngang giữa hai thế kỷ 19 và 20 là một quãng thời gian dài tu học chân chỉ, hoạt đông tôn giáo nhiệt tình và văn bút năng nổ. Toàn bộ công trình của ông đã được nhà xuất bản Iwanami (Tokyo, 1999 - 2003) gom góp lại trong toàn tập gồm 40 quyển kể cả phần tăng bổ.
Theo dịch giả Kitagawa Momoo 北川桃雄 thì cho đến năm 1940, nghĩa là thời điểm bản dịch sang tiếng Nhật đầu tiên của Zen and the Japanese Culture ra đời, Suzuki Daisetsu đã xuất bản khoảng hai mươi tác phẩm tiêu biểu viết bằng tiếng Anh, liệt kê như sau:
1. Asvaghosha’s Discourse on the Awakening of Faith in the Mahayana (tức bản dịch Khởi tín luận của Mã Minh) do Open Court Publishing Company, 1900.
2. T’ai Sheng Kan-ying Pien (Thái thượng cảm ứng biên), translated by P. Carus and D. T. Suzuki, Chicago: Open Court Publishing Company, 1906.
3. Yin Chih Wen (The Tract of the Quiet Way/ Âm Chất Văn), Chicago Open Court Publishing Company, 1906.
4. Sermons of a Buddhist Abbot (Những bài giảng của một tu sĩ Phật giáo), translated by D. T. Suzuki, Chicago Open Court Publishing Company, 1906.
5. Outlines of Mahayana Buddhism (Đại cương về Phật giáo Đại thừa), London: Luzac and Company, 1907. (Hiện có bản Nhật dịch của Sasaki Kan, Iwwanami Bunko, 2016)
6. A Brief History of Early Chinese Philosophy (Trung Quốc sơ kỳ Triết học sử cương), London: Probstain, 1914.
7. Esays in Zen Buddhism, first series (Thiền luận văn tập, tập một), London Luzac, 1927.
8. Studies in the Lankavatara Sutra (Nghiên cứu kinh Lăng-già), London: George Routledge, 1930.
9. The Lankavatara Sutra, an English Translation of the Original Sanskrit Text (Kinh Lăng-già, dịch từ bản tiếng Sanskrit). London: George Routledge and Son, 1932.
10. Essays in Zen Buddhism, second series (Thiền luận văn tập, tập hai), London: Luzac & Company, 1933 (một bộ phận đã dịch sang tiếng Nhật).
11. Essays in Zen Buddism, third series (Thiền luận văn tập, tập ba), London: Luzac Company, 1934.
12. Index Verborum (Sanskrit-Chinese-Tibetan) to the Lankavatara Sutra (Bản từ vựng Phạn-Hoa-Tạng để đọc kinh Lăng-già), Kyoto: The Sanskrit Buddhist Text Publishing Society, 1934.
13. The Gandavyuha Sutra, critically, edited by D. T. Suzuki & H. Idzumi in fourth parts. Kyoto: The S.T.B. P. Society, 1934.
14. The training of the Zen Buddhist Monk (Khóa trình tu Thiền của tăng sinh), Kyoto: The Eastern Buddhist Society, 1934. (Hiện có bản của New York: University Books, 1959 và Zendō seikatsu hay Thiền đường sinh hoạt do Kitagawa Akimasa dịch, Iwanami Bunko xuất bản, 2016)
15. An Introduction to Zen Buddhism (Thiền nhập môn), Kyoto: E.B.S., 1934 (có bản dịch sang Đức ngữ: Die Grosse Befeiung với lời tựa của triết gia Carl Jung, và bản dịch sang Nhật ngữ do tác giả tự dịch, Kodansha Bunko xuất bản, 2004))
16. Manual of Zen Buddhism (Thiền Phật giáo độc bản), Kyoto: E.B.S., 1935. (Hiện có bản của Random House, New York, 1960).
17. Buddhist Philosophy and its Effects on the Life and Thought of the Japanese People (Triết học Phật giáo và ảnh hưởng trên đời sống và lối suy nghĩ của người Nhật), Tokyo: K.B.S., 1936.
18. Buddhism in the Life and Thougth of Japan (Phật giáo trong sinh hoạt và tư duy của người Nhật), London, Buddhist Lodge.
19. Japan Buddhism (Phật giáo Nhật Bản), Tokyo: Board of Tourist Industry, 1938.
20. Zen Buddhism and its Influence on Japanese Culture (Thiền và ảnh hưởng trên văn hóa Nhật Bản). Kyoto: E.B.S., 1938. (Hiện có bản dịch của Kitagawa Momo.o. Quyển 1 và 2, Iwanami xuất bản, 1940).
Phần nhiều các tác phẩm tiếng Anh của ông đã được dịch sang Nhật ngữ nhưng phải nói cũng có sự lựa chọn thứ tự ưu tiên từ phía các dịch giả.
Trong quãng đời sau của Daisetsu và từ khi phu nhân Beatrice Lane mất, ông dành nhiều thời giờ cho việc giảng dạy và thuyết trình cũng như viết sách bằng ngôn ngữ nước nhà. Trong số những tác phẩm quan trọng bằng tiếng Nhật của ông có:
1. Nihonteki seirei (Tinh hồn của người Nhật), hai tập I và II. Kadakawa Sofia Bunko xuất bản, Sueki Fumishi chú). Một bản khác do Iwwanami xuất bản (Shinoda Hideo bình) và một bản khác nữa trong Chuō Classics (Hashimoto Mineo hiệu chú) do Daitō xuất bản, 2008).
2. Jōdo kei shisōron (Bàn về hệ tư tưởng Tịnh Độ tông), Iwanami Bunko xuất bản, 2016.
3. Mushin to iu koto (Vô tâm là gì? 1939), Kadokawa Sofia xuất bản, 2007.
4. Bankei no fushōzen (Bất sinh thiền của Bàn Khuê Vĩnh Trác), 1940
5. Tōyōtekina mikata (Cách nhìn của người Đông phương), Kadokawa Sofia Bunko xuất bản, 2017.
6. Nihon Bukkyō (Phật giáo Nhật Bản), Iwanami Bunko, trong Toàn tập, quyển 11, Tokyo 1970.
Theo thông tin của nhà nghiên cứu Nakazawa Shin.ichi (NHK Text, 2016) thì cho đến lúc mất, Suzuki Daisetsu đã viết tất cả khoảng 30 tác phẩm tiếng Anh và 120 đầu sách và bài báo, bài phát biểu bằng tiếng Nhật.
Tác phẩm Thiền và văn hóa Nhật Bản, Nguyễn Nam Trân dịch và chú thích, vừa xuất bản tại VN
Quan điểm học thuật và các đánh giá
Suzuki Daisetsu trước tiên là một Phật tử, nhưng là Phật tử Nhật Bản. Ông được nuôi dạy trong môi trường Tịnh Độ chân tông của quê hương, nhất là từ bà mẹ sùng đạo của ông. Thiền là một đam mê khác đến vào thời sinh viên và nó trở thành một cánh cửa giúp ông tiếp cận được chủ nghĩa thần bí và các giáo lý Âu châu. Ông nhận ảnh hưởng từ phía đó qua trước tác của Plotinius, Meister Eckhart v.v. cũng như sách vở của Hội đoàn Thông thiên học mà hai vợ chồng ông đều là những nhà hoạt động nghiêm cẩn.
Ông tập trung truyền bá Thiền có lẽ vì nhận ra rằng tâm hồn Tây phương dễ thích ứng với Thiền hơn là với Tịnh Độ chân tông dù ông có lần dịch một phần tác phẩm của vị giáo chủ là đại sư Shinran (Giáo hành tín chứng/ Kyōgyō shinshō, 1244) sang Anh ngữ. Ông đã giới thiệu Thiền một cách có hệ thống, nhất là qua chính ngôn ngữ của độc giả Âu-Mỹ (tiếng Anh), lại biết liên hệ Thiền với triết lý (Plotinius, Meister Eckhart, Emerson, Thoreau...) và thơ văn (Eliot, Tennyson, Wordsworth…) Tây phương để củng cố lập luận của mình. Tuy phải nhìn nhận ảnh hưởng có tính quyết định của Phật giáo Đại thừa đối với Thiền nhưng nét đặc sắc của Suzuki Dáietsu là biết nhấn mạnh vai trò quan trọng của Thiên nhiên trong tư duy và cảm xúc của con người sinh ra ở vùng Cực Đông. Đó cũng là lý do tại sao ông đề cao triết lý Đạo giáo của Trung Quốc như yếu tố quan trọng thứ hai đã hình thành nên Thiền.
Không phải tự nhiên mà Suzuki Daisetsu đã được học giới Âu-Mỹ (như Jung, Heidegger, Ginsberg, Watts, Spranger) lẫn Nhật Bản ca ngợi. Người ta xem ông là nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng và biết cách giải thích, đồng thời là nhà hành động không ngừng nghỉ đã thành công trong việc truyền bá Thiền sang thế giới phương Tây qua sự nghiệp diễn giảng, dịch thuật và xuất bản. Ông còn có công trong việc khôi phục niềm tin cho Phật giáo ở phương Đông bằng cách góp phần cùng với Imakita Kōsen, Shaku Sōen xây dựng nên một trào lưu Phật giáo thích hợp hơn với xã hội hiện đại. Con đường mới đó là bước ra ngoài truyền thống (detraditionalized) của Phật giáo và chỉ giữ lại yếu tính (essentialized) của nó.
Những lời tán dương không ngăn cấm được việc có một số tiếng nói phản bác đối với việc làm của ông. Hồ Thích (Hu-Shih) chẳng hạn, cho là ông quá lý tưởng hóa Thiền. Có người xem sự giải thích giáo lý Thiền bằng cách sử dụng ngôn từ của Anh, Đức, Mỹ của ông là kéo Thiền ra khỏi ngữ cảnh xã hội, văn hóa và đạo đức của nó (Mc Mahan). Họ còn nghĩ rằng khi chủ trương Thiền có những lãnh vực vượt khỏi lối giải thích thông thường và chỉ đưa ra vài thí dụ lẻ tẻ để chứng minh điều đó, phải chăng Suzuki Daisetsu đã gieo sự hỗn loạn vào đầu óc độc giả?
Người khác (Brian Victoria) tấn công ông vì thái độ đồng tình với chủ nghĩa quân phiệt hồi chiến tranh qua những bài báo trong Trung Ngoại nhật báo (Chuugai Nippō) giai đoạn 1936. Oan hay ưng, lời cáo buộc này có thể khiến nhiều người đang có cảm tình sẽ quay lưng lại với ông. Tuy vậy, phải hiểu là điều đó đã xảy ra trong bối cảnh một thời đại mà các dân tộc da vàng còn bị khinh miệt, ông lại sống ở quốc nội dưới một chế độ độc đoán, đang được nhà nước tung hô và chỉ có cơ hội tiếp nhận thông tin một chiều. Cũng phải kể đến công tội của khuynh hướng “Nhật Bản nhân luận” (Nihonjinron, Japanism) trong học giới vốn đến từ phong trào nghiên cứu Quốc học của thời Edo và trước đó nữa, với những nghị luận xem dân tộc Nhật Bản như một dân tộc thuần chủng, độc đáo và ưu việt trên nhiều phương diện. Khuynh hướng này tuy cổ vũ cho lòng yêu nước, sĩ khí và tinh thần quật cường nhưng mặt khác đã gieo mầm cho sự kỳ thị đối với các dân tộc khác. Vì lẽ đó, thái độ đồng tình trong một chừng mực nào đó là bi kịch không những cho cá nhân Suzuki Daisetsu mà cho cả những trí thức hàng đầu đương thời từ Takamura Kōtarō (1883-1956, nhà điêu khắc và thi nhân), Nishida Kitarō (1870-1945, triết gia) cho đến Yanagita Kunio (1875-1962, nhà dân tộc học), Origuchi Shinobu (1887-1953, nhà dân tộc học), Kikuchi Kan 1888-1948, nhà văn và kịch tác gia)... Họ là những người không nhiều thời ít đã ủng hộ chính quyền đương thời vì có tình cảm dân tộc nhưng một phần cũng chịu ảnh hưởng nghề nghiệp của mình vốn gắn bó với ý thức hệ. Kinh nghiệm đau thương này thường để lại cho họ dư vị chua chát và một thời gian phản tỉnh lâu dài.
Nói những điều trên là để cho rốt ráo và sẽ không trở lại nữa, cũng để cho thấy trên bảy mươi năm đã trôi qua mà vết thương hậu chiến kia vẫn chưa lành. Chính ra, Suzuki Daisetsu là một bậc “quân tử” trong cái nghĩa đẹp nhất của ngôn từ này mà những người quen biết ông đều có thể làm chứng.
Triết gia Nishida Kitarō, người bạn từ ngày ngồi trên ghế trường trung học đã viết trong lời tựa bản Nhật dịch Thiền và văn hóa Nhật Bản của Kitagawa Momo.o (1940) như sau:
“Suzuki là một con người rời xa thế tục. Ông giống như một vị a-la-hán, nhưng thái độ và hành động vẫn có chỗ tế nhị và đầy tình người. Ông có vẻ dửng dưng với mọi sự nhưng thật ra rất trung thực và chu đáo. Có thể ông không muốn trở thành học giả hoặc thấy điều đó không cần thiết nhưng theo tôi, ông là một người học rộng biết nhiều và có năng lực nhìn vấn đề một cách sâu sắc... Tôi có nhiều bè bạn nhưng hiếm ai được như ông”.
Giáo sư và thiền gia Akizuki Ryōmin 秋月龍珉 (1921-99), một đệ tử ưu tú, đã phỏng vấn cô Okamura Mihoko, người cộng sự của ông lúc cuối đời và nhờ đó biết được vài chi tiết trong cuộc sống thường nhật của ông, nói chung là giản dị , thanh bạch và chăm chỉ:
“Tiên sinh mỗi ngày dậy vào lúc 6h30 sáng và đi ngủ lúc nửa đêm hay sau đó. Như vậy mỗi đêm ông chỉ ngủ độ 6 tiếng, kỳ dư dành thời giờ làm việc. Nhiều đêm thức dậy giữa chừng và ngồi vào bàn viết. Bữa sáng chỉ có miếng bánh mì, trà đỏ, một quả trứng và sữa. Trưa thì dùng tí cháo. Buổi tối ăn cơm xoàng, từ khi lớn tuổi, ít đụng đến thịt thà. Không đặc biệt vận động chi nhiều nhưng hay xoa bóp người bằng nước lạnh. Đồ dùng như dao cạo râu, giấy bút bao giờ cũng gìn giữ sạch sẽ, cẩn thận. Sách cũ thì thường tẩn mẩn bọc bìa hay đóng lại gáy.”
Daisetsu không những dịch sách và viết sách giới thiệu Thiền bằng tiếng Anh mà còn sáng tạo ra những công án Thiền cho người Âu-Mỹ. Ví dụ:
- “Lúc tạo thiên lập địa, khi Đức Chúa Trời phán: ‘Hãy có ánh sáng!’ bèn có ánh sáng, chia được đêm và ngày”. Thế thì ‘ai’ là người đã chứng kiến được điều đó để kể lại?”
- “Đấng Christ phán: Trước khi Abraham xuất hiện thì đã có Ta. Vậy Ta này là ai?”
Cũng nhờ ông, những từ hiểm hóc trong triết học và Phật giáo đã được sử dụng một cách khá trôi chảy bằng tiếng Anh, ví dụ “Cosmic Unconscious” diễn tả Vô thức vũ trụ trong siêu hình học để phân biệt với Vô thức trong tâm lý học. Khái niệm “Như” 如 (tathatā) được dịch thành “Isness” hay “As-it-it ness”, “Như nó là” thành “Suchness”. Tức tâm 即心 (sokushin) được diễn tả bằng “the very mind”. Cụm từ ”Tức tâm tức Phật” 即心即仏 dịch bằng “The mind in its isness, or as it is, is Buddha”. Có thể ông không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chúng nhưng đã phổ biến chúng.
Người đánh thức "tinh hồn" Nhật Bản - Ảnh: Mihoko Okamura
Cơ duyên của việc truyền bá Thiền sang Âu-Mỹ
Nishida cũng viết về người bạn thiết của mình trong lời tựa cho quyển sách nói trên:
“Tôi không chắc anh có nhớ hay không nhưng từ ngày còn trẻ anh đã nghĩ rằng Phật giáo phải được truyền bá ra khắp thế giới. Nay thì điều đó đã trở thành sự thực... Sau khi nhận lời mời của Paul Carus và sang Mỹ, hết dịch kinh điển nhà Phật sang tiếng Anh, anh lại nghiên cứu và nghị luận về Thiền, cho đến nay ở cái tuổi cổ hy (thời điểm 1940) mà mà vẫn chưa ngơi nghỉ. Qua trước tác của anh, không riêng gì ở Nhật Bản, anh được biết đến khắp năm châu như một học giả Phật học”.
Như thế, từ những ngày theo học Đại học Tokyo và làm khách vân thủy ở Engakuji, Suzuki đã nuôi mộng truyền bá Phật giáo sang Âu-Mỹ. Nhưng nếu chỉ có ước mơ một chiều thì chưa chắc ông đã làm nên chuyện. Chính ra, lúc đó, ở Âu Mỹ cũng có một cơ duyên tốt đẹp. Thực vậy, một số học giả Mỹ hữu chí đang mong đợi được hợp tác với người như ông. Lý do là dân Mỹ phần lớn theo đạo Tin Lành (Thệ phản), một tôn giáo đến từ châu Âu, sỡ dĩ ra đời là để thoát ra khỏi ràng buộc của Ki-Tô giáo. Họ nhận thấy trên thế giới, tuy có nhiều tôn giáo nhưng không tôn giáo nào có thể giúp họ tìm về bản chất của lòng tin. Họ muốn đi tìm một tôn giáo vượt lên trên mọi tôn giáo (religion beyond religion) hay nói một cách cực đoan hơn là một tôn giáo vô tôn giáo (religion without religions). Do đó nhiều đoàn thể tôn giáo đã họp nhau ở Chicago và các nơi khác để mong tìm ra những điểm chung. Xã hội nước Mỹ là một xã hội di dân nên sự tiếp thu những luồng tư tưởng khác nhau rất dễ dàng. Những người da trắng đầu tiên chẳng hạn, đã từng tiếp thu ảnh hưởng của tiếng nói bộ lạc Iroquois bản địa vào trong ngôn ngữ của mình. Khi biết được Thiền tông là một bộ phận của Phật giáo có tinh thần phóng khoáng và tự chủ như vậy, người Mỹ thấy nó phù hợp với mình ngay. Không cần chùa chiền hay giáo hội, không cần chế độ hay truyền thống, con người như một tồn tại chân thực không ngôi vị đứng bên trên đống thịt đỏ hỏn (“xích nhục đoàn thượng nhất vô vị chân nhân”, chữ trong Lâm Tế lục) có thể tự tìm thấy chân tâm của mình qua trầm tư hay tọa thiền. Công việc truyền bá Phật giáo của Daisetsu như thế đã gặp được một mảnh đất lành.
Cùng lúc đó, ở Nhật, Phật giáo truyền thống (Đại thừa) vì nhiều lý do đang đến lúc suy vi, cần được cải cách cũng như tìm về nguồn cội của nó. Đó là thời kỳ đức Thích-ca vừa nhập diệt (giai đoạn mà Tiểu thừa, bộ phái vốn đặt trọng tâm vào sự giác ngộ của cá nhân, đang thịnh hành). Muốn trở về nguồn, Phật giáo đồ thấy cần phải nghiên cứu các tạng kinh cổ viết bằng Pali hay Sanskrit hay làm như Kawaguchi Ekai 川口慧海5 nghĩa là sang tận Tây Tạng tìm những Phật điển và dịch sang tiếng Nhật. Thời gian này, lớp người du học Âu-Mỹ về đến Nhật cũng đã mang theo khuynh hướng thiên trọng Tiểu thừa trong nghiên cứu Phật giáo và điều nàyvốn bắt rễ từ tinh thần thuần lý Âu châu. Chẳng hạn, người bạn chí thân của Daisetsu là triết gia Nishida Kitarō - đầu đàn của học phái Kyoto - đã dành cả đời mình tìm cách dung hợp triết học Đức với những khái niệm Phật giáo Nhật Bản. Nhìn chung, khuynh hướng này ăn khớp với lối nghiên cứu tự do, phóng khoáng của Daisetsu, người luôn luôn giữ một khoảng cách với truyền thống hàn lâm (academy).
Đánh thức cái tinh hồn
Vào cuối chiến tranh, dự đoán được Nhật Bản sẽ bại trận và với mối ưu tư gầy dựng lại một di sản tinh thần cho đồng bào mình, Daisetsu đã viết “Tinh hồn của người Nhật” (Nihonteki seirei,日本の精霊, 1944), đưa ra khái niệm “tinh hồn” (seirei, 精霊, spirituality) và kêu gọi đồng bào mình thức tỉnh (giác tỉnh, 覚醒,kakusei) để tìm lại nó. Ông xem đó là một tinh thần Nhật Bản lan rộng trong quần chúng bình dân và đã bắt đầu vào thời Kamakura dưới ảnh hưởng của Thiền tông cũng như các tông phái thuộc hệ Tịnh độ. Theo Suzuki Daisetsu, linh hồn không phải là tinh thần vì nó không đối lập với vật chất, nó giống như một khoảng trống giữa không gian, một cấu tạo mang 3 đặc tính là “đại địa tính”, “mạc vọng tưởng” và “vô phân biệt trí”. Đại địa tính 大地性 (daichisei) là tính cách bình thường trong sinh hoạt hằng ngày, mạc vọng tưởng 莫妄想 (makumōsō) là chấp nhận sự vật như nó là, không chạy theo ảo tưởng, còn vô phân biệt trí 無分別智 (mufunbetsuchi) cũng gọi là trực giác trí (trực quan trí 直観智, chokukanchi) là lối suy nghĩ không phân biệt tả hữu, trên dưới, núi sông..., không đẻ ra nhị nguyên luận, đầu mối của tương phản, tương khắc, xung đột hay tương sát. Theo ông, không chỉ người Nhật mới có cái tinh hồn ấy vì nó vốn tiềm tàng dưới nhiều dạng thức khác nhau nơi tất cả mọi giống người.
Trong phần cuối của “Tinh hồn của người Nhật”, Daisetsu đã đưa ra hình tượng lý tưởng mà ông gọi là “diệu hảo nhân” (妙好人, myōkōnin) thấy nơi một con người tuy không học thức nhưng có đạo tâm Tịnh Độ chân tông như nhân vật Asahara Saiichi (1850-1932). Ông này trước làm thợ mộc cho một hãng đóng tàu, sau lui về đẽo guốc gỗ (geta) ở Obama thuộc tỉnh Shimane. Ông hay làm thơ và chép bên dưới guốc. Từng nói: “Tôi không muốn thành Phật A-di-đà nhưng mong A-di-đà sẽ trở thành tôi. Tôi không hướng về Phật A-di-đà để niệm Nam-mô A-di-đà Phật nhưng chính là Phật A-di-đà đã thông qua tôi để nói với tôi điều đó và tôi luôn luôn cảm thấy Phật A-di-đà hiện ra trong tôi mỗi khi tôi ăn, tôi ngủ, đi đứng Cho nên lúc niệm Nam-mô A-di-đà là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.”
Người bạn, người thầy
Trên bảy mươi năm trời hoạt động, Suzuki là người bạn, người thầy bên cạnh những ai đi tìm hạnh phúc tâm linh qua các trước tác của ông. Liệu ông có thành công và đến mức nào? Có mấy ai sẽ trở thành những “diệu hảo nhân” như Asahara Saiichi trong một thế giới mà sự phân biệt đã đi đến cực độ. Làm sao đánh thức được cái tinh hồn của mình trong một hoàn cảnh tương tự? Tuy ước vọng của Suzuki Daisetsu dành cho thế giới đẹp đẽ như thế nhưng những bài học về Thiền mà ông bao năm cặm cụi viết ra sẽ dẫn dắt chúng ta đến kết quả nào đây? Dù sao, ta thấy riêng cá nhân ông, Suzuki Daisetsu không tỏ ra quá lạc quan về viễn tượng tương lai khi trích lời Soren Kiekegaard: “Triết gia là người xây dựng nên một lâu đài tráng lệ cho mọi người nhìn ngắm nhưng không vào đó ở và chỉ sống trong căn nhà kho bên cạnh.”
Tokyo, ngày 29 tháng 8 năm 2017
Nguyễn Nam Trân
Chú thích:
1. Watanabe Makoto, Zen to Bushido, Thiền và Võ sĩ đạo, Besuto Shinsho, Tokyo, 2007 (trang 13).
2. Imakita Kōsen (Kim Bắc, Hồng Xuyên, 1816-92), thiền tăng tông Lâm Tế. Trước học chữ Hán và đạo Nho, sau mở tư thục. Năm 25 tuổi đã xuất gia, trụ trì Engakuji (Viên Giác Tự). Trước tác có Zenkai Ichijun (Thiền hải nhất nhuận).
3. Shaku Sōen (Thích Tông Diễn, 1859-1919), tăng Lâm Tế. Xuất gia từ nhỏ, có thời theo học Fukuzawa Yukichi ở Đại học Keiō. Nối nghiệp Kitaima Kōsen, quản lý hai chùa Engakuji và Kenchōji. Ông đã ban tặng đạo hiệu Đại Chuyết (Daisetsu) cho Suzuki, và là người đầu tiên giới thiệu Thiền trên đất Mỹ (Chicago, 1893).
4. Nishida Kitarō (1870-1945) triết gia, bạn học của Daisetsu từ ngày trên ghế trường trung học. Cũng tham thiền ở Engakuji và có đạo hiệu là Sunshin (Thốn Tâm). Dung hợp triết học cận đại Tây phương (Đức) với triết học truyền thống Nhật Bản để đặt cơ sở cho triết học của mình. Tác phẩm có “Bàn về điều Thiện”, “Những vấn đề cơ bản của triết học”. Ông là một trong những người đứng đầu Học phái Kyoto tức là nơi qui tụ các triết gia xuất thân Đại học Kyoto.
5. Kawaguchi Ekai (1866-1945) học giả Phật giáo tu theo tông Hoàng Bá, về sau cởi áo tăng và phiêu lưu sang Tây Tạng, nghiên cứu ngôn ngữ và phong tục, tôn giáo vùng đó. Đã viết “Tây vực lữ hành ký”
Nguồn: giacngo.vn