GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Lễ Truy niệm và Cung tống Kim quan Cố Hòa Thượng Thích Quảng Bửu nhập tháp.

Sáng ngày 04.5.2016 (28.3. Bính Thân) Lễ Truy niệm và Cung tống Kim quan Cố Hòa Thượng Thích Quảng Bửu nhập tháp đã trang nghiêm diễn ra tại Tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Quang lâm chứng minh hộ niệm có Chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh và Ban Chức sự Đàn tràng Tang lễ, Chư Tôn đức Tăng Ni Ban Tổ chức Tang lễ, Chư Tôn đức Tông môn pháp phái trong và ngoài tỉnh, Tăng Ni sinh 7 khóa Trường TCPH Bình Định và đông đảo Chư Thiện tín Phật tử, Gia đình Phật tử các Tự viện trong và ngoài tỉnh cùng vân tập về hộ niệm tiễn đưa kim quan Cố Hòa Thượng ân sư nhập tháp.

Công hạnh một đời in tháp bạc, Đạo nghiệp muôn thuở ngự sen vàng. Trong giờ phút trang nghiêm, quì trước Giác linh đài Tỳ kheo Thích Đồng Trí thay mặt Môn đồ pháp quyến cung tuyên tiểu sử của Hòa Thượng Thích Quảng Bửu.

Hoà thượng thế danh: Nguyễn Bá Cừu, Pháp danh Quảng Bửu, tự Trí Biện, hiệu Minh Trí. Sinh năm Giáp Thân (1944) trong một gia đình thâm tín Phật giáo ở thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Tú pháp danh Thị Ngọc, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Dung, pháp danh Thị Tánh. Hoà thượng là con trưởng trong một gia đình có 11 anh em. Gia đình Hòa thượng đều là Phật tử thuần thành tại chùa Thiên Trúc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tinh Bình Định.

Vốn có túc duyên với Phật pháp, từ nhỏ Hòa thượng đã xin cha mẹ xuất gia nhưng bị thân mẫu khước từ vì Hòa thượng là trưởng Nam trong gia đình. Sau một thời gian học chương trình Tú tài tại trường Cường Để, Quy Nhơn, với tâm nguyện thoát tục mạnh mẽ, vào năm 21 tuổi (1965) Hòa thượng đã được song thân cho xuất gia tu học với Cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện tại Tu viện Nguyên Thiều.

Trước khi xuất gia, Hòa thượng đã Qui y với Cố Hòa thượng Thích Giác Ngộ tại chùa Thiên Trúc với pháp danh Quảng Bửu. Khi xuất gia tại Tu viện Nguyên Thiều, Hòa thượng theo lời dạy của Bổn sư là Cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện là vẫn giữ pháp danh Quảng Bửu và được Hòa thượng Bổn sư cho pháp tự Trí Biện và pháp hiệu Minh Trí. Năm 1968 thọ giới Sa di tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Tổ đình Long Khánh do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu. Năm 1973 thọ giới cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang cũng do Cố Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đàn đầu.

Những kiến thức Phật học uyên thâm về Luật học, Kinh Tạng và các bộ luận Đại thừa mà Ngài giảng dạy sau này cho Tăng Ni sinh và chúng đệ tử là kết quả của việc Hòa thượng tự tìm tòi, học hỏi và tham vấn học kinh luận với cố Hòa thượng Thích Bình Chánh tại Tổ đình Sơn Long, Tp. Quy Nhơn. Với tinh thần trau dồi đạo phong qua việc nghiêm trì giới luật, ngoại trừ khi thân bệnh trầm trọng, Hòa thượng không bao giờ vắng mặt bất kỳ thời khóa công phu, bái sám, Bố tát và thù ân nào.

Trong suốt 25 mùa an cư, Hòa thượng đã đích thân hướng dẫn đại chúng công phu bái sám miên mật, ngày đêm sáu thời tinh tấn hành trì làm cho năng lượng tu tập thiền môn ngày càng hưng vượng. Tuy vậy, Hòa thượng vẫn luôn dành thời gian để giảng dạy kinh luật cho đại chúng trong trường hạ cũng như tại trường TCPH Bình Định.

Năm 1992, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định thành lập Trường Cơ bản Phật học, nay là trường TCPH Bình Định, Hòa thượng được Ban Giám hiệu mời làm giáo thọ kiêm Giám luật từ năm 1992 đến năm 2015. Đức hạnh, lòng từ bi và kiến thức nội điển uyên thâm của Hòa thượng đã khiến cho Tăng Ni sinh từ khóa I đến khóa VII vô cùng kính ngưỡng và thán phục. Hòa thượng rất nghiêm túc trong các môn học mình phụ trách và không bao giờ để gián đoạn. Hòa thượng là bậc tinh nghiêm giới luật, là nhà giáo dục mô phạm nên bao thế hệ Tăng Ni luôn xem Ngài là điểm tựa tâm linh, là biểu tượng cao cả cho sự nghiệp tu học của mình.

Năm 2001, Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài tiếp nối Phật sự của Bổn sư để lại, với trọng trách đệ nhị trú trì Tu viện Nguyên Thiều.

Từ năm 1994 đến năm 2013, Hòa thượng được Giáo hội tỉnh cung thỉnh trong hàng thập sư và giáo thọ A-xà-lê cho nhiều Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Thành phố Quy Nhơn: Năm 1994, Đệ Ngũ Tôn Chứng tại Đại Giới Đàn Phước Huệ, Năm 2000, Đệ tứ tôn chứng tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, Năm 2004, Đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Huệ Chiếu, Năm 2009, Hòa thượng Đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn Giác Tánh, Năm 2013, Giáo Thọ A-xà-lê tại Đại Giới Đàn Kế Châu.

Hoà thượng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phiên dịch và in ấn Kinh, Luật, Luận. Những tác phẩm dịch thuật gồm: Luận Khởi Tín, Luận Đại Thừa Chỉ Quán, Luận Phật Thừa Tông Yếu, Nghi thức Truyền Giới, Nghi thức Bố tát Tỳ Kheo, Hai Thời Công Phu.

Hòa thượng luôn tự thân nghiêm trì và khuyến hóa các Tăng Ni trẻ phải biết trân quý và hành trì luật nghi. Ngài rất ít nói, chuyên lấy thân giáo để nhiếp hóa và uốn nắn đạo hạnh của đại chúng. Vì lý do đó, rất nhiều Tăng Ni và Phật tử tìm về Nguyên Thiều để xin xuất gia làm đệ tử, hoặc y chỉ, hoặc quy y.  Hòa thượng đã truyền thọ Ngũ giới, Thập thiện giới và Bồ-tát giới tại gia cho rất nhiều Phật tử ở khắp nơi. Ngài đã độ hơn 15 vị đệ tử xuất gia và hướng dẫn tu học cho rất nhiều Tăng chúng tại bổn viện.

Để đáp ứng nhu cầu tu học cho Tăng chúng Tu viện, Hòa thượng đã khai khẩn đất đai xây dựng mới Tây đường, phòng khách và khu Tăng đường phía sau tổ đường. Trước khi lâm trọng bệnh, Hòa thượng đã kiến thiết xây dựng khu trai đường phục vụ cho việc an cư hằng năm của Tu viện và nhiều hạng mục khác để Tăng chúng có nơi nội trú.  Năm 2010 Hòa thượng xây dựng mới chùa Long Tường, Tuy Phước trở thành ngôi phạm vũ tôn nghiêm.

Vào những năm cuối đời, sức khỏe của Hòa thượng ngày một suy yếu, thân tuy bệnh nhưng tinh thần vẫn luôn tự tại, tràn đầy nhiệt huyết, nhất là đối với việc giảng dạy tại Trường TCPH Bình Định. Ba tháng trước khi viên tịch, dù thân lâm trọng bệnh, nhưng Hòa thượng vẫn cho đệ tử photo Luận Đại Thừa Chỉ Quán để giảng dạy cho Tăng Ni sinh khóa VII. 

Vào cuối mùa an cư năm Ất Mùi, PL 2559, bệnh cũ tái phát và trở nên trầm trọng. Mặc dù đã được hàng đệ tử thân cận tận tình chăm sóc và được các bác sĩ, y sĩ tận tình  chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hoà thượng đã an tường xả báo thân lúc 0 giờ 55 phút ngày 01 tháng 05 năm 2016 (nhằm ngày 25 tháng 03 năm Bính Thân). Trụ thế 73 tuổi đời, Hạ lạp 44 tuổi đạo. Giới luật tôn nghiêm, đạo hạnh soi đường cho hậu thế, Làu thông giáo điển, lòng từ tỏa khắp cõi nhân gian.

Trước giờ tiễn biệt, Đại đức Thích Đồng Kỳ kính dâng đôi dòng cảm niệm:

Duyên trần sinh diệt, hợp tan

Giã từ cuộc mộng nhẹ nhàng ra đi

Nay Người chích lý Tây quy

Chúng con xúc cảm ai bi nghẹn lời !...

Hôm nay, một ngày in đậm nỗi bùi ngùi man mác của Tăng chúng Tu viện Nguyên Thiều cùng toàn thể Tăng Ni sinh 7 khóa. Phút chốc nữa đây, nhục thân Hòa Thượng Ân sư nhập Bảo Tháp. Thế là từ nay vĩnh viễn không còn cơ hội diện kiến từ dung của Người với hình hài này nữa. Trong phút giây tiễn biệt này, chúng con phủ phục trước Giác linh đài, thay mặt cho Môn đồ pháp quyến có đôi lời bộc bạch tâm tình với Hòa thượng Ân sư.

Kính lạy Thầy !

Cho con xin được gọi lại tiếng “Thầy” thân kính của ngày xưa ấy, khi chúng con từng bước vụng dại đầu tiên nơi chốn Già Lam Nguyên Thiều. Thầy là người đón nhận chúng con, ân cần tìm hiểu quán xét mọi căn cơ, hoàn cảnh xuất gia của chúng con, ban cho chúng con, những đứa trẻ thơ ngu muội, những kẻ lãng tử hồi đầu, dòng Pháp nhũ ngọt ngào. Uốn nắn chúng con từng dáng đi, kiểu ngồi, cách ăn, cách nói… để chuyển hóa phàm tánh và huân tập dần nền nếp Thiền môn. Thầy luôn gần gủi với từng người trong chúng con mỗi khi sinh hoạt và tu học, khi khai sơn phá thạch, lúc kéo gạch phụ hồ hoặc tưới rau, quét rác.

Rời gia đình, xa vòng tay yêu thương bảo bọc của cha mẹ, với cái thời non dại ấy, chúng con chưa có ý thức được gì nhiều. Chúng con thật có hạnh duyên được Quý Ngài, Sư Ông và Thầy thương yêu, dắt dìu như người Cha, người Anh trong gia đình tâm linh vậy. Nhờ đó mà chúng con khỏi ngỡ ngàng choáng váng mà từng bước thích nghi với nếp sống Thiền môn. Thật khó mà tìm được một bậc chân tu có lòng bao dung và yêu thương chúng vô bờ bến, tận tình chu đáo, nhắc nhở chỉ bảo và uốn nắn sửa sai cho đàn hậu học như Thầy. Thầy đúng là bậc mô phạm tòng lâm, thức dậy từ sáng sớm, công phu hai thời tinh chuyên cả đời, chỉ trừ khi sức khỏe không cho phép. Phân chia công việc chấp tác rõ ràng và phù hợp, quán sát, hướng dẫn, điều chỉnh khắp mọi hiện trường khi chúng đang làm việc. Còn được chút ít thời giờ nào rảnh rỗi trong ngày thì Thầy không ngừng nghiên tầm Kinh điển, dịch thuật và nghiên cứu, tư duy. Mỗi lời nói đều là diệu ngôn, mỗi cử chỉ đều là diệu hạnh, mỗi bước đi uy nghi thanh thản, mỗi nụ cười chan chứa yêu thương.

Thầy đảm đang quán xuyến từ trong ra ngoài, từ việc hầu cận một mực tôn kính lãnh ý chỉ của Quý Ngài, Quý tôn túc cho đến việc ứng xử trong Đạo ngoài đời. Khi chúng con làm chú tiểu, có những lúc giải đãi trốn công phu, ham ngủ, biếng học, công việc trễ nãi… nhờ sự quan tâm, giáo dưỡng của thầy mà chúng con vượt qua tập khí, nghiệp chướng mà hướng thượng và phát triển dần dần cho xứng đáng hạng xuất gia.  Thầy là hiện thân của Chân Thiện Mỹ. Ở nơi thầy đầy đủ cả ba phương diện : Thân Giáo, Khẩu Giáo, Ý Giáo. Chúng con dần hiểu ra rằng : Đạo không ở đâu xa, đạo ở quanh ta, trong mọi thời gian, trong mọi việc làm.

Thế nhưng luật vô thường thật lạnh lùng nghiệt ngã, già và bệnh luôn xảy ra với tất cả những ai còn tạm mượn thân hình hài ngũ uẩn. Thầy lâm trọng bệnh, chữa trị khắp nơi vẫn chưa khỏi hẳn. Nhưng Thầy vẫn luôn nén cơn đau, nở nụ cười hàm tiếu, nhẹ nhàng, ân cần khuyến bảo, hàng ngày ngồi chung quá đường, tối sớm tụng kinh với đại chúng. Chúng con lấy làm ái ngại thỉnh thầy nghỉ ngơi, an tâm dưỡng bệnh. Thầy mỉm cười, lắc đầu nhẹ bảo: dù còn một chút hơi tàn thầy cũng phải lo cho Phật pháp, lo cho mấy con. Thầy vốn là vậy đó : đơn giản, bình dị, khiêm cung, gần gũi, nhưng thật cao cả, nhiệm mầu.

Tâm Thầy sáng hơn trăng rằm soi sáng

Chí Thầy cao quá ngọn Tháp Chàm cao

Tình yêu thương, sông Côn vỗ rạt rào

Khắp Tu viện, Thầy chở che bóng mát…

Giờ phút này đây, khi nhục thân của thầy sắp vùi sâu trong lòng đất lạnh, chúng con cảm thấy ngôn ngữ chỉ là sự chắp vá tầm phào. Biết nói sao cho hết được tâm và tình của Thầy đã dìu dắt chúng con suốt hành trình đã qua. Những gì mà chúng con có được như hôm nay, tất cả đều nhờ Thầy khai thị, hun đúc và những gì còn khiếm khuyết đều do chúng con buông lung chưa vâng hành theo ý chỉ của Thầy. Giới thân huệ mạng chúng con hôm nay đều nhờ Thầy tác thành cho.

Trước Kim quan và Giác linh của Hòa Thượng Ân sư, đối trước Hiện tiền chư Tôn Đức Tăng già, chúng con hàng môn đệ của Người xin phát nguyện trọn đời tinh tấn tu học, vâng hành pháp nhũ của Người, thừa đương Tổ nghiệp, truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, góp sức cho việc đào tạo Tăng tài, dắt dìu hậu tấn, tạo cho Thiền môn hưng thạnh, hải chúng an hòa, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh để khỏi cô phụ công ơn giáo dưỡng và niềm tin tưởng của Người đặt cho chúng con.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia bị cho Giác linh Hòa Thượng Ân sư cao đăng Phật quốc, thượng Phẩm thượng sanh, hồi nhập Ta bà tiếp tục dắt dìu chúng con và pháp giới chúng sanh ra khỏi lầm mê, đồng trở về bến giác. Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng Ân sư thùy từ chứng giám.

Giờ Di tống Kim quan đã điểm, TT. Thích Đồng Hương, Đệ nhất Sám chủ và lục vị Đại đức Kinh sư cử hành nghi lễ di kim quan. Sau đó cung thỉnh HT.Thích Giác Trí đến kim quan, cử hành nghi thức phất trần cung tống Kim quan Cố Hòa Thượng nhập Bảo tháp. 

Hàng ngàn đôi bàn tay chắp lại với tất cả lòng thành kính, đứng nối nhau trang nghiêm niệm Phật cung tiển Kim quan cố Hòa Thượng đến báo tháp trong tiếng chuông trống Bát nhã trầm hùng hòa cùng âm vang tiếng niệm Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật của hàng ngàn Tăng Ni sinh và hàng ngàn Phật tử. Trên bầu trời hào quang xuất hiện để soi sáng cho Giác linh bậc chân tu cao đăng thế giới chơn như thanh tịnh.

Lễ cung rước Kim quan nhập bảo tháp được diễu hành trang nghiêm trong khuôn viên Tu viện Nguyên Thiều. Những tràng hoa tuôn rãi, những giọt nước mắt tiếc thương một vị Tôn sư khả kính dã về cảnh giới vô tung bất diệt.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ Thập Ngũ  Thế, Nguyên Thiều Tu Viện, Đệ Nhị Trụ Trì, Húy thượng Quảng hạ Bửu, Hiệu Minh Trí, Tự Trí Biện Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám. 

Lên đầu trang