GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

NGỌC DUYÊN PHỔ CHIẾU CHƠN NHƯ

(Thành Kính tưởng niệm Giác Linh cố Hòa Thượng Đạo Hiệu Thích Giác Tần,

Trụ Trì Tịnh Xá Ngọc Duyên, Bình Định)

Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa Thượng!

Than ôi!

Một Long Tượng vừa ngã

Một đại thọ vừa nghiêng

Cuộc hóa duyên vừa mãn

Người trở về Tây Thiên.

 

Nhớ khi xưa :

Năm Canh Dần (1950), tại Xuân Hòa, Hòa Kiến

Ở ngoại ô bên thành phố Tuy Hòa

Nơi gia đình của cụ ông Trần Quyễn

Đủ phước duyên, Người được hạ sanh ra.

 

Người vốn là một người con hiếu thảo,

Kính song thân, luôn ngoan ngoãn vâng lời

Rộng lòng thương, thấm nhuần nơi nếp Đạo

Sớm dãi dầu, mới năm tuổi mất Cha.

 

Mẹ và em đã xuất gia cửa Phật

Chị kế Người vi đất nước hy sinh

Người anh cả đã yên bề gia thất

Sớm ưu tư, Người đối diện chính mình.

 

Tuy tại gia, chí xuất trần lộ rõ

Lo tịnh tâm, tinh tấn với chay trường

Sống vị tha, giúp người trong cảnh khó

Giữa hồng trần, tâm không loạn, không vương.

 

Năm Sáu Tám (1968) tại Ngọc Tòng Tịnh Xá

Ngài Giác An cho thế phát xuất gia

Hợp căn duyên, ban Pháp Danh Huệ Học

Kể từ đây, Người hành nguyện cao xa.

 

Thật hạnh phúc bên chân Thầy học Đạo

Ngày mỗi ngày lo tinh tiến hành trì

Năm Bảy Mươi (1970) tại Tịnh Xá Ngọc Bảo

Người đăng đàn thọ nhận Giới Sa Di.

 

Một năm sau (1971), Sư Phụ Người vắng bóng

Ngọc Cát vương bao hương khói mịt mờ

Một mình Trò giữa dòng đời gió lộng

Biết làm sao, cảnh non yếu bơ vơ?!

 

Năm Bảy Tư (1974) tại Quy Nhơn, Nhơn Lý

Người đăng đàn Cụ Túc tại Ngọc Hòa

Nương Giác Dũng Ân Sư làm Y Chỉ

Với Bát – Y hoằng Pháp khắp gần xa.

 

Pháp âm Ngài như chuông ngân vang dội

Khắp miền Trung, duyên hải với Tây Nguyên

Bao tháng năm miệt mài, không mệt mỏi

Nơi nào cần có Ngài đến gieo duyên.

 

Năm Bảy Lăm (75) được xếp về Bình Định

Nơi Ngọc Duyên để giúp việc Trụ Trì

Ngài đóng góp nhiều vai trò trong Tỉnh
Trùng Tu nên một Phạm Vũ uy nghi.

 

Thân tứ đại theo tháng năm mòn mỏi

Trải bao lần Ngài ốm yếu suy hao

Biết bệnh duyên nhịp cầu không tránh khỏi

Ngài ung dung, không một chút nôn nao

 

Ngài sinh hoạt hàng ngày theo thời khóa

Vừa điều thân, vừa tinh tiến lợi sinh

Ngài giản dị, đơn sơ, gần gũi quá

Sống sẻ chia, bồi đắp biết bao tình.

 

Đông rét mướt, Ngài cho mì, cho áo

Gặp bệnh nhân, Ngài cho thuốc cho thang

Cơn đói khổ, Tịnh Xá san sớt gạo

Ngài chở che bao nhiêu cảnh lầm than.

 

Giác huyễn trần, Ngài dang tay tế độ

Ngộ chơn như, Thầy ứng xử từ nghiêm

Như Bồ Tát, Ngài hiện thân cứu khổ

Giữa sông mê, lèo lái một từ thuyền.

 

Gương cao cả, diễn bày sao cho xứng?

Như năm qua tại Bình Định giới đàn (2017)

Bệnh trở nặng, Ngài vẫn làm Tôn Chứng

Góp phần mình cho đàn giới nghiêm trang.

 

Tâm vô cùng nhưng lực Ngài đã kiệt

Đầu tháng Giêng năm Mậu Tuất thâu thần (2018)

Người thể nhập vào vô biên Tịch Diệt

Xả huyễn thân, Ngài chứng đắc Pháp Thân.

 

Sáu Chín (69) năm nơi Ta Bà hóa hiện

Ngài đã mang bao phước lợi trần gian

Hình ảnh Ngài vẫn còn đây bất biến

Người dấn thân cho Chánh Đạo huy hoàng.

 

Mỗi lời nói là khuôn vàng thước ngọc

Ánh mắt nhìn đều ban rải tâm từ

Thân giáo Ngài chứa bao nhiêu bài học

Cho hậu lai hằng quy ngưỡng Tôn Sư.

 

Đàn con dại còn chờ Ngài giáo hóa

Phật sự kia còn dang dở công trình

Ngài đã quyết xả ra đi sớm quá!

Vậy từ nay khép lại kiếp nhân sinh.

 

Dòng nước chảy còn chờ ai soi bóng

Nơi Ngọc Duyên nay vắng tắt nụ cười

Bao đệ tử đang ngậm ngùi ngưỡng vọng

Hoa lá kia xào xạc gọi tên Người.

 

Hình ảnh Người vẫn còn in sâu đậm

Cuộc đời Ngài là tuyệt tác công trình

Nguyện Giác Linh đăng Tây Phương chín phẩm

Rồi trở về hóa độ hết chúng sinh

 

Nam mô Giác Linh cố Hòa Thượng Trụ Trì Ngọc Duyên Tịnh Xá, Tri Sự Trưởng Giáo Đoàn III Khất Sỹ, thượng Giác hạ Tần thùy từ chứng giám

Ngày mồng 6 tháng Giêng, Mậu Tuất

Khể thủ

Hậu học: Thích Đồng Trí

 

 

 

Lên đầu trang