GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Pháp lạc trong tu học

Người không hiểu Phật pháp thường cho rằng tu theo đạo Phật là thoát ly hiện tại để hướng đến một thế giới khác, đó là cõi Cực lạc hay Niết-bàn. Do nhận thức sai như thế nên không ít người cho đạo Phật là tiêu cực, bi quan, yếm thế.

Niết-bàn hay Cực lạc là mục tiêu hướng đến của người tu Phật, nhưng đó không phải là một thế giới nào đó ở phương Đông hay phương Tây, cũng không phải là một thế giới mà ở đó có những niềm vui phàm tục như người ta tưởng tượng. Và con người cũng không thể có được Niết-bàn hay Cực lạc khi mà ngay trong đời sống ở thế gian này không có được sự bình an, hạnh phúc.

Phật pháp có thể giúp con người an lạc trong hiện tại, có được Niết-bàn hay Cực lạc ngay trong đời sống này. Khi đoạn tận những phiền não khổ đau thì Niết-bàn, Cực lạc có mặt. Đức Phật và các vị Bồ-tát, A-la-hán đều không còn bất cứ phiền não khổ đau nào, luôn ở trong Niết-bàn, Cực lạc dù các Ngài sống trong cõi đời ô trược này. Khi còn tại thế, các Ngài an trú trong Hữu dư y Niết-bàn; Niết-bàn khi còn mang thân ngũ uẩn. Sau khi thân hoại mạng chung các Ngài an trú trong Vô dư y Niết-bàn; Niết-bàn khi  thân ngũ uẩn không còn (kinh Phật thuyết như vậy). 

Trong kinh Tạp A-hàm, Đức Phật có dạy: “Như Lai tuyên bố rằng: thế gian, nguồn gốc của thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này”. Và Đức Phật cho biết đặc tính của cảnh giới Niết-bàn như sau: “Sự tận diệt tham, tận diệt sân, tận diệt si (vô minh), đó gọi là Niết-bàn”, “Niết-bàn là sự đoạn tận tham ái đưa đến tái sinh”, “Niết-bàn là sự tịnh chỉ các hành”… Niết-bàn không phải là đối tượng của nhận thức hữu ngã, tham ái, chấp thủ, vượt lên mọi tư duy, ngôn ngữ, khái niệm bởi đó là trạng thái an lạc, hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng khi tâm con người thanh tịnh, không còn ảo tưởng về ngã, không còn các phiền não.

Còn cõi Cực lạc, Kinh A Di Đà nói rõ: “Chúng sinh ở cõi nước đó không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui” (Kỳ quốc chúng sinh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc). Cõi Cực lạc là nơi “các bậc thượng thiện nhân câu hội”, ở đó không có kẻ phàm phu tục tử đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… Không thể dùng chút ít thiện căn, nhân duyên phước đức mà được sinh về cõi Cực lạc (Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc) mà phải thực hành, tu tập để đạt đến trạng thái “nhất tâm bất loạn” thì mới có thể vãng sinh về cõi Cực lạc. 

Ngay khi đạt được trạng thái “nhất tâm bất loạn”, tâm không còn vọng tưởng điên đảo, không còn phiền não tham, sân, si thì nền tảng của cõi Cực lạc đã có mặt, yếu tố an vui, tịnh lạc của cõi Cực lạc đã có trên cõi đời này, khi ấy Ta-bà chẳng khác gì Cực lạc, và chắc chắn sau khi thân hoại mạng chung sẽ vãng sinh về Cực lạc. 

Thực ra Cực Lạc cũng là một dạng Niết-bàn. Cõi Cực lạc cũng được xây dựng, kiến tạo bởi niềm tin thanh tịnh (tín), bởi chí nguyện vãng sinh (nguyện), bởi công phu tu tập chuyển hóa phiền não khổ đau (hạnh) bằng pháp môn Tịnh độ (niệm Phật, trì chay, giữ giới, trau giồi đạo đức, phạm hạnh, bố thí, tu tập tâm từ bi hỷ xả, những chất liệu làm nên cõi Cực lạc), đó cũng là sự tu tập Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Khi thành tựu pháp môn Tịnh độ, không còn các phiền não tham, sân, si, tâm thanh tịnh, an lạc hiện tiền sẽ có được cõi Cực lạc ngay trên cõi đời này. Đó chính là những gì mà Đức Phật và các bậc Thánh giải thoát đã nói: “Tâm mình tịnh thì quốc độ tịnh” (Kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh - kinh Duy Ma), “Khi ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh” (kinh Trường bộ), “Ba nghiệp thân, khẩu, ý thường thanh tịnh, cùng Phật đến phương Tây” (Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương)…

Do đó, khi cho rằng thực hành Phật pháp để sau khi từ giã cõi đời này (chết) sẽ được về cõi Phật, Niết-bàn, đó là một suy nghĩ sai lệch. Chúng ta sẽ chẳng có cõi Niết-bàn, Cực lạc nào cả nếu như trong đời sống hiện tại chúng ta không có được an vui, tịnh lạc của Niết-bàn, Cực lạc; nếu như tâm chúng ta còn vô minh điên đảo, còn đầy dẫy những phiền não tham muốn, giận hờn, ghét ghen, đố kỵ, kiêu căng v.v... Ngược lại, khi thực hành đúng theo Phật pháp thì chắc chắn chúng ta có được Niết-bàn, Cực lạc ngay trong hiện tại, trên cuộc đời này, và sau khi bỏ xác thân này chúng ta tiếp tục an trú trong Niết-bàn, Cực lạc. Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy, nên không có chuyện sau một đời sống đầy những phiền não khổ đau là một đời sống an vui hạnh phúc.

Nếu ngay bây giờ chúng ta sống trong khổ não, bất an, sống trong tăm tối của vô minh mê lầm, tâm đầy phiền não cấu uế, thì dù cho cúng bái, tu hành khổ hạnh, tụng đọc trăm ngàn bài kinh, câu kệ, niệm muôn vạn lần câu Phật hiệu, in kinh tạo tượng, bố thí, cúng dường cũng không có được Niết-bàn, Cực lạc sau khi từ giã cõi đời này (tức sau khi chết như người ta thường nghĩ). Nhưng nếu làm đúng như lời Phật dạy, bố thí, cúng dường, tu tập đúng pháp, diệt tận tham sân si thì có thể có được Niết-bàn, Cực lạc ngay trong đời này, ngay khi chưa từ bỏ xác thân này, đó là diệu dụng của Phật pháp. Cho nên mới nói “an lạc trong hiện tại” (hiện tại lạc trú) là một trong những đặc tính của Phật pháp.

Cũng là những việc làm: ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, đọc tụng kinh điển, lễ bái, cúng duờng, bố thí, phóng sinh… nhưng không có chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, thì những việc làm đó chỉ là thế gian pháp, chứ không phải là Chánh pháp, Phật pháp. Nếu nghĩ rằng phải tu khổ hạnh, sống kham khổ để Phật thấy mà thương, sau khi chết được Phật rước về Cực lạc; Nếu nghĩ rằng phải niệm Phật thật nhiều cũng như kêu Phật mỗi ngày để Phật nghe mà đến giải khổ cho mình, cứu độ mình, tiếp rước mình; Nếu nghĩ rằng bỏ ra thật nhiều tiền in kinh, tạo tượng, bố thí, cúng dường để lập công, mong muốn Phật thấy những việc mình làm mà ban an vui hạnh phúc cho mình, giúp mình tai qua nạn khỏi, hoặc đưa mình về cõi Phật, cõi Niết-bàn sau khi chết v.v.. ; tất cả những suy nghĩ đó đều là mê lầm.

Bản chất của Cực lạc, Niết-bàn là vô lậu, thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau, không còn vô minh điên đảo, là an lạc, tịch tịnh. Tất cả những việc tu tập, hành thiện đều nhằm mục đích xả bỏ bản ngã, trừ tâm chấp trước ngã và ngã sở, ta và sở hữu của ta, xóa đi tâm phân biệt ta và người, đoạn trừ các phiền não tham sân si, nuôi dưỡng, vun bồi từ bi hỷ xả để có được bản chất của Cực lạc, Niết-bàn. Tu tập, hành thiện hoàn toàn không phải để Phật chứng biết, để Phật thưởng công, để Phật động lòng thương mà cứu giúp. Chính nhờ đặc tính “an lạc hiện tại” mà người tu học xác định được mình có thực hành đúng Chánh pháp hay không. Bởi vì trong quá trình học và tu, nếu không thấy an lạc tức là đã thực hành không đúng Chánh pháp. 

An lạc có được của người thực hành đúng theo Chánh pháp không giống với những niềm vui thế tục, nó vi diệu hơn, thù thắng hơn, và đặc biệt là không chứa mầm mống của thất vọng, khổ đau, não phiền. An lạc có được của người thực hành đúng theo Chánh pháp là tâm bình an, pháp hỷ, thiền duyệt, tịnh lạc. Nếu tu học một thời gian mà tâm tư sầu muộn, mặt mày héo úa, buồn bã ủ dột, người khác tiếp xúc cảm thấy nặng nề, không sinh tâm hoan hỷ; Nếu sau một thời gian tu học, mình thấy ai cũng thấp kém, thấy ai cũng lầm lỗi, chỉ có mình là cao thượng, là chơn chánh; thấy ai cũng nhiễm ô, chỉ có mình là thanh tịnh; càng tu bản ngã càng lớn, phiền não tham sân si càng nhiều. Tất cả những biểu hiện đó cho thấy mình đã không thực hành đúng Chánh pháp: sai về sự dụng tâm, sai về phương pháp tu tập thực hành Chánh pháp, từ đó không mang lại an lạc trong hiện tại.

Nếu sự tu hành buồn bã, tẻ nhạt, vô vị thì đã không có nhiều người tu; các bậc vương giả, các nhà hào phú, chẳng ai dại gì từ bỏ đời sống giàu sang nhung lụa, quyền lực danh vọng để đi tu. Ngày nay cũng không ít người hướng về Phật pháp vốn xuất thân từ gia đình giàu có, không ít người thành đạt trong xã hội, có địa vị, quyền thế, có sự nghiệp lớn; không ít người vốn thuộc hàng danh gia vọng tộc, thuộc tầng lớp trí thức, là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, là bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… Chính vì họ tìm thấy được niềm an lạc trong Chánh pháp vượt xa hạnh phúc thế gian mà họ đem cả cuộc đời mình hướng về Chánh pháp.

Nguồn: phatgiao.org.vn

 

Lên đầu trang