GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Lễ Rước kinh Phật và Khai mạc Trùng tụng kinh điển Tipitaka lần thứ 19 tại Ấn Độ

Sáng ngày mùng 2/12/2024 (nhằm ngày 2/11/giáp Thìn), tại khu vực Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, tọa lạc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ long trọng diễn ra lễ rước kinh tạng và khai mạc trùng tụng kinh điển Tipitaka.

 


Bắt đầu từ 7 giờ sáng (theo giờ địa phương), các đoàn Phật giáo đến từ nhiều nước đã tập trung tại chùa Hoàng gia Thái Lan (tại Bồ Đề Đạo Tràng- Ấn Độ) cung rước kinh Phật đến sân vận động Kalachakra để khai mạc lễ trùng tụng kinh điển trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ ngày 2/12 đến ngày 12/12/2024.
Năm nay, năm 2024, đất nước chùa tháp Campuchia đăng cai lần thứ 2 lễ trùng tụng kinh điển Tipitaka dưới cội cây Bồ Đề linh thiêng với sự tham dự 12 nước Phật giáo trên thế giới.

 


Sau 3 tháng Đức Phật nhập Niết bàn, các vị đại đệ tử đã tập hợp lại 500 vị A La Hán để kiết tập kinh điển, ôn tụng lại những lời dạy của Đức Phật dưới sự chủ trì của trưởng lão Maha Kassapa và với sự phát tâm ủng hộ của vua Ajatasatu trong vòng 7 tháng.
Sau 100 năm, 700 vị A La Hán trưởng lão đã tập trung tại Vesali tổ chức đại hội kiết tập kinh điển lần thứ 2. Đại hội diễn ra trong vòng 9 tháng do ngài Yassa làm chủ trì.
300 năm sau khi Đức thế Tôn nhập diệt, đại hội kiết tập kinh điển lần thứ 3 được diễn ra tại Pataliputta với sự tham dự 1000 vị A La Hán dưới sự ủng hộ của vua Ashoka.
450 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, tại đất nước Srilanka, 1000 vị A La Hán lại tập trung 1 chỗ để kiết tập kinh điển lần thứ 4.

 


Sau đó, kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 5, thứ 6 được diễn ra tại Myanmar.
Trải qua hơn 2600 năm, dòng mạch Phật pháp vẫn luôn chảy, tồn tại 3 tạng kinh điển của Đức Thế tôn. Kinh, Luật, Luận còn gọi là Tipitaka.

 


Mỗi ngày, buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ chiều, hơn 5000 chư tăng ni, Phật tử từ các nơi tập trung dưới cội cây Bồ Đề linh thiêng để trùng tụng kinh điển bằng ngôn ngữ Pali. Đây là cơ hội để chư tăng ni các nước trên thế giới có cơ hội tập trung lại một chỗ ôn tụng lời Phật dạy thông qua kinh tạng bằng ngôn ngữ cổ Phật giáo, học hỏi lẫn nhau, giao lưu, chia sẻ văn hóa trong tinh thần sống chung tu học, lục hòa, đoàn kết, mà Đức Phật đã dạy.

 

Nguồn: Giác Tự & International Tipiṭaka Chanting Council Vietnam.

Lên đầu trang