GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thảo luận tại Hội thảo Phật giáo và Văn học Bình Định

Trong hai ngày 3, 4-8, ngay sau lễ khai mạc Hội thảo khoa học (HTKH) chủ đề “Phật giáo và Văn học Bình Định: Thành tựu và Giá trị”, bốn phiên thảo luận xoay quanh bốn nội dung: 1. Phật giáo và Danh Tăng Bình Định, 2. Danh lam cổ tự và di sản Hán Nôm Bình Định, 3. Văn học Phật giáo Bình Định, 4. Văn học Bình Định - cũng đã đồng thời được diễn ra, trong không khí trao đổi, tiếp thu ý kiến, sôi nổi từ các đại biểu tham dự.

H4.jpg

Quang cảnh Tiểu ban 2 trong các phiên thảo luận

Theo đó, tiểu ban 1 với chủ đề Phật giáo và danh Tăng Bình Định là nội dung được chư tôn đức, các nhà nghiên cứu và quý đại biểu quan tâm tìm hiểu nhiều nhất. Tại phiên thảo luận này đã chọn ra 20 tham luận tiêu biểu, trong số 34 bài được in trong tập kỷ yếu, để đưa ra thuyết trình trước các đại biểu.

Các tham luận nghiên cứu về vai trò và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Tổ Nguyên Thiều ở Đàng Trong qua các bài: Tổ Nguyên Thiều và Phật giáo Huế (HT.Thích Hải Ấn); Nghiên cứu về đầu đời Thanh, Tăng kiều Thiền sư Nguyên Thiều người Quảng Đông di cư đến Việt Nam và các vấn đề liên quanThiền phái Nguyên Thiều tại HuếTừ việc khảo sát lịch sử chùa Báo Tư - Hòa thượng Đạo Mân Mộc Trần và dòng kệ truyền thừa - xác định niên đại sinh và tịch của Hòa thượng Nguyên Thiều (ĐĐ.Thích Vạn Lợi); Thiền sư Nguyên Thiều với Phật giáo Đàng Trong (TT.Thích Thanh Đạt); Sự đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều và Phật giáo Đàng Trong (PGS.TS.Trần Hồng Liên)… Bên cạnh đó còn có một số bài viết về Thiền phái Lâm Tế, hay nghiên cứu về Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

H2.jpg

HT.Thích Hải Ấn chủ trì phiên thảo luận tại Tiểu ban 1

Đồng thời, để nói về sự phát triển của Phật giáo Bình Định, không thể không nhắc đến vai trò của các vị danh Tăng, như Quốc sư Phước Huệ qua bài Quốc sư Phước Huệ và quá trình chấn hưng Phật giáo tại Bình Định và miền Trung Việt Nam (TS.Dương Thanh Mừng); Hòa thượng Liên Tôn qua bài Hòa thượng Liên Tôn và tư tưởng Tịnh độ nhân gian (ĐĐ.Thích Đồng Thành); Hòa thượng Huệ Đăng với bài Hòa thượng Huệ Đăng người tiên phong với trào lưu diễn nghĩa kinh điển Phật giáo Việt Nam (TT.Thích Đồng Bổn); và một số vị khác như Hòa thượng Tâm Đạt, Pháp sư Phổ Tuệ, Pháp sư Trí Độ, Thiền sư Huệ Pháp, Hòa thượng Thọ Sơn...

Ngoài ra, các bài viết về giáo dục Phật giáo, Ni giới Phật giáo, cũng được đặc biệt lưu ý tại phiên thảo luận của chủ đề này. Trong đó phải kể đến hai bài viết đặc sắc là: Lược sử giáo dục Phật giáo Bình Định từ đầu thế kỷ XX đến nay (ĐĐ.Thích Nhuận Huệ) và Cuộc đời và đạo nghiệp hai bậc tôn túc của Ni giới Bình Định (Ni sư Hồng Hạnh).

Đối với tiểu ban thứ 2, thảo luận về Danh lam cổ tự và Di sản Hán Nôm Bình Định có số lượng tham luận chiếm thứ 2 trong số 4 nội dung, với 20 tham luận. Mở đầu phiên tham luận này là bài Về sự đặc sắc của sự tích Hòn Vọng Phu ở Bình Định, do PGS.TS.Nguyễn Thanh Tùng thuyết trình, được đánh giá là bài viết có sự khảo sát công phu từ nhiều tư liệu Hán Nôm, với nhiều cứ giải thú vị.

Bên cạnh đó còn có các bài viết gắn liền với di sản Hán Nôm Phật giáo nói chung, đó là bài của PGS.TS.Đoàn Lê Giang, khi đề xuất một cách hiểu mới khi tiếp cận bài Truy Tán Vạn Hạnh Thiền sư của vua Lý Nhân Tông, mà theo PGS.TS.Nguyễn Công Lý, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, đây là cách hiểu hợp lý, hợp lẽ và thuận tình hơn hết.

 

H5.jpg

Tiểu ban 3, phiên 1 thảo luận sôi nổi về Văn học Phật giáo Bình Định

Ở nội dung thảo luận Văn học Phật giáo Bình Định tại phiên thứ 3, với 18 tham luận và nội dung Văn học Bình Định tại phiên thứ 4 có 29 bài tham luận được công bố trong kỷ yếu (tập 2), đã cho thấy một khái niệm văn học Phật giáo được hiểu theo nghĩa rộng và mang tính mở hơn. Phát biểu trong báo cáo đề dẫn HTKH của mình, PGS.TS.Nguyễn Công Lý cũng cho biết: “Văn học Phật giáo không chỉ là những sáng tác của các vị Thiền sư, cao Tăng viết về Phật, về Thiền, hay trực tiếp trình bày các giáo lý tư tưởng nhà Phật, mà còn là các sáng tác của những tác giả thế tục viết về cảnh già-lam, sư sãi, ít nhiều thể hiện cảm quan Thiền Phật. Từ đó có cái nhìn rộng mở về văn học Phật giáo Bình Định thời hiện đại”.

Tại các phiên thảo luận dịp này, các diễn giả cũng như chủ tọa đoàn, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện từ phía đại biểu tham dự, qua đó, tạo điều kiện làm sáng rõ các tham luận nghiên cứu, góp phần đem đến không khí trao đổi tri thức sôi nổi về các vấn đề Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Giao Hảo

Theo giacngo.vn

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang