GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Sơ lược chùa Minh Tịnh

 

 

Chốn thanh tịnh lấy từ bi hoằng pháp

Dẫn chúng sinh thoát khỏi chốn lầm mê

Chuông chùa thức tỉnh bao người

Quay về chánh pháp đời đời an vui

Đã từ lâu, ngôi chùa trở thành nơi tu tập, là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của quần chúng và là nơi phản ảnh hồn dân tộc. Chùa Minh Tịnh với chiều dài lịch sử hơn 100 năm đã và đang thể hiện chức năng ấy. Vì vậy, chùa là điểm đến của rất nhiều thiện tín Phật tử và khách thập phương.

Chùa Minh Tịnh hay còn gọi tổ đình Minh Tịnh tọa lạc tại số 35 đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo quốc lộ 1D từ Nam ra Bắc, tới dốc chuẩn bị vào bến xe hướng bên phải nghiêng 45 độ sẽ nhìn thấy hình tháp tròn màu vàng nhô lên cao giữa lòng thành phố. Đó là chùa Minh Tịnh.

Chùa được khai sơn vào năm 1917 tại khu đất đồi khu 6 do hai Phật tử Trừng Quế và Trừng Quy cúng (nay là vị trí gần siêu thị đường Nguyễn Tất Thành). Năm 1963, chùa phải dời về vị trí hiện nay do nhu cầu làm sân bay. Vị trí mới của chùa là vùng đất trủng nước đọng vào mùa mưa gây bao khó khăn, thử thách cho các bậc thiền sư khai sáng.

Chùa Minh Tịnh đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và người thầy có công khai sáng và là tấm gương cho các thế hệ tiếp sau là Hòa thượng Thích Huệ Pháp.

Hòa thượng Thích Huệ Pháp sinh năm 1887 tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài xuất gia với Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên năm 1909 với pháp danh Chơn Phước. Sau đó, ngài được bổn sư cho thọ cụ túc giới vào năm 1911 tại tổ đình Thiên Ấn và được cho pháp tự Đạo Thông, hiệu Huệ Pháp.

Hòa thượng rời Quảng Ngãi vào Bình Định để hành đạo vào năm 1914. Tại Bình Định, Hòa thượng đã tham học với các quốc sư Phước Huệ, pháp sư Phổ Huệ và nhiều bậc tôn túc khác. Với kiến thức uyên bác về nho lẫn Phật học, ngài được tín nhiệm thỉnh làm giáo thọ cùng với quý ngài Trí Hải, Liên Tôn…Đặc biệt, nhờ tinh tấn hành đạo và nhiệt tâm hoằng pháp nên ở tuổi ngoài 30 ngài đã được thỉnh làm chủ giảng tại Phật Học Lưỡng Xuyên ở miền nam. Những bậc tôn túc rường cột của Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng như HT Khánh Anh, HT Huyền Quang, HT Huyền Ấn, HT Thiện Hoa, HT Thiện Hòa, HT Bình Chánh…đều có thời gian học với Ngài.

Với đức độ cao quý, Hòa thượng được cung thỉnh làm giáo thọ A xà lê, yết ma A xà lê, và Hòa thượng đường đầu các giới đàn ở Bình Định, Quảng Ngãi và Nha Trang.

Về học vấn và hiểu đạo, có lẽ đọc 2 cặp câu đối của ngài viết về hiệu chùa thì hàng hậu học có thể cảm nhận được phần nào triết lý cao siêu của Phật giáo và tài năng của Thiền sư:

Minh tư đạo, giác tư dân, trực chỉ vân phi thiên nguyệt lãng

Tịnh bổn tâm, chương bổn Phật, viên âm lôi hưởng hải phong triều.

Hòa thượng Thích Trí Giác, Viện chủ tổ đình Minh Tịnh cũng là trưởng tử của ngài ghi lại và dịch thơ như sau:

Hiểu đạo và làm được đạo, ấy là ánh sáng trăng, sao đêm rằm.

Tâm ta vượt khỏi mê lầm, rõ bày tâm Phật viên âm khắp truyền.

Cặp đối có nội dung nói về nhiệm vụ của người đệ tử Phật là làm cho đạo pháp được truyền bá đến nhiều người để đánh thức tâm thiện của họ, chỉ rõ con đường tu tập giác ngộ giải thoát. Khi tâm thanh tịnh Phật tánh hiển bày thì mọi lời nói ra đều là pháp âm vi diệu đi vào lòng người. Đó là thực hiện di huấn của Đức Thế Tôn “hoằng pháp lợi sanh”:           

Cặp đối thứ hai có nội dung càng uyên thâm hơn:

Minh cảnh tuyệt thân sơ, khứ giả bất lưu, lai bất cự.

Tịnh tâm vong ký ức, lâm hề phi tịch, thị phi huyên.

Hai câu thơ rất hay ấy được Hòa thượng Thích Trí Giác dịch thơ như sau:

Tâm ta sáng tỏ như gương, người qua, kẻ lại không vương vấn lòng.

Chơn như hai chữ đã thông, dù rằng núi vắng, chợ đông không phiền.

Ở cặp đối này, Thiền sư muốn nói rằng là người tu chân chánh thì không phân biệt thân sơ, không dính mắc vào cảnh trần. Kẻ đến người đi đều tùy duyên tan hợp. Tâm thanh tịnh sống “hiện tại lạc trú”, tỉnh thức từng phút giây thì dù ở rừng hay ở chợ tâm đều thấy an vui tự tại.

Có thể nói, hai cặp đối có ý nghĩa rất sâu sắc mang đậm chất thiền của người đệ tử Phật.

Với tài đức của mình, Thiền sư đã độ khá nhiều đệ tử xuất gia và nhất là hàng tại gia. Hiện nay, hàng đệ tử con cháu của Ngài đang hành đạo nhiều nơi trong nước và nước ngoài.

Với công hạnh đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, Thiền sư được triều đình Bảo Đại ban Đao Điệp Tăng cang và ban Biển Ngạch Sắc Tứ cho chùa vào năm 1944.

Suốt cuộc đời, Ngài không đau bệnh cho đến khi viên tịch. Đặc biệt trước lúc viên tịch, ngài biết trước ngày giờ và gọi chúng đệ tử đến để dặn dò. Di chúc xong, ngài ngồi niệm Phật ra đi tự tại vào ngày 11/11/ năm Ất Mão (1975).

Kế thừa tổ sư, Hòa thượng Thích Trí Giác tiếp tục phát huy đạo nghiệp của thầy. Năm 1963, Hòa thượng đứng ra xây mới ngôi chùa Minh Tịnh theo hình chữ khẩu gồm chánh điện, nhà tổ và đông tây đường.

Trải qua bao mưa gió đến năm 1990, Hoà thượng xây dựng cổng tam quan theo kiến trúc ngày nay.

Thế rồi đến năm 1995, Hòa thượng lại phải trùng tu nhà Tổ vì tổ đường cũ bị hư hỏng, ngập nước không sử dụng được do nằm trong vùng nước đọng. Nhà Tổ được xây dựng theo kiến trúc xưa như cột, kèo, cối, chày…nhưng vì điều kiện không cho phép nên được làm bằng xi măng giả gỗ. Dù vậy, kiến trúc xưa tạo nên không gian rất thanh tịnh và thiền vị.

Đến năm 2003, để hoàn thiện ngôi chùa xứng tầm với chiều dài lịch sử của nó, Hòa thượng Thích Trí Giác tiếp tục trùng tu chánh điện với lối kiến trúc phối hợp từ nhiều nền văn hóa Phật giáo. Bên trong chánh điện, ngoài tượng Phật Thích Ca, còn có tượng Phật Dược Sư, tượng Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, các tượng Phật được dán vào các vách tường, các trụ cột. Các tượng Phật bao quanh các bức tường với ý tưởng chư Phật hiện hữu khắp nơi trong không gian tôn nghiêm là chánh điện. Trên trần và tại các trụ cũng được thiết kế kết hợp nhiều kiểu dáng làm cho kiến trúc có sự mới lạ. Đây là một công trình có lối kiến trúc không theo mô típ nào ở Việt Nam.

Phía trên lầu là không gian sân có thể thiền hành, hai bên là tháp chuông để thỉnh chuông mỗi sớm tối và đài Quan Âm để lễ bái. Chính giữa là trụ tháp bốn mặt có 4 tượng Bồ tát tượng trưng cho âm và phía trên trụ tròn vút cao tượng trưng cho dương. Âm dương là triết lý của đạo học phương đông và cũng có ý tưởng là đài sen hay liên hoa tháp.

Trong khuôn viên chùa được bài trí hài hoà. Chùa có 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Phía cổng bên trái từ ngoài đi thẳng vào là tượng Phật A Di Đà. Ngài là hiện thân của lòng từ bi cứu độ chúng sinh về cõi tây phương. Bên trái là hòn non bộ và tượng tam thánh phía trên. Bên phải là tháp Tổ khai sơn cao với lối kiến trúc đặc sắc và bên cạnh là tháp vọng. Tất cả tạo nên không gian tâm linh nhẹ nhàng thanh thoát cho tín đồ và du khách về lễ Phật và thư giản trong yên tĩnh.

Phía cổng bên phải đi vào là tượng Bồ tát Quán Thế Âm và tượng Phật Di Lặc trên cao. Bồ tát là hiện thân của từ bi cứu khổ, lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh để tùy duyên thị hiện cứu độ nên từ lâu là điểm tựa của bao người quy y cầu nguyện. Đặc biệt, tượng Bồ tát Quán Âm ở chùa Minh Tịnh rất nhiệm mầu bởi đã bao lần di chuyển nơi khác nhưng Bồ tát vẫn quyết ở lại trú xứ này. Thật là đúng với câu kệ:

Quan Âm Bồ tát thật nhiệm mầu

Thanh tịnh trang nghiêm nhiều kiếp tu

Nơi nào cầu nguyện Ngài đều đến

Cứu độ chúng sanh thoát khổ sầu

Bên cạnh là nơi tâm linh cho tín chúng lễ bái, thư giản để vơi đi bao khổ đau, chùa Minh Tịnh còn có các chương trình tu học, giáo dục và từ thiện xã hội.

Những năm của thập niên sáu, bảy mươi của thế kỷ 20, chùa có trường tư thục Viên Giác dạy miễn phí cho Tăng chúng và Phật tử nghèo từ các lớp tiểu học đến trung học. Cũng tại nơi đây, một thời Hòa thượng Thích Trí Giác đã giúp bao người vượt qua sự đau đớn do trật khớp, té ngã. Bằng tâm từ bi và trái tim yêu thương, chùa đã chia sẻ đến nhiều cuộc đời khốn khổ và cảm hoá bao chúng sinh lầm lạc hướng về con đường chân chính.

Từ năm 2005 đến nay, mỗi chủ nhật chùa đều tổ chức khóa tu niệm Phật hay Bát Quan Trai cho các Phật tử lão niên; và khoá học đạo đức cho các cháu thiếu nhi. Mùa hè thì có khóa tu cho thanh thiếu niên. Các khoá tu học đều nhằm mục đích hướng đạo cho các cháu hiểu được giá trị của cuộc sống và biết nuôi dưỡng lòng từ bi, cũng như rèn luyện kỹ năng sống.

Mỗi tối, khi tiếng ồn của của cuộc sống lắng xuống, tín đồ Phật tử về chùa tụng kinh để thanh tịnh thân tâm và trau dồi sự hiểu biết về Phật pháp.

Và hằng đêm, chùa cũng có các lớp ngoại ngữ miễn phí cho con em Phật tử nhỏ. Đây là môi trường tốt để các cháu vui học tận hưởng niềm vui tuổi trẻ và có ý thức định hướng tương lai.

Giáo dục là hàng đầu nhưng chùa cũng không quên giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Vào các lễ lớn như Phật đản, Vu lan chùa đều phát những phần quà để trợ duyên cho bà con nghèo. Rồi nhiều đợt trong năm, chùa tổ chức đi thăm và phát quà cho những người khó khăn hay trợ duyên cho những mảnh đời bất hạnh đang cần sự trợ giúp ở các bệnh viện, hay các bảng làng xa của các dân tộc thiểu số nghèo khó ở Vân Canh, Tây Sơn…

Tuy nhiên, để cho hoạt động Phật sự tại Tổ đình được phát triển bền vững, chùa cần có sự chung tay góp sức của thiện tín Phật tử gần xa. Đây là điều mong mỏi của chùa và của rất nhiều người cần sự trợ giúp.

Thoảng trong gió, tiếng chuông ngân vọng

Gọi chúng sinh, thức tỉnh nẻo mê

Quay tâm nẻo chánh hướng về

Thực hành đạo đức, làm nghề chánh chân

 

 

 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh

 

Lên đầu trang