GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phù Cát: Lễ tưởng niệm 716 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn

Sáng ngày 01-12 tại chùa Long Hoa (TT. Ngô Mây, huyện Phù Cát), Ban Trị sự GHPGVN huyện Phù Cát tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.

Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của Đại đức Thích Quảng Dũng, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Phù Cát; Đại Đức Thích Nhuận Hiếu, Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự huyện Phù Cát; Đại đức Thích Quảng Duyên, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Pháp chế huyện Phù Cát; Đại Đức Thích Quang Thắng, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử huyện cùng chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử thành viên Ban Trị sự huyện.

 

 

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Ông Phan Phi Hổ, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ông Phạm Văn Nam, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh; cùng quý Huynh trưởng và đoàn sinh thuộc Phân ban GĐPT tỉnh, GĐPT huyện Phù Cát.

Tại buổi lễ, Đại Đức Thích Nhuận Hiếu đã cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (1258-1308).

 

 

Phật hoàng Trần Nhân Tông, húy là Trần Khâm, sinh năm 1258, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài được vua cha lập làm Hoàng Thái tử năm 16 tuổi, tinh thông Tam giáo (Nho, Phật, Lão), đặc biệt học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ và ngộ chân lý thiền tông. Năm 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài là một lãnh tụ thiên tài, vị vua anh minh, anh hùng dân tộc; Ngài lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), mang lại thái bình thịnh trị. Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, năm 1299 ngài trở về hành cung Vũ Lâm (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) xuất gia cầu đạo, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chủ trương tư tưởng Phật giáo nhập thế “Cư trần lạc đạo” cho Phật giáo Việt Nam, dòng chảy tư tưởng ấy đã được kế tục xuyên suốt đến hôm nay.

 

 

Ngài thống nhất ba dòng thiền lớn và truyền bá Phật giáo khắp Đại Việt, xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước lân bang. Năm 1308, ngài nhập Niết-bàn tại am Ngọa Vân, Yên Tử, để lại hệ thống tư tưởng và các tác phẩm quý báu như Thạch thất mỵ ngữTrần Nhân Tông thi tập. Ngài được tôn xưng là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, biểu tượng hài hòa giữa đạo và đời trong lịch sử dân tộc.

Tại lễ đài, khóa lễ tâm linh được cử hành trong không khí trang nghiêm và thành kính. Đại đức Thích Quảng Dũng cùng chư Tôn đức Giáo phẩm, đại biểu dự lễ đã dâng hương tưởng niệm, đồng nhất tâm tụng kinh cúng dường và tuyên sớ cầu an. Toàn thể hội chúng nhất tâm, đồng lòng nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn, quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, trăm họ sống trong cảnh thái bình.

Một số hình ảnh ghi nhận:

 

 

 

Ban TT-TT Phật giáo huyện Phù Cát.

Lên đầu trang