GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Giác Lâm 1929- 2012

 

 

Hoà Thượng thế danh Phan Công Thành, pháp danh Nguyên Trạch, tự Chí Công, hiệu Giác Lâm, thuộc đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán.

Hòa thượng sinh ngày 10 tháng 8 năm 1929 ( Kỷ Tỵ ), tại Làng Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình định trong một gia đình nhiều đời có truyền thống Phật giáo. Thân phụ là Cụ ông Phan Trị pháp danh Nguyên Bình, thân mẫu là Cụ bà Đặng Thị Trình pháp danh Nguyên Sính. Ngài là người con thứ 8 trong gia đình có 9 người con.

 Năm lên 12 tuổi (1940 ) do túc duyên nhiều đời, lại thêm thường theo Mẫu thân về Tổ đình Thiên Đức tụng kinh bái sám, cảm mến đạo phong của Chư Tăng, Hòa thượng đã được song thân đồng ý cho xuất gia đầu sư với Hòa thượng Tâm Tịnh – Huệ Chiếu, Trú Trì Tổ đình Thiên Đức, thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

 Năm 1952, được sự cho phép của Bổn Sư, Hòa thượng đã thọ Tỳ kheo giới tại Đại giới đàn tổ chức tại Tổ đình Thiên Bình – An Nhơn, do Hòa thượng Tâm Đạt làm Đàn chủ, Chứng minh Giới Đàn là Hòa Thượng Tâm Tịnh – Huệ Chiếu Tổ đình Thiên Đức, Đường Đầu Hòa thượng là Hòa thượng Thích Huệ Chiếu Tổ đình Thập Tháp, Yết ma là Hòa thượng Phúc Hộ, Tổ đình Từ Quang Phú Yên, giới tử đồng đàn của giới đàn nầy có chư Hòa thượng Liễu Không, Giác Ngộ, Đỗng Minh . . .

Năm 1954, sau khi chấm dứt chiến tranh, tuy đều đã khá trưởng thành nhưng được sự khuyến khích của Đại Sư huynh và là Giáo thọ đầu đời là Hòa thượng Giác Tánh, Hòa thượng cùng với Đoàn Tăng sinh 12 vị vào Khánh Hòa tòng học chuyên khoa Kinh Luật Luận tại Phật học Đường Trung phần tại Nha Trang, do Hòa thượng Thích Huyền Quang làm Giám đốc, sau đó là Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám đốc. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp Phật học đường Nha Trang Hòa thượng cùng một số Chư Tăng trở lại quê nhà Bình Định tham gia giảng dạy tại hai Phật học viện Nguyên Thiều (1960 – 1970) và Phật học viện Phước Huệ – Thập Tháp (1970 – 1975 ). Môn dạy chính của Hòa thượng là Luật, Nghi lễ. Thời gian cộng hành cùng Chư Tôn Túc tại Tu viện Nguyên Thiều gần 10 năm.

Năm 1965, do chiến tranh ác liệt , ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt tu học tại Tu viện Nguyên Thiều, nên Tăng sinh Tu viện Nguyên Thiều phần lớn tản cư lưu trú tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn. Hòa thượng cũng về Tổ đình Long khánh với trọng trách là quản lý và chăm sóc Tăng sinh của Tu viện Nguyên Thiều, lo đời sống vật chất cho Chư Tăng tạm lánh chiến tranh ấy. Sau Hòa thượng có tham gia dạy giáo lý cơ bản cho Học sinh Trường Trung học Bồ Đề Quy Nhơn; dạy luật Tứ phần và Nghi lễ cho lớp học Gia giáo tại Tổ đình Long khánh. Lúc bấy giờ số lượng Tăng sinh của Tổ đình Long Khánh và Tu viện Nguyên Thiều lưu trú tại Tổ Đình Long Khánh là trên 100 vị.

Năm 2007, Hòa thượng cùng đoàn Cao Tăng Bình Định được Ban Tổ chức IOC của Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Thái Lan cung thỉnh đến Bangkok để chứng minh và sám chủ cho một Trai đàn Chẩn tế để trình bày sắc thái, âm điệu cổ truyền của Nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam, đặc biệt để cầu nguyện Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Từ năm 1965 đến nay 2012, Hòa thượng thường trú tại Tổ đình Long Khánh. Trước năm 1975, Hòa thượng có độ 4 Đệ tử xuất gia nhưng vì hết duyên nên bốn vị Đệ tử ấy đã lần lượt hoàn tục. Cũng từ đó, Hòa thượng sống thanh đạm nơi liêu tranh trong khuôn viên Tổ đình Long Khánh tham cứu Phật pháp, nghiên tầm Kinh Luật và Nghi lễ Phật giáo.

Theo Hòa thượng, Lễ nhạc là điều quan trọng cho đời sống của con người, ngoài cơm ăn, áo mặc, nhà ở .v.v…vì đời thiếu lễ sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn mất trật tự, thiếu nhạc thì sẽ khô khan ảm đạm. Do đó, Hòa thượng rất tâm đắc với môn Nghi lễ Phật giáo, tác phẩm đầu tay của Ngài là 4 tập Hành lễ nghi thức Phật giáo, xuất bản năm 1973, sau đó tái bản nhiều lần, được Chư Tăng toàn quốc hoan nghênh, ngoài vấn đề sử dụng để hành lễ, nó còn bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo. Hòa thượng đã biên soạn nghi thức khai đạo giới tử và được Ban Kiến đàn cung thỉnh làm Tuyên Luật sư tại các Đại giới đàn Nguyên Thiều năm 1989, Giới Đàn Phước Huệ năm 1994, Giới Đàn Chánh Nhơn năm 2000, Giới đàn Huệ Chiếu năm 2004, Giới Đàn Giác Tánh năm 2009.

 Ngoài ra, Hòa thượng còn dày công biên soạn và ấn hành các tác phẩm :

– Hành Lễ Nghi thức Phật giáo 1973, tái bản lần thứ 2, 1999.

– Sử Ba mươi ba vị Tổ Ấn Hoa, năm 2002.

– Luận giải Nghi lễ Phật giáo Việt Nam (11 tập, năm 2005).

– Nghi pháp Khai đạo giới tử Đại giới đàn Cổ Pháp tại Lang Mai, Pháp quốc năm 2006.

– Phật giáo Nghi Lễ giáo khoa Trung cấp năm 2007.

– Tịnh độ pháp yếu, năm 2010.

– Phật giáo Nghi lễ sơ cấp, năm 2011.

Cuộc đời của Hòa thượng ngoài việc tham gia giảng dạy đào tạo Tăng tài, Hòa thượng còn nghiên cứu và biên soạn Nghi Lễ Phật giáo nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt nam, và phát huy giá trị ảnh hưởng đích thực đến đời sống tâm linh nhờ âm nhạc và lễ nghi Phật giáo. Hòa thượng muốn để lại cho đàn hậu học biết rằng :“Giáo lý thậm thâm vi diệu bao nhiêu, thì Lễ nhạc Phật giáo phải tương quan với giáo lý ấy như bánh xe phải gắn liền với trục xe vậy. Trong thời đại hội nhập nầy, chúng ta là người con Phật phải cùng nhau mỗi người một tay đẩy cổ xe Đại thừa của Ban Nghi lễ Phật giáo vững bước đi lên và tâm niệm rằng Lễ nhạc Phật giáo là phương diện tốt nhất trong vấn đề Hoằng pháp, và phải đặt Nghi lễ vào vị trí xứng hợp trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.”

Hóa duyên đã mãn, sau thời gian lâm trọng bệnh, tuy đã được các vị Y, Bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng tuổi cao sức kiệt, Hòa thượng đã thâu thần thị tịch lúc 21 giờ 30 ngày mồng 08 tháng 5 năm Nhâm Thìn, tức ngày 26/6/2012, tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn. Trụ thế: 84 năm, Hạ lạp: 62 năm.

NAM MÔ TỰ LÂM TÊ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TỨ THẾ THIÊN ĐỨC TỰ Húy Thượng NGUYÊN Hạ TRẠCH, Tự CHÍ CÔNG, Hiệu GIÁC LÂM HÒA THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH – TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.

Lên đầu trang