GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Ý nghĩa ba ngày Vía của Bồ tát Quán Thế Âm

Quán Thế Âm (Avalokitesvara) là vị Bồ tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp chúng sinh. Theo kinh Pháp Hoa, Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ muôn loài.

HỎI:

Bạch quý thầy, con thường mới chỉ biết tới ngày Khánh Đản của Đức Quán Thế Âm Bồ tát chứ chưa biết các ngày còn lại và ý nghĩa của các ngày vía này. Xin quý thầy giảng giúp chúng con hiểu ạ!

ĐÁP:

Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Bồ tát Quán Âm là ai, Bồ tát của Hạnh nguyện gì, và tại sao có 3 ngày vía, kinh của ngài là gì, và các hình tướng của Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam hiện diện qua hình tướng nào, xin quý Phật tử hay nghiên cứu theo đọc thật kỹ để thấu hiểu.

Bồ Tát Quán Âm là ai?

Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara Bodhisattva) chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã Tâm kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni, Chuẩn đề Đà la ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (trong kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí (trong Bát-nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.

 

Tượng Phật Quan Âm tại India, Nalanda

 

Tượng Phật Quan Âm tại India, Nalanda

Các kinh điển trên đều nói đến Bồ tát Quán Thế Âm với hình tướng nam tính, nam giới chứ không phải nữ giới. Bồ tát tượng trưng cho từ bi và trí tuệ. Ngài nghe hết tiếng kêu khổ, tiếng niệm danh hiệu ngài, tiếng cầu xin ngài để được như ý muốn, được cứu độ khỏi khổ đau, tai nạn…

Bồ-tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, là mẹ, là Phật… có lẽ dính dáng đến nguyên lý Mẹ mà rất nhiều văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… theo đó đều có các thánh nữ. Đặc biệt, trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng có thờ thánh mẫu Tara gồm nhiều vị. Truyền thuyết cho rằng vị Tara được sinh ra từ nước mắt của Đức Quán Thế Âm; rằng trong kiếp xa xưa, mẹ Tara đã là một vị công chúa quyết tâm tu, quyết giữ hình hài nữ giới cho đến khi thành Phật. Xin nói thêm, thánh nữ Tara còn được hiểu là hàng chục vị, có thể đến hơn một trăm vị, được phân biệt theo màu sắc của các tranh tượng. Tara màu xanh (Lục độ Tara) là vị tiêu biểu nhất.

Ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.

Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, nêu rất rõ và rất ấn tượng về ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.

Kinh cho ta thấy Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng nổi bật nhất của Đại Từ bi; những hóa thân của ngài gồm 33 hay 35 hình tướng để có thể thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh. Lòng Đại từ bi ấy có thể xem như lòng mẹ đối với con cái, lại phù hợp với truyền thống của nhiều tôn giáo có một vị nữ được ví như là Mẹ của tất cả: Đức mẹ Kali, Đức mẹ Maria, Đức Mẫu… Do đó, mặc dù Bồ tát Quán Thế Âm có thể hóa thân thành Phật, Bích chi, Thanh văn, Phạm vương, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tỳ sa môn Thiên vương… Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, nam nữ Tỳ kheo... nét nổi bật nhất của hóa thân ngài vẫn là hình ảnh phụ nữ, hình ảnh mẹ hiền.

Kinh điển Đại thừa, đặc biệt là kinh Pháp hoa, được truyền sang Trung Quốc, các bản dịch chính kinh và phụ kinh của kinh này được phổ biến khá rộng từ năm 255 đến năm 601. Và quan niệm Bồ tát Quán Thế Âm mang hình tướng nữ giới được hình thành dần dần, đến đời Đường (618-907) thì hình tướng này hình như hoàn toàn phổ biến, nhất là trong giới bình dân, tạo thành một tín ngưỡng quan trọng.

Vì sao có 3 ngày vía Bồ Tát Quán Âm?

Hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày: 19/02, 19/06 và 19/09 đều theo âm lịch.

Nhưng đa phần chỉ biết suông là lễ vía Quán thế Âm thế thôi!

Thực ra trong Thiền môn nhật tụng cổ xưa đã ghi rõ:

Ngày 19/02 là vía Quán thế Âm Đản Sanh.

Ngày 19/06 là vía Quán thế Âm Thành Đạo.

Ngày 19/09 là vía Quán thế Âm Xuất Gia.

Mong rằng bài viết này sẽ đem đến cho quý độc giả niềm tin chân chính và thành khẩn, luôn luôn tưởng niệm đến danh hiệu Quán thế Âm Bồ tát để được giao cảm hằng thường với Bồ tát, dù tai họa đến đâu Hữu Cầu Tắc Ứng.

Hãy chánh tín, lời nói của Chư Phật không bao giờ hư dối.

Nếu muốn biết đường lối thực hành theo Tông chỉ Bồ tát Quán Thế Âm thì chúng ta cùng nhau tham khảo bài yếu chỉ Phẩm Phổ Môn, phẩm thứ 25, kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực biên soạn :

 PHẨM PHỒ MÔN

Thứ Hai mươi Lăm.

Phổ môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của Tự tánh.

Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật: "Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?"

Phật bảo: "Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng Tự tánh Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là Tự tánh tự độ".

Sức dụng của Tự tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.

Năm thứ quán của Bồ tát Quán Thế Âm là gì?

1. Chân quán: là lập Chân để phá Vọng. Trước tiên phải xoay cái Tánh nghe trở về Tự tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì Năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn (sáu giác quan) dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là "phản văn văn Tự tánh".

2. Thanh tịnh quán: Là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng sở. Năng nghe Sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.

3. Từ quán: Là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.

4. Bi quán: Là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi.

Khi Từ bi thể hiện thì ngã chấp (cái tôi ích kỷ) đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong pháp giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được Hòa Quang Đồng Một (Nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) Nên năng - sở đều diệt.

5. Quảng đại trí huệ quán: Là trí huệ chiếu khắp pháp giới, quảng đại siêu việt số lượng. Tất cả năng sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói : "Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng" vậy.

Phẩm này chỉ rõ sự diệu dụng của Tự tánh tự độ

"Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của Tự tánh)

Năng cứu thế gian khổ"

Là nghĩa này vậy.

(Trích Yếu chỉ Kinh Pháp Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực)

Các hiện thân của Bồ tát Quán Âm tại Việt Nam

Theo kinh Phẩm Phổ Môn, nếu có ai kêu cứu, và để cần hiện ra thân gì để cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó như: thân quốc vương, thân tể tướng, thân nhi đồng, thân phụ nữ...” (phẩm Phổ môn).

Truyện tích về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải (Diệu Thiện) ở Việt Nam được hình thành dựa trên quá trình tiếp biến văn hóa và cơ sở “thị hiện” này.

Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, truyện thơ và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Theo tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, “Truyện thơ Quan Âm Thị Kính (bản Nôm) hiện chưa biết được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu”.

Cứ vào nội dung của truyện Quan Âm Thị Kính thì có thể đây là một dị bản của Phật giáo Cao Ly (Triều Tiên): “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”. Tuy vậy, bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc nước ta, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Và Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính, “Xem trong cõi nước Nam ta/Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”.

Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.

Truyện thơ Quan Âm Nam Hải gồm 1.426 câu, được lưu truyền trong dân gian trước cả truyện Quan Âm Thị Kính. Theo Nguyễn Lang (sđd), truyện Quan Âm Nam Hải vốn xuất phát từ một vị Tăng đời Nguyên bên Trung Hoa. Tích này được lưu truyền trên đất Việt kể từ khoảng cuối thế kỷ XIV hay XV và được Việt hóa. Bản Nôm cổ nhất của truyện Quan Âm Nam Hải vẫn chưa biết được khắc vào thời đại nào. Bản Việt ngữ đầu tiên Quan Âm diễn ca của Huỳnh Tịnh Của, ấn hành năm 1897.

Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân.

Tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì chú Đại bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).

Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa. Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.

 

Avalokitesvara, Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của Tự tánh), Năng cứu thế gian khổ

Avalokitesvara, Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của Tự tánh), Năng cứu thế gian khổ

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì chú Đại bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).

Pho tượng cổ Quan Thế Âm chùa Hương, Hà Nội

Pho tượng cổ Quan Thế Âm chùa Hương, Hà Nội

Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa.

Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.

Thích Pháp Hòa
Nguồn: phatgiao.org.vn
 
 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang