GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Vô sự mà lợi ích cho đạo

Trong kinh Phật thường nhắc đến một Tỳ-kheo vô sự. Vô sự có nghĩa cạn là không làm gì cả, nghĩa sâu xa là không dính mắc bất cứ điều gì. Như người đời, nếu không làm được gì to tát lợi nước ích dân thì hãy sống đúng bổn phận công dân của mình, điều đó cũng góp phần mang đến bình an cho xã hội.

"Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người… Đức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm.

1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc, thời Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.

2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.

3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.

4. Không tụ họp nói việc vô ích.

 

5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức.

6. Không kết bè bạn với người xấu ác.

7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.

Này Tỳ-kheo, được như vậy, thời Chánh pháp sẽ được tăng trưởng, không bị tổn giảm".

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])

 

Trong kinh Phật thường nhắc đến một Tỳ-kheo vô sự. Vô sự có nghĩa cạn là không làm gì cả, nghĩa sâu xa là không dính mắc bất cứ điều gì. Như người đời, nếu không làm được gì to tát lợi nước ích dân thì hãy sống đúng bổn phận công dân của mình, điều đó cũng góp phần mang đến bình an cho xã hội. Cũng vậy, một vị Tỳ-kheo nếu chưa hội đủ tài trí và đức hạnh để hoằng pháp lợi sinh rộng lớn, hãy quay về tịnh hóa thân tâm cũng làm cho Chánh pháp được tăng trưởng, không bị tổn giảm.

Trọng trách của một người tu là tự lợi và lợi tha. Trước tiên là tự lợi, đây là phận sự căn bản, nền tảng cho lợi tha hoằng hóa về sau. Chưa tròn bổn phận tự lợi mà đã xông pha hoằng hóa đôi khi lợi bất cập hại, ảnh hưởng không tốt đến đạo pháp. Thành ra, tùy vào thực tiễn của mỗi người mà tùy duyên tu hành và làm đạo. Không làm gì nhiều, chẳng hướng ra ngoài, chỉ quay vào trong mà vẫn có ích cho đạo như thường.

Đầu tiên là “không ưa nhiều việc”. Người tu ngày nay dường như ai cũng bận rộn. Kỳ thực việc nhiều hay ít cũng do mình. Đâu phải việc nào cũng thuận duyên, hanh thông, vui vẻ nên đôi khi công việc khiến ta phiền não, lo toan. Việc đạo còn như thế huống chi gánh thêm việc đời. Khất thực nuôi thân và siêng năng thiền định như ngày xưa là ít việc nhất.

Kế đến là “không ưa nói nhiều”. Nói nhiều thì lỗi nhiều. Tuy vậy ai cũng thích nói. Ngày nay, công nghệ truyền thông giúp cho chúng ta nói nhiều hơn. Ngồi một mình cũng nói cho cả thế giới nghe. Nói nhiều thì loạn tâm, dễ gây thị phi tranh cãi. Thế nên ngồi yên là chuyện khó.

“Không hôn muội nhờ bớt ngủ nghỉ. Không tụ họp nói việc vô ích. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức. Không kết bè bạn với người xấu ác” là những hạnh lành để tăng trưởng chánh niệm và tỉnh giác, tránh bớt những dễ duôi, phóng dật, buông lung.

 

Cuối cùng là “không ưa phố thị ồn ào”, chỉ ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng. Người tu sĩ trẻ ngày nay lại làm cuộc ngược dòng, đa phần phải rời chùa lên phố vì cần học hành, tìm cơ hội tiến thân. Học hành xong về vùng sâu vùng xa còn ái ngại nói chi đến núi rừng nhàn tịnh. Hành trình trở về lắm khi còn gian nan hơn cả lúc ra đi vì dính mắc nhiều thứ không buông ra được.

Nhưng chắc chắn phải trở về để trọn vẹn giới, thanh lọc tâm, tăng trưởng tuệ. Một nơi nhàn tịnh, ít việc, ít nói, ít ngủ, ít bạn xấu… sẽ hỗ trợ cho tu hành tăng trưởng pháp chính là tam vô lậu học. Thành ra buông hết, không làm gì nhiều mà lại có ích cho mình, cho người và cho đạo. Cho đến khi thật sự vững chãi, bớt hoặc không dính mắc ngũ dục ngũ trần, bấy giờ làm mọi việc mà như không làm, thì Chánh pháp được tăng trưởng nhiều hơn.

Lên đầu trang