GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Nguồn gốc và ý nghĩa Phật đản

Lễ Phật đản được tổ chức hàng năm vào tháng tư âm lịch tại các nước theo Phật giáo để kỷ niệm ngày ra đời của đức Phật. Hình thức tổ chức Lễ Phật đản tại các quốc gia khác nhau tùy theo văn hóa mỗi nơi.

Phật đản sanh vào ngày nào?

Đức Phật đản sanh vào ngày rằm tháng Vesak nhằm tháng 5 tây lịch. Theo Phật giáo bắc tông, ba sự kiện đản sanh, thành đạo, niết bàn rơi vào 3 tháng khác nhau trong khi Phật giáo nam tông ba sự kiện này chung một ngày gọi là tam hợp.

Trước năm 1950, các nước theo Phật giáo bắc tông tổ chức Lễ Phật đản vào ngày mùng 8/4 âm lịch. Từ sau Đại hội Phật giáo thế giới đầu tiên được tổ chức tại Colombo, Srilanka từ ngày 25/5-8/6/1950, các đại biểu đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản là ngày rằm tháng tư âm lịch.

Đến ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận đại lễ Vesak là Lễ Vesak Liên Hợp Quốc (United Nations day of Vesak) và được tổ chức hàng năm tại các trụ sở liên hợp quốc vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.

Ý nghĩa Lễ Phật đản

Lễ Phật đản trước nhất là kỷ niệm ngày đức Phật ra đời. Từ sự ra đời vĩ đại này, nhân loại mới có một bậc vĩ nhân, một đức Phật đã cống hiến cho nhân loại nhiều giá trị đạo đức, trí tuệ, văn hóa nhân văn…Do đó, Lễ Phật đản cũng mang ý nghĩa tri ân và tôn kính đức Phật. Tri ân vì đức Phật là bậc thầy vĩ đại đưa đường chỉ lối cho chúng ta đi đến an lạc. Tôn kính vì những đóng góp vô song của đức Phật về giá trị đạo đức, phương pháp tu tập tâm linh.

Các hình thức kỷ niệm phổ biến

Các nước Phật giáo đều tổ chức Lễ Phật đản theo văn hóa địa phương. Ở Việt Nam, các hình thức bao gồm lễ tắm Phật, thiết trí lễ đài, thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, làm xe hoa diễu hành, thuyền hoa, hoa đăng, lồng đèn, cờ Phật giáo, thiệp Phật đản, văn nghệ cúng dường…

Đặc biệt, các thời khóa thuyết giảng được tổ chức để ôn lại ý nghĩa Phật đản và nhắc về công hạnh của đức Phật.

Sự thực hành lời Phật dạy là điều không thể thiếu. Tín đồ tụng kinh, tham gia khóa tu, ăn chay, không tiêu thụ rượu bia và các loại thịt cá, bố thí, phóng sanh, thiết lễ cúng Phật, sám hối, tham gia công quả…

Tất cả mọi việc làm đều hướng tâm tri ân đức Phật và nhắc chính bản thân tinh tấn tu hành.

Ban TTTT PG Bình Định (tổng hợp)

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang