GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Đề xuất ý tưởng biểu tượng và trụ kinh Chuyển Pháp luân cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Chương trình tọa đàm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” do Ban Văn hóa Trung ương chủ trương được tổ chức vào sáng 25-9, tại Hội trường khách sạn Vissai Sài Gòn (quận Phú Nhuận, TP.HCM), có sự phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích, Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương cho biết mục đích của tọa đàm nhằm tìm ra những nét đặc trưng chung, thật tiêu biểu trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam; kiến trúc của từng vùng miền, từng hệ phái, để từ đó đưa ra những tiêu chí chung và riêng trong công tác tu bổ, tôn tạo, hay xây dựng mới các ngôi chùa trên toàn quốc.

 

Đề xuất ý tưởng biểu tượng và trụ kinh Chuyển Pháp luân cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ảnh 2

 

Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong phát biểu chào mừng khẳng định dù dưới bất kỳ hình thức, hệ phái nào hay từng vùng miền, địa phương khác nhau thì tầm quan trọng của ngôi chùa trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam là điều không thể phủ nhận.

“Mong muốn chư tôn đức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo cơ quan, tổ chức quản lý văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đóng góp ý kiến, quan điểm thiết thực nhằm góp phần xây dựng một số tiêu chí mang tính “ước lệ” trong kiến trúc Phật giáo VN một số tỉnh Nam Bộ trong thời kỳ hiện đại, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để từ đó “Phật giáo và dân tộc” luôn là một khối đại đoàn kết vững chắc tạo thành mạch hưng thịnh của quốc gia trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Thượng tọa trình bày.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trong phát biểu chỉ đạo thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án xây dựng kiến trúc Phật giáo, nhằm góp phần giúp mọi người nhận biết đặc trưng ngôi chùa Phật giáo Việt Nam của từng hệ phái trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Thượng tọa hy vọng thời gian tới, Ban Văn hóa tiếp tục hoàn thiện các đề án đã được Trung ương Giáo hội giao phó để đưa vào mục tiêu hoạt động của nhiệm kỳ 2022-2027; tập hợp đầy đủ dữ liệu kiến trúc Phật giáo đặc trưng; phân loại các ngôi chùa di sản để hỗ trợ Giáo hội trong việc bảo vệ, xếp hạng di tích; phối hợp với báo chí truyền thông mở các chuyên mục kiến trúc Phật giáo để lắng nghe, tiếp nhận thêm nhiều ý kiến xây dựng của đông đảo quần chúng.

Dịp này, Thượng tọa Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự cũng lưu ý Ban Văn hóa Trung ương cần lưu ý đến các danh hiệu được trao tặng cho các chùa thiếu cơ sở khoa học, đồng thời yêu cầu Ban Văn hóa Trung ương xây dựng các bộ tiêu chí nhằm tham mưu cho Trung ương Giáo hội trong xếp hạng, quản lý tự viện một cách hệ thống, phù hợp với thực tiễn và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Buổi tọa đàm cũng là dịp chư tôn đức, các nhà nghiên cứu thảo luận về đặc trưng kiến trúc và di sản trong kiến trúc của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam vùng Nam Bộ trên tinh thần kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng; thực trạng kiến trúc Phật giáo VN vùng Nam Bộ; vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo. Cũng như thảo luận về biểu tượng mang tính thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam nhằm giúp mọi người dễ nhận diện những nét kiến trúc chung các ngôi chùa thuộc GHPGVN, dù đó là ngôi chùa của bất cứ hệ phái nào.

Đề xuất ý tưởng biểu tượng và trụ kinh Chuyển Pháp luân cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ảnh 6

 

Những ý này sẽ góp phần đưa ra những gợi mở, đề xuất, định hướng thiết kế, xây dựng, trùng tu… các ngôi chùa vừa đảm bảo được tính truyền thống, vừa đáp ứng được các công năng sử dụng theo xu thế mới, Đồng thời, hiển hiện được nét kiến trúc Phật giáo thời đại xã hội chủ nghĩa đối với các ngôi chùa khi xây dựng mới”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nói.

Tinh thần này cũng được Th.S Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trình bày rõ trong phương án dự kiến thiết kế 2 biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đó là logo và trụ kinh Chuyển pháp luân. Ý tưởng này được hoàn thiện sau quá trình nghiên cứu các nền văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, kiến trúc Chăm-pa và điền dã các ngôi chùa đặc trưng của các hệ phái ở Nam Bộ.

Theo đó, logo được lấy ý tưởng từ hoa tiết trống đồng Ngọc Lũ, logo hoa sen của GHPGVN, bánh xe Chuyển pháp luân và biểu tượng hoa sen trong nền văn hóa Óc Eo. Trong khi trụ kinh Chuyển pháp luân được đề xuất khắc kinh Chuyển pháp luân bằng 3 ngôn ngữ: Pali, Việt, Anh và trang trí các biểu tượng chuyển pháp luân trên phần đế, trụ và đỉnh. Cả 2 biểu tượng này đều thể hiện rõ tinh thần đạo pháp và dân tộc Việt Nam.

Tọa đàm cũng nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của chư tôn đức Tăng, Ni, đại diện chính quyền, các nhà nghiên cứu về kiến trúc Phật giáo đặc trưng của các hệ phái Bắc tông, Nam Tông, Khất sĩ để góp phần xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng kiến trúc Phật giáo thống nhất trong đa dạng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo và Dân tộc thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN khẳng định vị trí, vai trò của kiến trúc Phật giáo trong dòng chảy lịch sử của Việt Nam, góp phần tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua tọa đàm, ông cũng mong muốn GHPGVN tìm kiếm và tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng nên một đặc trưng kiến trúc Phật giáo đảm bảo tính dân tộc, nhân văn, thời đại; kiến nghị cần phối hợp với các cấp chính quyền để góp phần hoàn thiện đề án này; đề xuất xây dựng bảo tàng, không gian di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam để bảo tồn, lan tỏa những tinh hoa đó đến quần chúng trong nước và nước ngoài.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TP.HCM kiến nghị Ban Văn hóa Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc của các ngôi chùa theo từng hệ phái để các vị trụ trì có thể tham khảo khi cải tạo hay xây dựng mới. Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An đặt vấn đề nên chăng có sự chọn lọc trong việc kế thừa và bảo tồn kiến trúc Phật giáo phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ được "quốc hồn, quốc túy", mà minh chứng rõ là việc cân nhắc khi lựa chọn liễn đối chữ Nho trang trí trong các ngôi chùa.

Đúc kết tọa đàm, Hòa thượng Bửu Chánh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Văn hóa Trung ương thay mặt Ban Tổ chức tri ân những đóng góp có giá trị của chư tôn đức và của các học giả, chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc Phật giáo, trọng tâm là kiến trúc Phật giáo Nam Bộ, góp phần giúp Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN định hướng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Trên cơ sở những ý kiến phát biểu trong buổi tọa đàm hôm nay, Ban Văn hoá Trung ương cũng như Ban Tổ chức tọa đàm sẽ tiếp thu và tổng hợp để bổ sung xây dựng cho chương trình hội thảo khoa học sắp tới về chủ đề: “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng”, nhằm xây dựng bộ quy chuẩn về kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, đệ trình Hội đồng Trị sự phê chuẩn, làm cơ sở khoa học cho việc định hướng, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo vệ nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Trước đó, Ban Văn hóa Trung ương đã tổ chức đoàn khảo sát các tự viện, chùa chiền tại một số tỉnh Nam Bộ và TP.HCM.

Nguồn: Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ

 

 

Lên đầu trang