GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ dẫn cách yêu thương

Tờ Lion’s Roar vừa đăng bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, với tựa “Cùng nhau phát triển”, nội dung chỉ dẫn cách yêu thương để ươm trồng hạnh phúc.
 
Quyết định gắn bó với một người hoàn toàn xa lạ là một cuộc phiêu lưu. Bạn phải sáng suốt và nhẫn nại, để có thể “giữ lửa” cho tình yêu của mình về lâu dài. Năm đầu của bất cứ mối quan hệ ràng buộc nào cũng nảy sinh những khó khăn của nó. Bởi lẽ khi yêu, bạn chỉ luôn thấy những hình ảnh đẹp của đối phương, và bạn cưới hình ảnh ấy chứ không phải cưới con người họ. Rồi khi phải sống với họ cả ngày, bạn sẽ khám phá ra sự thật về họ, những thứ không còn giống như hình ảnh ban đầu bạn nhìn thấy nữa. Vì vậy mà thường bị thất vọng.

anh PGTT 933.jpg
Quyết định gắn bó với một người hoàn toàn xa lạ là một cuộc phiêu lưu. Bạn phải sáng suốt và nhẫn nại, để có thể “giữ lửa” - Ảnh minh họa

Yêu thương có chánh niệm

Cuộc tình nào, khởi đầu cũng bằng sự nồng nhiệt, nhưng suy cho cùng, cảm giác ấy chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn ngủi: 6 tháng, 1 - 2 năm. Sau đó, nếu không có những kỹ năng cần thiết và không luyện tập để có đủ sự sáng suốt, phiền muộn sẽ nảy sinh trong bạn và cả đối phương. Lúc này, khi nhìn vào một đối tượng khác, ta sẽ sinh ra ảo tưởng, mơ mộng, ở Việt Nam có câu: “Đứng núi này trông núi nọ”, là vậy.

Khi gắn kết với một người, ta luôn tin mình muốn và có thể chung thủy với họ cả đời. Đó là một thử thách, đòi hỏi con người luyện tập tính kiên định. Phần lớn, xung quanh ta không tồn tại nhiều những mẫu người như vậy. Số lượng ly hôn ở Mỹ lên đến gần 50%, còn lại hầu như không kết hôn nhưng sống như vợ chồng.

Chúng ta thường đòi hỏi sự thành thật, cảm thông, vẻ đẹp tâm hồn, và vì không nhìn thấy những điều đó ở mình, nên ta mới hướng ra bên ngoài để mong cầu. Đó là lý do vì sao chúng ta tin rằng mình đã tìm thấy một người bạn đời lý tưởng, với đầy đủ những phẩm chất trên và bắt đầu yêu, nhưng cuối cùng đều thất vọng.

Thật ra, vẻ đẹp và lòng tốt là những gì vốn sẵn có ở con người, Đức Phật đã chỉ dạy ngay những bài giảng đầu tiên của Ngài. Khi chúng ta được sinh ra, mỗi người đều là một giống khác biệt. Lòng tốt, sự hung ác và thức tỉnh, đó là những thứ tồn tại trong mỗi chúng ta. Lòng tốt hay tánh ác được bộc lộ hay không, phụ thuộc vào hạt giống - hành động hay lối sống - mà mỗi người tự mình gieo trồng.

Con người luôn mưu cầu những gì đã sẵn có trong mình. Nếu bạn tự tin vào điều đó và nương tựa chúng, nghĩa là bạn đang thực hành chánh niệm, chánh giác mỗi ngày. Chúng ta là chủ nhân của sự sống và năm nguyên tố cấu thành chính mình: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi thực hành, chúng ta nhìn sâu vào 5 nguyên tố này và khám phá ra những gì là vốn dĩ sẵn có trong ta: sự tự nhiên của khổ đau, hạnh phúc, bình yên và sợ hãi.

Hầu hết con người thường sợ nhìn vào chính mình và sợ đối mặt với những khó khăn, khổ đau đang hiện diện, bằng cách cuốn theo những xung đột và nổi loạn ngoài kia. Chúng ta nghĩ: “Tôi quá đau khổ. Tôi không muốn gặp lại những điều đó thêm lần nào nữa”.

Song, điều cần thiết là quay về với bản tâm và sắp xếp lại chúng cho hợp lý. Đức Phật đã dạy rõ, cần thu dọn và chuyển đổi những nguyên tố trong mỗi người, bằng cách tự ươm trồng nguồn năng lượng của tuệ giác. Đó mới là thứ đưa chúng ta thẳng đến con đường quay về với chính mình.

Khi thực hành bước đi trong chánh niệm, nghĩa là mỗi bước đi vững chắc và nhẹ nhàng ấy, ta gieo xuống một nguồn năng lượng của tuệ giác, mang ta quay về với hiện tại. Khi ngồi và lắng nghe hơi thở của mình, ý thức về từng nhịp hít thở, cũng có nghĩa là ta gieo trồng nguồn năng lượng của tuệ giác. Cũng như vậy khi làm việc, rửa bát và cả lúc giặt áo quần. Thực hành trong nhiều ngày, có thể làm nguồn năng lượng ấy phát triển và nó sẽ giúp bạn, bảo vệ và cho bạn một động lực để quay về với tự tâm, để nhận biết và ôm chặt những gì vốn là của mình.

Có thể thấy, cảm giác đau đớn, tư duy tiêu cực, là những thứ khiến con người kích động và sợ hãi. Với tuệ giác, chúng ta có thể dành thời gian cho những cảm xúc khó khăn ấy mà không cần phải tìm cách né tránh. Ta có thể ôm lấy chúng như cha mẹ ôm đứa con của mình: “Con yêu, có ta ở đây rồi. Ta quay về đây vì con, để chăm sóc cho con”. Đó là những gì ta nên làm với những xúc cảm, biểu hiện và tư duy của chính mình. Trở thành Phật không phải là điều gì khó. Ta biết, Đức Phật là một người giác ngộ, có khả năng yêu thương và thứ tha mọi thứ. Hãy nhận biết bản thân mình cũng như vậy trong khoảnh khắc nào đó, đó là lúc bạn là Phật không khác.

Tất cả chúng ta đều có hạt giống Phật tánh. Để Phật tánh đó trong bạn có cơ hội hiển hiện ở chính bạn và người bạn yêu, phải tưới nước cho nó mỗi ngày. Nếu chúng ta không tin vào sự tốt đẹp là vốn sẵn có, vì đau khổ mà trách cứ người khác, nghĩa là tự ta đã thất bại trong chính hạnh phúc của mình.

Bạn hoàn toàn có thể dùng những gì tốt đẹp nhất của mình để chuyển hóa những khổ đau, hờn giận, hung ác và sợ hãi đang tồn tại, nhưng nếu không thể quẳng chúng đi, hãy dùng chúng như phân bón để nuôi dưỡng hạnh phúc của mình và bạn đời.

Hai khu vườn

Có hai khu vườn, một của bạn, một của người ấy. Trước hết, bạn phải chăm sóc cho khu vườn của mình và nắm vững nghệ thuật làm vườn đã. Trong mỗi chúng ta đều tồn tại những đóa hoa và những túi rác. Rác đó là sự giận dữ, sợ hãi, phân biệt và tị ganh. Nếu bạn tưới tẩm cho nó, hạt mầm tiêu cực hiển nhiên phát triển. Trái lại, nếu bạn tưới nước cho bông hoa của lòng từ bi, sự cảm thông và yêu thương, hạt giống tích cực hẳn sẽ nảy mầm. Bạn muốn ươm trồng hạt giống nào, đó là tùy ở bạn.

Nếu không biết cách chọn lựa ở chính khu vườn của mình, vậy bạn làm sao có đủ sáng suốt để chọn được đóa hoa ở khu vườn của bạn đời. Bạn cần nắm bắt những tình huống xảy đến và đừng để chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bất cứ khi nào bạn thực hành bước đi trong chánh niệm, hãy khám phá tinh thần và cơ thể mình trong mỗi bước đi, bạn sẽ kiểm soát được mọi thứ.

Khi bạn làm được, bạn có thể trở thành nơi nương tựa cho bạn đời, người thứ ba, thứ tư và nhiều người khác nữa. Sẽ có sự thấu hiểu lẫn nhau tồn tại giữa bạn và người bạn yêu, hạnh phúc sẽ nối tiếp sau đó và cả hai sẽ là nơi nương tựa vững chắc cho nhau.

Nếu bạn có một mối quan hệ khó khăn và muốn hóa giải nó, bạn phải quay lại khu vườn của chính mình, gieo xuống những hạt mầm của từ bi và thấu hiểu. Chỉ như vậy, bạn mới có thể đến bên người bạn đời của mình bằng sự kiên định và từ bi.

Khi muốn gắn bó với một ai đó, hãy hứa sẽ cùng nhau thực hành điều này. Nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau, hãy nhìn nhận nỗ lực của nhau dù là nhỏ nhất. Thông thường, nếu sống cùng nhau lâu, ta sẽ nghĩ mình đã hiểu hết về họ, nhưng thật ra không phải vậy. Khoa học không thể nắm rõ hết những hạt bụi li ti, thì bạn làm sao hiểu tất cả mọi thứ về một người? Người bạn đời kia cần bạn giúp họ tưới cho hạt mầm Phật tánh. Nếu không có sự quan tâm ấy, mối quan hệ của bạn sẽ khô héo đi.

Chúng ta đều cần học nghệ thuật tạo ra hạnh phúc. Nếu thời thơ ấu, bạn nhìn thấy những gì ba mẹ đã làm để tạo ra hạnh phúc cho gia đình, bạn hiển nhiên sẽ biết phải làm thế nào khi trưởng thành để được hạnh phúc. Song, chúng ta đa số không thấy được điều đó nên mặc nhiên không biết phải làm sao cho đúng. Nhưng vấn đề không nằm ở việc đúng hay sai, mà là kỹ năng ít hay nhiều để làm thôi. Sống cùng với nhau là cả một nghệ thuật. Ngay cả khi bạn có thiện chí, vẫn có thể khiến người khác không vui. Để làm người khác hạnh phúc, duy nhất chỉ có chánh niệm. Khi chánh niệm, mọi thứ sẽ biến hóa thành nghệ thuật.

Bạn và người bạn đời của mình đều có một khu vườn của riêng mình, nhưng chúng cần được kết nối với nhau. Cũng như chúng ta có hai bàn tay là tay phải và tay trái, khi ngón tay ở bàn tay này bị đau, tự khắc bàn tay kia sẽ giúp đỡ ngay. Bạn đã bao giờ lấy tay phải đánh nhau với tay trái chưa? Tất nhiên là không. Vì chúng tồn tại trong cùng một cơ thể, như chúng ta, tuy khác nhau nhưng cùng sống trong một tình yêu, đôi khi giúp nhau, đôi khi riêng lẻ, nhưng không bao giờ chống lại nhau.

Cũng vậy, khi bạn nhìn thấy đối phương không thể xa rời bạn, không tốt lên hay xấu đi, hay thậm chí không bằng bạn, cũng đừng phân biệt. Chúng ta hãy khiến người khác hạnh phúc như làm chính mình hạnh phúc và xem nỗi đau của họ là nỗi đau của mình.

Mục tiêu trong việc thực hành chánh niệm là sự không phân biệt. Chúng ta không phải là một quý tộc do được sinh ra từ đâu, sự cao quý nằm ở đức hạnh trong cách nghĩ và hành động của mỗi người. Một người yêu chân thật, là người không phân biệt trong mọi hành động của mình. Anh không phân biệt anh với bạn đời, hay anh với người khác, thì trái tim từ đó mới lớn hơn và tình yêu chẳng còn gì trở ngại được.

Diệu Tạng chuyển ngữ
Theo giacngo.vn
Lên đầu trang