Hoà thượng Thích Huệ Pháp, thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi (1887), tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh là cụ Nguyễn Vĩnh, một bậc lão Nho, tinh thông cả Dịch lý, toán số. Cả cuộc đời Ông mở lớp gia giáo phổ biến Nho học nên ông có nhiều học trò và người dân Quảng Ngãi đều nghe danh tiếng của ông. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão Nho trong làng. Hòa thượng Thích Khánh Anh, bậc cao Tăng đống lương của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, là cháu gọi Ngài bằng cậu ruột. Thừa hưởng nền giáo dục Nho giáo bài bản từ cha mẹ nên lớn lên Ngài trở thành một bậc thâm Nho.
Ngài được kết duyên với Phật pháp từ rất sớm. Khi còn nhỏ, Ngài được mẹ dắt đến chùa Cảnh Tiên gần nhà lễ Phật và nghe pháp, được cha đưa về tổ đình Thiên Ấn học giáo lý với quý tôn đức. Nhờ duyên lành này mà Hoà thượng đã xuất gia với Hòa thượng Thích Hoằng Thanh, pháp danh Ấn Tịnh, hiệu Kim Liên chùa Cảnh Tiên. Hoà thượng được bổn sư đặt pháp danh là Chơn Phước, tự Đạo Thông, hiệu Huệ Pháp, đời thứ 7 thiền phái Chúc Thánh.
Hoà thượng xuất gia tu học ở Quảng Ngãi nhưng thuộc dòng truyền thừa Chúc Thánh. Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sơn tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam và tổ sư Minh Hải Phật Bảo khai sơn tổ đình Thiên Ấn, Quảng Ngãi cùng đời thứ 34 dòng Lâm Tế. Khi sang Việt Nam hành đạo, tổ sư Minh Hải Pháp Bảo đã thành lập dòng truyền thừa Chúc Thánh. Sau khi tổ sư khai sơn tổ đình Thiên Ấn viên tịch, các đời kế thừa mang pháp húy là Thiệt Úy (tự Chánh Thánh, hiệu Khánh Vân), Pháp Châu, Toàn Chiếu (Trí Minh, hiệu Bảo Ấn), Chương Khước (tự Tông Tuyên, hiệu Giác Tánh)…thuộc dòng truyền thừa Chúc Thánh. Tổ sư Chương Khước có đệ tử pháp danh Ấn Tịnh trụ trì chùa Cảnh Tiên. Tổ Ấn Tịnh - Hoằng Thanh là bổn sư của Hoà thượng Thích Huệ Pháp.
Sau khi thọ cụ túc tại tổ đình Thiên Ấn năm 1911, Hoà thượng đã trải qua thời gian 3 năm tu học tại tổ đình với chư Tổ sư nơi đây. Năm 1914, Hoà thượng vân du vào Bình Định và hoằng pháp ở đây cho đến khi viên tịch vào năm 1975, hưởng thọ 89 tuổi. Cuộc đời hành đạo của Hoà thượng cho thấy những đóng góp của Hoà thượng cho Phật giáo Bình định lúc bấy giờ. Sự đóng góp của Hoà thượng ở các lĩnh vực sau:
Về giáo dục
Vào Bình Định, Ngài tham học với quốc sư Phước Huệ chùa Thập Tháp Di Đà, An Nhơn và pháp sư Phổ Huệ chùa Tịnh Lâm, Phù Cát. Sau thời gian học đạo, trau dồi tri thức và phẩm hạnh, Ngài được chư tôn đức tín nhiệm cung thỉnh giảng dạy cho Tăng Ni tại các trường hạ, trường hương, Phật học viện và thỉnh vào hàng thập sư để truyền giới cho giới tử tại các giới đàn trong và ngoài tỉnh.
Những thập niên đầu của thế kỷ XX trường Phật học được thành lập bên cạnh các trường hạ, trường Hương. Ngài đã tham gia giảng dạy kinh, luật, luận tại tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn dưới sự chủ giảng của quốc sư Phước Huệ. Khi Hội Lưỡng Xuyên Phật Học do Hòa thượng Thích Khánh Hòa thành lập vào năm 1934 tại Trà Vinh, được sự thỉnh mời của chư tôn đức điều hành hội, Ngài cho Hòa thượng Thích Khánh Anh vào giảng dạy và chính Ngài đảm trách điều hành giảng dạy lớp Ni.[1] Ngoài ra, Ngài cũng tham gia giảng dạy kinh, luật, luận cho các trường hương, trường hạ trong tỉnh.
Những bậc tôn túc rường cột của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 như Hòa thượng Thích Khánh Anh, Hòa thượng Thích Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Bình Chánh, Hòa thượng Thích Huyền Ấn, Hòa thượng Thích Huyền Quang…đều có thời gian học với Ngài.
Về Phật sự tuyển người làm Phật trong tương lai, Ngài được cung thỉnh vào hàng thập sư cho nhiều giới đàn trong và ngoài tỉnh. Ngài được cung thỉnh làm tôn chứng cho giới đàn chùa Trường Giác, Tuy Phước năm 1917; làm Giáo thọ A-xà-lê cho giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát năm 1924; làm Yết-ma A-xà-lê cho giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi năm 1925 và chùa Thiên Đức, Tuy Phước năm 1942; làm chứng minh đại giới đàn tại chùa Thiên Bình, An Nhơn năm 1947; làm Hòa thượng đường đầu giới đàn chùa Nghĩa Phương, Nha Trang năm 1957 và giới đàn chùa Minh Tịnh, Quy Nhơn năm 1963.
Trên con đường hoằng pháp độ sanh, Ngài đã tiếp nhận xuất gia cho hàng trăm đệ tử nhưng vì hoàn cảnh đất nước bất ổn nên phần lớn hoàn tục và đã viên tịch. Những vị đệ tử tiêu biểu hiện còn là Hòa thượng Thích Trí Giác, pháp danh Như Hùng viện chủ tổ đình Minh Tịnh, Quy Nhơn; HT Thích Như Trực viện chủ chùa Minh Hòa, Sài Gòn; HT Thích Trí Châu, Bà Rịa Vũng Tàu; HT Thích Trí Viên chùa A Di Đà, Hoa Kỳ;…Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người và phần lớn đã từ trần. Rất nhiều người ở Quy Nhơn mang pháp danh bắt đầu chữ Như là đệ tử quy y với Ngài.
Qua những gì đã đóng góp, có thể nói Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư, bậc thầy truyền giới có sự đóng góp lớn về lĩnh vực giáo dục cho Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo cùng quý tôn đức đương thời.
Để ghi nhận sự đóng góp cao quý của Ngài, triều đình Huế đã ban biển Sắc tứ cho chùa Minh Tịnh và ban Độ điệp và Giới đao cho Ngài giữ chức Tăng cang (năm 1944 nhằm năm Bảo Đại thứ 19). Có thể nói, đây là một sự vinh dự cho Ngài và sơn môn Minh Tịnh.
Sự đóng góp về văn học
Trong cuộc đời hành đạo, Hòa thượng Thích Huệ Pháp không để lại nhiều tác phẩm văn học để được xuất bản thành sách mà chỉ để lại một số câu đối, bài kệ. Tuy nhiên, các câu đối, bài kệ ấy có nội dung sâu sắc nói lên sở ngộ của Ngài. Ở đây, chúng tôi trích một số câu đối, bài kệ để dẫn chứng:
Về câu đối mang tên chùa Minh Tịnh, xin trích 2 câu tiêu biểu:
Minh cảnh tuyệt thân sơ, khứ giả bất lưu lai bất cự,
Tịnh tâm vong ký ức, lâm hề phi tịch thị phi huyên.
Dịch nghĩa:
Gương sáng chẳng hiềm thân sơ, người đi chẳng cần lưu, kẻ đến chẳng hề đuổi
Lòng tịnh không nhớ ký ức, rừng sâu không thấy vắng, chợ đông không nghe ồn.
(Như Tịnh dịch)
Hay:
Minh tư đạo, giác tư dân, trực chỉ vân phi thiên nguyệt lãng,
Tịnh bổn tâm, chương bổn Phật, viên âm lôi hưởng hải phong triều.
Dịch nghĩa:
Làm sáng nơi đạo, đánh thức nơi dân, thẳng nẻo vạch mây cho nguyệt rạng,
Lặng yên ấy tâm, huy hoàng ấy Phật, cất lời sấm dậy gọi triều lên.
(Như Tịnh dịch)
Cặp đối 1 biểu đạt ý của Ngài là người tu chân chánh thì không phân biệt thân sơ, không dính mắc vào cảnh trần. Kẻ đến, người đi đều tùy duyên tan hợp. Tâm thanh tịnh sống “hiện tại lạc trú”, tỉnh thức từng phút giây thì dù ở rừng hay ở chợ thì tâm đều thấy an vui tự tại. Đây chỉ trạng thái tâm của người đạt được sự tu chứng. Về ý nghĩa, câu đối này cũng có ý tương đồng với câu kệ của Sơ tổ Trần Nhân Tông trong bài cư Trần Lạc Đạo Phú: “ở đời vui đạo hãy tùy duyên…” và cũng hợp với lời dạy của đức Phật trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, số 131 kinh Trung Bộ: “quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng…chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây…”
Cặp đối 2 nói về nhiệm vụ của người xuất gia là làm cho đạo pháp truyền bá đến nhiều người để đánh thức tâm thiện của họ, chỉ rõ con đường tu tập giác ngộ giải thoát. Khi tâm thanh tịnh, Phật tánh hiển bày thì mọi lời nói ra đều là pháp âm vi diệu đi vào lòng người. Đó là thực hiện di huấn của đức Phật “hoằng pháp lợi sanh” vậy.
Học từ chư vị tổ sư, Ngài cũng xuất kệ cho đệ tử nhằm áp dụng tu tập và vận dụng như là một biệt phái nếu có thể. Điều này hầu như các tổ sư đều đã thực hiện hoặc trước khi viên tịch hoặc trong khi còn tại thế. Tại Bình Định, cùng thời với Ngài cũng có Hoà thượng Trí Hải-Bích Liên xuất kệ biệt phái.
Bài kệ của Ngài có nội dung:
Chơn như giác tánh hải
Ứng hóa tổng tùy duyên
Trang nghiêm vạn đức cụ/thạnh
Bình đẳng nhứt thể viên
Minh huy siêu nhật nguyệt
Tịnh tịch chiếu tâm thiên
Huệ quang đằng pháp giới
Đạo mạch quảng thông truyền
Tạm dịch:
Vào tánh giác Chơn như
Tùy duyên đều hóa độ
Đầy đủ phước trang nghiêm
Thể tròn đầy bình đẳng
Sáng soi hơn nhật nguyệt
Vắng lặng tâm chiếu diệu
Trí trùm khắp pháp giới
Phật pháp khắp lưu truyền
Khi đạt được chơn như Phật tánh thì sẽ tùy duyên hóa độ chúng sanh. Với phước đức trang nghiêm, thể tánh tròn đầy sáng hơn vầng nhật nguyệt, tâm thanh tịnh, trí tuệ rạng soi chiếu khắp muôn nơi thì Phật pháp sẽ được lưu truyền rộng rải. Nói cách khác, khi có bậc đắc đạo xuất hiện trên cõi đời thì ánh sáng Phật pháp sẽ được lưu truyền rộng rãi. Cuộc đời của Ngài đã chứng minh những gì Ngài nói và làm. Suốt cuộc đời, Ngài không đau bệnh cho đến khi viên tịch. Đặc biệt trước lúc viên tịch, Ngài biết trước ngày giờ và gọi chúng đệ tử đến để dặn dò. Di chúc xong, Ngài ngồi niệm Phật ra đi tự tại.
Sự đóng góp về cơ sở tự viện:
Khi vào Quy Nhơn, Ngài được hai Phật tử Trừng Quy và Trừng Quế cúng đất và Ngài đã khai sơn chùa Minh Tịnh. Trong cuộc đời hành đạo, Ngài đã khai sơn và chứng minh khai hiệu tự nhiều chùa khác như chùa Giác Hải, Nhơn Hải năm 1958; chùa Minh Lộc, Quy Nhơn, chùa Minh Long, chùa Nhơn Từ và chùa Huệ Khánh, Nhơn Phúc; chùa Linh Tượng, Tây Sơn; chùa Kim Quang và chùa Kim Hòa, phường Bình Định; chùa Minh Chánh, xã Nhơn Hậu, chùa Minh Quang, An Khê; chùa Minh Hòa, chùa Minh Đạo, chùa Minh Thiền, Tp. Hồ Chí Minh. Với 9 cơ sở tự viện do Ngài sáng lập hoặc chứng minh khai hiệu tự tại Bình Định, tất cả đều đang hoạt động Phật sự tích cực góp phần làm cho Phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Những hạn chế
Cũng như các thiền sư đương thời, Hòa thượng Huệ Pháp cũng ít để lại những tư liệu mà Ngài đã sáng tác, biên soạn, giảng dạy trong quá trình hành đạo. Có hai lý do lớn lý giải việc thiếu sót này. Một là Ngài không muốn nói về bản thân như lời kể lại của vị đệ tử trực tiếp với Ngài. Hai là chiến tranh và bất ổn trong xã hội tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất bản và lưu giữ các nguồn tài liệu về Phật giáo nói riêng. Mặc dù những gì để lại còn khiêm tốn, Hoà thượng khai sơn chùa Minh Tịnh là một trong những tôn đức đóng góp cho Phật giáo giai đoạn thế kỷ 20.
Tài liệu tham khảo:
Đinh Bá Hòa. Gia thế Đào Duy Từ qua hai cuốn gia phả. http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2012/2/122623/, truy cập, 6/8/2018.
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/chuyen-ve-hai-nguoi-vo-cua-danh-nhan-dao-duy-tu-559906.vov (đăng 14/10/2016, truy cập 6/8/2018).
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn học, 1994.
Thích Đồng Bổn, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ Xx, tập 2, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2002.
Thích Như Tịnh, Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Chúc Thánh, Tp. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2008.
Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Bộ Giáo Dục: Trung Tậm Học Liệu Xuất Bản.
[1] Trong quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang ghi thiền sư Minh Tịnh là dùng tên chùa để gọi tên Ngài. (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn học, 1994, q.3, tr. 61.)