GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Khái quát Phật giáo hậu Lê

  1. DẪN NHẬP

          Như chúng ta biết, nhà Hậu Lê xây dựng một bộ máy hành chính quân sự giống như Trung Hoa, và nhờ bộ máy này mà đã tồn tại trong thế kỷ XV. Sang thế kỉ XVI, nhà Hậu Lê bắt đầu suy tàn, triều đình chia năm xẻ bảy. Chính do sự đổ nát của bộ máy Trung Ương, làm cho dân chúng lầm than, giặc giã nổi lên khắp nơi, từ đó đã đưa đất nước vào thời đen tối.

Nói đến Phật giáo thời Hậu Lê, phải chăng là nhắc đến một quá khứ nội chiến của dân tộc. Phật giáo trong lòng dân tộc tất yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng thịnh suy cùng với sự thịnh suy của đất nước. Nhưng qua đó cũng chính là làm nổi bật thêm, tô đậm thêm tính thống nhất không phân chia, tinh thần giải thoát không bị hệ thuộc, cuốn theo tư tưởng quân chủ mà Phật giáo thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ và hành trạng của các thiền sư.

          Thịnh suy như là hai mặt của một cuộc sống. Phật giáo vẫn theo quy luật đó, cực thịnh rồi đến suy, cực suy rồi đến thịnh. Phật giáo Việt Nam kể từ khi du nhập vào đầu khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, đã ăn sâu và bám rễ vững chắc vào lòng dân tộc Việt Nam, đã trải qua hai triều đại hoàng kim cùng với sự cực thịnh của đất nước, đó là thời Lý- Trần. Nhưng kể từ khi triều Trần cáo chung, nếu nói rằng Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn Hậu Lê này suy thoái thì cũng đúng, nhưng đó chỉ là trên phương diện nổi, còn ẩn tàng bên trong vẫn dậy lên một nguồn sống bất tuyệt.

          Đến thời kỳ Trịnh- Nguyễn đất nước bị chia cắt, thường xảy ra nội chiến, Phật giáo cũng phân thành hai Đàng Trong- Ngoài, tuy nhiên đối với các vị thiền sư truyền giáo thì không có chia cắt. Dưới con mắt của các vị thiền sư thì chúa Nguyễn hay chúa Trịnh không có gì khác trên phương diện tham vọng và tâm nguyện, có khác chăng là đường hướng chính sách. Chính vì thế mà hợp duyên thì trụ để hoằng hóa, nếu nghịch duyên thì tìm nơi khác, bởi dù Bắc hay Nam thì chúng sanh cần được hóa độ nào có khác. Do vậy, ở cả hai miền đều xuất hiện những vị thiền sư nổi tiếng như thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành Tại Tại, thiền sư Hương Hải, Chân Nguyên, Nguyên Thiều…đã viết nên những trang sử Phật giáo sáng chói trong thời kỳ này, và cũng là những gạch nối cho mạng mạch Phật pháp xưa và nay.

          Nghiên cứu lịch sử có nghĩa là quay về với những gì xảy ra trong quá khứ, là cái đã qua, cái đã qua thì cố nhiên nó là một hoàn cảnh nhất định, cái nhất định trong một khoảng thời gian nào đó, sự việc diễn tiến với sự bắt đầu và kết thúc bằng một cách nào đó, để rồi hôm nay và mai sau cái lịch sử kia sẽ liên tiếp nối đuôi nhau có mặt.

          Tìm hiểu về giai đoạn Phật giáo thời Hậu Lê, chúng tôi muốn nêu lên một giai đoạn lịch sử, dù rằng thời kỳ này không được vàng son như thời Lý- Trần, song chẳng kém phần hùng tráng, tuy không phô trương nổi bật nhưng tiềm ẩn một sức sống vô vàn. Trong hoàn cảnh khó khăn bao nhiêu thì Phật giáo càng trở nên và thể hiện sức sống mãnh liệt bấy nhiêu.

  1. NỘI DUNG
  2. KHÁI QUÁT PHẬT GIÁO THỜI HẬU LÊ

          Kể từ khi triều đại nhà Lý tồn tại 215 năm (1010-1225) Phật giáo mang tính Quốc giáo, nên phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, từ vua quan cho đến dân. Đến triều đại nhà Trần, tồn tại 175 năm (1244-1400), đầu thời Trần, Phật giáo phát triển đến cực thịnh, nhưng đến giai đoạn cuối thì Phật giáo trên đà đi xuống cùng với sự biến chuyển suy yếu của xã hội. Từ 1400 đến 1477, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, muốn đưa Nho giáo thành quốc giáo vì ngày đó không có chính thể nào khác để học tập ngoài chế độ phong kiến Trung Hoa. Nho giáo không phải là tôn giáo, họ tập trung mở trường đào tạo ra thành phần trí thức để cai quản xã hội. Rồi đến nhà Minh xâm lược, với chính sách ngu dân, đồng hóa nên tất cả tinh hoa văn hóa, sách vở của Đại Việt bị thiêu đốt hoặc chở về Kim Lăng.

          Đến nhà Hậu Lê (1427-1789) là một triều đại phong kiến Việt Nam, nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra, gồm có hai giai đoạn:

          - Lê Sơ (1428-1527) kéo dài 100 năm bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi. Lê Lợi gạt bỏ vua bù nhìn là Trần Cảo, tự làm vua lập ra triều đại mới và kết thúc khi quyền thần Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc.

          - Nhà Lê Trung Hưng (1533-1789) kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi tướng Nguyễn Kim lập tông thất Lê Duy Ninh làm vua Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà Hậu Lê. Kết thúc khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Quốc dưới thời Thanh Cao Tông.

          Như vậy, khi nói đến nhà Hậu Lê thì bao gồm hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Đặc biệt, thời Lê Trung Hưng tuy kéo dài nhưng các vua Lê mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Thời kỳ đầu gọi là Nam Bắc triều, nhà Lê và nhà Mạc chia đôi nước Đại Việt. Còn phần lớn hậu kỳ thời Lê Trung Hưng, nước Đại Việt lại bị chia cắt chúa Trịnh và chúa Nguyễn, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.

          Nói đến thời Lê Sơ là kể từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đến khi Lê Cung Hoàng mất (1257), lúc bấy giờ Phật giáo không phát triển nếu không gọi là giai đoạn “ suy yếu”.

  1. Về văn hóa: Trải qua 15 năm lệ thuộc nhà Minh, một số kinh sách bị tịch thu mang về Trung Quốc. Đất nước suy hóa, kinh tế kiệt quệ, Tăng sĩ Phật giáo số bị bắt hoàn tục, số bị ẩn vào rừng núi để tu tập. Chúng ta thấy rõ điều này qua đoạn trích đưới đây.

“Trước đây, bọn phong kiến nhà Minh trong thời gian đô hộ nước ta đã lợi dụng Phật giáo và Đạo giáo để mê hoặc nhân dân. Chúng truyền bá các hình thức mê tín, tà thuật, phù phép, đào tạo hàng loạt thuật sĩ, đạo sĩ, tăng nhân chuyên sống bằng nghề ma chay, bói toán. Các chùa chiền mất dần ý nghĩa trang nghiêm, ruộng đất nhà chùa cũng tản mát, hoang hóa. Lên ngôi Hoàng Đế, Lê Lợi đặt lệ thi Tăng nhân, buộc các nhà sư phải trên 50 tuổi, thông hiểu kinh Phật và qua một kỳ khảo hoạch mới được nhà nước công nhận, ngoài ra đều phải hoàn tục”[1].

  1. Về tư tưởng: Thời Lê Thái Tổ, Nho giáo phát triển. Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497) là đỉnh cao phát triển của Nho giáo. Vì thế, Phật giáo ít được mọi người chú ý và đề cập đến. Điển hình như Lê Thánh Tông là một người sinh ra ở chùa, nhưng vì thuận theo thời thế, Ông lập hội Tao Đàn gồm 28 người, mà chính Ông lại là Tao Đàn nguyên soái. Thế mới biết Nho giáo phát triển tới mức nào. Thuyết “Tam giáo đồng nguyên” không phải thời này mới có, nên các nhà sư lúc bấy giờ về ở ẩn và đành phải chấp nhận thuyết này. Chúng ta cần phải hiểu sự dung thông của Tam giáo thời Lý-Trần khác hẳn với dung thông của Tam giáo thời Lê này. Các vua thời này có nhiều chính sách làm hạn chế Phật giáo để đưa Nho giáo đến địa vị độc tôn. Tuy nhiên, Nho giáo không phải là tôn giáo, Nho sĩ cũng không thể thay thế chư Tăng, đạo sĩ được. Nho sĩ chỉ biết dạy học, cho chữ chứ không biết cúng, không biết trấn an mọi người về mặt tâm linh. Điều này cho thấy, tuy Nho giáo du nhập vào Việt Nam đã lâu, nhưng mức độ phổ cập của nó không thể nào so sánh được với đạo Phật. Chứng cớ là tâm sự của nho sĩ Lê Quát đời Trần được chép trên một văn bia đặt tại chùa Thiên Phúc ( Bắc Giang).

“Ta từ lúc nhỏ đọc sách, chăm lo việc cổ kim, cũng rõ được ít nhiều đạo lý thánh hiền, để khai hóa thứ dân, mà chưa được người trong một làng tin ta. Ta thường đi du lãm sơn xuyên, cùng Nam cực Bắc, tìm những chỗ gọi là học cung, là văn miếu, thì rất ít thấy, vì vậy ta rất hổ thẹ với Phật đồ, cho nên mới viết ra bài này”[2].

 Đạo Phật đã gần gũi với người dân như vậy thì chùa không thể xa dân. Nếu ngôi Đình biểu trưng cho ngôi thứ, tôn ti trật tự của Nho giáo, thì ngôi chùa lại thể hiện tinh thần bình đẳng, dân chủ của Phật giáo.

  1. Về xã hội: Xã hội thời kỳ này khá ổn định. Thế kỷ 15 là thời kỳ thịnh trị của quốc gia trung ương tập quyền trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam. Nhưng trong thời kỳ thịnh trị đó, nhà Lê đã mang sẵn mầm móng suy yếu. Bước sang thế kỷ 16, bên trong chế độ nhà Lê, những mâu thuẫn bắt đầu bộc lộ gay gắt dẫn đến cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt và những cuộc xung đột giữa các tập đoàn thống trị đối lập.

          Bộ luật Hồng Đức được ra đời vào thời Lê Thánh Tông. Trong bộ luật này tuy không đề cập đến Phật giáo nhưng không phải là không có ảnh hưởng. Các vị thiền sư tuy không còn là những Tăng quan thời Lý-Trần, nhưng khi đất nước cần các Ngài vẫn xuất hiện.

  1. Về nghệ thuật: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở thời Lê Sơ không phát triển. Các công trình Phật giáo như chùa chiền, chuông tượng bị tàn phá nhiều ở những năm cuối đời Trần và đô hộ Minh, không có điều kiện phục hồi do sự hạn chế của nhà nước. Các vua Lê không chủ trương xây dựng thêm nhiều công trình mới. Cổng Đình xây thấp, hàm ý phải vào luồn ra cúi. Nghi lễ rượu phải “Tam tuần”, cúng đủ “Tam sinh”…

          Đến thời Lê Mạc (66 năm) 1527-1592. Sau khi Lê Cung Hoàng mất, nhà Mạc nổi lên gọi là Ngụy Mạc, gồm 5 đời. Lúc này chùa chiền xây dựng nhiều, nghệ thuật tạc tượng lên đến đỉnh cao và xuất hiện sùng bái tín ngưỡng Quan Thế Âm, đặc biệt tượng thời kỳ này rất đẹp. Chính vì xã hội đương lúc nhiễu nhương nên pháp lễ “Ngũ bách danh” ra đời với những câu thiết thực và ý nghĩa như: Thập phương quốc độ vô sát bất hiện thân… Bên cạnh đó, vì cuộc sống khổ đau, bế tắc nên Bụt xuất hiện như một vị cứu tinh, với những câu chuyện thần thoại: Tấm Cám, Cây tre trăm đốt… Lúc này văn hóa vật thể và phi vật thể đã có mặt, ngoài ra còn xuất hiện hình thức các thầy cúng.

          Nhìn chung, thời Mạc rất chú ý đến Phật giáo, tuy nhiên vì tình trạng chiến tranh nên bị hạn chế. Lúc này với sự ra đời của Quan Âm Nam hải, Quan Âm Bạch Y, Quan Âm Bảo Tử. Qua đó, cho thấy Phật giáo đi vào cuộc sống của những người lao động, luôn luôn có mặt với những người nghèo khổ nhằm giúp cho họ được an lạc. Đó chính là tinh thần từ bi của Tôn giáo.

          Nói đến Phật giáo thời Hậu Lê chúng ta không thể không nói đến giai đoạn Phật giáo trong thời kỳ đất nước bị chia cắt thành hai miền.

  1. KHÁI QUÁT PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG VÀ ĐÀNG NGOÀI THỜI HẬU LÊ.

          Theo dòng lịch sử thì Phật giáo có mặt rất sớm, vào khoảng những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch. Suốt thời gian tồn tại, ảnh hưởng sâu rộng và thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng. Hầu như dân tộc Việt nam gắn liền với Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có thể thấy vấn đề này rõ nhất qua những thời đại chuyển mình của đất nước. Nhưng đến thời Lê Sơ, đất nước không ổn định, xã hội rối ren thì Phật giáo cũng “suy”.

          Đức Phật nói, cái gì càng cao thì sự sụp đổ càng mau. Thành ra đạo Phật hưng thịnh thì cũng bắt đầu cho sự việc suy vong. Vì cực thịnh, một số Tăng sĩ trong Phật giáo đã lợi dụng của đàn na tín thí để làm sở hữu cá nhân cho riêng mình, rồi từ đó tranh giành với nhau, hủy báng nhau, từ đó dần dần đem đến sự suy tàn của Phật giáo.

 “Xét lại Tăng giới hiện thời ở nước ta, phần nhiều không chuyên tâm về học vấn, kẻ hảo tâm thời lo độc thiện, có khi lạc vào cái chủ nghĩa yếm thế nên không biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; mình đã chẳng biết thời làm sao truyền bá ra cho người khác biết được? Phật lý đã không rõ rệt, nên những kẻ tại gia tín ngưỡng phần nhiều là mê tín, chỉ biết đốt hương cầu khấn Phật, Thần phù hộ, cho cuộc đời mình được sung sướng thảnh thơi mà thôi, chớ ít có ai tiêm nhiễm một chút từ bi bác ái. Thành ra cái chùa Phật hình như cái bảo hiểm công ty, thời tránh sao khỏi những kẻ gian tà, họ lợi dụng để mưu kế sinh nhai, khiến cho trong Tăng giới hằng ngày diễn tấn bi kịch”.[3]

Vì thế triều đình có những chế định, quy điều để ràng buộc Tăng già, để Phật giáo nương theo đó mà phát triển.

“Lê Thánh Tông hạn chế Phật giáo và Đạo giáo chặt chẽ hơn. Năm 1461, nhà nước cấm quan lại, nhân dân không được xây thêm chùa mới, tự tiện đúc chuông, tô tượng. Hoạt động của bọn thầy cúng, thầy bói, đạo sĩ bị ngăn cấm. Các nhà sư uống rượu, ăn thịt đều bị hoàn tục, phạm tội dâm ô thì bị lưu đày. Năm 1471, Thánh Tông đặt ti Tăng lục và Đạo lục chuyên trách Đạo giáo và Phật giáo…”[4]

          Trở lại vấn đề chúng ta thấy, để ổn định trật tự xã hội và củng cố chính quyền nên triều đình phải dùng Nho giáo, vì thế Phật giáo không được ủng hộ như trước. Nên tư tưởng dung thông tam giáo giữa hai giai đoạn: Thế kỉ XI- XIV và XVI-XVIII có ý nghĩa và mục đích khác nhau. Nhưng Phật giáo vẫn phát triển âm thầm. Tiếp theo là vào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh hai Đàng Trong-Ngoài với hai hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đàng ngoài xã hội suy nên Phật giáo cũng không phát triển, trong khi Đàng Trong thì xã hội ngày một hưng thịnh.     

Cuộc sống nhân sinh trong thời đất nước suy vi cũng đã làm cho nhiều người quay về với đạo Phật. Đối với quần chúng, sự phản tỉnh này chỉ như một nguồn an ủi tâm linh làm nơi nương tựa tinh thần để vơi đi những khổ đau đang chế ngự trong lòng người dân Việt. Đối với vua quan, họ quy hướng vào đạo Phật và ủng hộ đạo Phật nhưng đây chỉ là để tạo dựng công đức cho dòng họ chứ họ không biết lấy tinh thần Phật giáo làm chủ đạo cho việc trị quốc an dân. Tuy nhiên, sự phản tỉnh của quần chúng và tầng lớp cai trị đã tạo thành môi trường thuận tiện cho sự phục hưng Phật giáo, sự phục hưng này được đẩy mạnh nhờ hai động lực.

          Thứ nhất là có nhiều cao tăng từ Trung Hoa qua Đại Việt hành đạo, đem qua một nguồn sinh lực cho đạo Phật Việt Nam (đặc biệt lúc này là Phật giáo Đàng Trong).

Thứ hai là tầng lớp trí thức, đứng trước bao cảnh dâu bể của nhiều triều đại kế tiếp nhau đã bắt đầu xoay sang nghiên cứu Phật học, rồi nhiều người đã xuất gia để trở thành một nguồn nhân lực mới cho cuộc phục hưng Phật giáo.

“Thế kỷ XVI, XVII Phật giáo lại được phục hồi ở cả hai miền, “Vua chúa, phi tần, quan lại đua nhau theo Phật, góp tiền, cúng ruộng cho các chùa. Từ thời Mạc, các chùa Thiên Hựu, Bảo Phúc (Hà Tây)…được sữa chữa, các chùa Viên Giác, Hưng Phúc (Hải Dương), Sùng Quang (Hà Nội) được xây dựng. Thời Lê-Trịnh, Trịnh Tạc cho trùng hưng chùa Tây Phương (Hà Tây), Trịnh Cương bắt dân ba huyện sửa chữa lại chùa Phúc Long (Bắc Ninh) suốt 6 năm liền không xong, phải bỏ, chùa Tây Thiên (chân núi Tam Đảo), chùa ở núi Độc Tôn (Bắc Thái).., Trịnh Giang bắt dân ba huyện Hải Dương sửa lại chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), Sùng Nghiêm (Hải Dương), chùa Hương Hải (Hải Dương), tạc tượng Phật đặt ở chùa Quỳnh Lâm v.v… Ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng cho dựng chùa Thiên Mụ (năm 1601), các chúa sau nhiều lần trùng tu và xây thêm nhiều chùa khác, cho người sang Trung Quốc xin kinh Đại Tạng. Nhân dân nhân đó cũng đổ công sức, tiền bạc vào tu sửa, xây dựng chùa, theo Phật. Nhưng nhìn chung Phật giáo không còn thịnh đạt như ở Thời Lý-Trần, các nhà chùa không còn là những trung tâm vừa để giảng đạo vừa có một nền kinh tế phong phú”.[5]

          Trải qua bao thời đoạn của lịch sử chúng ta thấy cội nguồn dân tộc đã hòa quyện với môi trường Phật giáo, một môi trường tâm linh lành mạnh và khoa học, nên theo giáo sư Nguyễn Khắc Thuần thì: “Chùa chiền, diễn đạt theo cách nói hiện đại, thực sự là những trung tâm văn hóa của xã hội”.[6]

  1. KẾT LUẬN

          Phật giáo Việt Nam ảnh hưởng bởi sự kết tinh của hai luồng văn hóa lớn từ Ấn Độ và Trung Quốc. Nhờ sự hòa nhập khéo léo nhuần nhuyễn của Phật giáo mà người dân bản địa tiếp thu tư tưởng Phật giáo dễ dàng. Đó chính là nền tảng dẫn đến sự phát triển ở những giai đoạn sau này. Thời đại Lý-Trần, Phật giáo được xem là thời đại hoàng kim. Tuy nhiên, những thời đoạn đi qua, với biết bao thăng trầm mà Phật giáo đã cùng có mặt với đất nước và dân tộc. Cái thời vàng son ấy của Phật giáo đã bị mai một, khi triều Lý-Trần được thay bằng triều Lê. Thời gian đầu Phật giáo vẫn giữ được ưu thế, nhưng đến cuối Lê thì Phật giáo được thay bằng Nho giáo.

          Sự suy yếu của triều đình Hậu Lê đã làm cho sự tranh giành của các phe phái diễn ra quyết liệt và hỗn loạn. Mạc Đăng Dung dần dần chiếm ưu thế, đến năm 1527 nắm toàn bộ quyền hành trong tay, lập nên nhà Mạc. Giai đoạn này chiến tranh tàn khốc, cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt, khiến dân chúng rơi vào cảnh lầm than.

          Trong thời đoạn đất nước bị chia cắt, chiến tranh kéo dài. Chính lúc ấy sự có mặt của Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cho người dân ở các xóm làng quên đi sự đau khổ của chiến tranh phong kiến, thiên tai… mà quay về đời sống tâm linh nơi chính mình.

          Về tư tưởng, dùng Nho giáo để củng cố chính quyền, tình trạng mua quan bán chức công khai nên bộ máy quan lại ngày càng đông mà thực chất chỉ là hư danh. Vì thế vua chúa và Nho sĩ là những người đại diện đứng ra dung thông Tam giáo.      

Nhìn chung, Phật giáo thời Hậu Lê đã cho chúng thấy được nét khởi sắc của Phật giáo, dù thời đoạn có thành bại, nhưng nền tảng chân lý không sai khác. Thế nên, đối với các vị thiền sư lúc bấy giờ, dù có được trọng dụng hay không thì cuộc đời các Ngài vẫn thanh nhàn trong chốn thiền môn, nơi nào đủ duyên thì hiện, không đủ duyên thì ẩn. Cái đến đi của các Ngài khác nào:

“Nhạn quá trường không

Ảnh trần hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”

                   (Thiền sư Hương Hải)./

SC Minh Thức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nguyễn Đại Đồng- PD Nguyễn Thị Minh (sưu tầm và biên soạn), Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927- 1938), NXB Tôn Giáo, 2007.

- Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, NXB Giáo Dục, 2002

- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Hà Nội, 1994

- Phật học cơ bản, Chương trình Phật học hàm thụ, tập 4, NXB Tôn Giáo

- Trương Hữu Quýnh chủ biên- Phan Đạo Doãn- Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Giáo Dục

 

[1]  Trương Hữu Quýnh chủ biên, và các tác giả khác, Đại cương lịch sử Việt Nam, tâp I, NXB Giáo Dục, tr.333

[2]  Chương trình Phật học Hàm Thụ, tập 4, NXB Tôn Giáo, tr. 227

[3]  Dẫn theo Nguyễn Đại Đồng, PD Nguyễn Thị Minh ( sưu tầm và biên soạn), Phong trào chấn hưng Phật giáo ( tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927- 1938), NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 16

[4]  Trương Hữu Quýnh chủ biên, và các tác giả khác, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Giáo Dục, tr.33

[5]  Đại cương lịch sử Việt Nam, tâp I, sđd, tr. 385

[6]  Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, NXB Giáo Dục, 2002, tr. 311

Lên đầu trang