GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Sinh hoạt GĐPT, Mô Hình Tu Tập Đặc Thù Của Người Cư Sĩ Thể Hiện Tinh Thần Tứ Chúng Đồng Tu

Theo lời Phật dạy, đệ tử Phật gồm bốn chúng :

-Hai chúng xuất gia là Tỳ kheo (Tăng) và Tỳ kheo ni (Ni)

-Hai chúng tại gia là Ưu bà tắc (Nam cư sĩ) và Ưu bà di (Nữ cư sĩ)

Cũng theo lời Phật dạy, giữa bốn chúng có sự bình đẳng về bổn phận :

-Hai chúng xuất gia không phải làm ra của cải vật chất, chỉ chuyên tu để đạt các quả vị Thánh từ thấp lên cao là : Tu đà hoàn, Tư đa hàm, A na hàm, A la hán (theo giáo lý Nguyên Thủy) hoặc : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật (theo giáo lý Phát triển)

Sự chứng Thánh của hàng xuất gia có tác dụng làm tấm gương sáng để sách tấn hàng tại gia, để chứng minh cho mọi người thấy giá trị thật sự của Phật pháp và để cho hàng tại gia tâm phục khẩu phục mà cam nguyện đi theo sự hướng dẫn tu tập của chư Tăng, Ni.

-Hai chúng tại gia có bổn phận làm ra của cải vật chất để cung dưỡng cho chúng xuất gia để các vị yên tâm tiến tu. Chúng tại gia còn là nhịp cầu bắc qua giữa đạo và đời, để giáo lý Phật Đà được len lỏi trong khắp ngõ ngách của xã hội, chan hòa như ánh sáng mặt trời ấm áp chiếu rọi khắp nhân gian, như hạt mưa trong mát rưới xuống ngàn cây nội cỏ…

Phật dạy rõ: hàng xuất gia có phương pháp tu của người xuất thế; Chúng tại gia có phương pháp tu trong đời sống gia đình. Người xuất gia không thể tu theo phương pháp của hàng tại gia, mà người tại gia càng không thể tu theo phương pháp của hàng xuất gia.

 

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng, núi, đám đông và ngoài trời

 

GĐPT sinh hoạt trên phương pháp học mà chơi, chơi mà học

 

Vì vậy, Đức Phật đã thuyết rất nhiều bài kinh dành cho hàng tại gia để họ theo đó mà thực hành, nhằm đem lại giải thoát, an vui ngay trong mỗi phút giây của đời sống. Ngày nay, chúng ta gọi cách tu của người tại gia là tu theo Nhân Thừa.

Xin điển hình một số bài kinh dành cho người tại gia như :

1) Kinh Thiện Sanh: Phật dạy về sáu mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và xã hội : Cha mẹ và con cái – Thầy và trò – Chồng và vợ – Bà con, bạn bè – Chủ và người làm công – Người xuất gia với người tại gia.

2) Kinh Ưu Bà Tắc: Phật dạy hàng cư sĩ giữ nghiêm Năm Giới : Không sát sanh – Không trộm cắp – Không tà dâm – Không nói dối – Không uống rượu. Ngoài ra, Kinh này còn dạy người tại gia quán niệm bôn tâm cao thượng là : Niện Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới.

3) Kinh Phước Đức: Phật dạy hàng tại gia sống cuộc đời thánh thiện để tăng trưởng phước đức cho mình và người. Những điều dạy trong Kinh gồm : Lánh xa kẻ xấu ác, sống thân cận người hiền – Sống trong môi trường thiện lành – Cố gắng học điều hay và trau giồi tay nghề, giữ gìn 5 giới – Hiếu kính với cha mẹ, giữ hạnh phúc gia đình – Thương người và bố thí – Không say sưa, nghiện ngập – Biết khiêm cung, sống tri túc – Thân cận người xuất gia để học hỏi – Tinh tấn tu học giáo lý …

4)Kinh Bốn Ân: Phật dạy người tại gia phải tri ơn và đền đáp bốn ơn trọng : ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia xã hội, ơn Tam Bảo.

5)Kinh Bốn Điều Hạnh Phúc: Đức Phật dạy rằng, người tại gia có 4 loại hạnh phúc là : Hạnh phúc được có vật sở hữu – Hạnh phúc được có tài sản – Hạnh phúc không mắc nợ – Hạnh phúc không bị khiển trách

6)Kinh về Bảy Hạng Vợ: Đối với các cô gái làm vợ, Đức Phật dạy rằng: có 7 hạng vợ : Hạng vợ "kẻ sát nhân" – Hạng vợ "kẻ trộm cắp" – Hạng vợ "bà chủ" – Hạng vợ "người mẹ" – Hạng vợ "em gái" – Hạng vợ "người bạn" – Hạng vợ "tớ gái"

7)Kinh Vu Lan Báo Hiếu: Đức Phật dạy hàng cư sĩ báo hiếu ông bà, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể

8)Kinh Mười Nghiệp Thiện: Đức Phật dạy người tại gia tránh xa 10 nghiệp ác và siêng làm 10 nghiệp thiện để tích lũy phước báu.

9)Kinh Tám Điều Trai Giới: Đức Phật dạy người tại gia tu Bát Quan Trai để thanh tịnh 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý

10)Kinh Quốc Gia Cường Thịnh : Đức Phật dạy hàng vua chúa 7 điều làm cho một quốc gia cường thịnh

Trên đây, chúng tôi chỉ kể ra mười trong tổng số hàng trăm bài kinh mà bậc Đạo Sư thuyết riêng cho hàng cư sĩ nhằm giúp cho giới tại gia tu theo Phật pháp để bản thân được an vui, gia đình được hạnh phúc, xã hội được phần vinh, quốc gia được cường thịnh.

Xuất phát từ tư tưởng của những bài kinh dành cho người tại gia, đồng thời nhằm giúp cho hàng tại gia có điều kiện tu tập phù hợp với hoàn cảnh, tâm tư tình cảm… của người cư sĩ Phật tử, các bậc cư sĩ tiền bối như : Đoàn Trung Còn, Lê Đình Thám, Mai Thọ Thọ Truyền… lần lượt sáng lập ra các hội như : Tịnh Độ Cư sĩ, An Nam Phật Học, Phật Học Nam Việt v.v… Các hội này đã phát huy tác dụng rất lớn, thu hút Phật tử tham gia đông đảo, góp phần đáng kể trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời cận đại (1920-1950).

Đặc biệt là Hội An Nam Phật Học do cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm hội trưởng, ngoài việc tổ chức cho giới cư sĩ miền Trung tu học theo chánh pháp, hội còn tiến xa hơn nữa là tập họp được giới thanh niên trí thức, một thành phần tinh hoa của xã hội, từ trước đó vốn không biết Phật pháp là gì, thì nay qui tụ dưới danh xưng "Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục" làm công việc nghiên cứu, giới thiệu và truyền bá Phật pháp trong giới thanh, thiếu, đồng niên. Kết quả của việc làm này dẫn đến sự ra đời của một đoàn thể thanh thiếu đồng niên mang tên "Gia Đình Phật Hóa Phổ".

Gia Đình Phật Hóa Phổ dần dần lan rộng toàn bộ các tỉnh miền Trung, rồi vào Nam Việt và ra tới Bắc Việt. Cho đên năm 1951, sự lớn mạnh của đoàn thể này đòi hỏi phải có Nội quy mới và danh xưng mới… Vì vậy Gia Đình Phật Hóa Phổ được đồi tên Gia Đình Phật Tử, đồng thời một bản Nội Quy ra đời.

Kể từ đó, Gia Đình Phật Tử không còn là một đoàn thể nhỏ lẻ, mà trở thành một tổ chức lớn mạnh có trên bảy mươi ngàn đoàn viên từ Quảng Trị cho đến Cà Mau (1973) (*).

(Xin mời xem tiếp kỳ sau)

 (*)Báo cáo của Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1973 : "Toàn quốc (từ Quảng Trị đến Cà Mau) hiện có 72.600 đoàn viên GĐPT đang sinh hoạt."   

(theo GĐPT Kiên Giang)

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang