Làm sao có được hòa bình và hạnh phúc trong thế giới đầy biến động và nghi kỵ như hiện nay? Sau đây là chia sẻ của Đức Dalai Lama, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989, một vị Thầy được nhiều người trên thế giới yêu quý.
Buổi sáng, khi thức dậy, tôi bắt đầu suy ngẫm về con người và những cảm nhận chung của chúng ta khi bắt đầu sự sống này trong tình yêu thương vô vàn của người mẹ; đây là điểm chính khiến tôi cảm nhận được sự đồng nhất của tất cả mọi người. Nếu chúng ta luôn ấp ủ, nuôi dưỡng trong tâm cảm giác được yêu thương vô điều kiện từ mẹ mình, và mong muốn đem tình thương đó để chia sẻ với mọi người thì chúng ta sẽ không có lý do gì để cãi nhau với bất kỳ ai. Tuy nhiên, thay vì nghĩ về những điểm chung, chúng ta lại có xu hướng tập trung vào sự khác biệt giữa mình và mọi người.
Đức Dalai Lama |
Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi chỉ nghĩ mình là một con người bình thường ở đó và mỉm cười với mọi người xung quanh. Tôi không nghĩ mình là Dalai Lama hay có gì khác biệt cả. Bất cứ khi nào gặp một người mới quen, tôi cảm thấy họ cũng giống như tôi. Chúng tôi có thể mang tên họ khác nhau, màu da hay mái tóc cũng khác, nhưng những điều đó chỉ là thứ yếu.
Tất cả đều là con người, đều là anh, chị, em của tôi. Khi còn rất nhỏ, tôi sống ở vùng Đông bắc Tây Tạng và chơi đùa với những đứa trẻ ở vùng lân cận, tôi chỉ nghĩ rằng họ cũng giống như tôi. Sau đó, tôi mới biết rằng nhiều đứa trẻ đến từ các gia đình Hồi giáo và gia đình tôi là Phật tử. Nhưng điều đó không thể chia rẽ được chúng tôi.
Chúng ta phải nhớ một điều là tất cả chúng ta đều là con người. Đôi khi quên đi những giá trị cơ bản nhất, như sự rộng lượng và lòng từ bi, khiến chúng ta bị rơi vào định kiến hoặc sự phân biệt đối xử tiêu cực. Bất kể tôn giáo, văn hóa hay sắc tộc của chúng ta là gì, thì ở cấp độ căn bản nhất, chúng ta đều là những con người giống như nhau.
Phật giáo là một truyền thống tâm linh, chú trọng vào thực hành và mối liên hệ giữa bản thân và người khác. Nếu bạn phát triển một cái nhìn tích cực hơn theo cách này, bạn sẽ thấy bình an hơn đối với chính mình, và mối quan hệ của bạn với những người khác sẽ trở nên tự nhiên và tốt đẹp hơn. Nếu so sánh bản thân tôi với người tiền nhiệm của mình, Đức Dalai Lama thứ 13, thì tôi có thể kết nối với người khác dễ dàng hơn. Có lẽ điều này liên quan đến trải nghiệm của riêng mỗi người.
Một điều quan trọng nữa là bạn nên trân trọng những sự tử tế và tình yêu thương mà mọi người dành cho bạn. Gần như tất cả các vấn đề đều xuất phát từ sự thiếu quan tâm đến người khác. Thực ra, tình yêu thương và sự quan tâm căn bản không liên quan đến tôn giáo, đó là những phẩm chất tự nhiên của con người. Một số phương pháp thực hành của Phật giáo có thể giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển cảm giác yêu thương trực quan của chính mình. Nếu chỉ để tình yêu thương ở trạng thái tự nhiên, thì sự tử tế của chúng ta đối với người khác sẽ bị lệ thuộc vào cách mà họ đối xử với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể rèn luyện, trau dồi và mở rộng nó đến cho những người mà chúng ta không kết nối trực tiếp. Đối với một người Phật tử, thì câu nói “nguyện cho tất cả chúng sinh đều được an lành” thực sự có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ.
Bởi vì có trí tuệ, nên con người chúng ta có một lợi thế, đó là có thể hiểu được sức mạnh và giá trị của sự kết nối cũng như sự tử tế là gì. Điều quan trọng là cách chúng ta kết nối với nhau trong tình đồng loại. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới hòa bình hơn, nhưng nếu chúng ta không kết nối với nhau thì sẽ không có cơ sở cho hòa bình tồn tại. Khi chúng ta quan tâm đến người khác thì ý thức về hòa bình của bạn sẽ càng được nuôi dưỡng. Rõ ràng là ở đâu có ít tình thương và sự tử tế thì ở đó sẽ xuất hiện nhiều vấn đề hơn. Đó là lý do tại sao thế giới này cần nhiều tình yêu thương hơn nữa.
Chỉ có giáo dục mới có thể tạo nên sự khác biệt và khiến cho chúng ta mở rộng tâm ra. Nếu không thì vị trí của một người càng cao, họ càng trở nên hẹp hòi và ích kỷ. Một trong những đặc điểm của giáo dục là có thể giúp mọi người có được góc nhìn rộng mở hơn. Đối với thế hệ trẻ đang được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai, các bạn nên ý thức rõ ràng rằng lòng từ bi có vai trò rất quan trọng đối với việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta đều mong muốn hạnh phúc, đây là điểm chung của tất cả mọi người. Tuy vậy, nhiều hệ tư tưởng chính trị lại nhấn mạnh và quá xem trọng sự khác biệt giữa “chúng ta” và “họ”. Như vậy là trái với bản chất và tình cảm của mỗi cá nhân.
Đến Ấn Độ với tâm thế của một người đã từng đi đây đó khắp thế giới, tôi hiểu rằng con người chúng ta, dù là ai hay ở bất kỳ nơi đâu, cũng đều giống nhau, đều có hạnh phúc và khổ đau như nhau. Nhận ra được điều này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và bình an. Bởi khi ta thấy người khác cũng giống như mình, thì tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với họ sẽ đến một cách dễ dàng và tự nhiên. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào sự khác biệt về tôn giáo hoặc chính trị, thì chúng ta chỉ làm tăng thêm cảm giác xa lánh, chia rẽ và bực bội trong tâm mình.
Chúng ta phải cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn. Hãy tìm cách lan tỏa và chỉ cho người khác thấy rằng chỉ tập trung vào bản thân là một góc nhìn rất hạn hẹp, chỉ khi quan tâm đến mọi người thì tâm mới có thể trở nên thênh thang và rộng lớn hơn. Ngay cả từ góc độ lịch sử, hầu hết các vấn đề trên thế giới đều bắt nguồn từ sự ích kỷ. Vì vậy, quan tâm đến người khác là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Hãy trở thành một người hạnh phúc để xây dựng một thế giới bình an.
Tất cả tám tỷ người chúng ta phải sống và giúp đỡ lẫn nhau nhiều nhất có thể. Vì vậy, hãy tu tập và rèn luyện để có hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, và hơn hết, hãy nghĩ về người khác như thể họ là anh, chị, em của chính mình.