GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phát triển tổ chức gia đình phật tử trong thời hội nhập

Là một phật tử từ năm 1956, gia nhập đoàn sinh viên phật tử từ năm 1963, tôi chưa bao giờ sinh hoạt với gia đình phật tử. Nhưng mỗi lần đề cập đến danh xưng gia đình phật tử trong đầu tôi hiện lên hai vấn đề.
Một là: Gia đình phật tử là một thành tựu, một sản phẩm bền vững khai sinh từ Thuận Hóa Phú Xuân, có sức lan tỏa ra toàn quốc và tồn tại không có tổ chức nào khác của Phật giáo có thể thay thế được. Bởi thế trước sự thử thách trước và sau ngày 30/04/1975, nhiều tổ chức của tuổi trẻ Phật giáo như sinh viên, học sinh, hướng đạo, thanh niên phật tử .v.v... đều không còn phiên hiệu, riêng gia đình phật tử ẩn đi rồi hiện lại một cách nhẹ nhàng.
Ảnh minh họa (sưu tầm)
Hai là: danh xưng gia đình phật tử gắn với tên tuổi những người thầy(1), những anh chị(2), những bạn bè(3) có nhân cách, có đạo đức, có văn hóa, có ý thức về quốc gia dân tộc tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến thế hệ trước, trong và sau tôi ở Huế. Sở dĩ gia đình phật tử tồn tại và phát triển tốt, theo tôi là nhờ quý vị có trách nhiệm lãnh đạo gia đình phật tử vận dụng tốt giáo lý “khế cơ, khế lý” của đức Phật. 

Tâm và trí sinh viên đại học thời đất nước đi vào kinh tế thị trường hội nhập quốc tế như thế nào?
 
Sáu mươi năm qua, đối tượng gia đình phật tử nhắm đến là các em tuổi Oanh Vũ (7 đến 12 tuổi), Thiếu niên (13 đến 17 tuổi) và nam nữ Thanh niên (từ 18 tuổi trở lên). Phân chia theo lứa tuổi như thế không còn hợp lý cho nên từ năm 1963, đã xuất hiện thêm nhiều tổ chức theo tính chất, nghề nghiệp và trình độ học vấn khác nhau như thanh niên phật tử (phần lớn là người lao động), học sinh phật tử, sinh viên phật tử và hướng đạo phật tử.v.v... Nổi bật nhất là sinh viên phật tử. 

Sau năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử tất cả những đoàn thể tuổi trẻ phật tử trên đều không còn chỗ đứng. Vì thế, từ đó gia đình phật tử trở lại vai trò vận động toàn thể các giới trẻ Phật giáo trong xã hội. Đây là một giải pháp tình thế chứ không phải yêu cầu của thực tế đời sống. Gom hết các thành phần có trình độ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, ý hướng thăng tiến khác nhau vào trong một tổ chức nó tạo được tinh thần hòa hợp nhưng ngược lại nó cũng giữ chân nhau khiến cho tổ chức không tiến lên được. Đối với xã hội và ở khắp mọi nơi, xưa cũng như nay, sinh viên đại học luôn là thành phần ưu tú nhất của xã hội, có ảnh hưởng lớn trong tương lai của đất nước nói chung và tôn giáo nói riêng.
 
Chọn nghiệp
 
Trong cuộc sống theo kinh tế thị trường ngày nay, lý tưởng của tuổi trẻ là làm sao có được một mảnh bằng đại học. Sau đó bằng mọi cách tìm cho được một chỗ làm việc ổn định. Bằng đại học Việt Nam hiện nay thì nhiều mà người có chuyên môn giỏi, có tay nghề cao thì ít, nên muốn có được một chỗ làm việc ổn định, có chỉ số lương cao không phải dễ. Vì thế mới sinh ra chuyện học giả, bằng thiệt, học giả bằng giả, hối lộ, thậm chí có nơi xảy ra chuyện “gạ tình” nữ sinh mới có bằng đại học, mới có được một chỗ làm việc. Một sinh viên có tay nghề cao, thông thạo Anh ngữ, được một Công ty nước ngoài tuyển dụng là hình ảnh lý tưởng nhất của tuổi trẻ trong đại học ngày nay.
 
Đời sống vật chất
 
Vừa đua đòi không thua chị, kém em vừa là phương tiện sinh hoạt, phương tiện học tập, chưa làm ra tiền nhưng hầu hết sinh viên đại học luôn phấn đấu có xe Honda, có điện thoại cầm tay, có Laptop, có đủ tiền mua xăng và tiền mua thẻ điện thoại trả trước. Bởi thế, trong các đại học xảy ra chuyện mất cắp, chuyện tiêu cực trong một số nữ sinh viên.
 
Khủng hoảng tinh thần
 
Tuổi trẻ luôn tôn thờ một thần tượng nào đó. Nhưng trong xã hội ngày nay thiếu vắng các “thần tượng”, như thần tượng văn học, thần tượng âm nhạc, người có nhân cách lớn, thiếu lý tưởng cao cả. Đất nước đã thống nhất, hòa bình, độc lập, hội nhập, đã có nhà nước lo làm giàu, lo giữ nước, không có gì để sinh viên phải ưu tư cả. Chưa bao giờ tuổi trẻ đại học lại căng như bây giờ. Từ cách ăn mặc, kiểu tóc, đi đứng, nhảy nhót, hát hỏng, Nếu đề cập thêm về chuyện ăn nhậu, trai gái nữa thì vô kể.
 
Ngày 10/08/1938, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học, bác Chánh Hội trưởng Lê Đình Thám đã dõng dạc tuyên bố: "Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai...".
 
(Tóm lược hội thảo: Vai trò cư sĩ phật tử và gia đình phật tử trước bước đi lên của Phật giáo trong thời hội nhập và phát triển của đất nước, Huế, 29/07/2011).
 
Tâm Hằng - Nguyễn Đắc Xuân
Lên đầu trang