GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

Để cứu nguy Phật giáo khỏi nạn diệt vong, vào ngày 25-5-1963, Ban Trị sự TW Tổng hội Phật giáo Việt Nam triệu tập 11 giáo phái và hội đoàn Phật giáo, thành lập ra Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, do TT.Tâm Châu làm chủ tịch, dưới sự chứng minh tối cao của HT.Thích Tịnh Khiết.

Trong suốt hơn hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như trong gần bốn mươi năm giữa thế kỷ thứ 20. Đó là giai đoạn mà Phật giáo phải chịu tác động của 3 cuộc khủng hoảng lớn. 

Thứ nhất là nội lực của Phật giáo bị suy kiệt sau gần 100 năm bị “nhiệm vụ khai hoá” của thực dân Pháp gạt ra khỏi vai trò phên dậu văn hóa của dân tộc. 

Thứ hai là cùng đồng hành với dân tộc trong cao trào chống ngoại xâm nên đã hy sinh gần cạn kiệt nguồn vốn trí tuệ, thân mạng và cơ sở vật chất trên cả ba miền đất nước.

Thứ ba là sau ngày đất nước qua phân vào năm 1954, trong khi Phật giáo tại miền Bắc gần như hoàn toàn tê liệt vì hậu quả của chiến cuộc thì tại miền Nam, trong nỗ lực chập chững hồi sinh, Phật giáo lại phải đối mặt suốt gần một thập niên với một chính sách đàn áp, tiêu diệt có hệ thống của chính quyền Ngô Đình Diệm. 
 
Chính quyền Ngô Đình Diệm với vị Tổng Giám mục “quyền huynh thế phụ” đầy tham vọng đạo cũng như đời, thật ra chỉ là một công cụ để thừa kế và triển khai một cách dai dẳng và không khoan nhượng, sách lược xâm thực văn hóa của chủ nghĩa thần quyền ngoại bang, suốt gần 600 năm khắp nơi trên thế giới.
 
Phật giáo Việt Nam trở thành đối tượng bị nhắm đến đầu tiên, liên tục và hung hãn trong suốt 8 năm cai trị của chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ mà nhiệm vụ chính trị của tập đoàn lãnh đạo đã làm cho họ không còn chọn lựa nào khác, không còn cách hành động nào khác hơn là phải tiêu diệt Phật giáo. Cho nên trong suốt 8 năm, Phật giáo đã bị kỳ thị, đàn áp, khống chế, thậm chí bị tiêu diệt trong hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt quần chúng cũng như công quyền tại miền Nam. Từ luật pháp đến chính trị, từ giáo dục đến an ninh, từ kinh tế đến thương mãi, từ nông nghiệp đến xã hội, từ quân đội đến hành chính … và đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo thì chính quyền dùng đủ mọi biện pháp để khống chế và tiêu diệt đến tận cùng.
 
Trong bài viết này, tác giả phân tích các nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu trong bất bạo động của Phật giáo Việt Nam và đại nguyện tự thiêu vì chánh pháp của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Trên cơ sở này, phân tích khái quát về ý nghĩa tự thiệu của Bồ-tát Thích Quảng Đức, để từ đó, mỗi người tự rút ra cho mình các bài học nhập thế, phụng sự nhân sinh.
 
 
I. BỒ-TÁT QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU
 
Bồ-tát Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tuất (林文戌),[1] còn gọi là Nguyễn Văn Khiết (阮文㓗) sinh vào giờ Tý, ngày Rằm tháng 9 Mậu Tuất (29-10-1898) tại Khánh Hòa. Đứng trước cảnh chính quyền toàn trị Ngô Đình Diệm gây nhiều bất công xã hội, tạo ra  bất bình đẳng tôn giáo, bách hại Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã phát tâm đại bi, thiêu thân vì chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt.[2]
 
Một người theo Tin Lành giáo tại Hoa Kỳ, Mục sư Donald Harrington đã tường thuật rất xúc động về bản chất và ý nghĩa của việc Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu, như ngọn lửa soi sáng lương tâm chính quyền độc tài toàn trị Ngô Đình Diệm và những người chủ trương chiến tranh thực dân mới ở miền Nam Việt Nam:
 
“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11.6.63 Hòa thượng Thích Quảng Đức đã ngồi thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Hòa thượng cầm một xâu chuổi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật. Trên chiếc áo cà sa của Hòa thượng thì đã tẩm ướt đầy xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh sợ. Khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường gì sắp xẩy ra nên tất cả đều dừng lại chờ đợi.
 
Với vẻ yên lặng, bình thản trên khuôn mặt, Hòa thượng Quảng Đức niệm lớn: “Nam Mô A Di đà Phật”. Thế rồi Người bật một que diêm và ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân thể nhưng Người không hề rên la hay lay động. Người ngồi thẳng trong mười phút, thân hình chìm trong lửa đỏ, và khi lửa tàn, Người nằm xuống bất động...
 
Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình Thương” của “Hòa Bình”, quyết chí tự thiêu?...  Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời nầy đến chỗ tự tử, thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất một đôi khi cũng đã sản xuất những người tử đạo quả cảm nhất trong lịch sử... Hòa thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới..
 
Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt da thịt nhưng không một lời kêu than. Người gởi mấy lời của Người cho Tổng thống Diệm, và cho đến nay ông Diệm vẫn chưa chịu nghe hay chú ý. Nhưng dù sao tiếng nói ấy vẫn là tiếng nói của tình thương, tiếng nói mà trong thâm tâm của nó chứa đưng sự giải thoát của miền Nam Việt Nam. Người đã để lại một bóng đen sĩ nhục lên sự huy hoàng mà Giáo hoàng Gioan đã mang lại cho Giáo hội Thiên Chúa. Người đã làm và Người phải làm, cho mỗi người Hoa Kỳ đi tìm linh hồn của Người và cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng, trừ phi chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ và tự do cho dân chúng Việt Nam, tất cả mọi viện trợ của Hoa Kỳ đều phải chấm dứt ngay...
 
Ngọn lửa ấy có thể thành một tia hy vọng cho những người từ lâu bị áp bức bởi người ngoại quốc hay bởi ngay chính đồng bào của họ...”[3]
Để thực hiện đại nguyện tự thiêu, bảo vệ chánh pháp, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nhờ TT. Thích Đức Nhuận giúp đánh máy và đọc bản thảo Đơn xin tự thiêu ký ngày 27-5-1963. Đơn xin tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức khẳng định năm nguyện vọng Phật giáo và phương pháp bất bạo động là tinh thần đấu tranh chân chánh của Phật giáo Việt Nam như sau:
 
“Tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Quảng Đức, tu sĩ Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703 cấp tại Quận Tân Bình ngày 21 tháng 2 năm 1962, hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng: 
 
1) Năm nguyện vọng tối thiểu nghi trong Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín đồ Phật giáo là phản ảnh tinh thần chân chánh của Phật giáo Việt Nam.
 
2) Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.
 
3) Triệt để tuân theo và ủng hộ các cấp lãnh đạo Phật giáo.
 
Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân này nếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên Ngôn là phản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.
 
- Phật giáo Việt Nam bất diệt !
 
- Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ.
 
Và xin quý Thượng tọa chấp thuận chuyển tới toàn thể tín đồ lời nguyện ước cuối cùng của tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự giác, tự nguyện, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp, bảo vệ lá cờ Phật giáo.”[4]
 
Mặc dù không được Giáo hội Tăng già Việt Nam chấp nhận,[5] Bồ-tát Quảng Đức vẫn thầm lặng theo đuổi đại nguyện tự thiêu trên tinh thần vô ngã, vị tha. Những ngày cuối đời tại Chùa Ấn Quang, Bồ-tát tham thiền nhập định, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, ôn lại tấm gương của Bồ-tát Dược Vương dùng hỏa quang tam-muội để đốt thân cúng dường chánh pháp.
 
Trong Lời nguyện Tâm quyết,[6] Bồ-tát Thích Quảng Đức thể hiện lòng từ bi đối với vận mạng của Phật giáo: "Tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong." Hành động của Bồ-tát Quảng Đức một mặt "nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật” mặt khác nhằm mục đích “hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo." Từ trong thâm tâm, ngài mong cầu mọi việc tốt lành đến với tổng thống Ngô Đình Diệm, “Cầu nguyện Phật Trời gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt” và mong ông “nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”. Đối với quê hương, dân tộc và đạo pháp, Bồ-tát Quảng Đức mong cầu: “ơn Phật gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt; mong hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức Tăng Ni, và Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác; và cuối cùng là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.”
 
Thông thường “lửa” trong Phật giáo tượng trưng cho “tham ái” như trong kệ Pháp Cú 146: “Cười sao được, sướng vui sao nỗi/ Khi lửa tham (pajjalite)[7] cháy rụi thế gian/ Tối tăm giăng phủ trời đêm/ Sao không nỗ lực tìm đèn sáng soi?”[8] Lửa rực đỏ từ thân Bồ-tát Thích Quảng Đức suốt 7 phút đã trở thành “lửa từ bi” như nhà thơ Vũ Hoàng Chương[9] đã mô tả qua bài thơ bất hũ mang cùng tên. Ngọn lửa từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ. Bằng ngọn lửa từ bi, trái tim từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất về thể loại này, bất diệt với thời gian, biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo tàn, trí tuệ chiến thắng gian ngụy.
 
II. NGUYÊN NHÂN CỦA TỰ THIÊU
 
Bản Tuyên ngôn do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam ấn ký, gửi chính phủ ngày 10-5-1963 nêu rõ nguyên nhân của cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo là đòi công bằng xã hội và tôn giáo bình đẳng. Do đó, nguyên nhân tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức là vì chính sách hà khắc đàn áp Phật giáo của chính quyền, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người dân, tạo ra nhiều hành động bất công đối với Phật giáo. Bản Tuyên ngôn viết như sau:
 
“Từ nhiều năm nay, Phật giáo đồ đã bị khủng bố đàn áp khắp nơi, chúng tôi vẫn nhẫn nhục, đương nhiên không phải hèn yếu, mà vì ý thức được hoàn cảnh dân tộc ta hiện tại. Nhưng đau đớn thay, một số đã lợi dụng quyền hành gây ra không biết bao nhiêu tang tóc đối với Tăng và tín đồ Phật giáo khắp trong nước, đối xử một cách bất công với một tôn giáo có hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Từ hành động này đến manh tâm khác, thậm chí đã chà đạp lên quyền lợi thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ: Cờ Phật giáo quốc tế bị triệt hạ. Quyết định này đã trái với hiến pháp và ngang nhiên vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Trước những hành động bất công đó, Tăng và tín đồ khắp cả trong nước, chúng tôi bắt buộc phải đứng dậy tranh đấu cho lý tưởng của mình.”[10] Có thể nói, ba  chính sách bất bình đẳng sau đây a) Độc tôn Thiên Chúa giáo, b) Đạo dụ số 10 và c) Triệt hạ cờ Phật giáo, đã trở thành các nguyên nhân sâu xa, dẫn đến cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, châm ngòi cho sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
 
1) Chính sách độc tôn Thiên Chúa giáo
 
Thể chế Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm thực chất là chế độ gia đình trị và Thiên Chúa giáo trị, bao gồm tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, cố vấn Ngô Đình Nhu và đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.
 
Thượng Nghị sĩ Mỹ Mansfield, người đã từng ủng hộ Ngô Đình Diệm, khẳng định rằng: "chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị".[11] Trong nỗ lực đưa Thiên Chúa giáo trở thành tôn giáo độc tôn tại miền Nam Việt Nam, chế độ gia đình trị này đã tuyên chiến và đàn áp Phật giáo trong mùa Phật đản 1963. Đó là sai lầm lớn và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của chế độ mấy tháng sau đó.
Đề cập đến chủ nghĩa độc tài Công giáo và chính sách đàn áp Phật giáo một cách tàn nhẫn, Avro Manhattan đã nhận xét rất chính xác như sau:“Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam là một người theo đạo Công giáo cai trị Nam Việt Nam bằng một bàn tay sắt… Ông đã được hồng y Spellman và giáo hoàng Pius XII trồng vào cái ghế tổng thống. Ông đã biến cải ngôi vị tổng thống thành một nhà độc tài Công giáo, tàn nhẫn nghiền nát những đối lập chính trị và tôn giáo.”[12]
 
Avro Manhattan còn cung cấp cho chúng ta những thông tin rùng rợn về tội ác mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo ra trong năm 1955-1960: “Người ta ghi nhận rằng, và những con số sau đây tuy không được chính quyền chính thức khẳng định nhưng có thể coi là đáng tin cậy, là trong thời gian kinh hoàng từ 1955 đến 1960, ít nhất là có 24000 người bị thương, 80000 bị hành quyết hay bị ám sát, 275000 người bị cầm tù, thẩm vấn hoặc với tra tấn hoặc không, và khoảng 500000 bị đưa đi các trại tập trung. Đây chỉ là những con số ước tính bảo thủ, khiêm nhường”.[13]
 
Ký giả người Úc Denis Warner cho rằng: “Trong nhiều năm, cái chế độ bạo ngược chuyên chế mà Tây phương đồng minh với ở Saigon (chế độ Ngô Đình Diệm) thì còn tệ hơn là cái chế độ mà Tây phương đang chiến đấu để chống (chế độ CS)”. Diệm và gia đình ông ta đã giết hoặc lưu đày tất cả những thế đối lập. “Diệm đã mất đi sự tin cậy và trung thành của dân chúng” như Bộ Trưởng McNamara đã nhận định ngày 26 tháng 3, 1964.”[14]
 
Trong tác phẩm nổi tiếng “Thập giá và lưỡi gươm”, linh mục Trần Tam Tĩnh cho chúng ta biết trong giai đoạn 8 năm trị vì, chính quyền Ngô Đình Diệm đã kìm hãm 90% người ngoài Công giáo trong chính phủ Công giáo, trong khi tạo quyền thế bất công cho các cha xứ: “Từ năm 1955 đến năm 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa cha chú, với những lợi ích thật chẳng có bao nhiêu, nhưng với những hà lạm gây nhiều tiếng tăm hơn, nhất là trong khi dân chúng gồm 90% là ngoài Công giáo mà bị kìm hãm dưới một thứ chính “Chính phủ Công giáo.” Khắp nơi, ở thành phố cũng như tại nông thôn chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế.”[15]
 
Để thực hiện chính sách bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng tôn giáo, đưa vai trò Công giáo lên vị trí độc tôn tại miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm đã lập ra đảng Cần lao – Nhân vị (gọi tắt là đảng Cần Lao), chủ trương Chủ nghĩa duy linh – nhân vị. Mục đích của đảng Cần Lao là chống cộng sản, chống Phật giáo và chống đảng phái quốc gia, đồng thời, chủ trương vâng lời các cha, vâng lời Ngô Đình Cẩn và vâng lời Ngô Đình Diệm.[16] Phương châm hoạt động của đảng Cần Lao là: “vì Chúa và cho Giáo hội Công giáo.” Cương lĩnh của đảng Cần lao khích lệ các linh mục và giáo dân: "đem hết thể xác và linh hồn cho đến hơi thở cuối cùng để chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia".[17]  
 
Về sự cai trị độc tài của Diệm dựa vào thuyết Nhân vị, Bernard Newman nhận xét như sau: “Bất kể hiến pháp viết như thế nào, Diệm cai trị như là một nhà độc tài. Triết lý chính trị của ông ta dẫn xuất từ một nhóm Công giáo Pháp, những người đã đặt ra thuyết Nhân Vị... Thuyết Nhân Vị như là “một pha trộn lộn xộn của những sắc lệnh của giáo hoàng và kinh tế mẫu giáo, tổ hợp với một sự nghi ngờ những tư nhân thương gia, một sự e ngại đầu tư ngoại quốc, và một quan niệm là không thể thành đạt được gì nhiều ở Việt Nam nếu không có sự kiểm soát của chính phủ.”[18]
 
Nhằm đề cao Công giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm “đã tổ chức lớp học về duy linh rồi lợi dụng lớp học ấy mà xuyên tạc đạo Phật của chúng tôi, dọa nạt và bắt hội viên của chúng tôi phải ký đơn qua Thiên Chúa giáo, nếu không sẽ đi học tập dài hạn tại quận và tỉnh".[19] Ngoài ra, chính quyền họ Ngô cùng dùng chính sách cưỡng bức cải đạo, bắn giết Phật tử và ban hành nhiều điều luật không giống ai: “Đối với dân lương từ năm 1954 đến năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã giết chết, bắt giam, tra tấn Phật giáo đồ; dụ dỗ cải đạo, cấm Phật tử đi lễ chùa.”[20]
 
Theo tướng Trần Văn Đôn, người trực tiếp tham gia đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, Chính sách di cư vào Nam, thực chất, chỉ là chiêu bài đưa người Thiên chúa giáo vào miền Nam để xây dựng nước Chúa. Trong số 887.895 người di cư vào Nam sau năm 1954 đã có đến 754.710 người là tín đồ Thiên Chúa giáo, chiếm 85%. Các chức vụ chủ chốt của chính quyền họ Ngô đều nằm trong tay Thiên Chúa giáo.[21]
 
Chính sách toàn trị và Công giáo trị của Diệm là một chủ nghĩa phát-xít mới tại Việt Nam: "Diệm muốn thống nhất cả nước thành một khối Công giáo và chuyển các tôn giáo và đảng phái sang Công giáo. Công giáo ở Việt Nam là chủ nghĩa tư bản. Giáo hội là đại diện của chính phủ. Nếu anh muốn giàu sang, nếu anh muốn trở thành sĩ quan, anh phải là Công giáo".[22] Chính vì chủ trương này mà Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành đối tượng bị khủng bố và áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm.
 
2) Bất bình đẳng tôn giáo trong Đạo dụ số 10
 
Về phương diện văn bản luật, Đạo dụ số 10 được xem là nguồn gốc của bất bình đẳng tôn giáo, mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn sử dụng như một đặc ân dành cho Thiên Chúa giáo và như một gông cùm đối với Phật giáo và các tôn giáo khác. Chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo đã có từ thời Pháp thuộc và thời quốc trưởng Bảo Đại, được Việt Nam Cộng hòa tiếp tục áp dụng có mục đích đàn áp Phật giáo, đề  cao Thiên Chúa giáo.
 
Đạo dụ số 10 do quốc trưởng Bảo Đại ban hành năm 1950, quy định về các tổ chức hội đoàn bao gồm tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo. Trên nguyên tắc, khi chế độ quốc trưởng Bảo Đại đã bị thay thế bằng chính thể Việt Nam Cộng hòa, thì Đạo dụ số 10 không còn hiệu lực pháp lý. Ấy thế mà, từ năm 1954 đến 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm dựa vào Đạo dụ số 10, ra tay đàn áp Phật giáo và nỗ lực loại trừ Phật giáo ra khỏi bản đồ văn hóa tôn giáo Việt Nam, nhằm từng bước biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo của Việt Nam.
 
Điều 7 của Đạo dụ số 10 quy định rằng các hội đoàn bao gồm “tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu” có thể bị “bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói rõ lý do.” Đối với các hội đoàn đã cho phép thành lập rồi vẫn có thể bị “bãi đi vì trái điều lệ hay vì lẽ trị an.”[23] Theo điều quy định này, các hội đoàn trong đó có các hội Phật giáo Việt Nam có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào, mà không cần trưng dẫn lý do. Hoặc khi cần trưng dẫn lý do, thì chính quyền có thể viện cớ “vì lẽ trị an”,[24] một khái niệm luật rất mơ hồ, không thể thực thi được công bằng xã hội và tôn giáo, mà trên thực tế đã phá vỡ công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo. Đây là điều mà theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam “Đạo dụ số 10 triệt hạ hết thảy giá trị tôn giáo.”[25]
 
Có lẽ, do vin vào chính sách “vì lẽ trị an” mà chính quyền Ngô Đình Diệm có cớ triệt hạ cờ Phật giáo thế giới vào mùa Phật đản 1963, biểu tượng tâm linh của Phật giáo toàn cầu, nhằm chứng minh Thiên Chúa giáo là “Công giáo” ở Việt Nam, mà trên thực tế chỉ là một tôn giáo thiểu số.
 
Điều 44 của Đạo dụ số 10 quy định về một “chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia-tô”. Sự thiên vị được đặt trên “căn bản pháp lý của thực dân pháp.”[26] Theo lãnh đạo Phật giáo Việt Nam năm 1963, các điều 10 và điều 12 đã làm cho các tôn giáo ngoài Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo “bị kiểm soát một cách cực kỳ nghiêm khắc, bởi bất cứ nhân viên nào của Hành chính và Tư pháp.”[27] Việc duy trì và áp dụng Đạo dụ số 10 đã tạo tình trạng thiên vị Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo, đang khi đàn áp Phật giáo, khủng bố Tăng Ni, bắt bớ tín đồ, gây bất ổn tôn giáo, chính trị và xã hội tại miền Nam Việt Nam.
 
3) Cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963.
 
Từ chủ trương “chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia” và dựa vào tinh thần thiên vị Công giáo của Đạo dụ số 10, chính sách của Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật giáo, mà khởi đầu chính là Công điện 9195 của Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 6-5-1963, cấm treo cờ Phật giáo trong đại lễ Phật đản 1963. Theo TT. Trí Quang, người lãnh đạo phong trào Phật giáo 1963, vụ  triệt hạ cờ Phật giáo: “chỉ như là một giọt nước cũng thừa sức làm chảy tràn ra một bát nước vốn đã quá đầy”.[28]
 
Để cứu nguy Phật giáo khỏi nạn diệt vong, vào ngày 25-5-1963, Ban Trị sự TW Tổng hội Phật giáo Việt Nam triệu tập 11 giáo phái và hội đoàn Phật giáo, thành lập ra Uỷ ban liên phái bảo vệ Phật giáo, do TT. Tâm Châu làm chủ tịch, dưới sự chứng minh tối cao của HT. Thích Tịnh Khiết.
 
Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo đã gửi 3 công điện. Công điện thứ nhất gởi cộng đồng Phật giáo thế giới, lúc 2 giờ sáng 7-5-1963, kêu gọi can thiệp chính phủ Việt Nam Cộng hòa, trong đó có đoạn kêu gọi không nên triệt hạ lá cờ Phật giáo: “Cờ Phật giáo bị không cho treo tại các tự viện Phật giáo ngay trong ngày Đại lễ Phật đản quốc tế, yêu cầu can thiệp với chính phủ Việt Nam Cộng hòa”.
 
Công điện thứ hai gởi và yêu cầu Ngô Đình Diệm thu hồi công điện 9195 một cách khéo léo: “Chúng tôi không tin rằng quyết định đó xuất phát từ Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện nói trên. Trân trọng”.
 
Công điện thứ ba gởi các hội đoàn Phật giáo Việt Nam, kêu gọi các sơ môn pháp phái Phật giáo sẵn sàng thống nhất hành động vì đại cuộc dân tộc và Phật giáo: “Cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi Công điện số 9159. Đã điện cho Phật giáo thế giới can thiệp và đã điện cho Tổng thống thỉnh cầu đình chỉ. Nhưng các tập đoàn Phật giáo vẫn thông báo cho các đơn vị và chờ chỉ thị”.
 
Bất chấp các nỗ lực của Phật giáo Việt Nam, Chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn ngang nhiên triệt hạ cờ Phật giáo thế giới, nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình ở toàn Thừa Thiên chiều ngày 7-5-1963. Cuộc thảm sát của chính quyền Ngô Đình Diệm tại đài Phát thanh Huế vào ngày 8-5-1963 làm 8 Phật tử [29] (gồm 7 trẻ em và 1 người lớn) chết trong thương tâm, đã “đổ dầu vào lửa” phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, góp phần dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963.
 
Các phương tiện truyền thông của chính quyền Ngô Đình Diệm vu cáo vụ thảm sát đó là do “Việt Cộng ném lựu đạn”[30] nhưng trên thực tế là do binh sĩ và xe tăng của thiếu tá Mathew Đặng Sĩ [31] nổ súng, dưới sự ra lệnh của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. [32] Lời bào chửa khéo léo của Đặng Sĩ vào năm 1964 đã không thể giúp ông thoát khỏi việc bị tuyên án tử hình, do phạm các tội danh “bắn vào đám đông không vũ trang, dùng xe bọc thép cán người biểu tình, và sử dụng chất nổ nguy hiểm để kiểm soát đám đông”. [33]
 
Những sự kiện nêu trên đã dẫn đến cuộc tàn sát đẫm máu, khủng bố Tăng, Tín đồ Phật giáo, tạo ra pháp nạn Phật giáo 1963. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.
 
III. Ý NGHĨA TỰ THIÊU CỦA BỒ-TÁT
 
Dựa vào nội dung của Đơn xin tự thiêu, 2 tờ di chúc của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Bản Tuyên ngôn của Tăng, Tín đồ Phật giáo Việt Nam [34] (về sau viết tắt là Bản Tuyên ngôn) và Bản Phụ đính về bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam (về sau viết tắt là Bản Phụ đính), [35] chúng ta có thể khẳng định rằng ý nghĩa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức cũng như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam là không nhằm mục đính lật đổ hay đảo chính Chính phủ, đưa người Phật giáo lên thay thế chính phủ, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách bất công tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, theo đó, bình đẳng tôn giáo được thực hiện trong khuôn khổ và lý tưởng công bằng xã hội.
 
Trên tinh thần này, tôi phân tích vài ý nghĩa từ việc tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức như sau:
 
1. Xây dựng một xã hội công bằng cho miền Nam Việt Nam
 
Về bản chất, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 không phải là cuộc đấu tranh chính trị, theo kiểu của một đảng phái chống lại và loại trừ một đảng phái khác. Trong chính thể đệ nhất Việt Nam Cộng hòa không có đảng phái nào là của Phật giáo, hay đấu tranh vì quyền lợi Phật giáo. Giới luật Phật giáo bao gồm giới Tỳ-khưu/ Tỳ-khưu-ni và Giới Bồ-tát không cho phép và không khích lệ các tu sĩ Phật giáo tham gia các đảng phái chính trị.
 
Chính quyền Ngô Đình Diệm rất khéo léo, ngoài việc dùng vũ lực chấn áp phong trào dân sự dùng bất bạo động làm sức mạnh, còn xuyên tạc phong trào Phật giáo do Việt cộng giật dây. Khi vu cáo phong trào bất bạo động của Phật giáo với hoạt động chính trị của Việt cộng, có khuynh hướng giải quyết các mâu thuẫn chính trị ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm mong muốn làm tê liệt phong trào dân tộc và chính nghĩa của Phật giáo. Chính sách truyền thông của chính quyền Ngô Đình Diệm đã thất bại, vì đã vu cáo những điều không có sự thật, mà theo Phật giáo “chân thật bất hư” (真實不虛).[36]
 
Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam được gửi đến chính quyền Ngô Đình Diệm là nhằm chấm dứt tình trạng “máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh, cảnh khủng bố, đàn áp bất nhân, bất công xã hội, bất bình đẳng tôn giáo và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.” Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam yêu cầu chính phủ thực thi 05 nguyện vọng sau đây:
 
1. Yêu cầu chỉnh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
 
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.
 
3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
 
4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
 
5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức. [37]
 
Năm yêu cầu trên còn được gọi là năm nguyện vọng hòa bình của Phật giáo gồm ba phương diện sau đây. Về công bằng xã hội, chính phủ không được khủng bố và bắt bớ tín đồ Phật giáo (yêu cầu 3), phải bồi thường những kẻ bị giết oan vô tội và trừng phạt kẻ chủ mưu giết hại (điều 5). Về bình đẳng tôn giáo, chính phủ phải cho phép Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và truyền đạo (điều 4) và được hưởng quyền bình đẳng tôn giáo như Thiên Chúa giáo (điều 2). Về nguyên nhân đàn áp Phật giáo, yêu cầu chính phủ thu hồi công điện triệt hạ cờ Phật giáo thế giới. Cả năm nguyện vọng nêu trên đều nhắm đến việc xây dựng một xã hội trong đó, công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo được tôn trọng. Để đạt được mục đích công bằng xã hội, Tăng, tín đồ Phật giáo quyết tâm “sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện.” [38]
 
Bản Phụ đính ngày 23-5-1963 khẳng định rõ lập trường đấu tranh của Phật giáo là thuần túy cho công bằng xã hội, không đượm màu chính trị, thể hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp vào lịch ích quốc gia: “Đối với chính phủ, chúng tôi không chủ trương lật đổ, chúng tôi chỉ có nguyện vọng “cải thiện chính sách... Chúng tôi không nhằm mục đích tranh thủ quyền hành. Nói thế, có nghĩa chúng tôi đã và mãi mãi tranh đấu cho Phật giáo thuần túy, nhưng không phải vì vậy mà Phật giáo đồ không quan tâm đóng góp vào ích lợi quốc gia theo nghĩa vụ công dân của mình.”[39]
 
Để tránh tình trạng bị quy chụp vô căn cứ, xuyên tạc, vu khống từ chính phủ, cũng như những phần tử lợi dụng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo để làm loạn, lãnh đạo Phật giáo tuyên bố: “Không chấp nhận mọi sự lợi dụng.” [40] Nội dung của điều này được Bản Phụ đính giải thích rõ như sau: “Mục tiêu tranh đấu của Phật giáo đồ chỉ nhằm vào lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ lý tưởng công bình xã hội; vì lẽ đó, chúng tôi từ chối mọi sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ chúng tôi, nhất là những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.” [41]
 
Nói cách khác, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 là một phong trào độc lập, thuần túy tôn giáo, không mang màu sắc chính trị, không ủng hộ hay chống đối một chính thể nào, không làm bình phông và không tạo nguyên nhân cho cuộc đảo chính diễn ra sau đó vài tháng, mà chỉ nhằm thay đổi chính sách sai lầm của chính phủ Ngô Đình Diệm, hầu góp phần mang lại công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam.
 
2. Xây dựng một xã hội “bình đẳng Tôn giáo”
 
Ngoài mục đích thiết lập công bằng xã hội vốn rất cần thiết cho bối cảnh tôn giáo và chính trị tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam còn nhắm đến việc thiết lập một xã hội, trong đó “bình đẳng tôn giáo” được tôn trọng ở mức độ cao nhất. Theo lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ, chỉ khi nào công bằng xã hội được thiết lập thì bình đẳng tôn giáo mới được thực thi đúng nghĩa. Nói cách khác, bình đẳng tôn giáo là mục đích thiêng liêng của chủ thuyết công bằng xã hội: “Tôn giáo bình đẳng là một điểm nổi bật nhất, thiêng liêng nhất trong lý tưởng công bình xã hội.”[42]
 
Để tránh tình trạng bị lý giải, quy chụp sai lầm, lãnh đạo Phật giáo khẳng định “Chỉ tranh đấu cho lý tưởng “Tôn giáo bình đẳng”. [43] Tôn giáo bình đẳng theo lãnh đạo Phật giáo là các tôn giáo có tư cách tôn giáo như nhau về mặt luật pháp và được luật pháp tôn trọng. Chỉ với cách ứng xử này, chính phủ có thể giúp cho các tôn giáo tỏa sáng các giá trị nhân bản trong phục vụ đất nước và con người. Bản Phụ đính ghi rõ: “Các tôn giáo được xác định sẽ cùng hưởng một chế độ “bình đẳng”, có nghĩa cùng được quan niệm là có tư cách tôn giáo như nhau. Nhưng bình đẳng là “bình trong đồng đẳng” vì lẽ đó, giá trị các tôn giáo vẫn khác nhau.” [44]
 
Không chấp nhận tình trạng dùng danh từ “Công giáo” (một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam) gọi cho đạo Thiên Chúa, không chấp nhận chế độ đặc biệt mà chính phủ dành cho Thiên Chúa giáo, đòi hỏi một chính sách thực sự bình đẳng, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam mong mỏi miền Nam Việt Nam không còn chia rẽ tôn giáo, do chính sách toàn trị Ngô Đình Diệm gây ra. Bản Phụ đính cho thấy sự thiên vị của Đạo dụ số 10 là nguy cơ chia rẽ tôn giáo một cách trầm trọng: “Với quan niệm tôn giáo bình đẳng như vậy, đối chiếu với tình trạng hiện hữu, chúng tôi bất mãn sự thiên vị của Đạo dụ số 10. Đó là nguy cơ cho quốc gia và làm chia rẽ tôn giáo. Vì lẽ đó, Phật giáo đồ chúng tôi đã phải công khai bày tỏ rõ rệt nguyện vọng của mình. Và như thế, không những lý, mà phạm vi chúng tôi tranh đấu cũng đã được ấn định rõ ràng: Với danh nghĩa Phật giáo, chúng tôi đang làm một việc tranh đấu cho lý tưởng “Tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bình xã hội.”[45]
 
 
Đang khi nỗ lực thiết lập bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam, lập trường của lãnh đạo Phật giáo Việt Nam là không xem Thiên Chúa giáo và Gia-tô giáo là kẻ thù của dân tộc hay của Phật giáo. Quan điểm chấp nhận sự đa dạng tôn giáo này là thống nhất, được ghi rõ trong Bản Phụ đính như sau: “Chúng tôi tuyên bố không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên Chúa. Lẽ thứ nhất, dầu từ ngày đạo dụ số 10 ra đời cho đến bây giờ, sự thiên vị đạo Thiên Chúa đã công khai, nhưng chúng tôi tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chồng lên một tôn giáo.” [46] Theo tuyên bố này, mục đích chính của phong trào đấu tranh Phật giáo là góp phần xây dựng một thế giới không chỉ có công bằng xã hội, mà còn có bình đẳng và tự do tôn giáo vì lãnh đạo Phật giáo nhận thức rất rõ: “nếu cho tôn giáo của mình có giá trị tuyệt đối và chỉ có tôn giáo của mình mới đáng tồn tại thì đây là quan niệm sai lầm nhất.” [47]
 
3. Góp phần làm thay đổi diện mạo chính trị miền Nam Việt Nam
 
Phần lớn các cuộc đấu tranh vì mục đích chính trị đều sử dụng đến vũ khí như một phương tiện, hoặc có trường hợp đặc biệt, sử dụng “bất bạo động” [48] (Sanskrit: ahiṃsā, Pāli: avihiṃsā) như một lợi thế, chẳng hạn như cuộc chiến dành độc lập của Ấn Độ đối với đế chế Anh, do Gandhi lãnh đạo. Phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam 1963 là cuộc chiến đấu không ngang sức của một bên tay không (không vũ khí), không có xu hướng bạo lực với một bên là chính thể cầm quyền, dùng vũ khí, xe thiết giáp, quân đội khủng bố, đàn áp tàn nhẫn, dã man.
 
Về nội dung, cuộc chiến bất bạo động của Phật giáo 1963 chịu ảnh hưởng tinh thần của Gandhi và sâu xa từ học thuyết từ bi và vô não của đức Phật. Nguồn gốc của sự ảnh hưởng được nêu rõ trong Bản Phụ đính như sau: “Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thực hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi… Ngay bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh bạch rằng người tăng sĩ Phật giáo là người sẵn sàng noi gương Gandhi, vị Thánh của sức mạnh bất bạo động... Nhưng tinh thần và phương pháp bất bạo động không phải chỉ có thế, nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh đến cùng theo phương pháp này.” [49]
 
Nếu sức mạnh bất bạo động của Gandhi nằm ở chính sách “bất hợp tác” (Non-cooperation movement) [50] thì sức mạnh của bất bạo động của Phật giáo Việt Nam là thiền định, niệm Phật và các khẩu hiệu từ bi, ôn hòa, thể hiện yêu sách bình đẳng như: “Phật giáo nhất trí bảo vệ Chánh pháp dù phải hy sinh”, “Phật giáo đồ ủng hộ chính sách tôn giáo bình đẳng,” “Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng,” “Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.” Khi phong trào đấu tranh trở thành cao trào, các khẩu hiệu trở nên quyết liệt, hùng dũng, sẵn sàng bỏ thân mạng vì chính pháp như: “Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào,” "Phản đối chính sách bất công gian ác", "Đả đảo hành động sát nhân, vu khống", “Máu đã chảy,” "Hãy giết chúng tôi đi", “Phật giáo bất diệt” v.v... đã trở thành những sức mạnh vô úy, chống lại xe tăng, binh lính đầy bạo lực và đằng đằng sát khí của chính quyền Ngô Đình Diệm.
 
Thản nhiên và bất động trong lửa đỏ 7 phút, sự tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức đã làm rúng động toàn cầu. Tổng thống Mỹ, John Kennedy phải thốt lên lời kinh ngạc: “Trong lịch sử, chưa có một bức hình nào trên báo đã tạo được nhiều xúc động cùng khắp cả thế giới như bức hình nầy”. [51] Ký giả Malcolm W. Browne, người đã chụp hình tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã tự sự về tác động của bức ảnh tại Hoa Kỳ như sau: “Những bức hình mà tôi chụp về cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ... được thành phần diều hâu bày bán khắp cùng ngõ hẻm... Trên New York Times và báo Washington Post có hàng chữ: “Chúng tôi cũng phản đối: We, too, protest”. [52]
 
Noi gương từ bi và vô úy của Bồ-tát Thích Quảng Đức, có thêm sáu tu sĩ [53] đã tự thiêu và 12 Phật tử [54] đã bỏ thân vì Phật pháp. Từ vài trăm nhà sư biểu tình trước Trụ sở Quốc Hội vào ngày 30-5-1963 cho đến 30.000 người tuyệt thực tại Chùa Xá Lợi vào ngày 18-8-1963, phong trào đấu tranh bất bạo động đã lớn mạnh như một cơn lốc ngoại giao, buộc Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 22-8-1963 phải lên án chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Như giọt nước làm tràn ly, vào ngày 1-11-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị đảo chính, kết thúc triều đại toàn trị, Thiên chúa giáo trị tại miền Nam Việt Nam.
 
Dựa vào chủ trương của đức Phật “lấy từ bi xóa hận thù”, [55] đạo Phật không xem Thiên Chúa giáo, gia đình Ngô Đình Diệm và những người trực tiếp thực hiện “Chiến dịch nước Lũ” [56] là kẻ thù. Mặt khác, mặc dù về bản chất, phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chế độ, do đó, độc lập với các đảng phái chính trị tại hai miền Nam Bắc Việt Nam, nhưng các tác động duyên khởi theo công thức “cái này có tạo điều kiện cho cái kia có, cái này không tạo tiền đề cho cái kia không; cái này sinh làm nhân cho cái kia sanh, cái này diệt dẫn đến sự hoại diệt của cái khác” [57] như quy luật muôn đời, góp phần đưa đến sự cáo chung của chế độ Ngô Đình Diệm, là chân lý mà ta không thể phủ định được.
 
Tại miền Nam, nếu cộng đồng Phật giáo và toàn thể mọi người ăn mừng khi thoát khỏi ách cai trị độc tài toàn trị của họ Ngô thì phía bên kia chiến tuyến ở miền Bắc, như có thêm nghị lực thực hiện cuộc chiến tranh cách mạng theo một cao độ mới: “Sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”. [58] Theo đó, phong trào giải phóng dân tộc chống lại đế quốc ngày càng thành công, như báo cáo của Lầu Năm Góc đã ghi nhận: “Trong vòng ba tháng sau đảo chính, Việt Cộng nổi dậy khắp nơi. Tỉnh Kiến Hòa phải rút đi 51 đồn bót, mất 15 xã,... Trong số 4.248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3.915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16-3-1964, Mc. Namara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hòa 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mỏ Cày và các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Khánh, Phước Hiệp, “đỏ 100%”...". [59]
 
Điều này cho thấy, các phong trào dân tộc và yêu nước ở miền Nam nhân cơ hội này thừa thắng xông lên, phát triển mạnh mẽ. Vì cuộc đấu tranh của Phật giáo là độc lập, việc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức không thể được xem là một phần của phong trào dân tộc đang lớn mạnh tại miền Nam. Sự giống nhau về tinh thần yêu nước được đức Phật giảng dạy với tinh thần dân tộc của các phong trào Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm cho phong trào bất bạo động của Phật giáo và các phong trào yêu nước trở nên gần nhau, tương tác đa chiều, góp phần làm tan rã chính sách ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm, và do đó, sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam phải đến hồi kết thúc. Là một thành phần yêu nước của dân tộc, phong trào đấu tranh của Phật giáo đã trực tiếp tạo ra duyên cớ đảo chính vào ngày 1-11-1963. Điều này, dù muốn dù không, đã gián tiếp góp phần làm thay đổi cục diện chính trị của đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa và rộng hơn ở toàn miền Nam Việt Nam.
 
Tác động tích cực từ việc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức và các thánh tử đạo là rất lớn và ngoài sức tưởng tượng. Mười hai năm sau, chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ tại miền Nam Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Hai miền Nam Bắc được thống nhất.
 
Vào năm 1981, Phật giáo ba miền được thống nhất. Tinh thần nhập thế và đồng hành với dân tộc được tái khẳng định như là chủ trương của GHPGVN. Những nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới được đặt ra cho GHPGVN. Phương pháp tiếp biến văn hóa, vận dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống sẽ giúp Phật giáo trở thành sự lựa chọn tâm linh của quảng đại quần chúng nhân dân.
 
Ôn lại 50 năm lịch sử của phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo để rút ra những bài học về dấn thân, phụng sự nhân sinh trên tinh thần vô ngã, vô úy, từ bi, trí tuệ và vị tha. Đây là con đường phụng sự chúng sinh được đức Phật chỉ dạy, mà tất cả đệ tử Phật cần noi theo.
 
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng HV PGVN tại Tp.HCM
 
-
[1] “Tuất” thường được phiên âm sai lầm là “Tức” hay “Tất”. Sai lầm trong trường hợp 1 có thể xem trong Bách khoa mở Wikipedia tại địa chỉ: http:/en.wikipedia.org/wiki/Thich_Quang_Duc.  Về sai lầm 2 có thể tham khảo các sách viết về Bồ-tát Quảng Đức tại Việt Nam, tiêu biểu như Lửa thiêng nhiệm mầu – Lược sử Phật giáo đồ đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của nhiều tấc giả, xuất bản tháng 12-1963, được GHPGVN TP.HCM tái bản tháng 5-2013, tr. 111.
[2] Nay là ngã tư CMT8 – Nguyễn Đình Chiểu, nơi UBND thành phố HCM làm và tôn trí tượng đài của Bồ-tát Thích Quảng Đức bằng đồng, ghi nhận công đức của Người cho đạo pháp và dân tộc.
[3] Được thuyết giảng tại một thánh đường ở New York vào ngày 30.6.63. Trích theo Bùi Kha, Ngọn lửa Quảng Đức qua miêu tả của báo nước ngoài. Tháng 5 năm 2013.
[4] Quốc Tuệ (biên tập). Phật Giáo Việt Nam 1963. Saigon, 1964, tr. 94-96.
[5] TT. Thích Tâm Giác, Phó Trị sự Trưởng của Giáo hội Tăng già Việt Nam, trong thư trả lời, đã không chấp nhận cho Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu: "Với quyết tâm bảo vệ Phật pháp, Đại đức nguyện hiến xã thân này bằng cách thiêu đốt thân xác để phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo với nhà cầm quyền và nêu tỏ thái độ hy sinh vì đạo cao cả mà mình đã tôn thờ. Giáo hội rất thông cảm trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc pháp lý (Luật Phật đã định cũng như luật pháp thế gian), Giáo hội không thể chấp nhận điều nguyện thiêu đốt thân xác của Đại đức được. Vậy xin Đại đức hoan hỷ và cầu chúc Đại đức vô biên an lạc."
[6] Bằng chữ Nôm được Bồ-tát viết ngày 04-06-1963 tại chùa Ấn Quang. Bài này thường được phiên âm sai là “Lời nguyện tâm huyết” với một vài từ thay đổi, so với nguyên bản chữ Nôm.
[7] Trong tiếng Pali, “pajjalite” có nghĩa đen là “bốc cháy”. Trong ngữ cảnh của Kinh Pháp Cú, nó có nghĩa là “bốc cháy bởi lửa tham” (burning with fires of passion). Tham khảo Sớ giải Kinh Pháp Cú, kệ 146.
[8] Thích Nhật Từ dịch. Nguyên tác Pali như sau: “Ko nu haso kimanando/ niccam pajjalitesati/ andhakarenaonaddha/ padipamna gavesatha.” (Dhammapada 146).
[9] Vũ Hoàng Chương (5-5-1916 – 6-9-1976) sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
[10] Bản Tuyên ngôn trích trong Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 22-23.
[11] Fitzgerald Francess. Fire in the Lake. An Atlantic Monthly Press Book, Boston, USA 1972, tr.104.
[12] Avro Manhattan. Vietnam: Why Did We Go? CA: Chick Publications, 1984, tr. 56.
[13] Sách đã dẫn, tr. 89.
[14] Robert McAfee Brown, Abraham J. Heschel & Michael Novak. Vietnam: Crisis of Conscience”, Associated Press, New York 1967, p. 30: “The Australian writer Denis Warner wrote that "the tyranny the West allied with in Saigon was in many years worse than the tyranny it was fighting against." Diem and his family had murdered or exiled all potential opposition. Diem had "lost the confidence and loyalty of his people," as Secretary McNamara put it on March 26, 1964.”
[15] Trần Tam Tĩnh. Thập giá và lưỡi gươm. NXB Trẻ, 1988, tr. 124.
[16] Thường được gọi tắt là chủ nghĩa “ba chống” và “ba vâng.”
[17] Chu Bằng Lĩnh. Đảng Cần Lao. Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 165.
[18] Bernard Newman. Background to Vietnam. Signet Books, New York 1965, p. 117: “Whatever the constitution might say, Diem ruled as a virtual dictator. His political philosophy was derived from a group of French Catholics, who formulated a doctrine known as Personalism. It emphasises human dignity as opposed to the Communist concept of disiplined masses. Its detail is complicated, and difficult of comprehension to all but a philosopher... Personalism is "a confused mélange of papal encyclicals and kindergarten economics, combined with a suspicion of private businessmen, a fear of foreign capital, and an attitude that little could be accomplished in Vietnam without direct government control."
[19] Hồ sơ của Hội Phật giáo Trung phần gởi Tổng thống và Quốc hội ngày 20-2-1962.
[20] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm. Lịch sử Phật giáo xứ Huế. NXB TP.HCM, 2001, tr. 476.
[21] Gettleman, Marvin E. Vietnam: History, documents and opinions on a major world crisis. Penguin Books, 1966, tr. 280–293.
[22] Jerrold Schecter.  The New Face of Buddha. John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr. 172.
[23] Xem chi tiết tại trang nhà:
http:/vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BA%BFn_c%E1%BB%91_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o,_1963
[24] Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam năm 1963 cho rằng: “Lẽ trị an” là từ ngữ không có giới hạn nào rõ rệt và đã bị lợi dụng quá đáng từ ngày người Pháp trở lại Việt Nam đến bây giờ! Ấy là chưa nói rằng, nếu thế gian này có được cái gì được gọi là vĩnh viễn, thì cái đó là tôn giáo, vậy mà tôn giáo lại bị ghép vào hiệp hội với giấy phép cho và bãi một cách cực kỳ đơn giản như trên!” Trích từ Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 30.
[25] Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 32.
[26] Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 33.
[27] Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 31.
[28] “Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam” in trong tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 27-8-1964.
[29] Về tiểu sử của 6 vị thánh tử đạo là tu sĩ Phật giáo và 12 vị thánh tử đạo là cư sĩ Phật tử, có thể xem tại: http:/thuviengdpt.info/lam-su/tieu-su-thanh-tu-dao. Phương danh tám vị thánh tử đạo tại đài phát thanh Huế bao gồm:
Tâm Đồng – Đặng Văn Công.
Tâm Thành – Dương Viết Đạt
Tâm Thanh – Nguyễn Thị Yến
Tâm Thông – Nguyễn Thị Phúc
Tâm Hiển – Lê Thị Kim Anh
Tâm Thuận – Trần Thị Phước Trị
Tâm Chánh – Nguyễn Thị Ngọc Lan
Tâm Tôn – Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoà
[30] Tường trình của chính quyền Ngô Đình Diệm gửi cho Ủy ban điều trần Liên Hiệp Quốc là một lạc dẫn về thông tin: “Các cái chết do tai nạn không may gần đài phát thanh Huế là do các vụ nỗ, do Việt Cộng gây ra. Quân đội miền Nam Việt Nam không sở hữu các vũ khí này” (Deaths at the unfortunate incident near Hue radio station was caused by explosions, most probably made by Communist infiltrators. A South Vietnam army did not have such weapon in their possession). Xem thêm chi tiết này tại trang web: https:/sites.google.com/site/trialofdangsy/the-trial/evidences/united-nations-fact-finding-mission
[31] Là một người theo Công giáo, nguyên là phó tỉnh trưởng Huế, phụ trách các vấn đề an ninh vào thời điểm pháp nạn.
[32] Đây là lời tiết lộ của cựu bộ trưởng Giáo duc Trần Hữu Thế đối với GS. Vũ Văn Mẫu. Xem chi tiết tại: 
http:/vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BA%BFn_c%E1%BB%91_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o,_1963
[33] Để giải quyết các bất ổn nội bộ chính phủ, Nguyễn Khánh ra lệnh tha tội chết cho Đặng Sĩ nhưng đã phạt phạm nhân này vào trại lao động khổ sai, đồng thời phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
[34] Bản Tuyên ngôn gồm 2 trang, được tuyên đọc trong phiên họp của lãnh đạo Phật giáo tại Chùa Đàm, Huế và được HT. Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam ấn ký, gửi chính phủ ngày 10-5-1963. Cùng ký tên còn có TT. Thích Mật Nguyện, Trị sự trưởng Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Phần, TT. Thích Trí Quang, Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt nam tại Trung phần, TT. Thích Mật Hiển, Trị sự trưởng Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và TT. Thích Thiện Siêu, Hội trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Xem chi tiết tại Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 22-24.
[35] Bản Phụ đính về Bản Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam gồm 12 trang, do HT. Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam ấn ký, gửi chính phủ ngày 23-5-1963. Cùng ký tên còn có TT. Thích Mật Nguyện, Trị sự trưởng Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Phần, TT. Thích Trí Quang, Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt nam tại Trung phần, TT. Thích Mật Hiển, Trị sự trưởng Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và TT. Thích Thiện Siêu, Hội trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Xem chi tiết tại Lửa thiêng nhiệm mầu, tr. 25-37. Hiện tại, Bản Phụ đính được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8352.
[36] Trích từ Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sutra, 般若波羅蜜多心經), gọi tắt là Bát-nhã Tâm Kinh hay Tâm Kinh, một bản kinh Đại thừa quan trọng, được sử dụng làm tụng bản trong các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.
[37] “Bản Tuyên ngôn” trích trong Sđd, tr.23-24.
[38] “Bản Tuyên ngôn” trích trong Sđd, tr.24.
[39] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 25-26.
[40] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr.28.
[41] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 28.
[42] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 27.
[43] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 27.
[44] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 27.
[45] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 27.
[46] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 26.
[47] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 26.
[48] Ahiṃsā trong tiếng Sanskrit có nghĩa đen là “không gây tổn hại” (to do no harm) hoặc sự xa lánh bạo lực (the avoidance of violence). Về chiết tự, hiṃsā có nghĩa là hảm hại (harm) hoặc thương tổn (injury). Phối hợp với tiếp đầu ngữ “a”, a-hiṃsā là bất hại (non harming), là bất bạo động (non-violence).
[49] “Bản Phụ đính” trích trong Sđd, tr. 28.
[50] Bao gồm bãi công, bãi chợ, bãi lớp học, không nộp thuế cho chính phủ Anh, không làm việc trong chính phủ Anh, tẩy chay hàng hóa Anh v.v... làm cho cơ cấu hành chính của Anh tại Ấn Độ bị tê liệt.
[51] Nguyên văn tiếng Anh: "No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one”.
[52] Bruce D. Berkowitz. The New Face of War, Revised Edition, The Bobbs-Merrill Company, Inc. Indianapolis-New York,1968, tr. 261-262.
[53] Tên của các vị tu sĩ phát nguyện tự thiêu là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu, đại đức Thích Quảng Hương, đại đức Thích Thiện Mỹ, đại đức Thích Nguyên Hương, đại đức Thích Thanh Tuệ và Sư cô Thích Nữ Diệu Quang.
[54] Có thể xem tiểu sử của các thánh tử đạo tại địa chỉ: http://phatgiaoaluoi.com/news/Lich-su-Phat-giao-Viet-Nam/Di-anh-va-tieu-su-chu-Thanh-tu-dao-1916/
[55] Kệ Pháp Cú 5 đầy đủ được Thích Nhật Từ dịch như sau: “Trả thù hận bằng tâm oán giận/ Muôn kiếp dài khó đặng thành công/ Từ bi chuyển hóa thù chung/ Đây là định luật công bằng xưa nay.” Nguyên tác Pali: “Na hi verena verani/ sammantidha kudacanam/ averena ca sammanti/ esa dhammo sanantano.”
[56] Tiến hành trong ngày 20-8-1963.
[57] Học thuyết hình thành thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo, không chấp nhận nguyên nhân đầu tiên là duy thần, duy vật hay duy tâm. Thế giới là một trường tương tác và tương tức vô tận.
[58] Lê Duẩn. Thư vào Nam. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.248.
59] Cao Thế Dung. Việt Nam ba mươi năm máu lửa – Cuộc chiến tranh tàn sát thương binh lần thứ nhất 1945-1963. Nxb Alpha, Falls Church, VA, USA, 1991, tr. 606-607.
  
Lên đầu trang