23/02/2019 05:AM
Năm mới Kỷ Hợi đã về hơn nửa tháng. Hợi là con vật được xếp cuối cùng trong hệ 12 con giáp. Tương truyền, ngày xưa Ngọc hoàng mở đại hội, triệu tập 12 con giáp đến phân công việc. Chuột (Tý) đến sớm nhất nên đứng đầu bảng và heo (Hợi) có lẽ vì ủn ỉn, chậm chạp nên đến sau cùng phải đứng cuối bảng.
Heo là một loài vật có hình dáng tròn trịa, mũm mĩm, béo tốt, khác với loài thú dữ khác như rắn, sư tử, cọp. Trong 12 con giáp, ba con vật cuối cùng gồm gà, chó và heo có mối liên hệ gần gũi với con người hơn các con vật khác như cọp, rắn, ngựa, khỉ... Heo là một con vật mà chỉ nói đến chúng ta đã thấy gần gũi. Trong tiếng Việt hàng ngày, heo cũng thường được nhắc đến, nào là mập như heo, ngu như heo, lười như heo, ăn như heo, ngủ như heo, sướng như heo, và dơ như heo… Nói chung là muốn so sánh để diễn tả một ai đó không làm gì cả, chỉ thích hưởng thụ, nhàn nhã là nghĩ đến con heo. Nhưng thật ra heo không hề tối dạ; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.
Theo văn hóa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, heo là biểu trưng của tiền bạc, phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng heo vàng, vẽ ảnh heo treo tường, nuôi heo đất tiết kiệm làm giàu, vẽ tranh dân gian về heo để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ kết hôn, đám giỗ, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương…