GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Suy nghĩ trước hạn, mặn miền Tây

TS.Trần Ánh Dương đang công tác tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM). Anh từng có thời gian làm việc tại Trung tâm dự báo khí tưởng thủy văn T.Ư khu vực phía Nam, sau đó làm nghiên cứu sinh tại ĐH Kỹ thuật Munich (Đức).
 
TS Dương cho biết quan tâm lớn đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sự tương quan của con người với môi trường qua cái nhìn của người học Phật lẫn một chuyên gia về ngành này.

Trong những ngày Hà Nội bị ô nhiễm, hạn mặn khốc liệt ở các tỉnh Tây Nam bộ, TS Dương có bài viết gửi Giác Ngộ online:

1. Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và những nghiên cứu của các chuyên gia độc lập gần đây thì Việt Nam được xếp vào nhóm 5 nước ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đặc biệt là đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016 thì nhiệt độ trung bình trong suốt 50 năm qua đã tăng lên 0.5oC và 0.74 oC trong suốt 100 năm qua.

Dưới sự tác động của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá, tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí càng trở nên nghiêm trọng do phát triển các phương tiện giao thông cũng như các nhà máy nhiệt điện đốt bằng than đóng góp đến 85% lượng phát thải CO2 vào không khí. Vấn đề ô nhiễm không khí sẽ trở nên trầm trọng hơn khi tỷ lệ cây xanh ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là rất thấp, như ở Hà Nội tỷ lệ cây xanh chỉ đạt 2m2/người và chỉ bằng 1/10 tiêu chuẩn thế giới. Như vậy người dân đang phải đối mặt với rất nhiều các bệnh về hô hấp với chỉ số ô nhiễm AQI = 152 – 231.

2. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu do yếu tố tự nhiên và tác động của con người. Theo tổ chức Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và các nhà khoa học đa số đều đồng ý rằng nguyên nhân biến đổi khí hậu là do con người tác động sau cuộc cách mạng công nghiệp vì từ những năm 1950 thì nồng độ CO2 tăng lên đáng kể. Từ 1900 đến 1950 giữ ở mức ổn định 280 ppm nhưng từ năm 1950 đến năm 2010 đã tăng lên 450 ppm.

Đối với Việt Nam, nằm trong khu vực có vị trí địa lý đặc thù và khí hậu nhiệt đới gió mùa ảnh hưởng chế độ nhiệt từ phía bắc từ Trung Quốc và phía Nam ảnh hưởng bởi khu vực cận xích đạo. Nền nhiệt ở các thành phố lớn tăng lên là do quá trình đô thị hoá nhanh chóng cũng như phát triển phương tiện giao thông là những yếu tố cục bộ ngoài ra Việt Nam cũng ảnh hưởng của sự ấm lên toàn cầu do nền nhiệt toàn cầu dự báo tăng lên 0.8oC từ năm 1940 - 2018.

3. Đối với những nước phát triển thì họ rất quan tâm đến vấn đề môi trường, đặc biệt là đầu tư cho môi trường không khí và nước cụ thể hoá bằng chính sách và luật pháp. Hiện nay như ở Đức, các phương tiện ôtô phải đảm bảo tiêu chuẩn EU4 mới được chạy, để đảm bảo hạn chế tối đa lượng xả thải CO2 ra môi trường.
 
Anh 1 LDL.jpg
Ô nhiễm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang ở mức cao

Hiện nay Đức đã có quy định cấm những xe ôtô chạy bằng Diesel lộ trình đến năm 2020. Đối với Đức, Mỹ và Hàn Quốc thì mật độ cây xanh rất cao, giữa thành phố đều có những khu sinh quyển rộng lớn được trồng cây dày đặc như lá phổi lọc cho thành phố, ví dụ như English Garden ở TP.Munich của Đức rộng đến 3.7 km2. Quy định về chặt cây và trồng cây ở Đức rất nghiêm ngặt và phải được phép của Bộ Môi trường dù cây ở trong vườn nhà mình trồng. Do đó chất lượng không khí của Đức ở mức tốt với chỉ số chất lượng không khí AQI = 25 – 31 (Air Quality Index) đối với các thành phố lớn như Berlin, Munich, Frankfurt. Phát triển các phương tiện công cộng như xe bus và hệ thống tàu điện ngầm sẽ làm giảm đáng kể tình trạng kẹt xe và giảm phát thải khí CO2.

4. Vậy Việt Nam cần chính sách gì trong phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, hạn chế ô nhiễm môi trường...? Đây là một câu hỏi khó, vì để giải quyết bài toán này cần một chương trình tổng thể quốc gia với nhiều giải pháp khác nhau từ phát triển hạ tầng, chính sách phát triển phương tiện giao thông, kế hoạch dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Những giải pháp trước mắt thì phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, trồng nhiều cây xanh. Nhưng những kế hoạch này vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra và biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường thì không chờ chúng ta chuẩn bị. Ở tầm quốc gia thì cần các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách cũng như những người ra quyết định cần phải có nhận thức chung về hậu quả của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhưng xét ở khía cạnh khác thì các nước đang phát triển đều phải trải qua một giai đoạn trả giá về môi trường để phát triển kinh tế.

Hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động và chương trình để thích ứng với biến đổi khí hậu như đầu tư cho Đồng bằng Sông Cửu Long 1 tỷ USD để tìm kiếm các giải pháp thích ứng với biến đối khí hậu.
 
Tháng 3-2020, một đợt hạn mặn đã diễn ra, 5 tỉnh miền Tây công bố tình trạng khẩn cấp gồm gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.
 
Nguyên nhân trực tiếp của việc xâm nhập mặn rất nghiêm trọng ở Đồng bằng sông cửu Long là do việc xây dựng chằng chịt đập trên thượng nguồn sông Mekong như 14 đập trên lưu vực Lancang thuộc Trung Quốc và Xayaburi thuộc Lào. Một nguyên nhân nữa là việc khai thác quá mức nước ngầm làm cho tình trạng sụt lún từ 2-3 cm/năm của vùng này. Thêm nữa, mực nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong tương lai 20-30 năm nữa, dự báo Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chết dần mòn nếu như không có những giải pháp tổng thể về nguồn tài nguyên nước.
 
Trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ chi khoảng 15 triệu 160 ngàn USD cho các địa phương nói trên chống hạn và ngăn nước biển xâm nhập vào đất liền.

Về phía cá nhân, mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc căn bản là “thiểu dục tri túc” có nghĩa là biết đủ để không sử dụng phí phạm tài nguyên thiên nhiên, lãnh phí năng lượng cho cộng đồng và những người khác.
 
Mặt khác, ăn chay để giảm thiểu sự tiêu thụ thịt cũng là một cách để bảo vệ môi trường, vì để làm ra 1 kg các loại thịt thì tốn hơn rất nhiều nước so với 1 kg rau củ. Do vậy mỗi người ngoài việc bảo vệ môi trường xung quanh như giảm phát thải khí CO2 không cần thiết còn điều tiết chế độ ăn uống và sử dụng năng lượng, nhiên liệu.

 

Những con số báo động
 
* Hà Nội ô nhiễm vượt Bắc Kinh. Theo báo cáo của AirVisual - công ty quan trắc không khí có mạng lưới toàn cầu - lần đầu tiên thủ đô Jakarta của Indonesia và Hà Nội của Việt Nam vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc) trong số các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
 
Theo tin đăng trên TTO ngày 27-2 qua, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ở Hà Nội là 46,9 microgam/m3 - nghiêm trọng hơn so với năm 2018 (40,8 microgam/m3), cao gấp gần 5 lần khuyến cáo của WHO và gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.

Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm thứ 150 và là thủ đô ô nhiễm thứ bảy của thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Hà Nội là thủ đô nhiễm thứ 2 và là thành phố ô nhiễm thứ sáu sau 5 thành phố của Indonesia.
 
hanman.jpg
Năm 2020, hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ
được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử - Ảnh: Chí Quốc / TTO

* Hạn, mặn nghiêm trọng ở miền Tây. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về việc đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên cao trong tháng 3-2020.
 
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 đến 14-2 (đạt đỉnh ngày 12-2) với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74km.

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, từ ngày 29-2 đến 6-3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-55km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).

Từ ngày 7 đến 15-3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100-110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62-65km...
 

TS Trần Ánh Dương

Nguồn: giacngo.vn

 
Lên đầu trang