GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Người Phật tử và việc hộ pháp

"Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm”. Đây là câu nói được lưu truyền trong cửa thiền như cách phân chia “nhiệm vụ” của tu sĩ và cư sĩ - để cùng chung tay cho Phật pháp được tồn tại lâu nơi đời. Đó cũng là câu nói mang hàm nghĩa, trong ngôi nhà Phật pháp, tứ chúng đồng tu, mỗi chúng sẽ có phương tiện riêng trên bước đường làm rạng rỡ Thiền gia.
 
Phattu.jpg
Phật tử học Phật pháp và thực hành lời Phật dạy sẽ góp phần vào việc xiển dương đạo pháp - Ảnh minh họa

Ngày nay, chư Tăng Ni đông hơn về số lượng, có nhiều hoạt động hoằng pháp rộng rãi, người Phật tử cũng hiểu hơn về Phật pháp và có nhiều điều kiện trong việc yểm trợ chùa chiền, phát tâm cùng chư Tăng Ni làm nhiều thiện sự. Trong khuôn khổ bài này, người viết đề cập đến việc hộ pháp ở một khía cạnh khác, với những góc nhìn nhỏ, cũng là lưu ý mà bản thân góp nhặt được…

Cúng dường, làm từ thiện đúng pháp

Cách đây một số báo, Giác Ngộ ra ngày 20-9 có bài viết Trở lại chuyện “khách Tăng không mời” đã một lần nữa nêu hiện tượng giả sư khất thực phi pháp hoặc đến các cuộc lễ do các chùa tổ chức, tạo nên hình ảnh thiếu trang nghiêm, gây bức xúc. Đây là vấn đề của ngành Tăng sự, ngoài vai trò quản lý Tăng Ni của Giáo hội, phối hợp cơ quan chức năng minh định thật giả để xử lý đúng pháp luật, thiết nghĩ người Phật tử cũng cần có hiểu biết về hiện tượng này để góp phần hộ pháp.

Vài năm trước, chúng tôi có thực hiện việc ghi ý kiến của một số Phật tử, và đã đặt câu hỏi: Bạn sẽ làm gì khi gặp một người giả sư? Bạn đọc và là Phật tử ấy đã trả lời PV Giác Ngộ rằng, nếu ở Việt Nam mà có cơ quan chuyên trách của Giáo hội hoặc chính quyền trong việc xử lý hiện tượng giả sư thì sẽ gọi báo tin ngay lập tức. “Tuy nhiên, điều này đang bị thả nổi, hay chưa được quan tâm đúng mức - dù việc giả dạng nhằm trục lợi của người ‘hành nghề’ giả sư là có thật, nếu không muốn nói là thu lợi bất chính không hề nhỏ - nên theo đúng tinh thần cúng dường cho nhà sư khất thực: tôi chỉ bỏ vào bình bát thức ăn, là củ khoai, trái cóc chứ tuyệt đối không bỏ tiền! Đặc biệt, với những nhà sư khất thực sau 12g trưa là mặc nhiên xem như giả, tôi sẽ không cúng kính gì cả”, bạn đọc tên Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, bạn đọc Ngọc Sương thì nói với người viết rằng, để phân định người giả sư, Phật tử phải có hiểu biết về một vị sư là thế nào, phải tìm hiểu Phật pháp cũng như các nội quy Tăng sự. Cập nhật các hiện tượng giả sư đi bán nhang, quyên tiền xây chùa bị bắt ở khắp nơi để nói “không” khi gặp đối tượng, chính là một cách bảo vệ Phật giáo khỏi bị kẻ xấu “mượn áo nhà sư”.

“Cúng dường cũng cần có trí tuệ, để không tạo cơ hội cho người khác kiếm chác từ niềm tin của mình”, bạn Sương bày tỏ. Bạn đọc này cũng lưu ý việc cúng dường cho chính quý thầy, ở những ngôi chùa cụ thể, có tư cách pháp nhân đầy đủ đối với các Phật tử khác: “Tôi thấy một số ‘đại thí chủ’ cúng dường chùa hoặc cúng cho quý thầy, sư cô rồi muốn ‘phong tỏa’ vị thầy, sư cô đó, làm quyền ở ngôi chùa mình cúng cũng thành ra không đúng. Cúng vậy không những không có phước mà còn thêm tội”.

Một vấn đề khác, là làm từ thiện cũng vậy. Bố thí là một thiện sự, tuy nhiên “cách cho hơn của cho”. Làm sao để mỗi món quà mình trao cho người không chỉ là quà vật chất mà còn là bài pháp của một người tu đạo Bồ-đề mới mang lợi lạc cho mình, cho người. Tôi từng tháp tùng theo nhiều đoàn Phật tử tặng quà ở nhiều nơi, có những đoàn đi rất hoan hỷ nhưng cũng có đoàn đi xong thấy… hơi buồn, do cách cho còn chưa thật từ tâm. Tất nhiên, việc phát quà có chen lấn cũng phiền chút xíu, nhưng nếu người đến trao nhẹ nhàng hơn thì sẽ hay biết mấy. Theo đó, sau khi rời đi, gửi cho họ lòng thương, rằng họ khổ quá mới chen lấn sợ mất phần hoặc kiện cáo vì chưa có suất theo tiêu chí thì sẽ nuôi dưỡng được lòng mình nhiều biết bao.

Hạnh tặng quà, như Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Phó Phân ban Ni giới T.Ư, trụ trì chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mới đây chia sẻ với người viết là: “Đi nhiều mới thấy người dân mình khổ nhiều. Khổ vì còn nghèo là một chuyện, nhưng khổ hơn là họ chưa biết nhân-quả để tu sửa cho hết tận gốc cái khổ mới là vấn đề. Do vậy, mỗi chuyến đi, thầy luôn mong cho họ không chỉ có cái nhà che mưa nắng, có bữa cơm no thân ấm dạ mà còn mong họ biết tu để vượt thoát khổ đau triền miên”. Có lẽ vì tâm niệm này mang theo trên mỗi hành trình từ thiện mà vị Ni gần 80 tuổi vẫn khỏe để đi, đi rồi lại tiếp tục công việc của mình “chỉ mong mỗi nơi đến có hạt Bồ-đề được gieo, một ít người thấy Phật giáo dễ thương, tìm hiểu rồi tu đúng pháp, để đạo mầu lan tỏa là mừng rồi…”.

Hộ pháp trong những dòng thông tin

Mạng xã hội đã trở thành sinh hoạt gần như chiếm rất lớn thời gian của mỗi người hiện đại. Ở đó, có cả “vàng” lẫn “cám”, với ngồn ngộn thông tin đúng/ sai, có lợi/ bất lợi… cho thân, tâm của mình. Vấn đề là sàng lọc để có ứng xử phù hợp. Với những tin hay, tốt về Phật giáo đã được kiểm chứng thì Phật tử có thể bày tỏ sự quan tâm thông qua nút like (thích) hoặc yêu thích (thả tim); đồng thời có thể chia sẻ về trang cá nhân (share) để người thân, bạn bè cùng đọc. Đó là cách góp phần làm cho đạo Phật lan tỏa. Riêng với thông tin chưa đẹp thì làm sao, ví dụ như những thông tin không hay ho liên quan đến tu sĩ ở một vài địa phương gần đây?

Theo tôi, mình không cần quan tâm theo kiểu “đau lòng quá” hoặc “chửi rủa” và tất nhiên, cũng không nên chia sẻ để phát tán những điều tiêu cực. Đó không phải là “xấu che tốt khoe” mà là thực tập “y pháp bất y nhân”, giữ cho lòng mình yên, an.

Đa phần Phật tử hay mắc kẹt chỗ một vị thầy và dễ suy ra tất cả các thầy nếu gặp một người khoác áo tu hành phạm giới, sai Chánh pháp. Trên mạng, nhiều người cũng có xu hướng “hướng dẫn dư luận” đồng nhất một hành vi phạm giới của tu sĩ với cả Phật giáo - đã làm cho nhiều người hoang mang, có cách nghĩ không đúng về đạo Phật. Do vậy, với Phật tử, đây là lúc để thể hiện chánh tư duy, chánh kiến và chánh ngữ. Đó là trở về nương tựa Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), lấy giới làm thầy, đừng quên Đức Phật là vị Thầy lớn nhất, và Tăng không phải chỉ có một nhà sư phạm giới mà vội vàng đánh mất niềm tin.

Chỉ vì một người sai mà không đi chùa hoặc lung lay niềm tin là bởi vì chúng ta chưa tin một cách sâu sắc. Vì nhà sư phạm lỗi mà không còn muốn tu sửa bản thân - đây là lỗi của mình! Đó là chưa nói, có những thông tin mình đọc được, mình nghe/ thấy chỉ là “một phần sự thật”, thậm chí là không có thật - thì càng cần phải cẩn trọng hơn, minh định để có ứng xử đúng đắn, bản lĩnh.

Thật hay giả trong các thông tin liên quan tới Phật giáo, nhà sư là những “bài tập” để mỗi người Phật tử tỉnh thức hơn khi tiếp nhận. Tin xấu (dù thật hay giả) mà mình nổi nóng cũng đã là không-cần-thiết. Vấn đề của mình là làm sáng ba viên ngọc quý (Tam bảo - nơi tự thân) để dù có tiếp xúc với tốt hay xấu cũng không dính mắc lại, thong dong tiến bước trên đường đạo. Được vậy, thì dù mình chỉ là Phật tử, không đăng tòa thuyết pháp nhưng người khác nhìn vào cũng có thể thay đổi tích cực. Hơn nữa, làm được vậy chính là mình đã làm cho đèn thiền được sáng nơi tự thân - cốt lõi nhất của người học, tu Phật - cũng như nối một ngọn đèn cho đời thêm sáng đẹp! Lợi mình, lợi đạo, còn gì quý hơn?

 Lưu Đức Bình Minh

Theo giacngo.vn

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang