GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Truyền thông và hoằng pháp trong thời kỹ thuật số

Truyền thông và hoằng pháp có mối quan hệ chặt chẽ ngay từ thời đức Phật. Nhờ truyền thông mà hoằng pháp được lan rộng trong quần chúng. Thời đức Phật và nhiều thế kỷ sau, hoằng pháp được thực hiện khẩu truyền hay qua văn bản chữ viết. Đến thời đại kỹ thuật số, bên cạnh hai phương tiện trên, hoằng pháp còn được thực hiện qua phương tiện kỹ thuật số hay internet. Bài viết trình bày về truyền thông và hoằng pháp trước và trong thời đại kỹ thuật số, và nêu những hạn chế cũng như nêu những đề xuất tham khảo.

 

 

Có thể nói mục đích chung của truyền thông là thu thập thông tin và truyền tải đến nhiều người. Trong Phật giáo, phần lớn thông tin truyền tải liên quan đến hoạt động của giáo hội, các vấn đề thời sự xã hội có liên quan đến Phật giáo và đạo đức xã hội, và một phần là giáo pháp của đức Phật thông qua các bài viết nghiên cứu và các bài giảng. Về hoằng pháp, mặt nổi bậc của ban hoằng pháp là xuất bản nhiều bài giảng để phổ biến rộng rãi (bên cạnh các bài, sách viết). Trên phương diện này, truyền thông có thể đóng góp vai trò giới thiệu các sản phẩm của ban hoằng pháp và đóng vai trò như kênh hoằng pháp. Bài viết sẽ trình bày về truyền thông và hoằng pháp trước thời đại kỹ thuật số, trong thời đại kỹ thuật số và những hạn chế của hoằng pháp bằng truyền thông.

Truyền thông và hoằng pháp trước thời đại kỹ thuật số

Từ thời đức Phật đến nhiều thế kỷ về sau, giáo pháp được truyền bá qua hai phương tiện là truyền khẩu trực tiếp và văn bản chữ viết. Thời kỳ đầu kinh điển chưa được chép thành văn bản, mọi thông tin đều thông qua khẩu truyền trực tiếp. Khi tiếp nhận thông tin, người nghe buộc phải thuộc để nhớ, để hiểu và thực hành. Với cách này, người học nhớ nhiều trở nên chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mặt hạn chế của cách truyền bá này là khi thông tin truyền sang đối tượng thứ ba, thứ tư… nội dung có thể thay đổi do người sau quên hay hiểu theo quan điểm cá nhân. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các văn bản được chép lại. Chẳng hạn như kinh Nikaya và kinh A hàm cùng ghi lại các bài giảng của đức Phật nhưng vẫn có sự khác nhau khi biên chép. Hay như giới luật được cho là không được thay đổi thêm bớt vẫn có sự khác nhau giữa các văn bản luật thuộc nam truyền và bắc truyền và ngay cả trong bắc truyền (giới tỳ kheo của nam truyền 227 còn của bắc truyền 250 điều)

Với đặc trưng của hoằng pháp khẩu truyền, Tăng sĩ chiếm ưu thế bởi vai trò chuyên môn, có thực hành và hình thức quy ước được chấp nhận khi giảng dạy. Tuy nhiên, khi kinh điển được ghi chép, chuyển ngữ, phiên dịch…thì bên cạnh vai trò chính của Tăng sĩ, nhiều cư sĩ cũng cho thấy vai trò quan trọng của họ trong truyền bá kinh điển. Hàng cư sĩ đã đóng góp trong việc dịch kinh, nghiên cứu viết luận và còn truyền kiến thức cho Tăng sĩ. Như vậy, xét về phương diện truyền bá kinh điển thì cư sĩ cũng trở thành người hoằng pháp. Phương diện truyền dạy trực tiếp không được phổ biến đối với cư sĩ nhưng phương diện để lại các văn bản dịch hay nghiên cứu thì không thể phủ nhận sự đóng góp của họ. Nhờ sự đóng góp các văn bản viết mà nhiều người biết đến Phật giáo, trở thành Phật tử chính thức hay không chính thức.

Truyền thông và hoằng pháp thời kỹ thuật số

Cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu nửa sau thế kỷ 20 mở ra thời đại kỹ thuật số hay thời đại thông tin. Mọi tin tức, hình ảnh, âm thanh, video về các sự kiện được truyền tải nhanh chóng hay truyền trực tiếp. Đây là một công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác hoằng pháp được phổ biến rộng, nhanh đến nhiều người từ thành thị đến thôn quê hay những nơi xa xôi không có chùa và chư Tăng Ni, Phật tử. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, các kinh điển dạng chữ viết hay âm thanh được đưa lên trang điện tử để ai biết sử dụng internet đều có thể truy cập đọc hay nghe. Bên cạnh đó, nhiều bài giảng cũng được phát trực tiếp (livestream qua facebook hay các công cụ khác) hay lưu trữ trên các trang web cho mọi người có thể truy cập nghe lại hay tải xuống nghe bất cứ lúc nào. Ở nơi làm việc hay ở nhà, chúng ta có thể nghe bài giảng của giảng sư ở bên kia đại dương. Chưa bao giờ việc học giáo pháp dễ dàng như hiện nay bởi người học có thể đọc tam tạng kinh điển nam tông hay bắc tông bằng tiếng việt hay các ngôn ngữ khác, có thể nghe bài giảng bằng âm thanh hay vừa âm thanh và hình ảnh (video) của rất nhiều giảng sư được lưu trữ trên các trang điện tử. Đây là sự thuận lợi chưa bao giờ có trong lịch sử loài người.

Nhờ truyền thông, công tác hoằng pháp được hỗ trợ làm cho giáo pháp được phổ biến rộng khắp nhanh chóng. Cơ hội học giáo pháp của quần chúng cũng nhờ đó mà thuận tiện vô cùng. Tuy nhiên, trước thuận lợi vô cùng ấy thì nghịch lý lại xảy ra, đó là phần lớn tín đồ Phật giáo vẫn còn “mù chữ Phật pháp” như nhiều vị giảng sư đề cập. Tại sao có nghịch lý ấy và giải pháp nào có thể giải quyết là vấn đề cần sự đóng góp tâm trí lực của tất cả mọi người.

Những hạn chế của hoằng pháp bằng truyền thông

Mặc dù truyền thông là công cụ đắc lực để công tác hoằng pháp được hoạt động hiệu quả sâu rộng nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều hạn chế cần phải bàn để tìm ra giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, kinh điển bằng văn bản hầu như đã được dịch sang tiếng Việt nhưng chỉ có phần nhỏ Tăng Ni học toàn phần. Phần lớn Tăng Ni vì cuộc sống nên ít khi quan tâm đọc hết các lời dạy của đức Phật được ghi lại trong tam tạng kinh điển. Do đó, sự hiểu về Phật pháp đôi khi không chuẩn dẫn đến hiểu Phật pháp một cách phiến diện, chủ quan. Điển hình là cho pháp môn của trường phái, tông môn mình đang theo là nhất trong khi không có kinh nào đức Phật dạy như thế. Khi Tăng Ni ít quan tâm truyền bá chánh pháp thì truyền thông dù có vẫn ít người sử dụng hiệu quả. Do vậy, tín đồ phần lớn không hiểu được giá trị đích thực của đạo Phật.

Thứ hai, truyền thông đã hỗ trợ phổ biến các bài giảng rộng khắp nhưng sự đa dạng và sự không thống nhất về kịch bản hoằng pháp đã đưa đến sự phong phú nhưng cũng phức tạp về nội dung truyền tải. Tín đồ sơ cơ khó nhận ra đâu là chuẩn, đâu là phương tiện tín ngưỡng nên thường bị hoang mang. Đó là chưa nói đến sự sai sót hay sai lệch trong một số bài giảng vì nội dung theo quan điểm cá nhân không có nguồn kinh điển chuẩn bảo vệ.

Thứ ba, dù có truyền thông hỗ trợ nhưng không nhiều chùa sử dụng để hoằng pháp. Phần lớn Tăng Ni trụ trì hạn chế về thuyết giảng chưa mạnh dạn mở các bài giảng của các giảng sư cho tín chúng nghe để hiểu và hành. Một mặt do chưa có sự chọn lọc các bài giảng chuẩn, một mặt do sự e ngại tế nhị. Ngoài ra, ban hoằng pháp cũng chưa chủ động hợp tác để xuất bản một quyển giáo lý ngắn gọn cho tín đồ Phật giáo tại gia như các tôn giáo khác đã làm. Đây là hạn chế làm cho tỷ lệ hiểu Phật pháp của tín đồ Phật giáo còn khiêm tốn, nhất là vùng quê xa xôi.

Những đề xuất

Để cho truyền thông và hoằng pháp có sự phối hợp hiệu quả thì cần có những giải pháp cụ thể sau khi tổ chức hội thảo. Dưới dây là những đề xuất tham khảo:

Thứ nhất, ban hoằng pháp phải có một quyển giáo lý căn bản ngắn gọn cho tín đồ Phật tử tại gia được Giáo hội thẩm định. Phần phụ lục giới thiệu thêm các tài liệu nâng cao cho những người có nhu cầu.

Thứ hai, tất cả Tăng Ni trụ trì phải hợp tác giảng dạy sách giáo lý này vào các dịp sám hối hay lễ lớn để tín đồ Phật giáo hiểu đúng về đạo Phật.

Thứ ba, các sách, bài giảng phải được thẩm định chất lượng và phổ biến tại các địa chỉ tin cậy. Cũng giống như các sách xuất bản trên thị trường, nhìn nhà xuất bản người đọc có thể tin tưởng nội dụng trong sách có chất lượng.

Thứ tư, bên cạnh pháp học, Tăng Ni trụ trì các chùa phải tổ chức khóa tu để tín đồ thực hành những bài học giáo lý trên.

Khi hội thảo đã chọn và tổng hợp các giải pháp có tính thiết thực, ban hoằng pháp trình giải pháp nào thiết thực nhất, khả thi nhất để giáo hội xét duyệt nhằm cho phép thực hiện như là một nghị quyết. Được như vậy thì hội thảo mới có ý nghĩa thiết thực và đáp ứng mong đợi của nhiều người!

 

Tham khảo

Kiều Công Thược. Hoằng pháp và truyền thông trong kỷ nguyên 4.0. Tạp chí nghiên cứu Phật giáo số tháng 1/2018.

Thích Huệ Nghiêm. Hoằng pháp trong thời đại 4.0. http://m.phatgiao.org.vn/tin-tuc/201801/Hoang-phap-trong-thoi-dai-4-0-29572/, truy cập ngày 10/9/2018

Thích Minh Thiện. Truyền thông Phật giáo thời hiện đại. http://phatgiaogialai.vn/tin-tuc/truyen-thong-phat-giao-thoi-hien-dai, truy cập ngày 12/9/2018

Thích Thiện Bảo. Truyền thông trong hoạt động hoằng pháp. https://thuvienhoasen.org/a7866/truyen-thong-trong-hoat-dong-hoang-phap-tt-thich-thien-bao, truy cập ngày 10/9/2018.

 

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang