GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Xử lý vấn đề tình cảm trong Phật giáo

Cổ đức nói: “Ái bất trọng bất sinh Sa-bà”. Nghĩa là tình ái không nặng nề thì không sinh vào thế giới này. Tình ái là nguồn gốc của sinh mệnh. Dựa vào cách giải thích “Mười hai nhân duyên”1 của Phật giáo, rằng con người do vì có tình ái, cho nên luân hồi sinh tử; con người do vì có tình cảm, vì vậy gọi là “hữu tình chúng sinh”2

Tình ái hoàn toàn không chuyên chỉ tình yêu giữa nam và nữ. Phàm là tình thân giữa cha mẹ với con cái, tình thân hữu giữa bạn bè, tình đồng đội giữa những người cùng tổ quốc, tình yêu nước của các trung thần v.v… đều là biểu hiện của tình yêu, thậm chí những hứng thú, sở thích của cá nhân, cũng được coi là một loại tình cảm.

Tình cảm vốn là bản năng sẵn có của loài người, vì vậy chỉ cần phù hợp với pháp luật, đạo đức, đều là những điều cho phép của Phật giáo. Phật giáo hoàn toàn không bài xích tình cảm, nhưng lại chủ trương dùng từ bi để thăng hoa tình cảm, lấy Bát-nhã để giáo hóa khơi thông tình cảm. Phật giáo khuyến khích giữa vợ và chồng phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giữa cha mẹ và con cái phải tương kính thứ tha cho nhau, giữa bạn bè phải quý duyên gặp gỡ quen biết nhau, từ đó mà làm được “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, tức là đem tình yêu riêng tư của mình, thăng hoa thành từ bi đối với tất cả chúng sinh. Ví dụ: Đức Phật gánh quan tài cho mẹ, hay Đức Phật lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ3, chứng minh Phật giáo đối với nhân luân thế gian hợp tình hợp pháp, hoàn toàn không chối bỏ và bài bác. Lại nữa, Đức Phật vì ngăn cản vua Lưu Ly tấn công quốc gia mình, vì thế tĩnh tọa giữa đường, lấy “thân tộc chi âm thắng dư âm” (sự che chở của họ hàng thân thuộc/quốc gia hơn hẳn tất cả sự che chở khác), làm cảm động vua Lưu Ly buộc rút quân; sự quý trọng của Đức Phật dành cho đệ tử, như khám bệnh cho Tỳ-kheo bị bệnh, xâu kim cho A Na Luật, cả đến câu chuyện lúc chưa thành Phật (bản sinh đàm)4 của Đức Phật, những sự tích mấy đời tu hành từ bi này của Đức Phật được ghi chép rộng rãi. Vì vậy, kinh Niết-bàn nói: “Từ tức Như Lai, Như Lai tức từ.”

Từ bi là cảnh giới thiện mỹ được tịnh hóa từ tình cảm loài người. Trong quan niệm của hầu hết người đời, nghĩ rằng người xuất gia cắt đứt ân ái từ giã người thân (cát ái từ thân), xa lìa thế tục dứt bỏ trần gian, là bất hiếu lại còn bạc tình. Trên thực tế, trong Phật giáo từ giáo chủ là Đức Phật, cho đến các Đại đức cao tăng qua nhiều thế hệ, đều dựa vào tinh thần “vô duyên từ bi, đồng thể đại bi”, đem tình yêu nhỏ bé (tiểu ái) đối với người thân thăng hoa thành tình yêu lớn lao (đại từ bi) đối với chúng sinh. Ví dụ sau khi Đức Phật thành đạo, nói với Yashodhara (Da Du Đà La) rằng: “Này Yashodhara! Hãy lượng thứ cho cách làm của Ta, mặc dù Ta có lỗi với cá nhân ngươi, nhưng Ta không có lỗi với hết thảy chúng sinh. Bây giờ, nguyện vọng lịch kiếp cuối cùng Ta tu xong rồi, đã thành tựu Phật quả, Ta lấy việc cứu độ rộng rãi cho chúng sinh làm chí nguyện của Ta, xin ngươi hãy vì Ta mà hoan hỷ.”Từ bi của Đức Phật, đã vượt qua tình yêu thế gian, đến nỗi sau này Yashodhara cũng xuất gia tu đạo. Cho nên, thực sự yêu quý một ai đó thì nên dẫn dắt người ấy hướng về chánh đạo, giúp đỡ người ấy ngày càng hoàn thiện và chín chắn hơn, mà không phải hạn cục, bám víu ở dung mạo hình thể.   

Đức Phật đối với người thân như thế, mà đối với oan gia cừu địch cũng là như thế. Đức Phật thường nói: “Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là thiện tri thức của Ta, là tăng thượng duyên của Ta.” Tình yêu của Đức Phật được xây dựng trên tinh thần “oán thân bình đẳng”, “vô duyên đại bi, đồng thể đại bi”. Trong Phật môn có nhiều mẩu chuyện làm lay động lòng người, như Mục Kiền Liên cứu mẹ, Đạo Tế (Tế Công) tự mình phụng dưỡng mẫu thân5, Trần Tôn Túc6 bện giày cỏ hiếu dưỡng mẫu thân, Vô Trước cảm hóa anh ruột Thế Thân, truyền Đại thừa rộng khắp; Bùi Hưu đưa tiễn con xuất gia, đồng thời sáng tác bài Tiễn tử xuất gia cảnh sách châm (Lời khuyên răn cảnh tỉnh đưa con đi xuất gia), khuyên răn đứa con lấy việc cầu đạo làm quý; mẹ của Sa-di Tuệ Tâm khích lệ con chăm chỉ học tập tu hành, không xem những ban tặng của hoàng đế làm vinh quang, không được chỉ nhớ nghĩ tới con người này của mẫu thân v.v… Tất cả câu chuyện trên đây đều là tình cảm chí chân chí thiện, biến tình yêu riêng tư (tư ái) thành tình yêu rộng lớn (đại ái), càng là những biểu dương cao độ tịnh hóa tình yêu. Lại ví dụ Mã Nhĩ Ba (Mar-pa) vì thành tựu Mật Lặc Nhật Ba (Mi-la-ras-pa), đã vận dụng các phương tiện thiện xảo, đổ bao tâm sức tiến hành chăm sóc huấn luyện. Công lao này mặc dù chưa đạt đến như kỳ vọng, nhưng cũng đã đào tạo, bồi dưỡng được sự phát tâm của những kẻ hậu học. Đó chính là sức mạnh đến từ lòng từ bi. Vì vậy, tình yêu của loài người, ngoài tư tình con cái, càng cần có từ bi vô hạn, buông bỏ tham tâm cá nhân.

Tình yêu, với bất kỳ ai cũng cần có, nhưng trong tình yêu, có ô nhiễm, có thuần khiết; có chiếm hữu, lại có hiến dâng. Tình cảm như nước, “nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”; tình cảm nếu biết xử lý thỏa đáng, thì không mất đi sức mạnh lại có thể khích lệ hướng thượng. Yêu, hệt như mặt trời mùa Đông, có thể làm tan chảy băng tuyết hàn sương, có thể khơi gợi, kích thích chân thiện mỹ của tính người; nhưng rằng, nếu yêu không thỏa đáng, ví như đối tượng yêu không đúng, quan niệm yêu không đúng, cách thức yêu không đúng, yêu không bình thường, không nên, thì chẳng những sẽ khiến cho đôi bên phát sinh phiền não khổ đau, thậm chí vì yêu nên sinh ra thù hận, dẫn đến thân bại danh liệt, kết liễu đời mình. Vì vậy, Phật giáo cho rằng tình yêu mà ô nhiễm, chiếm hữu, ích kỷ, chấp trước là duyên cớ gây cản trở đạo nghiệp của người học Phật. Cái gọi là “ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba” (sông tình sóng cao nghìn thước, bể khổ dậy muôn lớp sóng), chúng ta cần phải suy nghĩ một cách cẩn thận!

Tuy nhiên, “pháp phi thiện ác, thiện ác thị pháp”, tình cảm xử lý không thỏa đáng, cố nhiên có thể làm cản trở đạo nghiệp, nhưng “sự tịnh hóa của tình yêu là từ bi, sự thăng hoa của tình yêu là trí tuệ”; nếu như có thể đem tình yêu thăng hoa thành từ bi, thì “từ tức tham dục, bi chỉ sân huệ” (lòng từ ngăn chặn tham lam, tâm bi chấm dứt sân hận); lại nữa, kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottaragama) nói: “Chư Phật Thế Tôn, thành đại từ bi, dĩ đại bi vi lực, hoằng ích chúng sinh.” Nghĩa là các Phật Thế Tôn, đạt được từ bi lớn, lấy đại bi làm sức mạnh, làm lợi ích khắp chúng sinh. Từ bi là nguồn động lực mà các Phật, Bồ-tát cứu độ chúng sinh không biết mệt mỏi. Nếu mọi người có thể ứng xử đối đãi với nhau bằng lòng từ bi thì hết thảy chúng sinh đều được phúc lạc, thế giới tất có thể hòa bình. Vì vậy, Phật giáo chủ trương: “dĩ trí hóa tình” (dùng lý trí để tịnh hóa tình cảm), “dĩ từ tác tình” (dùng từ bi triển khai/vận hành tình cảm), “dĩ pháp phạm tình” (dùng lễ pháp để quy phạm tình cảm), “dĩ đức đạo tình” (dùng đạo đức dẫn dắt tình cảm). Đem tình cảm riêng tư chiếm hữu, chuyển hóa thành đạo tình pháp ái vô tư, không vụ lợi; đem tình ái có lựa chọn, có sai biệt, tịnh hóa thành từ bi phụng hiến “vô duyên đại bi, đồng thể đại bi”, tình cảm như thế mới có thể làm cho cuộc sống trần tục này thêm phong phú và ý nghĩa. 

Theo giacngo.vn

HT.Tinh Vân - Nhã Tuệ dịch
Nguồn: Tinh Vân (2008). Phật giáo và thế tục. Nxb Từ Thư Thượng Hải, tr.150-152

 ..............................

(1) Gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử; là quá trình lưu chuyển sinh tử của loài hữu tình. Cũng còn được gọi là Thập nhị hữu chi.

(2) Là chỉ các sinh vật hữu tình thức như loài người, chư thiên, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la.

(3) Phu nhân Ma Da, ngày thứ 7 sau khi hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa thì từ giã cõi đời, sau đó sinh lên cõi trời Đao Lợi. Năm thứ bảy sau khi Đức Phật thành đạo, để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, Đức Phật đã lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ.

(4) Chủ yếu thuật lại những câu chuyện Phật Thích Ca Mâu Ni hành đạo Bồ-tát trong quá khứ.

(5) Vị Tăng nước Tề thời Nam triều, thường thuyết Phật pháp, cứu độ chúng sinh không biết mệt mỏi, đặc biệt phụng dưỡng cha mẹ đồ ăn thức uống, mọi công việc tự mình làm lấy. Có người muốn thay ngài ấy chăm sóc mẫu thân, ngài từ tốn nói: “Mẫu thân sinh dưỡng tôi nên do tôi tự mình hiếu thuận, sao có thể phiền để người khác làm thay được?” Hiếu hạnh của ngài vì thế cảm hóa được nhiều tín chúng.

(6) Vị Tăng nhà Đường, Pháp tự của Thiền sư Hoàng Phách Hy Vận, còn được gọi là Đạo Tung. Ông người Giang Nam, tục họ Trần, ở chùa Long Hưng - Lăng Châu (Chiết Giang), sống ẩn dật. Vì thường bện giày cỏ, lấy đó để phụng dưỡng mẫu thân, cho nên có danh xưng là Trần.

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang