GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phật giáo và phát triển Giáo hội

Nói đến giáo dục là nói đến con người, giáo dục là nền tảng căn bản của Phật giáo. Mục đích ra đời của Đức Phật là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, tuy nhiên do chúng sanh căn tánh bất đồng, trình độ căn cơ dị biệt, nên Ngài đã mở bày phương tiện tám vạn bốn ngàn pháp môn tu học ứng với căn cơ mỗi người, với mục đích duy nhất là giúp chúng sanh nhận ra bổn tâm thanh tịnh, nhờ đó vượt thoát khổ đau luân hồi sanh tử.
 
Có thể nói nền tảng giáo dục rốt ráo của đạo Phật bao gồm tam tạng kinh điển, chúng ta gọi đó là Phật pháp. Phật pháp là phương tiện nhằm giúp con người thấu hiểu chân lý giác ngộ giải thoát, người học Phật thông qua bốn lẽ thật (Tứ diệu đế) đồng thời nương theo tám con đường chơn chánh (Bát Chánh đạo) nỗ lực tu hành trên căn bản Giới Định Tuệ (Tam vô lậu học), thành tựu ba loại trí tuệ vô lậu Văn - Tư - Tu để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
 
 
_DSF3694.jpg
 
HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm Học viện
 
Bản thân Phật giáo vốn đã là nền giáo dục đa văn hóa, bởi tính thích nghi hòa hợp dung thông của Phật giáo với tất cả nền văn hóa có mặt trên thế giới này. Ngoài ý nghĩa Phật giáo là một tổ chức tôn giáo thì từ “Phật giáo” ở đây xin được hiểu đó là những lời Phật dạy, chúng ta cũng thường gọi là giáo lý, bởi nội dung những lời dạy của Đức Phật đều nhắm đến mục đích giáo dục đời sống đạo đức của con người, giáo dục đời sống vị tha vô ngã, giáo dục đời sống giác ngộ giải thoát… Giáo lý của Đức Phật còn mang tính giáo dục, mục đích giáo dục, phương pháp giáo dục, đối tượng giáo dục… trên thực tế, những lời Phật dạy có nội dung tư tưởng giáo dục luôn mang lại lợi ích lớn lao, thiết thực và bền vững nhất so với bất kỳ giáo thuyết nào, của nhà giáo dục nào từ xưa đến nay, chính vì vậy Đức Phật được tôn vinh là nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại.
 
Về mặt tư tưởng và triết lý thì mục đích giáo dục của Phật giáo là nhằm giúp con người đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát. Còn về mặt giáo dục đạo đức xã hội thì Phật giáo luôn quan tâm đến đời sống nhân loại, giúp cho con người hoàn thiện nhân cách sống, bao gồm đạo đức và trí tuệ, thông qua đó thế giới giảm bớt chiến tranh đau khổ, tiến đến một thế giới hòa bình hạnh phúc; nền giáo dục Phật giáo còn giúp con người cải thiện hệ sinh thái môi trường nhờ nuôi dưỡng lòng từ bi và nhận thức lý duyên sinh một cách sâu sắc, khi con người được sống trong tâm thái thoải mái an vui hạnh phúc, nhân đó tùy theo nhân duyên của từng hoàn cảnh, họ có thể hướng đến nấc thang cao hơn, đó là hành trình dấn thân vào sự nghiệp tu hành giải thoát.
 
Kể từ ngày thành lập GHPGVN năm 1981, thực hiện tôn ý của Đức cố Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN về việc thành lập ba trường đại học Phật giáo ở ba miền Bắc Trung Nam; thông qua Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, nay là Ban Giáo dục Phật giáo, trong gần 40 năm qua, GHPGVN đã hình thành 4 cơ sở Học viện (Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, TP.Cần Thơ dành cho Phật giáo Nam tông) trên cả nước, đã đào tạo được với số lượng gần 20.000 Tăng Ni sinh.
 
Đặc biệt vào tháng 10 năm 1984, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã chính thức cấp Giấy phép số 160/GP-UBND cho phép Giáo hội thành lập Trường Cao cấp Phật học VN cơ sở 2 trên cơ sở Viện Phật học Vạn Hạnh, đây là hậu thân của Viện Đại học Vạn Hạnh số 715 (nay là 750) Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh do cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng.
 
Đến năm 1997, Chính phủ ra Quyết định số 07/QĐ-CP, cho phép chuyển Trường Cao cấp Phật học Việt Nam thành Học viện Phật giáo Việt Nam, do cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Trong thời gian điều hành và lãnh đạo, Hòa thượng đã vận động xây dựng được cơ sở 1 Học viện khang trang, xứng tầm là đại học Phật giáo quốc tế.
 
Đến năm 2008, nhiệm kỳ V của Giáo hội, Học viện do Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng làm Viện trưởng. Trong thời gian lãnh đạo và điều hành, Trưởng lão Hòa thượng đã vận động xây dựng được cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh, trên phần đất 34,8 hecta do UBND thành phố cấp cho Giáo hội để xây dựng Học viện với nhiều hạng mục quy mô xứng tầm là trung tâm giáo dục Phật giáo Đông Nam Á.
 
Qua hai đời Viện trưởng, chương trình giáo dục của Học viện, Hội đồng Điều hành, Ban Giáo thọ đã trung thành với tôn chỉ và mục đích nhân bản hướng nội, đặt cơ sở trên Giới Định Tuệ và Văn Tư Tu, nên nội dung đào tạo từ hình thức niên chế chuyển sang hình thức tín chỉ từ 10 ban thành 10 khoa trong hệ thống giáo dục của Học viện, đáp ứng nhu cầu kiến thức Phật học cũng như thế học trong nước và quốc tế, nổi bật là khoa Hoằng pháp, khoa An sinh xã hội và chương trình Đào tạo từ xa.
 
Xuyên suốt 35 năm, Học viện đã đào tạo được 14 khóa, gồm các cấp cử nhân, cao học, tiến sĩ, có trên 4.000 Tăng Ni đã tốt nghiệp và đã cung cấp cho Giáo hội 4 nguồn nhân lực: một số Tăng Ni đã trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội; tham gia Ban Giám hiệu, Ban Giáo thọ các trường Phật học tại địa phương; tham gia Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt một số Tăng Ni sinh du học các nước trên thế giới đã trở về Việt Nam và tham gia công tác các ban viện Trung ương, Hội đồng Trị sự và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Phật giáo là những vị Giáo thọ trao truyền kiến thức Phật học cho lớp thế hệ Tăng Ni kế thừa, truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, góp phần phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp từ hình thức đến nội dung. Đây là sợi chỉ vàng, những dấu ấn lịch sử của Học viện đã đạt được trong 35 năm qua, Giáo hội đề nghị Hội đồng Điều hành cần phát huy hơn nữa những thành quả đạt được trong thời gian tới, xứng tầm là cơ sở giáo dục đại học Phật giáo ở khu vực, cả nước và ở Đông Nam Á.
 
Thông qua Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Phật giáo thế giới mà Học viện Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập, đây sẽ là cơ hội kết nối với các trường đại học trên thế giới, chắp cánh bay cao và bay xa trong vòm trời tri thức, học thuật và Phật học của nhân loại và Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
 
Trước mắt, Hội đồng Điều hành nên nâng cao chất lượng, nội dung chương trình đào tạo cấp cử nhân, hoàn thiện chương trình đào tạo sau đại học (cao học, tiến sĩ) tại Quyết định 3580/CP; nỗ lực xây dựng hoàn tất đại giảng đường đa năng và chánh điện để phục vụ công tác giáo dục quốc nội và quốc tế, cũng như thực hiện chương trình tâm linh hướng nội dành cho Tăng Ni sinh nội trú của Học viện. Đồng thời hoàn chỉnh chùa Thanh Tâm thành khu liên thông liên hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam để trở thành trung tâm đại học Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh cũng như ở Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai.
 
Với niềm tin vào sự nghiệp giáo dục sẽ đánh thức mọi tiềm năng Phật giáo và phát triển Giáo hội mà Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh thành tựu trong 35 năm qua, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Một lần nữa, thay mặt HĐTS GHPGVN, tôi xin tán thán công đức của Hòa thượng Viện trưởng, chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trong Hội đồng Điều hành Học viện, quý Giáo thọ sư đã có nhiều công đức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ kế thừa cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
 
HT.Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN)
Nguồn: giacngo.vn
 
 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang