GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mười câu chuyện hiếu dưỡng Cha Mẹ

Nhân ngày Lễ Vu Lan Mậu Tuất 2018, Tâm Tịnh xin giới thiệu “Mười câu chuyện hiếu dưỡng Cha Mẹ” được trích dẫn từ những chuyện tiền thân trong Tiểu Bộ Kinh (Nikaya), ngõ hầu giúp cho quý đạo hữu có cái nhìn sâu sắc về công ơn dưỡng dục của cha mẹ và hạnh hiếu dưỡng song thân từ các bậc hiền thánh, ngay cả khi họ mang thân bàng sanh.

Trong nhiều bài kinh từ Hán tạng cho đến Pali tạng, đức Phật tán thán hạnh hiếu dưỡng cha mẹ vì công ơn mang nặng đẻ đau và dưỡng dục của cha mẹ vô ngần, không thể tính kể. Cho nên trong Tăng Chi Bộ, Thế tôn gọi Cha Mẹ là Phạm Thiên và những con cháu trong gia đình nào mà kính dưỡng cha mẹ được xem ngang bằng với Phạm Thiên: “Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường”.
 
Mẹ cha gọi Phạm Thiên, 
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình) 
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy, 
Ðối với mẹ với cha
Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc
 
(Tăng Chi Bộ chương 3 Ba Pháp, phẩm sứ giả của trời)
 
Nhân ngày Lễ Vu Lan Mậu Tuất 2018, Tâm Tịnh xin giới thiệu “Mười câu chuyện hiếu dưỡng Cha Mẹ” được trích dẫn từ những chuyện tiền thân trong Tiểu Bộ Kinh (Nikaya), ngõ hầu giúp cho quý đạo hữu có cái nhìn sâu sắc về công ơn dưỡng dục của cha mẹ và hạnh hiếu dưỡng song thân từ các bậc hiền thánh, ngay cả khi họ mang thân bàng sanh. 

Quyển sách kết tập nhỏ này gồm hai phần. Phần I với tiêu đề “Những người con hiếu dưỡng” bao gồm năm câu chuyện và một bài đọc thêm.

Chuyện thứ 1: Tỳ kheo ôm bình bát đi khất thực, nuôi dưỡng song thân già yếu như những câu kệ cảm tác sau:
 
Cha mẹ già yếu không chỗ ở
Không ai nuôi dưỡng thật bơ vơ
Tỳ Kheo hiếu tử ứa lệ sầu
Ôm bình khất thực khắp thành đô
Phụng dưỡng song thân rất ân cần
Đạo sư đức Phật liền ca thán
Lành thay, lành thay hạnh hiếu từ.
 
Chuyện thứ 2: Hiếu Tử Sutana: kể về chàng thanh niên nghèo sẵn sàng hy sinh thân mình cho ác quỷ Dọa Xoa đổi lấy một ngàn đồng vàng để phụng dưỡng mẹ già như được cô đọng trong bài cảm tác:
 
Bất chấp hy sinh mạng sống này
Có một ngàn vàng nuôi Mẫu thân
Thay vua thế chỗ tế ác thần
Trong rừng hoang vắng xơi thịt nhân
Song vì trí tuệ phương tiện xảo
Thu phục ác quỷ theo chánh chân
Từ đây yên tâm phụng dưỡng mẹ
Mang bình yên đến khắp muôn dân.
 
Chuyện thứ 3: Nam cư sĩ toàn tâm toàn lực chăm sóc mẹ già, không nghe theo lời xúi giục của vợ đuổi mẹ ra khỏi nhà.  
 
Chuyện thứ 4: Hiếu tử Sàma: bậc chí hiếu, đã làm chấn động những thiên thần trong khu rừng như được đúc kết bằng những bài kệ cảm tác sau:
 
Khóc than cha mẹ bị mù
Là do chất độc mãng xà gây ra
Trong lúc tuổi già còn xa
Lại mù đôi mắt trong rừng thâm sâu
Cười vui có được duyên lành
Tự tay chăm sóc song thân an lành
Không may tên độc từ vua
Xé tan tĩnh lặng trúng ngay chân chàng
Kêu lên hai tiếng Mẹ Cha
Không ai phụng dưỡng tuổi già song thân
Hiền ngôn bay vút trời cao
Thần tiên cảm động quay quanh hộ trì
Vua kia giật thốt cả mình
Vì nhầm lỡ bắn hiền nhân hiếu từ.
 
Chuyện thứ 5: Hai hiền giả Sona và Nanda: với 93 câu kệ tán thán công ơn dưỡng dục của cha mẹ và tán thán công hạnh hiếu dưỡng song thân như những vần thơ từ 89-93 sau:  
 
89. Từ mẫu cũng như nghiêm phụ ta
Phải đều được kính trọng tôn thờ,
Hiền nhân tán thán người nào có
Những đức tính này tỏ lộ ra.
 
90. Song thân như vậy đáng tuyên dương,
Giữ địa vị cao cả khác thường,
Được gọi "Phạm thiên" do cổ đức,
Uy danh hai vị lớn khôn lường.
 
91. Song thân hiền phải được tôn vinh
Xứng đáng từ con cái của mình,
Người dưỡng mẹ cha theo chánh hạnh
Là người có trí tuệ thông minh.
 
92. Đem dâng thức uống với đồ ăn
Sàng tọa và y phục xứng phần,
Phải tắm mẹ cha, dầu tẩm ướt,
Rửa cho sạch sẽ cả đôi chân.
 
93. Bậc trí tán dương các việc trên,
Làm con phụng sự mẹ cha hiền,
Hân hoan tràn ngập trên trần thế,
Thân hoại, an vui hưởng cõi thiên.
 
Phần II với tiêu đề “Những tấm gương hiếu dưỡng trong loài bàng sanh” gồm năm chuyện. 
 
Chuyện thứ 6: Khỉ anh và khỉ em nuôi dưỡng mẹ già bị mù và đã hy sinh thân mình để bảo vệ mạng sống cho khỉ mẹ. 
 
Đôi khỉ nuôi mẹ già mù mắt
Trên cây cổ thụ chốn rừng xanh
Không may bị kẻ săn phát hiện
Khỉ mẹ trên cây trong tầm ngắm
Khỉ anh thấy vậy liền chết thay
Để mẹ được sống cùng khỉ nhỏ
Dù vậy ác nhân không đành bỏ
Lại nhắm bắn tên vào khỉ mù
Khỉ em thấy thế liền thế mạng
Cho mẹ được sống thêm tuổi già
Lòng tham vô đáy kẻ săn mồi
Giết cả khỉ mẹ thảy ba con.
 
Chuyện thứ 7: Chim kền kền không nghĩ đến mạng sống của mình khi bị mắc bẫy mà chỉ than khóc cho cha mẹ kền kền già yếu ở trong núi Linh Thứu từ nay không còn ai phụng dưỡng. 
 
Chuyện thứ 8: Bạch Tượng Vương không chịu ăn uống cao lương mỹ vị trong kinh đô được Vua ban cho mà chỉ mong trở lại rừng thiêng tiếp tục chăm sóc mẹ già mù lòa. 
 
Chuyện thứ 10: Chim két bị mất mạng trên biển vì mang xoài ngon ngọt về nuôi dưỡng mẹ cha già mù lòa trên đảo nhỏ. Hy vọng tập sách nhỏ này mang lại nhiều điều bổ ích cho quý bạn.
----------------------------------------------
Phần I: Những người con hiếu dưỡng

Chuyện thứ nhất: Tỳ kheo khất thực nuôi song thân (Trích từ chuyện 540 của tập truyện tiền thân thuộc Tiểu Bộ Kinh)
 
Câu chuyện này bậc Đạo sư kể tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ: Chuyện kể rằng có một thương nhân giàu có tại thành Xá vệ, của cải lên đến một trăm tám mươi triệu, người này có một cậu con trai rất được yêu quý. Một ngày nọ, cậu trai đi lên lầu, mở cửa nhìn xuống đường, khi thấy đám đông dân chúng đang đi đến Kỳ Viên, tay cầm hương hoa cúng dường để nghe thuyết Pháp, cậu bảo rằng cậu cũng muốn đi. Cậu truyền đem hương hoa lại, rồi cậu đi đến tịnh xá cúng dường y phục, dược phẩm, cùng các thức ăn uống cho chúng Tỳ kheo ở đó và đảnh lễ đức Thế Tôn với hương hoa, rồi ngồi xuống một bên…
 
Sau khi nghe thuyết Pháp, cậu nhận thức được các quả ác do tham dục gây ra và những quả phúc do đời sống tu hành mang lại. Rồi khi hội chúng ra về, cậu xin đức Thế tôn cho cậu thọ giới. Nhưng đức Như Lai bảo cậu rằng ngài không truyền giới cho ai chưa xin phép cha mẹ. Vì thế cậu ra về, nhịn ăn một tuần, cuối cùng được cha mẹ chấp thuận, cậu trở lại và xin thọ giới. Thế tôn bảo một Tỳ kheo làm lễ xuất gia cho cậu.
 
Sau đó vị Tỳ kheo mới này được tán thán và đạt nhiều công hạnh, được sự ái mộ của các vị sư trưởng và giáo thọ và khi đã thọ đại giới, ông tinh thông Giáo pháp trong vòng năm năm. Rồi vị Tỳ kheo này nghĩ: "Ta sống viễn ly ở chốn này thật không hợp với ta". Và ông nóng lòng đạt cứu cánh của Thiền định. Thế là sau khi nghe lời dạy của vị giáo sư về Thiền định, ông đi đến một làng ở biên giới, sống trong rừng sâu hành trì phép Thiền định, nhưng không đạt được ý niệm nào đặc biệt, dù ông đã tinh cần tu tập trong mười hai năm liền mà tâm không được định tĩnh.
 
Cũng trong thời gian này, cha mẹ của Tỳ kheo này trở nên nghèo túng vì những người thuê đất hay bán hàng cho nhà này thấy trong nhà không có con em gì đến buộc họ trả nợ, cho nên đã đoạt hết của cải nào rơi vào tay họ và tha hồ chạy trốn; gia nhân tôi tớ trong nhà lại trộm vàng bạc trốn đi. Vì thế cuối cùng hai người lâm vào cảnh khốn cùng, không còn đến cái bình đựng nước nữa, phải bán nhà đi lang thang hết sức cùng cực, phải đi ăn xin, mặc áo rách rưới và mang chiếc bình mẻ trong tay.
 
Lúc bấy giờ có một trưởng lão Tỳ kheo từ Kỳ Viên đến nơi cư trú của người con trai ấy, ông tiếp đón ân cần vị khách kia xong, ngồi yên lặng hỏi thăm khách từ đâu đến. Khi được biết từ Kỳ Viên, ông hỏi thăm sức khỏe của bậc Đạo sư cùng các đại đệ tử của ngài, xong rồi hỏi thăm tin tức cha mẹ mình.
 
- Thưa Tôn giả, xin Tôn giả cho biết tình cảnh của một gia đình thương nhân ở Xá vệ.
 
- Này hiền hữu, đừng hỏi thăm tin tức gia đình ấy nữa.
 
- Tại sao thế, thưa Tôn giả?

- Người ta nói gia đình ấy có một cậu con trai, nhưng cậu ta đã đi tu theo đạo pháp, và từ khi cậu ấy xuất gia thì gia đình cậu bị sạt nghiệp, lúc này cả hai ông bà lão đang lâm vào tình cảnh rất thê thảm và phải đi ăn xin.
 
Khi ông nghe khách nói xong, không thể nào cầm lòng được, nước mắt cứ giàn giụa và khi khách hỏi tại sao lại khóc, ông đáp:
 
- Thưa Tôn giả, đó chính là cha mẹ tôi, tôi là con của các vị ấy.
 
- Này Hiền hữu, cha mẹ bạn đã sạt nghiệp vì bạn, vậy hãy về phụng dưỡng các vị.
 
Ông liền nghĩ: "Trong mười hai năm liền ta tinh cần tu tập mà không thể nào đạt đạo hay đắc quả, có lẽ ta vô tài trí. Vậy ta có làm gì được với đời sống Phạm hạnh này? Chi bằng ta trở về làm một gia chủ phụng dưỡng cha mẹ già và bố thí của cải. Như vậy cuối cùng ta cũng được sinh lên thiên giới". Quyết định xong ông nhường chỗ cư trú của mình trong rừng cho vị Trưởng lão kia.
 
Hôm sau ông ra đi, qua nhiều chặng đường thì tới tịnh xá phía sau Kỳ Viên không xa thành Xá vệ mấy. Tại đó ông thấy hai con đường, một đường dẫn đến Kỳ Viên, một đường dẫn đến Xá vệ. Khi đứng đó, vị Tỳ kheo này suy nghĩ: "Ta đến viếng cha mẹ ta trước hay đức Phật trước? Rồi ông tự nhủ: "Ngày xưa ta gặp cha mẹ ta luôn, từ đây ta sẽ ít có dịp yết kiến đức Phật; vậy ta hãy yết kiến bậc Chánh Đẳng Giác ngày hôm nay và nghe thuyết Pháp, rồi ngày mai ta sẽ đi thăm cha mẹ".
 
Thế là ông bỏ con đường đi Xá vệ và đi đến Kỳ Viên lúc chiều tối. Vào ngày đó, lúc tảng sáng, bậc Đạo sư nhìn xuống trần gian, đã thấy được tiềm lực ngộ đạo của vị này, nên khi ông đến yết kiến Thế tôn, ngài tán thán công đức của cha mẹ theo kinh Màtiposaka (voi hiếu dưỡng mẹ - Tiền thân số 455). Trong khi đứng cuối hội chúng Tỳ kheo và nghe thuyết Pháp, ông nghĩ: "Nếu ta trở thành người gia chủ, ta có thể phụng dưỡng cha mẹ ta", nhưng bậc Đạo sư cũng dạy: "Một người con đi xuất gia vẫn có thể giúp đỡ cha mẹ mình". Trước kia ta rời thế tục mà không đến yết kiến đức Thế tôn và ta đã thất bại trong sự thọ giới không trọn vẹn như vậy. Bây giờ ta muốn phụng dưỡng cha mẹ ta mà vẫn duy trì đời sống tu hành chứ không làm một người gia chủ". Vì vậy ông cầm lấy thẻ cùng các vật thực phát theo thẻ và cháo của mình và cảm thấy như thể mình đã phạm trọng tội đáng bị khai trừ sau mười hai năm độc cư trong rừng.
 
Sáng hôm sau ông đi đến Xá vệ và nghĩ thầm: "Ta nên đi lấy cháo trước hay thăm cha mẹ ta trước đây?". Ông nghĩ lại và thấy rằng đi thăm cha mẹ trong lúc cha mẹ nghèo khổ mà không có gì trong tay để biếu thì thật là không phải đạo. Vì thế ông đi lấy cháo trước rồi đến cửa nhà cũ. Vừa thấy cha mẹ ngồi cạnh bức tường đối diện, sau khi đã đi một vòng khất thực được cháo lòng, ông đứng không cách xa họ mấy và bỗng thấy nỗi sầu thương nổi lên, mắt đẫm lệ. Còn họ thấy ông nhưng không nhận ra, rồi bà mẹ tưởng rằng đó là một kẻ đang chờ của bố thí, liền nói:
 
- Chúng ta không có gì để bố thí cho người cả, người chịu khó đi nơi khác.
 
Nghe bà mẹ nói vậy, ông cố nén nỗi buồn đang tràn đầy trong lòng, đứng yên mắt đẫm lệ và khi được bảo lần thứ hai, thứ ba, ông vẫn đứng yên. Cuối cùng ông cha bảo bà mẹ:
 
- Bà đến xem thử có phải con trai bà đó không?
 
Bà vùng dậy chạy đến nhìn ra con, gục xuống chân mà than khóc, ông cha cũng khóc theo, bao nỗi sầu khổ đều tuôn ra hết. Thấy lại cha mẹ, ông không thể nén được lòng mình, cũng bật khóc. Sau cơn xúc động, ông nói:
 
- Đừng buồn nữa cha mẹ ôi, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ.
 
Thế là sau khi an ủi cha mẹ và cho họ húp nước cháo rồi ngồi xuống bên đường, ông lại ra đi khất thực đem về cho cha mẹ dùng, sau đó mới đi khất thực cho chính mình. Xong bữa ăn, ông liền đi tìm nơi trú chân không xa đó mấy. "Từ ngày ấy về sau ông chăm sóc cha mẹ bằng cách này; ông đem cho cha mẹ đồ khất thực dành cho mình, luôn cả những vật dụng bố thí hằng nửa tháng một lần và ông đi khất thực nhiều lần để thọ dụng. Còn những vật thực dành cho mùa mưa cũng đều đem cho cha mẹ dùng, trong khi ông đem áo quần rách của cha mẹ về đóng cửa kín mà nhuộm lại để mặc. Nhưng rất ít ngày ông đi khất thực được đồ dùng, phần nhiều là chẳng được gì cả, nên y trong cũng như y ngoài đều tả tơi cả. Trong thời gian chăm sóc cha mẹ như thế, ông dần dần trở nên xanh xao gầy ốm, bạn hữu thấy vậy bảo:
 
- Da dẻ bạn trước đây tươi sáng, nhưng nay bạn xanh xao quá, hẳn có bệnh gì?
 
Ông đáp:
 
- Ta không có bệnh gì cả, nhưng ta đang gặp một chướng ngại.
 
Rồi ông kể cho họ nghe câu chuyện nhà. Họ đáp:
 
- Thưa hiền giả, bậc Đạo sư không cho phép ta phí phạm lễ vật cúng dường của các thí chủ, bạn đã làm việc trái phép khi đem lễ vật cúng dường của thí chủ cho người thế tục.
 
Nghe nói vậy, ông hổ thẹn cúi gằm mặt xuống, nhưng vẫn chưa thỏa dạ, họ đem chuyện kể với bậc Đạo sư:

- Bạch Thế tôn, người này đã phí phạm lễ vật cúng dường và đem cho người thế tục.
 
Bậc Đạo sư cho gọi vị Tỳ kheo trẻ ấy đến và hỏi:
 
- Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không?
 
Ông thú nhận là có. Rồi bậc Đạo sư muốn ngợi khen việc làm của ông và nói về một việc cũ của Ngài, liền hỏi:
 
- Thế ông phụng dưỡng người thế tục nào đó?
 
- Bạch Thế Tôn, chính cha mẹ của con - Ông đáp.
 
Lúc đó Thế tôn muốn khuyến khích việc làm của ông hơn nữa, Ngài bảo ba lần:
 
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ Ta.
 
Như thế vị Tỳ kheo được Ngài khích lệ vì việc đó. Rồi theo lời thỉnh cầu của chúng Tỳ kheo, bậc Đạo sư kể chuyện quá khứ để cho biết các nghiệp đời trước của Ngài.
 
Chuyện thứ hai: Hiếu tử Sunata – thanh niên nghèo nuôi mẹ già [Trích từ chuyện số 398. Chuyện Hiếu tử Sutana (Tiền thân Sutana)]
 
Vua đã gửi ngươi một bát cơm...,
 
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ Tát được sinh vào một gia đình nghèo, cha mẹ đặt tên ngài là Sutana. Khi lớn khôn, ngài làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ, đến thời cha ngài qua đời, ngài phụng dưỡng mẹ mình. Thời ấy, vua Ba-la-nại thích săn bắn. Một hôm vua cùng quần thần đông đảo đi vào một khu rừng rộng khoảng một hai đặm và truyền lệnh cho tất cả mọi người:
 
- Nếu có con nai nào chạy thoát ở điểm canh giữ của người nào thì người ấy bị phạt số tiền bằng giá con nai.
 
Sau khi dựng một túp lều được giấu kín bên vệ đường, quần thần dâng nó cho vua dùng. Bầy nai bị chấn động vì tiếng la hét của đám người bao vây nơi trú ẩn của chúng, rồi một con nai chạy về địa điểm vua canh giữ. Vua nghĩ thầm "Ta muốn bắn nó" rồi giương cung lên. Con vật biết mưu kế đánh lừa, thấy mũi tên sắp đến gần sườn liền ngã lăn tròn như thể trúng mũi tên. Vua nghĩ: "Ta đã bắn trúng nó và chạy lại bắt nai".
 
Nhưng con nai vùng lên lao vụt nhanh như gió. Quần thần và mọi người kia đều cười nhạo vua. Ông liền đuổi theo con nai cho đến khi nó mệt nhoài thì rút kiếm chặt nó làm đôi. Rồi kéo con nai lên một khúc gỗ, ông khiêng nó lên như cái đòn gánh, vừa đi vừa nói: "Ta muốn nghỉ ngơi một lát", ông đến gần cây đa bên vệ đường và nằm xuống ngủ say.

Một quỷ Dạ xoa (Yakkha) tên là Makhadeva tái sinh ở cây đa này, được Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) cho phép bắt mọi sinh vật nào đến gần nó để ăn thịt. Khi vua này thức dậy, Dạ xoa bảo:
 
- Cứ ở lại đây, ngươi là món mồi của ta.
 
Rồi nó cầm lấy tay vua.
 
- Ngài là ai? Vua hỏi.
 
- Ta là Quỷ Dạ xoa, sinh ra tại đây. Ta bắt mọi người đến nơi đây để ăn thịt.
 
Vua lấy hết can đảm hỏi:
 
- Thế ngài chỉ ăn thịt hôm nay hay ăn mãi?
 
- Ta sẽ còn ăn mãi mọi vật ta bắt được.
 
- Thế thì hãy ăn con nai này hôm nay và để ta đi về. Từ ngày mai ta sẽ gửi cho ngài một người cùng với một đĩa cơm mỗi ngày.
 
- Vậy hãy cẩn thận đấy. Hễ ngày nào không gửi ai đến thì ta sẽ ăn thịt ngươi.
 
- Ta là quốc vương ở Ba-la-nại, chẳng có việc gì ta không làm được cả.
 
Quỷ Dạ xoa nhận lời hứa rồi để vua ra về. Khi vua đến kinh thành, ông đem chuyện ấy kể cho vị cận thần nghe và hỏi những gì cần phải làm.
 
- Tâu Ðại vương, có hạn kỳ nhất định nào không?
 
- Không.
 
- Thế thì Ðại vương đã tính việc sai rồi đấy. Nhưng không sao cả. Có rất nhiều tù nhân trong ngục.
 
- Vậy khanh cố sắp đặt việc này để cứu mạng ta.
 
Vị cận thần đồng ý, mỗi ngày bắt một tù nhân từ trong ngục gửi ra cho quỷ Dạ xoa cùng với một đĩa cơm mà không nói gì với kẻ ấy cả. Quỷ Dạ xoa ăn hết cả cơm lẫn người. Sau một thời gian các ngục thất đều trống vắng. Vua tìm không ra người đi đưa cơm, lòng run rẩy sợ chết. Vị cận thần an ủi ông và bảo:
 
- Tâu Ðại vương, lòng tham tài sản còn mạnh hơn lòng tham sống. Ta hãy gói một ngàn đồng tiền đặt trên lưng voi, rồi lấy trống truyền lệnh: "Ai muốn đem cơm cho quỷ Dạ xoa và lãnh số tiền bạc này?".
 
Vua nghe lời làm theo như vậy. Bồ Tát suy nghĩ: "Ta chỉ làm công được một xu rưỡi mỗi ngày khó lòng phụng dưỡng mẹ. Nay ta muốn lấy số tiền kia trao cho mẹ rồi đi gặp quỷ Dạ xoa. Nếu ta thắng nó thì tốt, còn nếu không thì mẹ ta cũng sống an nhàn sung túc". Vì thế ngài nói chuyện với mẹ, song bà bảo:
 
- Mẹ vừa đủ rồi, mẹ không cần tiền bạc.
 
Rồi bà ngăn cản ngài hai lần, nhưng lần thứ ba, ngài không xin phép mẹ nữa, mà đến gặp quan quân nói:
 
- Thưa các quan, hãy đưa ngàn đồng tiền, tôi nhận mang cơm đi.
 
Rồi đưa cho mẹ ngàn đồng tiền, ngài bảo:
 
- Mẹ thân yêu, đừng lo buồn, con sẽ thắng quỷ Dạ xoa và đem hạnh phúc cho mọi người. Con sẽ trở về nhà khiến cho mẹ đang khóc than phải cười to lên đấy.
 
Rồi chào mẹ xong, ngài cùng quan quân đi yết kiến vua, rồi kính lễ vua và đứng tại đó. Vua hỏi:
 
- Này, thiện nam tử, cậu muốn đem cơm à?
 
- Tâu Ðại vương, phải.
 
- Thế cậu cần mang theo vật gì bên mình?
 
- Tâu Ðại vương, đôi hài bằng vàng của ngài.
 
- Tại sao thế?
 
- Tâu Ðại vương, quỷ Dạ xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng trên mặt đất dưới gốc cây của nó, còn tiểu tử sẽ đứng trên đôi hài, chứ không phải trên mặt đất.
 
- Thế còn vật gì nữa?
 
- Tâu Ðại vương, chiếc lọng của ngài.
 
- Tại sao thế?
 
- Tâu Ðại vương, quỷ Dạ xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng dưới bóng cây của nó, còn tiểu tử đứng dưới bóng chiếc lọng, chứ không phải bóng cây.
 
- Thế còn vật gì nữa?
 
- Tâu Ðại vương, thanh kiếm của ngài.
 
- Ðể làm gì?
 
- Tâu Ðại vương, ngay loài quỷ cũng sợ những người mang khí giới trong tay.
 
- Thế còn gì nữa chăng?
 
- Tâu Ðại vương, cái bát vàng của ngài, đựng đầy ngự thiện dâng lên ngài.
 
- Này thiện nam tử, tại sao vậy?
 
- Một người có trí khôn như tiểu tử mà phải ăn cơm gạo thô trong đĩa đất thì không thích hợp chút nào.
 
Vua chấp thuận và sai các quan đem đủ mọi thứ ngài đã yêu cầu. Bồ Tát thưa:
 
- Tâu Ðại vương, đừng sợ gì cả, tiểu tử nguyện sẽ trở về hôm nay sau khi chiến thắng quỷ Dạ xoa và đem lại an lạc cho ngài.
 
Thế rồi ngài cầm mọi thứ cần dùng và đi đến nơi ấy, ngài sắp đặt mọi người đứng không xa nơi ấy rồi mang đôi hài vàng vào chân, đeo thanh kiếm vào đai, che chiếc lọng trên đầu và cầm bát cơm bằng vàng đến gặp Dạ xoa. Quỷ Dạ xoa nhìn ra đường thấy ngài liền suy nghĩ: "Người này đến đây không giống bọn người đã đến trước kia, vì duyên cớ gì vậy?".
 
Bồ Tát đứng gần cây, lấy mũi kiếm đẩy đĩa cơm vào dưới bóng cây rồi đứng gần bóng cây, ngâm vần kệ đầu:
 
1. Vua đã gửi ngài một bát cơm,
Lại thêm thịt nấu thật ngon thơm,
Ma kha có ở nhà không đấy,
Xin hãy bước ra nhận để ăn!
 
Nghe vậy, quỷ Dạ xoa suy nghĩ: "Ta muốn đánh lừa nó, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó bước vào bóng cây". Con quỷ liền ngâm vần kệ thứ hai:
 
2. Hãy bước vào trong, hỡi cậu trai,
Với cao lương mỹ vị trên tay,
Cả cơm cùng với thân người nữa,
Này cậu, ta xơi tuyệt lắm thay!
 
Tiếp theo, Bồ Tát đáp hai vần kệ:
 
3. Dạ xoa sẽ mất vật to hơn
Ðổi lấy vật này bé con con.
Tất cả mọi người đều sợ chết,
Chẳng còn ai đến biếu cao lương!
 
4. Vậy ngài sẽ được cấp lương cao
Tinh sạch nêm gia vị ngọt ngon.
Song nếu ăn ta, thì khó kiếm
Một người nào khác đến đem cơm.
Quỷ Dạ xoa suy nghĩ: "Cậu trai này nói có lý", rồi đầy thiện ý, nó ngâm hai vần kệ:
 
5. Su-ta-na, quả thật đúng thay
Mối lợi ta như cậu tỏ bày,
Hãy trở lại thăm hiền mẫu nhé,
Ta cho phép cậu bước đi ngay.
 
6. Lấy gươm, lọng, bát, cậu thanh niên,
Hãy nhắm đường đi, cất bước liền,
Thăm mẹ hiền trong niềm phấn khởi,
Cho bà sống hạnh phúc bình yên.
 
Nghe lời Dạ xoa, Bồ Tát hoan hỷ, ngài nghĩ thầm: "Bổn phận ta đã hoàn thành, quỷ Dạ xoa đã được chinh phục, ta được hưởng tài sản và lời hứa của vua đã được thực hiện". Ngài liền ngâm vần kệ cuối cùng:
 
7. Dạ xoa cùng với mọi thân nhân,
Mong ước toàn gia được phước ân,
Lệnh vua đã thực hành viên mãn,
Tài sản ta nay được hưởng phần.
 
Ngài khuyến giáo quỷ Dạ xoa và bảo:
 
- Này bạn, xưa kia bạn đã tạo ác nghiệp, bạn tham tàn độc ác, ăn thịt nhiều người nên tái sinh làm quỷ Dạ xoa. Từ rày về sau đừng giết hại sinh mạng như vậy nữa.
 
Thế là ngài nêu rõ mọi công đức nhờ giữ giới hạnh và các nỗi khổ đau vì tạo ác nghiệp. Rồi an trú quỷ Dạ xoa vào Ngũ giới, ngài bảo:
 
- Này, tại sao bạn ở trong rừng? Mau lên, ta sẽ để bạn cư ngụ cạnh cổng thành và bảo đem cao lương mỹ vị đến cho bạn.
 
Sau đó ngài ra đi cùng quỷ Dạ xoa, bảo nó cầm kiếm cùng nhiều vật khác và đến thành Ba-la-nại. Quân sĩ báo tin Sutana đã trở về cùng quỷ Dạ xoa. Vua cùng triều thần đi ra đón Bồ Tát và làm chỗ cư trú cho quỷ Dạ xoa tại cổng thành, rồi sai người đem cao lương mỹ vị cho nó. Xong vua vào thành, lấy trống truyền lệnh hội họp toàn dân trong thành để tuyên dương công trạng của Bồ Tát và phong ngài chức vụ thống lãnh quân đội. Còn chính vua được an trú vào lời dạy của Bồ Tát, thực hành nhiều thiện sự, bố thí và các công đức khác nên về sau tái sinh cõi thiên.
 
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ đã đạt Sơ quả (Dự Lưu). Rồi ngài nhận diện tiền thân:
 
- Thời ấy, quỷ Dạ xoa là Angulimàla (Người đeo vòng ngón tay), vua là Ànanda và hiếu tử kia chính là Ta.
 
Chuyện thứ ba: Nam cư sĩ phụng dưỡng mẹ già [Trích từ chuyện số 417. Chuyện Hiền mẫu Kaccàni (Tiền thân Kaccàni)]

Mặc áo trắng và tóc xõa vai...,

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người phụng dưỡng mẹ mình.

Chuyện kể rằng đó là một thiện gia nam tử ở Savatthì (Xá vệ). Khi cha mất, chàng chuyên tâm săn sóc mẹ, hầu hạ mẹ các công việc súc miệng đánh răng, tắm rửa v.v... và đem cháo cơm thức ăn cho mẹ. Bà mẹ bảo: "Này con, có nhiều phận sự khác trong đời gia chủ, con phải cưới một cô gái nhà đàng hoàng, cô ấy sẽ săn sóc mẹ, để rồi con đi làm công việc khác thích hợp hơn" - "Mẹ ơi, chính vì lợi ích và niềm vui của con mà con hầu hạ mẹ, chứ ai khác có thể hầu để tăng gia sản của ta chứ" - "Con không màng đến đời sống gia đình. Con muốn phụng sự mẹ, sau khi mẹ qua đời, con sẽ làm ẩn sĩ khổ hạnh".
 
Bà mẹ cố nài ép con mãi và cuối cùng không cần thuyết phục con hay được con chấp thuận, bà cứ đưa về một cô gái con nhà tử tế. Chàng cưới vợ và sống với nàng vì chàng không muốn trái ý mẹ, nên muốn bắt chước, nàng cũng chăm nom mẹ chồng chu đáo. Nhận thấy lòng tận tụy của vợ, chàng đem về cho nàng mọi thức ăn ngon lành mà vị ấy có thể kiếm được.
 
Theo thời gian, nàng dâu suy nghĩ ngu xuẩn theo kiểu kiêu hãnh của nàng: "Chàng cho ta mọi thức ăn ngon lành chàng kiếm được, chắc hẳn chàng mong muốn tống mẹ đi cho rảnh, vậy ta sẽ tìm cách làm việc đó". Một hôm nàng bảo:
 
- Chàng ơi, mẹ mắng tôi lúc chàng đi vắng.
 
Người chồng không nói gì. Nàng suy nghĩ: "Ta sẽ chọc tức bà già và làm cho con trai bà ấy không chịu nổi mẹ nữa".
 
Từ đó nàng đem cháo cho bà hoặc quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc quá mặn hoặc quá nhạt. Khi bà lão than phiền cháo quá nóng hay quá mặn, nàng đổ thêm nước lạnh đầy đĩa, rồi khi nghe cháo quá lạnh hoặc quá nhạt, nàng thường kêu to:
 
- Mới đây mẹ bảo quá nóng và quá mặn, ai chiều chuộng bà cho được.
 
Lúc tắm rửa, nàng thường dội nước quá nóng lên lưng bà già, nghe bà bảo:
 
- Con ơi, lưng mẹ bỏng rồi đấy!
 
Nàng liền dội nước thật lạnh lên bà mẹ, rồi khi nghe bà than phiền, nàng bịa chuyện với hàng xóm:
 
- Bà già này khi thì bảo nước quá nóng, khi thì bảo nước quá lạnh, ai còn chịu đựng được sự trơ tráo của bà ấy nữa?
 
Nếu bà già than phiền giường bà đầy rệp, nàng sẽ đem giường ấy ra và giũ mạnh vạt giường của nàng lên đó rồi mang nó về chỗ cũ, bảo bà:
 
- Tôi đã giũ nó rồi.
 
Bà già hiền lành lại bị rận rệp cắn nhiều gấp đôi trước kia, nên phải ngồi suốt đêm và than phiền bị rệp cắn suốt đêm, nàng đáp lại:
 
- Giường mẹ mới được giũ hôm qua và hôm kia nữa, ai có thể chiều chuộng mọi yêu sách của bà già này chứ?
 
Muốn làm cho con trai bà phản đối mẹ, nàng lại rải đờm dãi, tóc bạc khắp nơi, rồi khi chàng hỏi ai làm cho nhà cửa bừa bãi dơ bẩn như vậy, nàng thường bảo:
 
- Mẹ chàng làm đấy, nhưng nếu tôi bảo mẹ đừng làm vậy, thì mẹ lại la lối lên. Tôi không thể ở chung nhà với một bà chằn như vậy, chàng phải quyết định hoặc mẹ hoặc tôi ở lại đây thôi.
 
Chàng nghe nàng nói vậy liền bảo vợ:

- Nàng ơi, nàng còn trẻ và có thể ở nơi nào tùy ý, muốn đi đâu thì đi nhưng mẹ tôi già yếu, tôi là chỗ tựa của bà. Vậy nàng hãy đi về với người thân thuộc.
 
Khi nghe vậy nàng sợ hãi nghĩ thầm: "Chàng không thể xa cách người mẹ rất thân yêu đối với chàng. Còn nếu ta về nhà cũ, ta sẽ sống cuộc đời cô đơn khổ sở. Vậy ta muốn hòa giải với chồng và chăm sóc bà như xưa". Từ đó nàng làm đúng như thời trước. Một hôm vị cư sĩ này đến Kỳ Viên nghe Pháp, đảnh lễ bậc Ðạo sư xong, chàng đứng một bên. Bậc Ðạo sư hỏi xem có phải chàng vẫn không xao nhãng bổn phận cũ và vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già chăng.
 
Chàng đáp:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Mẹ con đem về cho con một cô gái để làm vợ trái ý con, nàng ấy đã làm nhiều việc không xứng đáng như vậy.
 
Rồi chàng kể hết mọi việc cho Ngài nghe:
 
- Song nàng ấy không thể ly gián mẹ con với con được, nên bây giờ nàng ấy lại chăm sóc bà hết sức cung kính.
 
Bậc Ðạo sư nghe chuyện và bảo:
 
- Ngày nay ông không nghe theo lời vợ, nhưng ngày xưa ông đã bỏ mẹ vì nghe lời vợ xúi giục và nhờ ta đưa bà ấy về lại cho ông chăm nom.
 
Rồi theo lời thỉnh cầu của chàng, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
 
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một thanh niên trong gia đình nọ hết lòng chăm sóc mẹ già khi cha cậu từ trần, giống như phần duyên khởi chuyện này, các chi tiết cũng được nêu ra đầy đủ như trên. Nhưng trong trường hợp này, khi người vợ bảo nàng không thể sống với bà chằn kia và chàng phải quyết định một trong hai người phải ra đi, thì chàng theo lời vợ cho rằng mẹ mình có lỗi và bảo:
 
- Mẹ ơi, mẹ luôn gây chiến trong nhà này, từ nay mẹ đi sống nơi khác tùy ý mẹ.
 
Bà mẹ nghe vậy, vừa khóc vừa đi đến nhà bạn đâu đó, làm thuê chật vật để sống qua ngày. Sau khi bà ra đi, con dâu bà mang thai sinh con trai, nên thường rêu rao với chồng và hàng xóm rằng việc sinh con ấy chưa hề xảy ra trước kia, khi còn có bà chằn ở trong nhà. Sau khi sinh con, nàng bảo chồng:
 
- Tôi chưa bao giờ sinh con lúc mẹ chàng còn ở trong nhà, nay tôi đã có con: như thế chàng có thể thấy rõ bà ấy đúng là bà già chằn thuở trước rồi đó.
 
Bà già nghe chuyện sinh con trai được dâu bà xem là do bà ra khỏi nhà, liền suy nghĩ: "Chắc chắn thần Công chánh đã chết trên đời này, vì nếu không phải như vậy, những kẻ này đã không sinh con trai và sống sung sướng sau khi đánh đuổi mẹ mình: Ta muốn làm lễ cúng tế thần Công chánh đã chết". Vì vậy một ngày kia, bà đem mè xay, gạo cùng một cái nồi và muỗng nhỏ, bà ra nghĩa địa đốt lửa trong cái lò làm bằng ba sọ người, rồi bà xuống suối tắm rửa đầu mình, giặt áo quần xong trở lại nơi lò lửa, xõa tóc ra và bắt đầu vo gạo.
 
Thuở ấy Bồ Tát là Thiên chủ Sakka và các Bồ Tát luôn chú tâm cảnh giác. Ngay lúc ấy ngài nhìn xuống trần gian và thấy bà già khốn khổ kia đang làm lễ tống táng thần Công chánh như thể thần Công chánh đã chết. Muốn chứng tỏ uy lực của ngài trong sự cứu giúp bà, ngài giáng trần giả dạng một Bà-la-môn du hành trên đường, khi nhìn thấy bà, ngài rời đường cái đến đứng bên bà, bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi:
 
- Mẹ ơi, người ta thường không nấu cơm trong nghĩa địa. Mẹ định làm gì với cơm và mè này khi nấu xong?
 
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
 
1. Mặc áo trắng và tóc xõa vai,
Kac-cà-ni lại nấu nồi sôi,
Gạo mè bà rửa đằng kia đó,
Bà có dùng không lúc chín rồi?
 
Bà ngâm vần kệ thứ hai nói cho ngài biết:
 
2. Ðạo sĩ ơi, tôi chẳng muốn ăn
Mè xay và cả món cơm hầm:
Giờ đây đã chết thần Công chánh,
Tôi muốn cúng dâng lễ tế thần.
 
Thiên chủ, hiện thân của thần Công chánh, đáp vần kệ thứ ba:

3. Khi quyết định, bà phải nghĩ suy:
Bà nghe ai nói vọng ngôn kia?
Ngài ngàn mắt ấy đầy uy lực,
Công chánh Thần không thể chết đi.
 
Nghe ngài nói, bà già ngâm đôi vần kệ tiếp theo:
 
4. La-môn, tôi chứng kiến rành rành, 
"Công lý chết rồi". Tôi phải tin:
Tất cả kẻ nào theo ác hạnh
Hiện giờ hưởng đại phồn vinh.
 
5. Dâu của tôi ngày trước hiếm hoi, 
Ðánh tôi, rồi lại đẻ con trai,
Nó thành bà chủ trong nhà ấy,
Tôi bị lãng quên, bị bỏ rơi.
 
Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ thứ sáu:
 
6. Không phải đâu, ta sống mãi mà,
Nay ta giáng thế, chính vì bà,
Dâu bà đánh mẹ, song dâu cháu,
Sẽ hóa tro trong lửa của ta.
Nghe thế bà lão kêu to:

- Than ôi, ngài vừa nói gì thế? Tôi sẽ cố sức giúp cháu tôi khỏi chết.

Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:
 
7. Thiên chủ, mong sao hợp ý ngài,
Vì tôi, ngài đến tự trên trời,
Ước mong đôi trẻ và thằng cháu
Ðược sống đời hòa thuận với tôi.
 
Sau đó Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tám:
 
8. Ka-ti sẽ mãn nguyện, vì bà
Bị đánh, song bà tin tưởng ta
Công chánh, vậy cùng con, cháu nội
Sống đời hòa thuận ở trong nhà.
 
Bấy giờ sau khi nói xong, Sakka Thiên chủ hiện ra đủ mọi vẻ uy nghi của ngài, dùng thần lực đứng trên không và nói:
 
- Kaccàni, bà đừng sợ, thần lực của ta, con và dâu bà sẽ đến đây đem bà về nhà, hãy sống hòa thuận với chúng.
 
Rồi ngài trở về cõi của ngài.
 
Nhờ uy lực của Thiên chủ, con và dâu bà nghĩ đến mọi tính tốt của bà trước kia và đi tìm khắp thôn làng, họ thấy bà đã đi về phía nghĩa địa. Họ theo con đường ấy và gọi bà, khi gặp lại bà, họ quỳ xuống chân bà xin lỗi và được bà tha thứ lỗi lầm cũ. Bà vui mừng chào đón cháu nội. Vì vậy cả bọn họ cũng hoan hỷ trở về nhà và từ đó sống chung với nhau.
 
9. Với con dâu thảo lại vui mừng
Bà lão Ka-ti đã sống chung,
Thiên chủ giải hòa xung đột cũ,
Cháu con săn sóc thật ân cần.
Vần kệ này được cảm tác do Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
 
Sau pháp thoại, bậc Đạo sư tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
 
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, người cư sĩ phụng dưỡng mẹ mình là người đang phụng dưỡng mẹ ngày nay, người vợ thời ấy là người vợ thời nay và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
 
Tâm Tịnh (còn tiếp)

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang