GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quảng Nam: Khai mạc Hội thảo Khoa học Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – Lịch sử hình thành và phát triển

LGT: Ngày 3-4/3/2023, Hội thảo Khoa học Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – Lịch sử hình thành và phát triển diễn ra tại Quảng Nam. Chư tôn đức tại Bình Định tham dự Hội thảo có HT Thích Trí Giác viện chủ Tổ đình Minh Tịnh, HT Thích Liễu Giải, viện chủ chùa Bửu Liên, HT Thích Chúc Thọ trụ trì chùa Tịnh Quang, TT. Thích Đồng Thành, trụ trì chùa Thiên An, TT. Thích Hạnh Chơn, trụ trì Tổ đình Minh Tịnh; cùng nhiều tôn đức Tăng Ni và Phật tử.

Sáng ngày, 03/3/2023 (12/2 Quý Mão) tại tổ đình Chúc Thánh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã long trọng khai mạc Hội thảo khoa học Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – lịch sử hình thành và phát triển.

 

 

Quang lâm chứng minh và tham dự Hòa thượng Thích Như Tín, Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Trưởng ban Điều hành thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Trưởng BTC Hội thảo; Hòa thượng Thích Thiện Thành, Hòa thượng Thích Huệ Minh, đồng Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN; Chư tôn Giáo phẩm thành viên HĐCM; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; TT.Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương; HT.Thích Phước Minh, UV HĐTS, Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Nam; GS. TS. Lê Mạnh Thát; PGS. TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức…. cùng chư tôn đức Tăng Ni thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trong cả nước, đại diện chính quyền, các nhà nghiên cứu và đông đảo Phật tử.

 

 

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Như Tín cho biết: “Hội thảo Khoa học thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh lịch sử hình thành và phát triển nhằm mục đích làm sáng tỏ công hạnh của chư vị Tổ sư để các thế hệ con cháu trong tông môn pháp phái noi gương tinh thần tu học phụng sự nhân sinh, đồng thời làm sáng tỏ những đóng góp của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đối với đạo Pháp và dân tộc Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Sau lời phát biểu chào mừng của HT.Thích Hạnh Niệm, Trưởng ban Điều hành thiền phái Chúc Thánh tại Quảng Nam, TT.Thích Giác Hoàng, UV HĐTS, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã khái quát về sự đóng góp to lớn của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển như: có nhiều bậc Bồ tát, danh Tăng xuất chúng, hy sinh để bảo vệ Phật pháp; Kiến lập hệ thống học đường, đào tạo Tăng tài; nhiều tác phẩm nghiên cứu dịch thuật, trước tác, khắc kinh (mộc bản) – Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam; Truyền trì giới pháp cho pháp mạch được truyền lưu; Kiến lập danh lam thắng tích cho Phật giáo Việt Nam; Xây dựng tu viện, phát triển Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại… Góp phần, trợ duyên cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam.

 

 

 

 

Đại diện lãnh đạo chính quyền, ông Nguyễn Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An phát biểu mong muốn hội thảo nhận được những ý kiến hữu ích, giúp thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển; thông qua đó phát huy vai trò, vị trí và làm lan tỏa giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo Hội An.

 

 

Đề dẫn Hội thảo, PGS TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, Hội thảo lần này đón nhận hơn 80 bài viết phù hợp được lựa chọn của các chư tôn đức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý từ nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau trên cả nước đã thể hiện sự quan tâm đối với chủ đề Hội thảo. Các bài viết đã làm rõ thêm những khía cạnh, nội dung khác nhau trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm qua của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

 

 

Theo PGS Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, trong quá trình hình thành phát triển, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã xây dựng được hàng trăm, hàng ngàn ngôi chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài, để lại nhiều trước tác kinh sách Phật giáo, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, những lễ hội Phật giáo… đây trở thành những di sản vật thể, phi vật thể qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam, làm gia tăng giá trị văn hóa dân tộc.

 

 

Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: Chuyên đề 1 – Danh thắng và kiến trúc; Chuyên đề 2 – Nhân vật lịch sử và Chuyên đề 3 – Văn chương và tư tưởng để làm rõ:

Thứ nhất, làm rõ những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho đạo pháp, cụ thể như những đóng góp cho sự ổn định Phật giáo Đàng Trong; Tham gia xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ Giáo hội; Tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, tham gia xây dựng các ngôi chùa, tự viện; đào tạo tăng tài; mở rộng hoằng pháp trong nước và quốc tế, v.v..

Thứ hai, làm rõ những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho dân tộc trên các phương diện như hỗ trợ chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tham gia các phong trào yêu nước đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, làm rõ hành trạng và những đóng góp của chư vị Tổ sư, các vị danh Tăng, danh Ni tiêu biểu của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên các lĩnh vực như biên soạn kinh sách Phật giáo, văn học Phật giáo, các Di sản Mộc bản Hán Nôm.

Thứ tư, nhìn nhận hiện trạng của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hiện nay, những khó khăn, tồn tại hiện nay của hệ phái, những đề xuất kiến nghị để thiền phái có những bước phát triển trong thời gian tới.

 

 

Ban đạo từ tại phiên khai mạc Hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN nhận định: “Đây là việc làm mang ý nghĩa  nhân văn, khoa học ôn lại nét vàng son rực rỡ của con đường dấn thân, phụng sự đạo pháp và dân tộc của các bậc tiền bối Tổ sư…”

 

 

Hội thảo lần này Trung ương Giáo hội tin tưởng và mong rằng chúng ta tiếp tục làm sáng tỏ tư tưởng truyền thừa với những đóng góp về cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Tổ Sư Minh Hải – Pháp Bảo của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, nêu bật được những phương châm, tôn chỉ, mục đích cũng như tinh thần tích cực nhập thế phụng sự cứu đời qua bài kệ truyền thừa của thiền phái Chúc Thánh.

Một số hình ảnh ghi nhận:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhóm PV PSO – QCB

 

Lên đầu trang